[Phỏng vấn tuyến đầu] Phơi bày nội tình việc khử trùng chợ hải sản Hoa Nam
Sau một năm kể từ ngày bùng phát virus Trung Cộng (viêm phổi ở Vũ Hán, Covid-19), các chuyên gia của WHO đã đến “khảo sát” tại chợ hải sản Hoa Nam – nơi được cho là nguồn phát tán bệnh dịch, nhưng chợ hải sản Hoa Nam đã sớm được thanh lý sạch từ lâu. Những nhân viên tham gia khử trùng chợ mới đây đã tiết lộ thêm nhiều nội tình với phóng viên, trong đó có việc hàng nghìn hộ buôn bán hải sản bị thiệt hại nặng nhưng không có nơi nào để khiếu nại.
Chợ bán buôn hải sản Hoa Nam, nằm ở Hán Khẩu, quận Giang Hán, Vũ Hán, là chợ đầu mối thủy hải sản có quy mô lớn nhất Vũ Hán nói riêng và cả miền Trung Trung Quốc nói chung, có diện tích xây dựng 50 nghìn mét vuông với hơn 1 nghìn hộ kinh doanh. Năm 2011, khối lượng giao dịch của khu chợ đạt 1.3 tỷ đến 1.5 tỷ NDT. Khu chợ này được cho là nơi bùng phát đầu tiên của dịch virus Trung Cộng. Chợ đóng cửa vào ngày 01/01/2020. Sau đó, chính quyền Vũ Hán đã tiến hành thanh lý toàn bộ khu chợ.
Ngày 18/01/2020, Viên Quốc Dũng, với tư cách là thành viên của nhóm chuyên gia cao cấp Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, đã cùng Chung Nam Sơn đến Vũ Hán thị sát. Trong cuộc phỏng vấn, ông cho biết chợ hải sản Hoa Nam đã được tẩy rửa sạch, không nhìn ra được gì, “Cũng giống như ‘hiện trường gây án’ bị làm rối tung lên vậy”, khiến các chuyên gia không cách nào truy tìm ổ động vật đã dẫn đến việc lây nhiễm virus sang người.
Theo các báo cáo chính thức, vào ngày 03/03/2020, chợ hải sản Hoa Nam đã được khử trùng toàn bộ, chủ yếu nhắm đến các hàng hóa còn tích tồn bên trong chợ. Cho đến nay, khu vực bán hải sản ở tầng 1 của chợ vẫn đóng cửa.
Tình nguyện viên Trương Mông (hóa danh), người từng tham gia vào quá trình thanh lý chợ hải sản Hoa Nam đã nói với các phóng viên về những nội tình ít người biết mà anh đích thân trải nghiệm.
“Toàn bộ quét sạch một lượt, chỉ chừa lại một phòng vỏ sắt”
Trương Mông nói: “Trong thời gian khử trùng, chúng tôi làm việc 24 giờ mỗi ngày, tất cả mọi thứ, gồm cả đồ ăn thức uống đều bị quét sạch sành sanh. Không còn lại gì ngoại trừ một căn phòng vỏ sắt. Tất cả mọi thứ đều bị quét sạch. Tất cả mọi thứ đều như vậy, không để lại bất kỳ thứ gì.”
Trương Mông nói rằng bản thân anh là đến xử lý hậu kỳ, giai đoạn tiền kỳ trước đó đã có nhân viên khử trùng xử lý qua rồi. “Nhưng khi tôi vào, tất cả các két sắt đều đã bị cạy mở, có hàng nghìn hộ kinh doanh, mỗi hộ đều có một chiếc két, toàn bộ đều mở tung. Dùng xà beng cạy ra, dùng gậy phá, tất cả ngăn kéo bên trong các két sắt đều bị cạy ra hết.”
Trương Mông nói rằng những người bán hàng bị mất mát nghiêm trọng, đặc biệt là mất sổ nợ. “Sổ nợ còn quý hơn tiền. Ai làm buôn bán cũng có rất nhiều sổ nợ. Sổ nợ mà mất thì đòi không được tiền”.
Hàng mất cũng lớn. Trương Mông nói, “Tình cờ đúng vào dịp trước Tết, nhà nào nhà nấy hàng chất đầy kho, chỉ trông vào một tháng trước Tết này để kiếm tiền.”
Trương Mông tận mắt chứng kiến nhà kho với các gian hàng gia vị chất hàng thành đống: Đậu nành, đường, bột nêm gà, bột ngọt, xì dầu, dầu hào… toàn là 100 thùng, 200 thùng. “Chúng tôi dùng xe nâng, xe ba bánh, xe máy (mô-tô) để kéo ra ngoài, kéo thâu đêm vẫn không kéo hết.” Cuối cùng, chỗ hàng ấy được xe tải chở đến bãi rác ở nông thôn để đốt và chôn lấp. Anh nói: “Toàn loại xe chín mét sáu, một chiếc có thể kéo hơn 20 tấn, kéo hết ra ngoài, chở đến đổ đầy một bãi rác ở vùng quê”.
Trương Mông nói, cuối cùng, chợ hải sản Hoa Nam “đã chẳng còn gì bên trong, chỉ là một cái nhà hỏng, thanh lý sạch sành sanh.”
Hộ kinh doanh chuyển đi hết, cảnh phồn thịnh đã không còn
Đàm Quân (hóa danh) trước là chủ một công ty thủy sản ở chợ hải sản Hoa Nam, chủ yếu bán cá. Sau khi khu chợ buộc phải đóng cửa, anh chuyển đến Chợ Hải sản Tứ Quý Mỹ vào tháng 8 năm ngoái và kinh doanh cùng mặt hàng, nhưng doanh thu của địa điểm mới không bằng Chợ Thủy sản Hoa Nam.
“Nhóm khách hàng chính của chúng tôi là nhà hàng, nhưng vì nơi này hơi xa nên đã mất nhiều khách, buôn bán chỉ kiếm được một phần ba so với ban đầu.” Đàm Quân cho biết ở Hoa Nam trước kia anh phải thuê ít nhất hai người làm, nhưng chuyển về chỗ này thì cơ bản chỉ đủ trang trải cho bản thân, không có tiền thuê nhân công.
Trải nghiệm của Đàm Quân không phải là trường hợp cá biệt. Tờ “Tin tức kinh tế hàng ngày” đã đi thực địa Chợ Hải sản Tứ Quý Mỹ ở Vũ Hán vào tháng 6 năm ngoái. Một số thương nhân hải sản cho biết họ chỉ có thể bán được vài trăm NDT mỗi ngày, năm nay dự tính sẽ lỗ vài triệu NDT.
Mất 500 nghìn NDT, chính phủ chỉ bù cho vài nghìn
Nói đến những thiệt hại ở chợ hải sản Hoa Nam, Đàm Quân cho biết anh đã thiệt hại tổng cộng ít nhất 500 nghìn NDT, chỉ riêng các thiết bị bên trong đã trị giá hơn 200 nghìn NDT.
Anh cho hay: “Tôi bán cá. Bể cá chắc chắn là không chuyển đi được, riêng cái bể cá đã hơn 100 nghìn NDT; một cái cân ít nhất phải có giá 60 nghìn NDT; bình oxy tôi thuê khoảng 1 nghìn NDT/bình; trong bể cá cần đặt máy tạo oxy, một máy tạo oxy là khoảng hơn 1 nghìn NDT; còn có một, hai xe kéo, không có thứ nào trong số đó được đưa ra ngoài, tất cả đều ở bên trong.”
Ngoài khoản đầu tư trang thiết bị, Đàm Quân nói số hàng anh để trong tiệm lúc đó cũng có giá hàng chục nghìn NDT nhưng chính phủ chỉ đền bù cho vài nghìn NDT. “Nếu có hàng hóa đông lạnh hoặc gia vị, thì họ sẽ đền bù thêm cho một chút, họ chỉ bù tiền hàng hóa, chứ hoàn toàn không bù tiền thiết bị.”
Điều khiến Đàm Quân lo lắng nhất là việc két sắt bị mở và mất sổ nợ. Đàm Quân nói anh chủ yếu cung ứng cho nhà hàng, bên kia quyết toán mỗi tháng một lần, trước đây anh từng đâm đơn kiện đòi nợ nhưng giờ không có sổ sách chứng từ thì không thể kiện cáo gì được.
“Các chứng từ của tôi đều bị tiêu hủy hết. Hóa đơn đều trong đó cả. Có mấy nhà hàng đã sập tiệm rồi, tôi lấy giấy tờ gì đi tìm người ta đòi tiền? Ngoài kia tôi còn cả ba, bốn trăm nghìn NDT tiền cho người ta nợ, tính đến giờ cũng chỉ đòi lại được mấy chục nghìn NDT.”
Đàm Quân nói anh không đến cửa hàng, chỉ xem trên TV thấy bể cá bên trong tiệm nhà mình đã bị đập rồi, “(Họ dùng) máy phun rửa áp lực cao, mấy người được cử đến khử trùng hàng hóa chẳng khác gì thổ phỉ, thứ gì tốt đều lấy hết, miễn đồ có giá trị thì đều lấy đi cả. Bên trong cửa hàng nhà tôi cơ bản đã thành phế liệu.”
Phân nửa số người ở chợ hải sản Hoa Nam thất nghiệp
Theo những gì Đàm Quân được biết, trước đây vốn dĩ chợ cá Hoa Nam có ít nhất 10 nghìn nhân viên, nhưng chợ bị đóng cửa thì hơn nửa số người cũng theo đó mà thất nghiệp.
“Bản thân chúng tôi đều đã tương đối lớn tuổi, không làm việc này thì chẳng còn việc gì khác mà làm, chính phủ cũng không thể nào đi sắp xếp công việc khác cho chúng tôi.” Đàm Quân nói, mặc dù tôi đã tìm được cơ hội chuyển đến chợ hải sản Tứ Quý Mỹ, nhưng cũng chỉ có thể nói là gắng gượng chút hơi tàn thôi, đợi tạm. Dù sao thì trên còn cha mẹ, dưới còn con thơ.
Đàm Quân ước tính, trong số những người buôn bán ở Chợ Hải sản Hoa Nam được sắp xếp chuyển sang chợ Thực phẩm thì giờ “tính ra chưa đến 10%” buôn bán thành công. Đại đa số là trong tình trạng thua lỗ. “Sắp xếp chúng tôi đến ‘Thành phố Thực Phẩm’ – nói trắng ra là đẩy chúng tôi vào một khu nhà còn đang xây dở, những chỗ đã hoàn thiện xong thì xe cũng không vào được, mỗi ngày chuyển hàng nhọc sức hơn trước rất nhiều, rất nhọc sức.”
“Nói ví dụ, hồi còn bán cá ở Hoa Nam, người ta giao cá đến tận cửa nhà tôi. Giờ một ngày tôi bán được vài ba trăm con cá, ai người ta giao cá tận tơi cho tôi nữa? Đến cả phí vận chuyển còn không đủ, vậy có phải tôi phải trả thêm tiền vận chuyển không, có phải tôi phải tự đi giao không? Hai nữa là khách không ghé tiệm,…từ Đại lộ Bắc Hán Khẩu đến Hoa Nam riêng tiền đi lại cũng đã 60 NDT, khách nào gần nhà có nhiều tiệm cá thì coi như tôi mất khách đó.
Ngoài ra, theo như anh biết, cũng có một số người bán hàng đã đổi nghề, một số đi làm thợ hồ trên các công trường xây dựng vì lương trên công trường hiện nay tương đối cao.
Đàm Quân cho biết, mặc dù rất nhiều người thất nghiệp nhưng họ không nhận được trợ cấp thất nghiệp. “Khi không ai đảm bảo cho bạn một công việc, bạn chỉ có thể thất nghiệp. Chúng tôi đóng thuế hàng năm, nhưng chính phủ không cho chúng tôi trợ cấp thất nghiệp. Không người kinh doanh nào ở Hoa Nam nhận được trợ cấp thất nghiệp vì chúng tôi không có bảo hiểm xã hội. Chúng tôi thuộc dạng kinh doanh cá thể nên chẳng có gì.”
Các hộ kinh doanh đưa ra 3 yêu cầu đối với chính phủ
Đàm Quân hy vọng có thể đưa ra ba yêu cầu đối với chính phủ: Thứ nhất là giải quyết vấn đề việc làm cho những người bán hàng và công nhân ở chợ thủy sản Hoa Nam.
Thứ hai là giúp các hộ kinh doanh thu hồi lại các sổ sách chứng từ và tìm một cơ quan chuyên trách đưa việc này ra tòa thông qua luật pháp. “Cho dù bên kia là nhà hàng đã bị phá sản hay là cá nhân nợ hàng, thì chúng tôi cũng không cách nào đi đòi lại tiền, câu đầu tiên của tòa án là các anh không đủ bằng chứng, chúng tôi còn có thể lấy bằng chứng gì mà đi tìm người ta đòi tiền”.
Thứ ba, tôi hy vọng sẽ có được một số chính sách ưu đãi nhất định để những người buôn bán có thể bắt đầu lại việc kinh doanh, chẳng hạn như miễn tiền thuê địa điểm và chu cấp chi phí sinh hoạt cơ bản để công việc kinh doanh có thể khởi động lại, bởi vì không thể kiếm ra tiền ngay bây giờ.
Đàm Quân nói rằng khi ấy chính phủ đã bảo họ đưa ra yêu cầu, nhưng vì đang trong tình cảnh đối mặt với đại dịch, họ lo rằng sẽ bị quy là gây rắc rối. “Ai muốn thành con chim đầu đàn chứ, khẳng định giữ mạng mới là quan trọng.”
Đàm Quân cũng cho biết: “Chúng tôi không có bất cứ quyền phát ngôn nào. Chúng tôi cứ hễ đăng tin lên TikTok, chỉ cần là video về Hoa Nam thì toàn bộ đều bị xóa. Chúng tôi không có tiếng nói, chỉ có cơ quan truyền thông mới có thể đăng tin, chúng tôi không thể phát biểu.”
Anh Đàm Quân cho rằng những biến cố của chợ thủy sản Hoa Nam đã khiến thu nhập kinh tế giảm đột ngột, trực tiếp gây ra sự tan vỡ của không ít gia đình, những tổn thất vô hình không cách nào ước đoán được.
Li Qiong
Hằng Nga biên dịch
Xem thêm: