Phong tỏa Thượng Hải: Công dân ngoại quốc đang ở trong hoàn cảnh khó khăn
Một số lượng lớn công dân ngoại quốc đang bị mắc kẹt trong đợt phong tỏa COVID-19 kéo dài của Thượng Hải, vốn đã được áp đặt trong hơn hai tuần ở một số khu vực của thành phố này.
Giống cư dân Trung Quốc, người ngoại quốc cũng đang đương đầu với một hoàn cảnh khó khăn khi mà họ phải chật vật để có được thực phẩm và tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế.
Nhiều khu vực của thành phố này đã bị phong tỏa trong tháng Ba cho đến khi lệnh phong tỏa toàn thành phố được công bố vào ngày 03/04.
Kể từ đó, đã có nhiều thông tin cho rằng một số cư dân trong thành phố 25 triệu dân này đã cạn kiệt thức ăn và nước uống.
Một người dân Thượng Hải họ La (Luo) nói với The Epoch Times rằng anh hiểu rõ cuộc sống của người ngoại quốc trong thành phố này. Anh cho biết nếu không biết tiếng Trung, họ rất khó mua được hàng hóa, kể cả trên mạng.
Anh La cho hay: “Đến cả nữ hoàng đầu tư ở Thượng Hải Từ Tân (Xu Xin), cũng phải đi cầu xin trợ giúp để mua được bánh mì trên mạng. Thế còn người ngoại quốc thì sao?”
Anh Yoo Jae Youn người Nam Hàn từng là giám đốc kinh doanh của Samsung SDI tại Trung Quốc, thuộc tập đoàn Samsung Electronics, anh đã đến Thượng Hải để bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình. Anh ấy là một trong những người tương đối may mắn khi sống trong phong tỏa, vì anh nghe hiểu Hoa ngữ rất tốt nên nhiều khi có thể “trao đổi hàng hóa” với những người hàng xóm trong khu phố.
“Gần đây tôi đã nhắn trong một cuộc trò chuyện nhóm trên mạng xã hội rằng tôi cần một ít tỏi, và vị hàng xóm đó đã bảo tôi mang một ít gạo trắng đến để đổi,” anh nói.
Anh cho biết trên một số nền tảng xã hội, nhiều nhân viên của các công ty Nam Hàn ở Trung Quốc đang “rất phẫn nộ” và phàn nàn về chính sách phong tỏa của chính quyền Trung Quốc.
Sinh viên bị cô lập
Truyền thông Nam Hàn YTN đưa tin hôm 11/04 rằng có khoảng 400,000 người ngoại quốc [đang sinh sống] ở Thượng Hải. Trong số đó, ước tính có khoảng 150 đến 300 sinh viên Nam Hàn sống một mình bên ngoài trường học của họ.
Họ cho biết họ cảm thấy bị cô lập và không tự xoay xở được, đồng thời lưu ý rằng họ rất khó khăn trong việc tìm kiếm thực phẩm.
Theo bản tin, các sinh viên cho biết các dịch vụ giao đồ ăn của địa phương gần như bị tê liệt. Chính quyền địa phương đã phân phát một số đồ tiếp tế khẩn cấp cho công chúng, chẳng hạn như các loại rau củ sống, với một khoản phí, nhưng những sinh viên này không thể nấu ăn trong phòng trọ. Các sinh viên này cho biết họ đã phải dùng đến cách đổi rau được phát với những người hàng xóm Trung Quốc để lấy nước hoặc mì gói nhân cơ hội họ được đưa đi làm xét nghiệm COVID-19 hàng loạt.
Anh Yoo chia sẻ anh cảm thấy rằng hoàn cảnh của các sinh viên rất khó khăn.
“Họ khóc mỗi ngày và không có gì để ăn,” anh nói. “Khi mới đến Thượng Hải, thường là họ chưa nói được tiếng Trung, và thường không tự nấu ăn. Vì vậy, nguồn cung cấp thực phẩm theo khẩu phần của chính phủ Trung Quốc đối với họ là vô dụng, vì toàn bộ đều là rau củ còn sống.”
Hôm 10/04, có thông báo rằng Thượng Hải sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát khác biệt trong khi vẫn tiếp tục phong tỏa, nhưng sẽ khác nhau đối với từng khu phố, kéo dài từ bảy đến 21 ngày.
Hôm 12/04, ít nhất 15 triệu cư dân vẫn đang bị giam hãm trong nhà của họ.
Gần đây, Tổng lãnh sự quán Pháp tại Thượng Hải và 24 quốc gia khác đã cùng nhau gửi thư tới Chính quyền thành phố Thượng Hải, đưa ra sáu yêu cầu bảo đảm rằng quyền căn bản của công dân nước họ phải được tôn trọng trong thời gian bị phong tỏa.
Hôm 11/04, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã yêu cầu tất cả các nhân viên không thiết yếu và các thành viên gia đình của họ rời khỏi Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thượng Hải vì đợt bùng phát và phong tỏa COVID-19.
Ông Alex Wu là một tác giả của The Epoch Times tại Hoa Kỳ, chuyên về xã hội Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc, nhân quyền, và các mối quan hệ quốc tế.
Bản tin có sự đóng góp của Dịch Như và Lâm Sầm Tâm
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: