Phong tỏa Thượng Hải: Cưỡng chế tách con khỏi cha mẹ khiến dư luận phẫn nộ
Chính quyền Thượng Hải đã thực hiện các chính sách chống dịch hà khắc, trong đó có việc cưỡng chế tách con khỏi cha mẹ nếu như họ dương tính với virus. Điều này khiến cho dư luận rất phẫn nộ.
Trong một phòng cách ly đầy kín giường, ba hoặc bốn đứa trẻ mới chập chững biết đi bị dồn vào những chiếc giường bệnh dành cho người lớn, gào khóc vì không thấy người lớn xung quanh.
Trong một căn phòng khác rộng cỡ một hội trường lớn, những chiếc giường được xếp cạnh nhau dài một mạch từ bức tường này sang bức tường kia, chỉ có vài người lớn đang cố gắng vỗ về những em bé đang khóc với số lượng đông hơn nhiều.
Trong một bức ảnh chụp nhanh (snapshot) thứ ba tại một bệnh viện ở Thượng Hải, một bé trai mặc áo xanh đang ở cùng với năm em bé khác cũng đang ở tuổi chập chững tập đi, vừa khóc lóc mếu máo vừa bước ra khỏi căn phòng nhỏ đi ra ngoài hành lang chất đầy những túi rác.
Những bức ảnh và cảnh quay tương tự đang được lan truyền trên mạng, được các bậc cha mẹ đang lo lắng bồn chồn ở Thượng Hải chia sẻ, những người đã buộc phải để cho con họ bị đưa cách ly sau khi xét nghiệm dương tính với COVID-19. Những lời kể về việc cưỡng bức cách ly này đã gây chấn động cả nước, trong đó các gia đình trên khắp Trung Quốc hiện đang lo lắng không biết họ có phải là người tiếp theo phải trải qua những cuộc chia ly đau đớn như vậy khi phải sống dưới các biện pháp chống dịch COVID-19 hà khắc này của chính quyền hay không.
“Tôi tự hỏi liệu có ai không đau lòng khi nhìn thấy cảnh này cơ chứ?” Một người mẹ họ Chu (Zhu), có con gái hai tuổi được đưa vào Trung tâm Y tế công Thượng Hải ở quận Kim Sơn, nơi được cho là xuất hiện các video nói trên, nói với The Epoch Times.
Thượng Hải, thành phố giàu có và đông dân nhất Trung Quốc, đang trong đợt phong tỏa toàn thành phố lớn nhất Trung Quốc với nỗ lực kiềm chế sự bùng phát do biến thể Omicron gây ra. Các hạn chế này được đưa ra ngay cả khi một số quan chức Trung Quốc liên tục bác bỏ các biện pháp như vậy vì cái giá phải trả quá đắt.
Một ngày trước khi phong tỏa, các quan chức đã nói rằng họ không cân nhắc về việc thực hiện một hành động như vậy. Chính sách đột ngột bị thay đổi này đã khiến 26 triệu cư dân của thành phố mất cảnh giác. Vì không được chuẩn bị trước và trong cơn hoảng loạn, người dân địa phương đã gom sạch kệ hàng với hy vọng có đủ thực phẩm cho bản thân để cầm cự trong một khoảng thời gian vô định. Trong khi đó, những bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch đang cầu cứu trên mạng với hy vọng nhận được sự chăm sóc cần thiết.
Trên khắp Trung Quốc, chính quyền ra chỉ thị yêu cầu bất kỳ ai có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 và những người tiếp xúc gần với họ phải được đưa đi cách ly y tế bất kể triệu chứng của họ nặng nhẹ như thế nào. Theo các quan chức y tế thành phố, tính đến ngày 26/03, ít nhất 305 trẻ em dưới sáu tuổi bị nhiễm bệnh, phần lớn là không có triệu chứng, đã được đưa vào các trung tâm cách ly của chính phủ.
Nhưng hoàn cảnh khốn cùng của những đứa trẻ trong video khác xa với những cam kết mà giới chức trách đưa ra, những người đã hứa với các bậc cha mẹ rằng con cái của họ được đưa đi cách ly sẽ được “chăm sóc chu đáo” trong những căn phòng được trang trí bằng các nhân vật hoạt hình, có đồ chơi, và dụng cụ để vẽ và làm đồ thủ công.
Một người mẹ, sử dụng bí danh là Triệu Sảnh (Zhao Qian), nói với tạp chí Từ thiện gia Trung Quốc do nhà nước điều hành rằng, cứ khoảng 10 trẻ vị thành niên thì chỉ có một y tá chăm sóc.
“Làm thế nào họ có thể quản lý một khối lượng công việc như vậy?” cô Triệu hỏi, và nói thêm rằng họ thất vọng trước sự thiếu minh bạch của các bệnh viện. Hôm thứ Bảy (02/04), Liên đoàn Phụ nữ Thượng Hải trực thuộc nhà nước nói với tờ Từ thiện gia Trung Quốc rằng họ đang xem xét vấn đề này.
‘Xin hãy đưa con gái tôi trở lại’
Trước khi cô con gái mới biết đi của cô được chuyển đến Kim Sơn, cô Chu đã ở cùng cháu bé tại Bệnh viện Đồng Nhân Thượng Hải sau khi cả hai mẹ con đều có kết quả dương tính với COVID-19 khoảng một tuần trước. Cô bị ho nhẹ trong khi con gái không có triệu chứng. Ba ngày sau, cô được thông báo rằng hai mẹ con sẽ được đưa đến hai cơ sở [cách ly] khác nhau: cô sẽ được đưa đến một bệnh viện dã chiến và con gái cô sẽ được đưa đến Trung tâm Lâm sàng Y tế công cộng Thượng Hải.
Cô Chu khẩn nài cho con gái đi cùng nhưng vô ích. Qua điện thoại, một bác sĩ đã nói với cô rằng, nếu cô từ chối cô sẽ bị “tống vào bệnh viện dã chiến”, còn con gái cô sẽ ở lại bệnh viện Đồng Nhân. Cô nói cô không còn lựa chọn nào ngoài việc chấp nhận.
Sau khi con gái bị đưa đi, người mẹ hoang mang lo lắng này đã liên tục yêu cầu nhân viên bệnh viện cập nhật thông tin trong một nhóm trò chuyện trực tuyến cùng các bậc cha mẹ khác. Người mẹ muốn biết con gái có bị sốt hay không, và đã uống thuốc chưa. Đáp lại cả hai câu hỏi, các nhân viên đều trả lời rằng con gái của cô “vẫn ổn”.
Cô Chu nói thổn thức: “Mọi người đều nói với tôi rằng bệnh viện Kim Sơn là cơ sở tốt nhất dành cho trẻ em và rằng tôi hãy để tư tưởng mình thoải mái.”
Cô nói những video đó đã khiến cô ngừng mọi ảo tưởng.
“Xin hãy đưa con gái tôi trở lại. Hiện tại tôi không tin tưởng bất cứ điều gì ở họ cả. Có rất nhiều trẻ em mà không đủ nhân viên y tế, các vị vẫn muốn đưa con gái tôi đi hơn là để mẹ cháu chăm sóc sao? Chính quyền thành phố đang nghĩ gì vậy?” Cô nói.
Chồng của cô Chu cũng bị nhiễm bệnh và được đưa đến một bệnh viện dã chiến khác. Ở đó, anh được điều trị bằng thảo dược Trung Y.
Cô Chu nói dù sao anh ấy cũng là người lớn. Cô đau lòng mỗi khi nghĩ đến cô con gái nhỏ hai tuổi không tìm thấy gương mặt thân quen mỗi sáng thức dậy.
Người mẹ giãi bày, “Con gái tôi đã được đưa đến một nơi mà tôi thậm chí còn không biết cháu ngủ có ngon không.”
Phản hồi của bệnh viện
Hôm thứ Bảy (02/04), bệnh viện ban hành một văn bản hồi đáp những lo ngại của cha mẹ theo sau các video được lan truyền rộng rãi này. Họ cho biết nhân viên bệnh viện đang tiến hành chuyển các em nhỏ đến một cơ sở mở rộng từng cung cấp dịch vụ cứu thương ngoại trú trước đây.
Cùng ngày, một nhân viên bệnh viện khi trả lời điện thoại đã từ chối cho biết có bao nhiêu trẻ em được cách ly tại cơ sở này.
Người này nói với The Epoch Times: “Bệnh viện này đã phản hồi rồi. Mọi thứ sẽ cải thiện thôi.”
Cô ấy cúp máy khi được hỏi về những lo ngại về vấn đề vệ sinh và liệu việc cách ly trẻ vị thành niên khỏi người giám hộ có vi phạm pháp luật hay không.
‘Điều đó khiến tôi rất đau lòng’
Ông Tăng Quần (Zeng Qun), Cục phó Cục Nội vụ Thượng Hải, thừa nhận rằng những cuộc chia cắt “đau lòng” có thể xảy ra trong trường hợp cha mẹ bị nhiễm bệnh hoặc bị ngăn cấm về nhà do lệnh phong tỏa của chính quyền. Ông cho biết chính quyền địa phương đã bố trí các nhân viên phúc lợi nhi đồng được chỉ định để hỗ trợ ở cấp quận và thị xã.
Trên Weibo, trang mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc, chủ đề này được gắn thẻ hashtag có 130 triệu lượt xem mỗi ngày. Nhiều bậc cha mẹ ở Thượng Hải đã chia sẻ câu chuyện của họ về việc bị cưỡng chế tách con khỏi cha mẹ. Một số em bé chỉ mới ba tháng tuổi đã bị tách khỏi cha mẹ.
Một người mẹ cho biết đứa con ba tuổi của cô đã bị đưa đi cách ly 16 ngày. Con của cô cũng đang được chăm sóc tại trung tâm Kim Sơn. Đứa trẻ đang ở tuổi tập đi này đã bị sốt cao đến 40 độ C do bị bệnh viện này không quan tâm gì đến cháu, sau đó cháu ho không ngớt.
Một người mẹ khác tường thuật lại rằng bệnh viện không gửi thông tin nào về con trai chưa đầy hai tuổi của cô trong bốn ngày liền và chỉ mới gửi cho cô một bức ảnh hôm thứ Bảy.
Cô viết: “Đôi mắt thằng bé giàn dụa nước mắt. Là một người mẹ, thì điều đó khiến tôi rất đau lòng.”
‘Vô nhân đạo’
Cô Âu Hy (Ou Xi), một bác sĩ nhi khoa sống tại thành phố cảng phía nam Quảng Châu, cho biết cách mà bệnh viện đối xử với những đứa trẻ như trong video gây ra ít nhất năm nguy cơ đối với sức khỏe thể chất và tinh thần.
Trong một bài viết cho gần 2.5 người theo dõi trên Weibo, cô đã viết trẻ em ở tuổi tập đi có thể ngã xuống giường dành cho người lớn hay bị kẹp chân tay hoặc đầu vào khung chắn giường bằng các thanh kim loại.
Cô viết, nhiều người dùng Weibo đã làm nổi bật thêm một đoạn clip trong đó toàn bộ đầu của một em bé đã bị tấm chăn trắng phủ lên. Điều này có thể đe dọa đến tính mạng đối với những em bé chỉ vài tháng tuổi chưa biết lật. Cô nói rằng trẻ sơ sinh có thể bị ngạt thở khi bị vải trùm lên miệng và mũi. Để cho nhiều trẻ em ở trên cùng một giường có thể khiến các em ngã đè lên nhau, làm tăng nguy cơ ngạt thở; những trẻ lớn hơn có thể có cảm giác sợ bị ba mẹ bỏ rơi; và việc không được tắm rửa hoặc chăm sóc có thể làm phát sinh các vấn đề da liễu và khiến trẻ em mắc các bệnh truyền nhiễm khác.
Cô cho biết chỉ có trẻ sơ sinh cần chăm sóc đặc biệt thì mới phải tách khỏi cha mẹ.
Một luật sư nhân quyền từ miền nam Trung Quốc, yêu cầu ẩn danh vì lý do an toàn, đã rất tức giận khi biết về hoàn cảnh của các cháu.
Ông nói với The Epoch Times: “Đối với nhà cầm quyền, hiện nay ngăn chặn bùng phát là trên hết.” Ông gọi biện pháp này là “rất vô nhân đạo”.
Ông nói: “Họ đang làm những gì họ muốn dưới danh nghĩa kiểm soát dịch bệnh bùng phát, mà không có cơ sở pháp lý nào. Điều này đang làm xói mòn các giá trị luật pháp và đạo đức. Điều này đang tạo ra một thảm họa nhân đạo.”
Những người mẹ có con cùng độ tuổi cũng cảm thấy phẫn nộ không kém.
“Là một người mẹ có con một tuổi, tôi không dám tưởng tượng những cháu bé đó — và cha mẹ của chúng — đã trải qua một ngày như thế nào. Các cháu còn quá nhỏ! Ai có thể chịu trách nhiệm nếu có chuyện gì đó xảy ra,” một người mẹ đã viết trên mạng, kết thúc bài viết của mình bằng những dấm chấm than.
Ủy ban Y tế thành phố Thượng Hải và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh thành phố Thượng Hải không thể liên lạc được qua điện thoại hôm thứ Bảy để xin kiến bình luận.
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về quan hệ Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].
Bản tin có sự đóng góp của Hồng Ninh
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: