Phong trào thoái ĐCSTQ gia tăng khi lập trường của Hoa Kỳ ngày càng cứng rắn
Ẩn mình trong một tòa nhà gạch điển hình, một văn phòng nhỏ chỉ được đánh dấu bằng biểu ngữ màu xanh coban và một tấm biển nhỏ màu vàng bên ngoài, đã trở nên bận rộn một cách bất thường.
Khoảng một hoặc hai tháng trước, một lượng lớn yêu cầu bắt đầu đổ về Trung tâm Thoái đảng Toàn cầu (Global Tuidang Center) bất vụ lợi, một tổ chức do tình nguyện viên điều hành có trụ sở chính tại Flushing, một khu phố ở quận Queens, New York, nơi điều phối các nỗ lực hỗ trợ những người Trung Quốc có nguyện vọng dứt bỏ quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Trung Quốc. Trung tâm có hơn 100 chi nhánh trên toàn cầu.
“Không quan trọng là ngày hay đêm, mọi người vẫn tiếp tục đến lấy chứng chỉ,” Bà Dịch Dung, giám đốc trung tâm, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
Với nghĩa đen là “Thoái Đảng”, Tuidang là một phong trào cơ sở vốn đều đặn thu hút được sự chú ý của cộng đồng Hoa kiều toàn cầu kể từ năm 2004, được thúc đẩy bởi việc xuất bản loạt bài xã luận của Epoch Times tiếng Trung, “Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản”.
Trong những tháng gần đây, khi chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc trở nên cứng rắn hơn – do những tranh cãi về việc Bắc Kinh xử lý đại dịch, vi phạm nhân quyền và các hoạt động thương mại – phong trào này đã tăng vọt lên.
Theo dữ liệu lưu trữ của Trung tâm Thoái đảng, từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay, số người từ bỏ quan hệ với ĐCSTQ và các tổ chức liên kết của Đảng là hơn 4 triệu người. Kể từ năm 2004, tổng cộng hơn 365 triệu người đã làm như vậy.
Trung Quốc hiện có hơn 91,9 triệu Đảng viên đang hoạt động, nhưng con số đó không bao gồm Đội Thiếu niên Tiền phong – một tổ chức mà hầu như tất cả học sinh tiểu học bắt buộc phải gia nhập làm thành viên – và Đoàn Thanh niên, một tổ chức dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Các yêu cầu từ Trung Quốc đại lục đã tăng đáng kể so với những năm trước. Anh Tom Tang, một tình nguyện viên tại trung tâm New York, cho biết nhiều người đã hỏi về việc lấy chứng chỉ dạng kỹ thuật số, mà tổ chức này bắt đầu cung cấp vào tháng 8 sau khi có rất nhiều yêu cầu đổ về.
Điều thúc đẩy các công dân Trung Quốc ra quyết định này là khác nhau. Một số lo ngại rằng tư cách thành viên Đảng của họ có thể gây ra một trở ngại tiềm tàng đối với con đường nhập cư, vì luật pháp Hoa Kỳ cấm các thành viên của các đảng cộng sản xin thị thực nhập cư. Bà Dịch nói các chứng chỉ của Trung tâm Thoái đảng được các nhân viên cơ quan nhập cảnh Hoa Kỳ công nhận.
Bà Dịch nhớ lại một người gần đây đã bay từ Trung Quốc đại lục đến New York để lấy chứng chỉ.
“Tôi chỉ muốn nhận chứng chỉ trước khi trở về [Trung Quốc],” bà Dịch nhớ lại người này đã nói vậy.
Sự tăng vọt [yêu cầu] gần đây liên quan đến việc Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ đưa ra một cảnh báo nhắc lại chính sách cấm các thành viên Đảng Cộng sản của họ.
Vài ngày sau cảnh báo, hôm 9/10, một phụ nữ họ Xie đã đến Trung tâm Thoái đảng để xin giấy chứng nhận cho chồng bà, người hiện đang chờ phỏng vấn xin thị thực nhập cư tại lãnh sự quán Hoa Kỳ ở tỉnh Quảng Đông, vùng đông nam Trung Quốc.
Chồng bà từng làm việc trong một công ty nhà nước ở Trung Quốc. Bà cho The Epoch Times biết, giống như các đồng nghiệp của mình, ông gia nhập ĐCSTQ vì lợi ích cho sự nghiệp. Lo ngại về sự rạn nứt ngày càng tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, con gái bà, một công dân Hoa Kỳ, đã đề nghị ông chính thức rút khỏi Đảng.
Đối với những người khác, hành động này là thể hiện thái độ mang tính biểu tượng để phân tách họ với những hành động sai trái của chế độ.
Hồi tháng 5, anh Wang Han, một sinh viên tốt nghiệp ngành phân tích dữ liệu tại Đại học Nam California, đã viết một tuyên bố rút khỏi Đội Thiếu niên Tiền phong, tổ chức cộng sản Trung Quốc dành cho học sinh tiểu học mà anh đã tham gia khi còn nhỏ.
Anh Wang, người gốc thành phố Hàng Châu, đã đọc về lịch sử đương đại của Trung Quốc và nhận thấy rằng “Học thuyết Đảng không thể biện minh cho việc cố gắng minh oan cho những hành vi sai trái của mình.
Anh nói trong khi “anh chưa bao giờ có ấn tượng tốt về ĐCSTQ”, các cuộc biểu tình rầm rộ ở Hồng Kông hồi năm ngoái và cách đối phó với sự bùng phát dịch bệnh của Bắc Kinh là giọt nước tràn ly. Khi bắt gặp các nhà bình luận Trung Quốc chia sẻ quan điểm của họ về phong trào Thoái đảng trên YouTube, anh quyết định rằng đã đến lúc “phân định giới hạn”, người thanh niên 23 tuổi nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Trong số những người bạn Trung Quốc cùng trường của anh, nhiều người có quan điểm tiêu cực về ĐCSTQ — mặc dù ít người muốn mạo hiểm với hậu quả của việc công khai chia sẻ suy nghĩ của mình, anh nói. Phần lớn, bao gồm cả bản thân anh, không muốn trở về quê hương của họ.
Anh cho biết nếu giới nhà giàu Trung Quốc phải lựa chọn giữa thế giới tự do và chế độ độc tài của Trung Quốc, thì “sự lựa chọn sẽ là hiển nhiên”.
Cô Yang Li, một tình nguyện viên ở San Francisco, người trợ giúp đường dây nóng Thoái đảng, rất chú ý đến cảm xúc trong giọng nói của người gọi, chẳng hạn như tức giận hoặc bối rối. Những người thuộc nhóm thứ hai thường đi kèm với các câu hỏi cụ thể về Đảng có thể kéo dài cuộc trò chuyện đến hơn 40 phút, cô nói.
Các quan chức cao cấp cũng đã gọi tới: Hồi cuối tháng 5, khi cơ quan lập pháp bù nhìn của Bắc Kinh triệu tập các phiên họp toàn thể hàng năm, một đại biểu đã gọi điện và yêu cầu thoái xuất khỏi Đảng, nói rằng anh “đã thấy đủ những hành động xấu xa của chế độ”. Anh nghẹn ngào chia sẻ về thời gian anh dẫn đầu một đội y tế hỗ trợ Vũ Hán trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát COVID-19 và những ca tử vong mà anh đã chứng kiến ở đó. Anh cho biết anh đã gặp bác sĩ tố giác Lý Văn Lượng ở đó, người đã bị trừng phạt vì chia sẻ tin tức về virus. Bác sĩ Lý nói với cô Yang rằng anh ấy “hối hận vì đã là một Đảng viên”.
Một số quan chức cao cấp gần đây đã công khai thoái xuất khỏi ĐCSTQ, bao gồm ông Li Chuanliang, cựu phó thị trưởng thành phố Kê Tây ở tỉnh Hắc Long Giang thuộc miền Đông Bắc Trung Quốc. Ông là người vừa đào tẩu sang Hoa Kỳ.
Một người từ Quảng Đông đã gọi điện vào tháng 10 kèm theo danh sách 53 người muốn thoái xuất khỏi các tổ chức liên đới của ĐCSTQ. Khoảng một hoặc hai tháng trước, một người khác từ tỉnh Chiết Giang đã cung cấp tên của hơn 30 người quen muốn thoái xuất. Cô nói rằng cô buộc phải nói với họ về phong trào Thoái đảng sau khi đọc một tập sách nhỏ về cuộc bức hại của chế độ đối với nhóm tu luyện tinh thần Pháp Luân Công.
Đường dây nóng gần đây cũng đã chứng kiến sự gia tăng đột biến các cuộc gọi rác từ những kẻ lừa đảo người Trung Quốc được trả tiền, với biệt danh là đội quân 50 xu. Những cuộc gọi này thường mang nhiều tiếng ồn xung quanh và những người gọi không ngừng lăng mạ, cô Yang nói. “Họ tiếp tục quay số để giữ cho đường dây điện thoại bận, vì vậy những người thực sự muốn đăng ký thoái xuất khỏi Đảng không thể liên hệ được với chúng tôi.”
Một lần nọ, một cảnh sát Trung Quốc gọi điện đến và đe dọa truy tìm cô Yang và bắt giữ cô. “Tôi đang ở Hoa Kỳ. Làm sao mà ông bắt được tôi?”, cô Yang đáp lại. Viên sĩ quan nhanh chóng im bặt.
Cô Yang, người đã có nhiều cuộc trò chuyện tương tự trong suốt nhiều năm quản lý đường dây nóng, cho rằng họ có thái độ như vậy là do việc tẩy não tư tưởng của ĐCSTQ. Khi một sĩ quan khác từ thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông, đưa ra những lời đe dọa tương tự, cô đã trả lời bằng cách bác bỏ từng luận điểm của ĐCSTQ. Viên cảnh sát trở nên im lặng và nói rằng anh ta sẽ “suy nghĩ kỹ càng”.
Một lúc sau, anh gọi lại. “Tôi biết giờ mình phải làm gì rồi,” anh này nói với cô Yang.