Phỏng vấn: Nam Kinh phong tỏa đường xá và phi trường, tiến hành xét nghiệm qua đêm
Đã có nhiều nhân viên tại phi trường quốc tế Lộc Khẩu Nam Kinh ở Trung Quốc bị nhiễm virus Trung Cộng (virus Vũ Hán, virus corona), và từng tiếp xúc với rất nhiều người. Người dân địa phương tiết lộ với Epoch Times rằng hiện tại chưa có thông tin chính xác và chi tiết, nhưng phi trường và các khu vực lân cận đã chính thức bị phong tỏa, tất cả các nhân viên ở phi trường được yêu cầu làm xét nghiệm và người dân trong thành phố phải tiến hành kiểm tra acid nucleic qua đêm. Các kênh truyền thông ở đại lục còn dẫn lời các chuyên gia đề nghị rằng nên chích thêm mũi vaccine tăng cường.
Vào ngày 21/7, chính quyền thành phố Nam Kinh cho biết có tổng cộng 17 bệnh nhân dương tính với virus đã được xác nhận, tất cả đều là nhân viên dọn vệ sinh của phi trường quốc tế Lộc Khẩu Nam Kinh, được phát hiện thông qua buổi kiểm tra định kỳ tại phi trường hàng tuần.
Ông Triệu, một cư dân sống ở gần phi trường Lộc Khẩu, tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên của Epoch Times vào ngày 21 rằng: “Họ là người địa phương, 17 trường hợp, tất cả đều là nhân viên dọn vệ sinh phi trường, bị nhiễm bệnh tập thể và phát hiện thông qua xét nghiệm acid nucleic. Tất cả những người mà họ tiếp xúc đã được sàng lọc ra, còn chúng tôi thì đều bị cách ly tại nhà”.
Phi trường Lộc Khẩu và các khu vực xung quanh đều bị phong tỏa
Ông Triệu tiết lộ: “Hiện tại người ngoài không có giấy xét nghiệm acid nucleic thì không thể vào nữa. Các con đường xung quanh phi trường đều bị đóng cửa. Đó là tình huống đột xuất, nó mới được quyết định vào ngày hôm nay. Tất cả các chuyến bay đã bị hủy, không có chuyến bay nào trong ngày hôm nay nữa”.
Nhân viên của khách sạn Atour tại phi trường Lộc Khẩu nói với phóng viên của Epoch Times vào ngày 21 rằng: “Phi trường bây giờ là khu vực có nguy cơ cao. Nếu không có kết quả xét nghiệm acid nucleic trong 48 giờ và vé máy bay thì sẽ không thể vào khu vực phi trường được, cũng không thể vào đường cao tốc của phi trường. Tất cả các phương tiện giao thông công cộng tại phi trường hiện tại đều đã đóng cửa”.
“Không thể đặt phòng tại khách sạn được nữa, dự kiến là 14 ngày sau, cảnh sát có vũ trang, cảnh sát đặc nhiệm và nhân viên phòng chống dịch tại phi trường sẽ đến ở khách sạn của chúng tôi”.
Vào sáng ngày 21, Nam Kinh chính thức thông báo rằng thành phố đã nâng bốn khu vực trong địa bàn lên khu vực có nguy cơ trung bình, bao gồm thôn Tạ ở trên đường Lộc Khẩu, quận Giang Ninh, cộng đồng dân cư quanh đường Bái Vân, thôn Thạch Niệm và thôn Mao Gia Vu, làng hành chính Cửu Đường, phố Thạch Tiểu, quận Lật Thủy. Trong đó, đường Lộc Khẩu đã bị phong tỏa.
Chính quyền yêu cầu người dân ở các khu vực phong tỏa, khu vực có nguy cơ trung bình và cao không được ra khỏi nhà, nhân viên công tác chỉ được vào trong khu vực phong tỏa chứ không được ra. Tất cả các phương tiện giao thông công cộng ở trong các khu vực phong tỏa và có nguy cơ trung bình đều phải tạm dừng.
Thông tin ít ỏi, người dân chỉ có thể chờ “thông báo” và phải làm xét nghiệm qua đêm
Nhân viên của khách sạn nói trên cho biết, thông báo duy nhất mà khách sạn nhận được là “đang chờ thông báo chính thức từ phi trường”. “Chúng tôi không có cách nào để biết được thông tin chính xác, trước mắt chỉ biết rằng có ca nhiễm, nhưng không biết là đến từ đâu”.
Ông Triệu cho biết từ tối ngày 20 đến chiều ngày 21, toàn bộ thành phố Nam Kinh đều bị yêu cầu làm xét nghiệm acid nucleic. “Đều là làm qua đêm”, ông nói.
Một người dùng mạng đã đăng ở trên Weibo rằng, người dân ở Nam Kinh bị yêu cầu hoàn thành xét nghiệm acid nucleic trong một khoảng thời gian rất ngắn. Ở các điểm xét nghiệm có cả một hàng dài, thông thường phải đợi vài tiếng đồng hồ, hơn nữa rất hỗn loạn, có một số khu vực còn xảy ra hiện tượng dẫm đạp nhau, việc chen chúc xếp hàng cũng dẫn đến những lo ngại về khả năng lây nhiễm virus.
Nam Kinh từng tiến hành chích vaccine nội địa trên phạm vi rộng, các chuyên gia đề nghị chích thêm mũi bổ sung
Vào ngày 21 tháng này, ông Kim Đông Nhạn, giáo sư và nhà virus học tại Trường Y sinh của Đại học Hồng Kông, đã gợi ý trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Paper rằng, nên chích vaccine cho các nhân viên có lượng kháng thể quá thấp ở tuyến trước tại phi trường, mũi tăng cường có thể chọn các vaccine thuộc các tuyến kỹ thuật khác nhau.
Trước khi dịch bùng phát, thành phố Nam Kinh đã tiến hành chích ngừa vaccine nội địa trên quy mô lớn.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Nam Kinh đã cho biết vào ngày 29/5 rằng, “Hiện tại, đợt chích ngừa vaccine mũi thứ hai của Nam Kinh đã vào giai đoạn cao điểm đầu tiên, ngoài ra để bảo đảm yêu cầu của tình huống đặc biệt, bắt đầu từ ngày 9/6 sẽ tạm dừng chích mũi 1 và chích đủ mũi 2”.
Vào ngày 1/7, các kênh truyền thông chính thức ở đại lục cho biết rằng: “Từ ngày 10/6 đến ngày 30/6, Nam Kinh đã đình chỉ chích vaccine mũi đầu tiên và cố gắng hết sức để chích đủ mũi thứ hai. Bắt đầu từ ngày 1/7, Nam Kinh sẽ bắt đầu lại việc chích mũi đầu tiên ngừa virus”.
Mới ba ngày trước, tạp chí Global Characters của Trung Cộng đã đưa tin rằng Cao Phúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC), cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng ông ta đã được chích ngừa ba lần, đều là các loại vaccine khác nhau và các hãng sản xuất khác nhau. Nhưng bài báo không nêu rõ các thông tin khác như tên những loại vaccine này.
Hơn ba tháng trước, vào ngày 10/4, Cao Phúc đã từng nói tại Hội nghị sức khỏe và Thuốc chủng Quốc gia rằng, hiệu quả bảo vệ của vaccine Trung Quốc không cao lắm, cần xem xét chích ngừa thay thế bằng các vaccine sản xuất bởi nhiều tuyến kỹ thuật khác nhau.
Gần đây, các quốc gia Đông Nam Á từng sử dụng rộng rãi vaccine Trung Quốc đã lần lượt chuyển sang mua vaccine từ các nước phương Tây, bao gồm Indonesia và Thái Lan – nơi số ca nhiễm đã tăng vọt, và Malaysia, Philippines, Việt Nam, vân vân. Trước đó, Chile, Mông Cổ, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Seychelles và các quốc gia khác cũng xuất hiện tình trạng gia tăng dịch bệnh sau khi chích vaccine Trung Quốc.
Hiện tại, Trung Cộng cũng đang nhập khẩu vaccine Pfizer (được gọi là Fubitai ở Trung Quốc Đại lục). Công ty Fosun Pharma, đại lý của Pfizer tại Trung Quốc cho biết vào ngày 14/7 rằng, Cục Quản lý Sản phẩm Y tế Quốc gia Trung Quốc đã thông qua đánh giá chuyên môn đối với vaccine Fubitai và hiện đã bước vào “giai đoạn phê duyệt hành chính”
Do Hồng Ninh, Trương Ngọc Khiết, Tôn Vân thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc trên Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: