Phóng viên Epoch Times bị buộc tội với quy định gây tranh cãi về ‘quấy rối qua mạng’
Các chuyên gia cho rằng quy định này được sử dụng để dập tắt tự do ngôn luận ở Nigeria; phóng viên cho biết ông sợ rằng tính mạng của mình đang gặp nguy hiểm.
Hôm thứ Ba (09/11), phóng viên rơi vào tình cảnh khó khăn của Epoch Times Luka Binniyat đã bị buộc tội tấn công người đứng đầu Bộ An ninh Quốc gia Kaduna qua mạng, theo bản cáo trạng về ông tại Tòa Sơ thẩm Barnawa ở thủ đô Kaduna của Nigeria. Những người ủng hộ nhân quyền nói rằng quấy rối qua mạng là một tội danh thường được sử dụng ở Nigeria để bịt miệng báo chí.
Ông Samuel Aruwan, Ủy viên An ninh Quốc gia của tiểu bang Kaduna đã đệ một đơn khiếu kiện hình sự đối với ông Binniyat, khiến ông bị bắt vào ngày thứ Năm tuần trước (04/11). Ông Aruwan nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Hai (08/11) rằng bản tin đăng trên The Epoch Times vào ngày 29/10 của ông Binniyat là bằng chứng về tội kích động bạo lực và gây nguy hiểm cho cá nhân ông này.
Ông Aruwan viết rằng, “Hôm 29/10/2021, tôi chú ý đến một bài đăng trực tuyến do ông Luka Binniyat viết. Trong bài đăng này, ông Binniyat đã dẫn lời Thượng nghị sĩ Danjuma Laah của Khu vực Thượng viện Nam Kaduna, nói rằng tôi đang bị lợi dụng để che đậy một cuộc diệt chủng chống lại những người theo đạo Cơ Đốc ở Nam Kaduna.”
“Trước hết, tôi cực kỳ quan tâm đến tác động của một tuyên bố như vậy đối với nền hòa bình và an ninh của quốc gia chúng ta, vì tình cảm tôn giáo và dân tộc mà bài viết đó đã truyền tải,” ông Aruwan, một người tự nhận là theo đạo Cơ Đốc, viết hôm thứ Hai.
Ông tiếp tục nói rằng ông cảm thấy bị đe dọa bởi bản tin đó. “Tài liệu này đã đặt tính mạng của tôi và tính mạng của gia đình tôi vào nguy hiểm nghiêm trọng và cận kề,” ông viết.
Quy định về quấy rối qua mạng (cyberstalking) là một quy định gây tranh cãi ở Nigeria, nơi nó được thiết lập vào năm 2015. Hành vi này được định nghĩa là “hành động đe dọa, quấy rối, hoặc làm phiền ai đó thông qua nhiều email, cũng như thông qua Internet, đặc biệt là với mục đích khiến người nhận lo sợ rằng một hành động bất hợp pháp hoặc gây tổn hại sẽ xảy đến với mình,” theo ResearchGate.
Theo Ủy ban Quốc tế về Nigeria (ICON), hơn 60,000 công dân Nigeria, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em không có vũ trang, đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công bạo lực mang tính giáo phái kể từ năm 2009.
Giám đốc điều hành của ICON, ông Kyle Abts, nói với The Epoch Times rằng luật quấy rối qua mạng này là nhằm mục đích ngăn chặn việc đưa tin thực tế. Ông nói, “Ông Binniyat bị buộc tội ‘quấy rối qua mạng theo luật tội phạm mạng’, tội danh mà nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng là một hình thức khác để cản trở quyền tự do ngôn luận của chính quyền Nigeria.”
“Ông Binniyat đã được chuyển từ nhà tù của Cảnh sát Kakuri đến cơ sở của Bộ phận Điều tra Hình sự ở Kaduna,” theo bà Tep-rick Emmanuel, trợ lý quan hệ công chúng của Liên minh Nhân dân Nam Kaduna.
Vào sáng ngày thứ Hai (08/11), ông Binniyat đã nhắn tin cho các đồng nghiệp trong khi chờ hầu tòa rằng ông cảm thấy lo sợ cho tính mạng của mình. “Tôi sợ rằng tính mạng của mình đang gặp nguy hiểm. Tôi đã bị đưa đến đây một cách bí mật từ cơ sở giam giữ của cảnh sát trong phòng giam của cảnh sát Gabasawa sau bốn ngày không được xét xử và bị nhốt trong phòng giam một cách vô nhân đạo,” theo tin nhắn ông gửi cho ký giả John Shiklam, một người bạn.
“Tôi vẫn chưa được đưa ra trước một thẩm phán,” ông Binniyat nhắn vào ngày thứ năm bị cảnh sát tạm giữ.
Ông nói thêm rằng, “Tôi vừa mới xoay sở được chiếc điện thoại này.”
Ông được đại diện bởi Luật sư Yakubu Galadima, người sẽ yêu cầu tòa án này chuyển vụ việc lên một Tòa án Cao cấp vào ngày mai để cho phép Thẩm phán nơi đó chấp thuận bảo lãnh tại ngoại bằng tiền, bà Emmanuel cho biết. “Tôi tin rằng [yêu cầu] bảo lãnh tại ngoại này có thể sẽ sớm được chấp thuận,” bà Emmanuel nói.
Tuy nhiên, các nhà quan sát khác lại tin rằng các nhà chức trách đang tìm cách ngăn không cho ông Binniyat được tại ngoại, vì tòa án của Thẩm phán đó không có thẩm quyền cho phép tại ngoại đối với tội danh quấy rối qua mạng, vốn là điều không thuộc thẩm quyền của người này.
“Đây là những gì mà bên công tố đã làm với ông Steven Kefas vào hai năm trước,” theo lời của một người tham dự phiên tòa yêu cầu giấu tên vì sợ bị trả thù. “Họ dự kiến sẽ xét xử ông Luka về tội phỉ báng và tuyên bố sai sự thật, nhưng họ đã đổi nó thành tội quấy rối qua mạng vì biết rằng Tòa Sơ thẩm không có thẩm quyền đối với tội danh đó, và biết rằng có thể sẽ mất thời gian để đệ trình hồ sơ lên Tòa án Cao cấp.”
Ký giả báo mạng Kefas từng bị buộc tội quấy rối qua mạng vào năm 2019 và phải ở tù 160 ngày trong nhà tù chính của Kaduna, ông nói với The Epoch Times.
Theo ông Abts của ICON, “Tội danh quấy rối qua mạng nâng trường hợp của ông ấy lên một tòa án cao cấp hơn, cho phép Thống đốc Tiểu bang Kaduna Nasir el-Rufai có quyền giám sát nhiều hơn đối với trường hợp của ông Binniyat, vốn là điều rất nghiêm trọng đối với ông, vì nếu không có sự chăm sóc và hướng dẫn pháp lý thích hợp, ông sẽ phải sống mòn mỏi trong một nhà tù ở Nigeria.”
Ông Abts nói rằng, “Ông Luka Binniyat đang cố gắng thông báo sự thật này và chia sẻ nó với thế giới. Ông đang bị ngăn cản để tự do bày tỏ suy nghĩ, niềm tin của mình và tình hình thực tế ở Nigeria.”
“Các cáo buộc chống lại ông Luka Binniyat, theo các nguồn tin của tôi, đang có sự tương đồng rõ rệt với các thủ đoạn đã được sử dụng để chống lại các ký giả khác ở Nigeria vì đưa tin chính xác về sự thật cuộc diệt chủng chống lại những người theo đạo Cơ Đốc ở Nigeria,” theo ông John Stewart, một luật sư và nhà thần học của California, người đã đến thăm Nigeria năm lần.
Ông Stewart viết trong một email gửi cho The Epoch Times, “Nếu các nguồn tin của tôi ở Kaduna là chính xác, thì một cáo buộc liên bang về ‘quấy rối qua mạng’ đã được thêm vào các cáo buộc của tiểu bang chống lại ông Binniyat, trong đó có cả cáo buộc ‘xúi giục’, vì bản tin của ông ấy đã được đăng trên Epoch Times hôm 29/10.”
Ông Stewart viết rằng, “Một cáo buộc liên bang sẽ ngăn cản thẩm phán tòa sơ thẩm địa phương cho phép tại ngoại, nghĩa là ông Binniyat sẽ phải sống mòn mỏi trong ngục tù cho đến khi vấn đề này có thể được chuyển cho một thẩm phán liên bang, người có thể cho phép tại ngoại. Có thể sẽ mất vài tuần hoặc lâu hơn để một vụ việc như vậy được chính thức chuyển đến một thẩm phán liên bang. Việc [ông] phải sống trong những điều kiện tồi tàn của một nhà tù thuộc tiểu bang Kaduna đang gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng ông Binniyat và những ký giả khác bóc trần sự thông đồng và tham nhũng của chính quyền trong các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào các tín đồ Cơ Đốc ở Nigeria đều sẽ phải hứng chịu cơn thịnh nộ của chính quyền này.”
Mục sư Johnnie Moore, người hai lần giữ chức Ủy viên của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, đã kêu gọi các tổ chức nhân quyền lên tiếng phản đối cuộc bức hại phóng viên này.
Ông Moore đã nhắn tin cho The Epoch Times như sau, “Các nhà chức trách ở Nigeria hiện đang giam giữ các ký giả làm việc cho các tổ chức truyền thông quốc tế ư? Thay vì làm việc chăm chỉ để viện cớ cho những hành động tàn bạo đang xảy ra trong nước này, thì họ nên dành sức lực đó để sửa chữa chúng đi. Tôi hy vọng lời lên án đồng thanh trên toàn cầu sẽ lớn đến mức mà không thể bị bỏ qua được vì dường như [lúc này] chẳng ai lắng nghe hàng ngàn tiếng khóc lặng lẽ của các nạn nhân vô tội ở Nigeria.”
Ông Douglas Burton là một cựu quan chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, từng được cử đến Kirkuk, Iraq. Ông viết tin tức và bình luận từ Hoa Thịnh Đốn. Quý vị có thể liên lạc với ông tại địa chỉ [email protected].
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: