Phóng viên Epoch Times ở Nigeria bị từ chối bảo lãnh
Hôm 23/11, luật sư của phóng viên người Nigeria Luka Binniyat đã nộp đơn xin tại ngoại lần thứ hai tại tòa án nhưng lại bị từ chối một lần nữa, khiến luật sư bào chữa của ông nói rằng thân chủ mình đang bị giam giữ mà không có căn cứ.
Luật sư Yakubu Bawa viết cho The Epoch Times trong một email, “Từ tất cả những gì diễn ra tại tòa án hôm nay, rõ ràng là ông Luka Binniyat đang bị bức hại hơn là bị truy tố.”
Ông Binniyat, một tác giả viết cho The Epoch Times, đã bị buộc tội hôm 09/11 với tội danh “quấy rối qua mạng” đối với Ủy viên An ninh và Nội vụ Quốc gia của tiểu bang Kaduna là ông Samuel Aruwan và đã bị từ chối bảo lãnh.
Ông Aruwan đã đệ đơn khiếu kiện hình sự chống lại ông Binniyat, tuyên bố rằng bài báo trên The Epoch Times hôm 29/10 của ông đã khiến vị ủy viên và gia đình của ông này gặp nguy hiểm. Những người chỉ trích đạo luật quấy rối qua mạng đã lập luận rằng giới chức đang sử dụng nó để dập tắt những ý kiến bất đồng.
Hôm 23/11, Chánh án Aliyu Dogara nói với tòa án trong phiên điều trần rằng ông sẽ nghiên cứu các lập luận pháp lý do ông Bawa đưa ra và ra quyết định về yêu cầu tại ngoại tại phiên điều trần ngày 06/12 tới, theo báo cáo của các hãng thông tấn.
Không có thành viên nào của giới báo chí Nigeria tham dự phiên điều trần này ngoài những người bạn của ông Binniyat, tác giả của The Epoch Times Lawrence Zongo cho biết. Theo các nhà quan sát, phiên điều trần đã bắt đầu lúc 10 giờ 30 phút sáng và kéo dài chưa đầy một giờ.
Ông Bawa nói rằng cơ quan công tố đã yêu cầu hoãn phiên điều trần để chờ tư vấn pháp lý từ Bộ Tư pháp của tiểu bang Kaduna.
Trong lời biện hộ trước thẩm phán, ông Bawa lập luận rằng thân chủ của mình phải được trả tự do hoặc được tại ngoại ngay lập tức.
Ông viết, “Luật sư bào chữa đã nói với thẩm phán một cách rõ ràng rằng tòa án này không có thẩm quyền xét xử ông Luka Binniyat, bởi vì nó không có thẩm quyền đối với tội danh quấy rối qua mạng.”
“Vì những điều trên, nên chúng tôi đã chắc chắn rằng ông Luka Binniyat sẽ được trả tự do,” ông viết. “Cách cuộc truy tố này được tiến hành là một biểu hiện rõ ràng về việc họ chưa sẵn sàng truy tố ông ấy.”
Ông Bawa viết rằng, “Bất cứ khi nào sẵn sàng truy tố, bị đơn có thể được mời đến để bào chữa cho mình. Theo luật, việc bị đơn vẫn bị giam giữ là hoàn toàn sai lầm. Đơn của chúng tôi là để yêu cầu Tòa chấp thuận cho bị cáo tại ngoại.”
Chiến thuật tư pháp của chính quyền tương tự như chiến thuật được sử dụng trong phiên tòa xét xử ký giả báo mạng Steven Kefas, người đã bị buộc tội vào năm 2019 tại một tòa án cấp thấp hơn về tội danh quấy rối qua mạng, vốn chỉ có thể được xét xử tại một tòa án liên bang. Kết quả là ông Kefas bị giam trong các nhà tù của cảnh sát và nhà tù tiểu bang Kaduna suốt 5 tháng trước khi được tại ngoại, theo các công dân đã từ chối công khai danh tính vì sợ hậu quả.
Hôm 29/10, bài báo của ông Binniyat đã chỉ ra rằng một tháng sau khi xảy ra vụ thảm sát 38 người theo đạo Cơ Đốc ở làng Madamai thuộc phía nam tiểu bang Kaduna, vẫn không có vụ bắt giữ hay truy tố nào được công bố.
Trong câu chuyện đó, Ủy viên An ninh và Nội vụ Quốc gia, ông Samuel Aruwan, tự thân vốn là một ký giả hành nghề trước khi đảm nhận vị trí chính phủ của mình, đã mô tả các vụ sát nhân gần đây ở phía nam Kaduna là “các cuộc đụng độ”. Câu chuyện về cuộc đụng độ thường xuyên được các quan chức ở các tiểu bang thuộc Vành Đai Miền Trung của Nigeria sử dụng để giải thích về cái chết của những công dân thiệt mạng trong các cuộc đột kích ban đêm đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người.
Bài báo của ông Binniyat đã trích dẫn lời của ông Jonathan Asake, người đứng đầu Liên minh Nhân dân Nam Kaduna, chỉ trích việc sử dụng từ “đụng độ” để mô tả một cuộc tấn công một chiều của những người đàn ông có vũ trang nhằm vào những nạn nhân không có vũ khí.
Ông Asake nói với The Epoch Times rằng, “Thật là kinh khủng kể từ khi làng Madamai bị tấn công hôm 27/09 năm nay và 38 nạn nhân không vũ trang bị thảm sát, mà vẫn không có ai bị bắt. Và bây giờ điều này đã xảy ra, thay vì truy lùng những kẻ sát nhân đó, thì chính quyền tiểu bang Kaduna dường như đã bác bỏ vụ việc này như là một cuộc ‘đụng độ’ trong đó tất cả các nạn nhân đều là những người nông dân theo đạo Cơ Đốc.”
Trong số những người chỉ trích luật quấy rối qua mạng và luật ngôn từ kích động thù địch nhằm hạn chế “kích động” bạo lực có bà Nina Shea, Giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo của Viện Hudson ở Hoa Thịnh Đốn. “Các lệnh cấm về tội danh mơ hồ quấy rối qua mạng là nhằm ngừng hoạt động đưa tin của báo chí,” bà Shea viết cho The Epoch Times trong một email.
Bà Shea cho biết thêm, “Nhiều ký giả và các tổ chức phi chính phủ lo ngại chính quyền này trả đũa với một mạng lưới luật pháp hạn chế quyền tự do ngôn luận vì bàn luận về một chủ đề thực sự cấm kỵ—đó là bạo lực vì lý do sắc tộc và tôn giáo.”
Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) đã phản đối việc ông Binniyat bị giam giữ trong một bài báo đăng hôm 15/11 và kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho ông.
“Các nhà chức trách Nigeria phải chấm dứt mọi thủ tục pháp lý chống lại ký giả Luka Binniyat, trả tự do cho ông ấy ngay lập tức, và cải cách luật pháp của đất nước để ngăn chặn hành vi hình sự hóa báo chí,” bà Angela Quintal, điều phối viên chương trình Phi Châu của tổ chức CPJ, tại New York, cho biết: “Tranh chấp về việc đưa tin nên được giải quyết theo những cách tránh việc cầm tù các ký giả.”
Ông Binniyat trước đó đã bị cảnh sát Kaduna bắt giữ vào năm 2017 vì bị cáo buộc phá vỡ hòa bình và đưa tin sai sự thật về một bài báo mà ông đã viết cho trang web tin tức Vanguard, như CPJ đã ghi nhận trong năm đó và sau đó tổ chức này đã kêu gọi trả tự do cho ông. Sau khoảng bốn tháng bị giam giữ, ông Binniyat đã được trả tự do, tuy nhiên vụ án đó vẫn chưa được giải quyết với các cáo buộc chống lại ông vẫn còn, ông nói với The Epoch Times.
Ông Douglas Burton là một cựu quan chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, từng được cử đến Kirkuk, Iraq. Ông viết tin tức và bình luận từ Hoa Thịnh Đốn.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: