Phóng hỏa tiễn DART – Một bước nhảy vọt của an ninh không gian nước Úc
Hỏa tiễn thương mại đầu tiên đã được phóng từ Úc lên rìa không gian hôm 19/9/2020, mang tải trọng nhằm hỗ trợ các nỗ lực phòng thủ và không gian của đất nước.
Phần tải trọng của hỏa tiễn DART đã khai triển một bộ thu tần số vô tuyến nguyên mẫu được thiết kế cho Lực lượng Không quân Hoàng gia Úc (Không Quân) ở độ cao 100km trên bề mặt Trái Đất.
Các cảm biến sẽ cung cấp thông tin từ tầng cao của bầu khí quyển để cải thiện sự phán đoán tình huống của lực lượng phòng thủ Úc tại các chiến trường và các hoạt động tại các khu vực khó khăn, khó tiếp cận.
Hỏa tiễn được phóng từ Khu hỏa tiễn thương mại mới Southern Launch Koonibba ở Nam Úc là sự hợp tác giữa Không quân và các đối tác công nghiệp của Úc là Southern Launch và DEWC Systems.
Đại úy Tobyn Bearman của Tập đoàn RAAF cho biết Không Quân rất quan tâm đến việc xem bước tiếp theo ở nơi mà các cảm biến mới có thể đưa vào Quốc phòng. “Đây là những cảm biến thế hệ tiếp theo mà chúng tôi đang khám phá,” Đại úy Bearman nói.
Ông Bearman cho biết việc xây dựng và hỗ trợ năng lực quốc phòng có chủ quyền của Úc là rất quan trọng, chẳng hạn như công việc đang được thực hiện bởi Southern Launch và DEWC Systems. “Tôi đã nói với những [nhân viên] nam nữ mà tôi làm việc cùng rằng chưa từng có thời điểm nào thú vị hơn trong Bộ phận Quốc phòng [như bây giờ],” ông nói.
Ông Ian Spencer, Giám đốc điều hành của DEWC Systems, nói với hãng thông tấn ABC hồi tháng 8 rằng vụ phóng hỏa tiễn sẽ giúp xây dựng năng lực tự chủ cho lực lượng quốc phòng của Úc.
Bà Linda Reynolds, Bộ trưởng Quốc phòng liên bang Úc, cho biết không gian đã là một lĩnh vực ngày càng quan trọng.
Bà Reynolds cho biết trong một thông cáo báo chí hôm 19/9 rằng: “Tải trọng được mang trên hỏa tiễn DART tạo ra một bước đệm cho Lực lượng Không quân khám phá cách thức sử dụng các cảm biến mạng tiên tiến có thể triển khai nhanh chóng để cung cấp thông tin trên các mạng Quốc phòng.”
Nguyên mẫu được khai triển bằng hỏa tiễn được phát triển bởi nhà thầu tác chiến điện tử DEWC Systems của Nam Úc và do Plan Jericho của Không quân tài trợ.
Tải trọng có kích thước bằng một cây bút lông viết bảng trắng được cho là sẽ chạm tới rìa không gian và rơi trở lại Trái Đất sau khi đã bung một chiếc dù bay.
Vụ phóng hỏa tiễn là một phần của chương trình cảm biến tiên tiến của Plan Jericho để phát hiện và theo dõi các mục tiêu thách thức.
Plan Jericho là một nỗ lực của Không Quân nhằm sử dụng trí thông minh tăng cường, bao gồm cả việc liên kết con người với máy móc để chống lại các mối đe dọa công nghệ tinh vi và biến đổi nhanh chóng đòi hỏi phản ứng nhanh.
Bà Melissa Price, Bộ trưởng Công nghiệp Quốc phòng Úc cho biết vụ phóng hỏa tiễn DART là sự hợp tác giữa chính phủ và ngành công nghiệp.
Bà nói: “Hỏa tiễn này không giống bất kỳ hỏa tiễn nào từng được phóng ở Úc và nó là một phần của công nghệ ‘Không gian mới’ đã được biết đến. Đó là các hỏa tiễn nhỏ mang theo những vệ tinh có kích thước nhỏ bằng cách sử dụng các công nghệ thương mại sẵn có”.
Chỉ dài 3.4m và nặng 34kg (khoảng 75 pound), hỏa tiễn DART chỉ bằng một phần nhỏ kích thước của các hỏa tiễn do NASA và SpaceX phóng.
Chính phủ Úc đang đầu tư 7 tỷ USD để cải thiện năng lực không gian trong 10 năm tới như một phần của bản Kế hoạch Cơ cấu Lực lượng và Cập nhật Chiến lược Quốc phòng 2020.
Vụ phóng hỏa tiễn DART diễn ra vài ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper cho biết Trung Quốc và Nga đã đưa vũ khí vào không gian, bao gồm cả các vệ tinh sát thủ.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký một Dự luật Quốc phòng trị giá 738 tỷ USD vào tháng 12 năm ngoái cho phép thành lập Lực lượng Không gian như một nhánh thứ sáu của quân đội Hoa Kỳ.
“Giữa những mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của chúng ta, ưu thế của Hoa Kỳ trong không gian là tuyệt đối quan trọng,” TT Trump nói vào thời điểm đó.
Vào tháng 7, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Quốc phòng Úc bà Melissa Price cho biết: “Không gian thực sự là một nỗ lực toàn cầu và Úc hiện đang tìm cách đóng góp mạnh mẽ vào an ninh và an toàn không gian bằng cách sử dụng các công nghệ và hệ thống tự phát triển trong nước”.
“Hỗ trợ phát triển công nghệ tiên tiến sẽ cho phép Quốc phòng tham gia tích cực hơn vào các hoạt động không gian và làm nhiều việc hơn để giám sát và bảo vệ các hệ thống không gian quan trọng của chúng ta khỏi các mối đe dọa.”
Úc có kế hoạch tăng gấp ba quy mô lĩnh vực không gian của mình lên 12 tỷ USD và tạo thêm 20,000 việc làm vào năm 2030.