Phong tỏa có giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19 không?
Các chuyên gia y tế cộng đồng và các chính trị gia trên khắp thế giới đã đang thực hiện các chính sách phong tỏa bắt buộc để hạn chế tỷ lệ lây nhiễm và tử vong do COVID-19. Nhưng các biện pháp phong tỏa này có thành công trong việc giảm tỷ lệ tử vong do căn bệnh này hay không?
Theo một nghiên cứu mới do Đại học Johns Hopkins công bố, thì các đợt phong tỏa có rất ít hoặc không tác động đến tỷ lệ tử vong do COVID-19.
Khi thế giới đang gắng sức kìm hãm COVID-19, thì nhiều nhà khoa học xã hội đang nghiên cứu các bộ dữ liệu khổng lồ để lý giải mối quan hệ giữa các đợt phong tỏa và tỷ lệ tử vong.
Các nghiên cứu dịch tễ học ban đầu đã dự đoán những tác động tích cực lớn từ các biện pháp phong tỏa này. Chẳng hạn, các nhà nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia London ước tính rằng những biện pháp can thiệp bắt buộc như vậy có thể làm tỷ lệ tử vong giảm đi tới 98%.
Tuy nhiên, một công trình của các nhà nghiên cứu Steve Hanke, Jonas Herby, và Lars Jonung lại thách thức những dự đoán ban đầu này.
Họ đã viết trong một bài luận nói về các kết quả nghiên cứu của mình rằng: “Nhìn chung, chúng tôi kết luận rằng các đợt phong tỏa không phải là một phương pháp hữu hiệu để làm giảm tỷ lệ tử vong trong một trận đại dịch, chí ít là không phải trong làn sóng đầu tiên của đại dịch COVID-19.”
Ông Hanke, một đồng tác giả của bài luận này, là một giáo sư kinh tế học ứng dụng tại Đại học Johns Hopkins và là nhà sáng lập kiêm đồng giám đốc của Viện Johns Hopkins về Kinh tế Ứng dụng, Sức khỏe Toàn cầu, và Nghiên cứu Doanh nghiệp Kinh doanh. Ông Herby là một cố vấn đặc biệt tại Trung tâm Nghiên cứu Chính trị ở Copenhagen, Đan Mạch. Ông Jonung là một giáo sư danh dự về kinh tế học tại Đại học Lund, Thụy Điển.
Các nhà nghiên cứu này đã sử dụng phương pháp phân tích tổng hợp, một nghiên cứu định lượng kết hợp với các kết quả của các nghiên cứu trước đó.
“Dựa trên việc đánh giá 18,590 nghiên cứu liên quan đến các cuộc phong tỏa và tỷ lệ tử vong do COVID-19, chúng tôi xác định rằng 34 trong số các nghiên cứu đó là đủ điều kiện để lý giải niềm tin rằng phong tỏa làm giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19, trong đó các cuộc phong tỏa được định nghĩa là việc áp đặt tối thiểu một biện pháp can thiệp phi dược phẩm (NPI), bắt buộc” ông Hanke nói với The Epoch Times trong một email.
Các biện pháp NPI là bất kỳ quy định bắt buộc nào của chính phủ mà tìm cách “hạn chế việc di chuyển trong nước, đóng cửa trường học và doanh nghiệp, đồng thời ngăn cấm du lịch toàn cầu,” ông cho biết.
“Một bản phân tích các nghiên cứu đủ điều kiện này hỗ trợ cho kết luận rằng các đợt phong tỏa có rất ít hoặc không tác động đến tỷ lệ tử vong do COVID-19. Các chính sách phong tỏa là không có căn cứ và không nên được chấp nhận là một công cụ chính sách đại dịch,” ông Hanke cho biết.
Các chính phủ đã thực hiện một loạt các biện pháp để ứng phó với đợt bùng phát COVID-19 kể từ khi làn sóng đầu tiên của virus này xuất hiện vào năm 2020. Các nhà nghiên cứu của Đại học Oxford đã tạo ra một chỉ số nghiêm ngặt để theo dõi và so sánh những phản ứng này của các chính phủ. Chỉ số này đã theo dõi những phản ứng như vậy ở 186 quốc gia.
Theo bài luận này thì các nghiên cứu kiểm tra mức độ nghiêm ngặt của lệnh phong tỏa dựa trên chỉ số nghiêm ngặt đó đã phát hiện ra rằng “các cuộc phong tỏa ở Âu Châu và Hoa Kỳ làm tỷ lệ tử vong do COVID-19 giảm trung bình chỉ khoảng 0,2%.”
Ngoài ra, bài luận nói rằng các lệnh ở yên trong nhà là không có hiệu quả, làm giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19 chỉ 2.9%.
Các nhà nghiên cứu này cũng đã kiểm tra các nghiên cứu xem xét hiệu quả của các NPI cụ thể và thấy “không có bằng chứng nào cho thấy các đợt phong tỏa, đóng cửa trường học, đóng cửa biên giới, và hạn chế tụ tập đã đang có tác động đáng chú ý lên tỷ lệ tử vong do COVID-19.”
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng việc đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu dường như đã có một chút tác động, điều này có khả năng là do đóng cửa các quán bar.
Sau ba cấp độ sàng lọc, 34 nghiên cứu đã được lựa chọn dựa trên một vài tiêu chí đủ điều kiện do các nhà nghiên cứu này đặt ra. Chẳng hạn, họ chỉ tập trung vào tỷ lệ tử vong và loại trừ các nghiên cứu sử dụng các ca nhiễm bệnh, nhập viện, hoặc các biện pháp khác. Trong số 34 nghiên cứu đủ điều kiện đó, thì 24 nghiên cứu được đưa vào phân tích tổng hợp, bài luận này cho biết.
Một vài trong số nghiên cứu được đưa vào phân tích tổng hợp đã không tìm thấy mối tương quan đáng kể về mặt thống kê giữa các đợt phong tỏa và tỷ lệ tử vong, trong khi một số nghiên cứu thì tìm thấy mối tương quan nghịch đáng kể. Một vài [nghiên cứu] thậm chí còn tìm thấy mối tương quan thuận đáng kể, nghĩa là phong tỏa chặt chẽ hơn khiến gia tăng tỷ lệ tử vong.
Bài luận viết rằng: “Mặc dù phân tích tổng hợp này kết luận rằng các đợt phong tỏa có ít hoặc không ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, nhưng chúng đã gây ra những thiệt hại đáng kể về kinh tế và xã hội ở những nơi được áp dụng.”
Bài luận cũng nói rõ rằng các phản ứng của các chính phủ đã “được thúc đẩy mạnh mẽ bởi các chính sách được khởi xướng ở các quốc gia láng giềng hơn là bởi mức độ nghiêm trọng của đại dịch ở chính quốc gia của họ.”
“Tóm lại, không phải là mức độ nghiêm trọng của đại dịch khiến biện pháp phong tỏa được áp dụng, mà là vì xu hướng bắt chước các chính sách do các nước láng giềng khởi xướng,” bài luận này viết.
Bà Emel Akan là phóng viên đưa tin về chính sách kinh tế của Tòa Bạch Ốc tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Trước đây, bà làm việc trong lĩnh vực tài chính với tư cách là chuyên viên ngân hàng đầu tư tại JPMorgan và là cố vấn tại PwC. Bà tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Georgetown.
Bản tin có sự đóng góp của Meiling Lee
Doanh Doanh biên dich
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: