Phòng 610: Từ đỉnh cao quyền lực trở thành tâm điểm chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh
Chính thức bị bắt giữ vào ngày 05/11, các cáo buộc mà cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Tôn Lập Quân phải đối mặt là vượt trên các cáo buộc thông thường về tham ô, nhận hối lộ, và “những vi phạm kỷ luật” khác mà các quan chức trong chế độ cộng sản này thường phải chịu trong chiến dịch chống tham nhũng của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.
Như đã thông báo trong một thông cáo nghiêm khắc do cơ quan kỷ luật trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ, Trung Cộng) đưa ra vào ngày 30/09, ông Tôn – người đã mất chức và bị khai trừ khỏi ĐCSTQ – được cho là đã “không hề trung thành với lý tưởng và niềm tin của Đảng” và lừa dối Bắc Kinh trong khi nuôi dưỡng “tham vọng chính trị” nguy hiểm. Việc ông Tôn lạm dụng quyền lực với tư cách là một quan chức cảnh sát đã “phá hoại nghiêm trọng sự đoàn kết trong Đảng và gây nguy hiểm cho an ninh chính trị”.
Vào ngày 02/10, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) thông báo về một cuộc điều tra đối với ông Phó Chính Hoa (Fu Zhenghua) vì “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng”. Ông Phó, người từng là thứ trưởng bộ công an trước ông Tôn, đã được thăng chức vào năm 2018 làm người đứng đầu Bộ Tư pháp Trung Quốc, một chức vụ mà ông nắm giữ cho đến tháng Tư năm ngoái.
Vài tuần trước đó, vào ngày 26/08, CCDI đã ra lệnh bắt giữ ông Bành Ba (Peng Bo), nguyên Phó Cục trưởng Cục quản lý Không gian mạng Trung Quốc; một cuộc điều tra bắt đầu hồi tháng 03/2021 cho thấy “lý tưởng và niềm tin của ông đã sụp đổ”, và ngoài việc “đi ngược lại các quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng”, ông Bành đã đến thăm các câu lạc bộ tư nhân và tham gia “các giao dịch bất hợp pháp về quyền và tiền”.
Những đặc điểm chung
Bắt đầu hơn tám năm về trước, chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh dưới thời ông Tập Cận Bình có một đặc điểm gần như không thay đổi. Nó đã tác động đến hàng triệu người trong các tổ chức Đảng và nhà nước, và thường lan sang hàng ngũ các quan chức đã về hưu cũng như cộng đồng doanh nghiệp.
Các sĩ quan cao cấp quản lý bộ máy an ninh rộng lớn của ĐCSTQ — mà ông Tôn, ông Phó, và ông Bành là những ví dụ nổi bật gần đây — đã trở thành mục tiêu thường xuyên trong các cuộc thanh trừng của ông Tập kể từ khi chiến dịch này bắt đầu.
Ngay từ năm 2013, Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Lý Đông Sinh (Li Dongsheng) đã bị điều tra; và theo sau ông ta, “một con hổ’’ thậm chí còn lớn hơn cũng bị điều tra trong năm 2014. Đó là ông Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang), một thành viên đã về hưu của cơ quan gồm 7 người ra quyết định hàng đầu của Đảng là Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị. Ông Chu Vĩnh Khang cũng từng giữ chức Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật (PLAC) của Đảng, một cơ quan đầy quyền lực, giám sát bộ máy pháp luật và an ninh của đất nước.
Kể từ đó trong những năm tiếp theo, hàng loạt các lãnh đạo đương chức và đã về hưu khác trong bộ máy chính trị và pháp luật này, cùng cảnh sát, và hệ thống pháp luật, cũng đã bị điều tra và bị kết án tương tự.
Mối liên hệ chung giữa nhiều người trong số những người đàn ông này, là sự tham gia của họ vào một tổ chức của Đảng Cộng sản hiện đã không còn tồn tại. Đó là Nhóm Lãnh đạo Trung ương về Ngăn chặn và Đối phó Dị giáo, với tên gọi không chính thức là “Phòng 610”, được đặt dựa theo ngày thành lập của nó là ngày 10/06/1999.
Bản thân Phòng 610 – một tổ chức Đảng cao cấp nhất có các lãnh đạo từng nắm quyền huy động cảnh sát và các đơn vị tuyên truyền trên quy mô toàn quốc – có mối liên kết không thể tách rời với người lập ra nó, cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ Giang Trạch Dân (Jiang Zemin), và với nhiệm vụ chính của nó, đàn áp Pháp Luân Công.
Được quyền đàn áp
Trong những năm 1990, hàng chục triệu người Trung Quốc đã theo học Pháp Luân Công, môn tu luyện phổ biến nhất trong số nhiều môn tu luyện thiền định truyền thống nổi danh vào thời đó. Tuy nhiên, mặc dù ban đầu được chính phủ ủng hộ, nhưng cộng đồng [người theo học môn này] đã bị đặt vào áp lực.
Tại một loạt các cuộc họp trong năm 1999, ông Giang – lãnh đạo đương thời của ĐCSTQ – đã cho rằng số lượng lớn các học viên và niềm tin vào Thần Phật của Pháp Luân Công là một thách thức đối với ĐCSTQ và hệ tư tưởng Marx vô thần của họ. Theo những người trong cuộc, trích dẫn trong cuốn sách “Giang Trạch Dân đích thực” xuất bản năm 2012, ông Giang đã mường tượng Pháp Luân Công là một mối đe dọa cần phải loại bỏ để bảo đảm cho sự tồn tại của Đảng.
Vào ngày 07/06 năm đó, ông Giang đã ra lệnh thành lập nhóm lãnh đạo trung ương, chịu trách nhiệm điều phối chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công sắp tới. Theo giáo sư James Tong của UCLA (Đại học California), để thực hiện nhiệm vụ của mình, Phòng 610 được phép “giao thiệp với các cơ quan trung ương và địa phương, các cơ quan đảng và nhà nước. Các cơ quan này được yêu cầu phối hợp chặt chẽ” với Nhóm lãnh đạo trung ương này.
Cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào ngày 20/07 với hàng chục ngàn học viên bị giam giữ chỉ trong vài tháng. Trong những thập niên tiếp theo, hàng triệu người đã bị giam giữ trong các nhà tù, các trung tâm tẩy não, các trại lao động, hoặc thiệt mạng vì bị đánh đập, tra tấn, hoặc mổ lấy nội tạng để bán.
Ông Giang, hiện 95 tuổi, vẫn tiếp tục giữ cương vị lãnh đạo ĐCSTQ và nguyên thủ quốc gia của Trung Quốc cho đến đầu những năm 2000, khi ông từ chức để ủng hộ ông Hồ Cẩm Đào. Tuy nhiên, nhiều trong số những người liên đới với ông Giang thông qua việc tham gia chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công — và giữ chức vụ trong các cơ quan như Phòng 610 — đã chiếm được các vị trí quyền lực trong chế độ Trung Cộng.
Theo ông Tân Tử Lăng (Xin Ziling), chủ tịch đã về hưu của nhà xuất bản quốc doanh Học viện Quân sự Trung Quốc, ông Giang đã buộc phải thành lập Phòng 610 do sự chần chừ của các đồng sự ủy viên trong Bộ Chính trị của ĐCSTQ đối với yêu cầu của ông Giang về một chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công. Ông Tân cho rằng việc thành lập tổ chức phi pháp này cho phép ông Giang và cấp dưới của ông ta qua mặt Bộ Chính trị cũng như chính quyền dân sự của Trung Quốc để tiến hành cuộc đàn áp.
Trong và sau nhiệm kỳ lãnh đạo chính thức của ông Giang, các quan chức có liên quan đến Phòng 610 đã nắm trong tay quyền lực to lớn. Ông La Cán (Luo Gan), người đứng đầu Phòng 610 từ năm 2003 đến năm 2007, là một thân tín của ông Giang mà đã sớm chủ trương cấm Pháp Luân Công.
Ông Chu Vĩnh Khang, cựu lãnh đạo PLAC hiện đang thụ án tù chung thân, đã chỉ huy Phòng 610 từ năm 2007 đến 2012, đồng thời đảm nhiệm chức vụ trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản. Vào thời điểm đó cùng trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị còn có ông La Cán và Trưởng ban tuyên truyền Lý Trường Xuân (Li Changchun), người đã hợp tác chặt chẽ với Phòng 610 trong thời gian giữ chức bí thư tỉnh ủy Quảng Đông ở miền nam Trung Quốc.
Là người đứng đầu hệ thống chính trị và pháp luật, ông Chu Vĩnh Khang giám sát không chỉ cảnh sát và các tòa án của Trung Quốc, mà còn cả Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân, một tổ chức bán quân sự có hơn 1 triệu nhân viên, và được cấp vốn với quy mô ngang với ngân sách của quân đội Trung Cộng, Quân Giải phóng Nhân dân.
Loại bỏ
Nhiều người theo dõi và bình luận về Trung Quốc đã xác định mối tương quan giữa các mục tiêu trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình và những người mà sự nghiệp của họ liên kết họ với ông Giang Trạch Dân.
Trước khi ông Tập lên nắm quyền vào tháng 11/2012, chế độ Trung Cộng đã bị lung lay vì nỗ lực đào tẩu của quan chức cảnh sát Vương Lập Quân tới lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô, tây nam Trung Quốc. Từng là giám đốc sở công an ở siêu đô thị Trùng Khánh, ông Vương Lập Quân đã bất hòa với cấp trên của mình là bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai (Bo Xilai).
Làm việc với những nhân vật như ông Chu Vĩnh Khang và các thành viên hàng đầu của quân đội Trung Quốc, ông Bạc Hy Lai và ông Vương Lập Quân đã đóng một vai trò trong việc mở rộng hoạt động thu hoạch nội tạng của Trung Quốc, mà theo các nhà nghiên cứu chủ yếu nhắm vào các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác.
Khi ông Vương Lập Quân và ông Bạc Hy Lai được cử đến vùng đông bắc Trung Quốc, ông Vương Lập Quân đã công khai ca ngợi kỹ thuật mổ lấy nội tạng từ các tử tù. Trong khoảng thời gian đó, sau những cánh cửa đóng kín, ông ta yêu cầu cấp dưới của mình “sát hại và tiêu diệt” các học viên Pháp Luân Công, theo một cảnh sát quân sự làm việc dưới quyền của ông Vương ở thành phố Cẩm Châu. Viên cảnh sát cũng kể lại việc đã chứng kiến một nữ học viên Pháp Luân Công “ưa nhìn” bị sát hại như thế nào. Cô đã bị cưỡng bách và làm nhục tình dục trước khi bị mổ lấy nội tạng.
Ông Vương Lập Quân và ông Bạc Hy Lai đã bị xét xử và kết án vào năm 2013, mở đầu cho chiến dịch chống tham nhũng dưới thời ông Tập. Cho đến nay, hầu hết các quan chức cao cấp bị kỷ luật trong chiến dịch này đều có các mối liên hệ tương tự với ông Giang, thường là thông qua các tổ chức như Phòng 610, hoặc cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Vị trí độc nhất của Phòng 610 trong chính trường Trung Quốc đã thu hút sự chú ý từ Bắc Kinh. Trước khi ông Lý Đông Sinh – Thứ trưởng Bộ Công an và Tuyên truyền, người từng đứng đầu Phòng 610 sau ông Chu Vĩnh Khang – bị “ngã ngựa” vào năm 2013, giới chức ĐCSTQ đã không chính thức thừa nhận sự tồn tại của nhóm lãnh đạo trung ương này. Cho đến nay, ĐCSTQ vẫn chưa làm rõ cơ sở pháp lý cho việc thành lập Phòng 610, và cũng không có bất kỳ lời giải thích rõ ràng nào về sứ mệnh của nó.
Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2016, Phòng 610 đã bắt đầu bị chỉ trích gay gắt. Tháng 10 năm đó, CCDI đã chỉ trích Phòng 610 vì thiếu “nhạy cảm chính trị” và không tuân theo “tinh thần của nhà nước pháp quyền”.
Vào tháng 03/2018, giới lãnh đạo trung ương của Đảng đã công bố một cuộc cải cách sâu rộng đối với ĐCSTQ và các cơ quan nhà nước. Phòng 610 là một trong những bộ phận an ninh bị ảnh hưởng bởi cuộc tái cơ cấu này khi bị giải thể và có các chức năng bị PLAC và Bộ Công an tiếp quản.
Bất chấp thay đổi này, Bắc Kinh vẫn tiếp tục nhắm vào các cựu nhân viên Phòng 610. Tháng Ba năm nay, khi CCDI công bố cuộc điều tra về ông Bành Ba, họ tiết lộ rằng ông Bành đã từng là Phó giám đốc Phòng 610 kể từ khi rời chức vụ quản lý an ninh mạng vào năm 2015; đây là lần đầu tiên thông tin chi tiết về chức vụ này trong sự nghiệp của ông Bành được công khai.
Ông Phó Chính Hoa và ông Tôn Lập Quân, các cựu Thứ trưởng Bộ Công an bị thanh trừng, cũng từng là giám đốc và phó giám đốc Phòng 610 trước khi tổ chức này tái cơ cấu.
Cuộc đàn áp vẫn đang tiếp diễn
Ông Hoành Hà (Heng He), một nhà bình luận về các vấn đề thời sự của Trung Quốc, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng việc giải thể Phòng 610 không liên quan nhiều đến tình trạng vi phạm nhân quyền của tổ chức này hoặc hoàn cảnh thuận lợi cho tham nhũng mà nó tạo ra cho các trợ thủ đắc lực của ông Giang Trạch Dân.
Theo ông Hoành Hà, Phòng 610 bị giải thể “không phải vì [các quan chức của nó] tham nhũng, mà là vì sau khi có quyền lực này, họ không nghe theo ông Tập,” ông Hoành Hà nhận định.
Các nhà nghiên cứu nhân quyền đã lưu ý rằng việc giải thể Phòng 610 trung ương không mang lại nhiều thời gian hòa hoãn cho các tín ngưỡng bị đàn áp – các đơn vị chống “dị giáo” cấp địa phương vẫn tiếp tục sách nhiễu và ngược đãi các học viên Pháp Luân Công, các tín đồ Cơ Đốc tại gia, và các nhóm tín ngưỡng khác.
Hơn nữa, trong khi ông Tập thực hiện một số biện pháp, chẳng hạn như bãi bỏ hệ thống trại lao động cưỡng bức vào năm 2013, ông đã chỉ thị tăng cường sự đàn áp độc tài của Đảng Cộng sản. Điều này có lẽ dễ thấy nhất ở khu vực Tây Bắc Tân Cương, nơi hơn 1 triệu người dân tộc thiểu số theo đạo Hồi bị giam giữ trong các trại tập trung và trung tâm cải tạo.
Bà Sarah Cook, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc của tổ chức nhân quyền Hoa Kỳ Freedom House, đã nhận xét vào cuối năm 2019 rằng ĐCSTQ đã áp dụng “kịch bản đàn áp Pháp Luân Công” vào việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc khác ở Tân Cương.
Trong một bài bình luận ngày 02/11, nhà phân tích Trung Quốc Trần Tư Mẫn (Chen Simin) nhận xét rằng quyết định nhắm vào Phòng 610 và các quan chức được biết đến là có liên quan đến cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ông Tập, có thể cho thấy rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc này muốn tách mình khỏi di sản chính trị của ông Giang Trạch Dân.
Bà Trần cho rằng điều này đặc biệt quan trọng khi ông Tập chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ thứ ba phá bỏ quy tắc khi vẫn là tổng bí thư ĐCSTQ, nhưng vẫn phải đối mặt với sự phản kháng đáng kể từ các đối thủ trong nhà cầm quyền này. “Khi ông Tập tìm cách tái đắc cử vào năm tới, ông ấy muốn bảo đảm rằng các đối thủ chính trị không cản đường ông trước Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20”.
Cùng với chính ông Giang, nhiều quan chức đã về hưu mà dân gian hay gọi là “nguyên lão” trong tiếng Hoa, từng phục vụ cùng hoặc dưới trướng của cựu lãnh đạo này, vẫn chưa bị bắt. Trong số này có cựu phó chủ tịch Tăng Khánh Hồng (Zeng Qinghong), cựu giám đốc Phòng 610 La Cán, và một số cựu thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, những người mà các nhà quan sát Trung Quốc coi là thân cận với ông Giang.
Những người có mối liên hệ với ông Giang hiện vẫn tại chức bao gồm ông Quách Thanh Côn (Guo Shengkun), người hiện đang đứng đầu PLAC, và ông Chu Cường (Zhou Qiang), chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.
Ông Leo Timm là cộng tác viên tự do cho The Epoch Times. Ông đưa tin về chính trị, văn hóa, và các vấn đề thời sự của Trung Quốc.
Yến Nhi biên dịch.
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: