Phơi nhiễm hóa chất trong đồ gia dụng khiến hệ vi khuẩn đường ruột của trẻ em kém khỏe mạnh
Một nghiên cứu của Đại học Bang Washington, phối hợp với Đại học Duke, đã tìm ra bằng chứng đầu tiên về liên hệ giữa việc tiếp xúc với các hóa chất gia dụng với các tác động lên hệ vi khuẩn đường ruột của trẻ em.
Được công bố trên tạp chí Bản tin Khoa học và Công nghệ Môi trường, nghiên cứu tiên phong này có thể giúp nâng cao nhận thức về mối nguy hiểm của việc phơi nhiễm nhiều lần với các hóa chất thông dụng thường được coi là an toàn để sử dụng trong gia đình.
Hóa chất tại nhà: Mối nguy hại được che giấu
Nghiên cứu được thực hiện tại Bắc Carolina và được tài trợ bởi Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ và Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường Quốc gia nhằm đánh giá mức độ phơi nhiễm trung bình của trẻ mới biết đi với các hợp chất hữu cơ bán bay hơi (SVOC) môi trường trong nhà.
Các nhà nghiên cứu đã đo mức SVOC trong nước tiểu, máu và mẫu phân thu được từ 69 trẻ em từ 3 đến 6 tuổi. Các bà mẹ và trẻ em được trích ra trong số những người tham gia vào một nghiên cứu có quy mô lớn hơn – Nghiên cứu Di truyền học Sơ sinh (NEST). Dữ liệu y tế cho mỗi trẻ em đều được lấy từ hồ sơ NEST.
Trong số các hóa chất được phát hiện trong các mẫu sinh học của trẻ em có phthalate, là chất có trong đồ nhựa tiêu dùng và các sản phẩm chăm sóc cá nhân như xà phòng và kem dưỡng da, và các hóa chất Perfluorinate và Polyfluorinate (PFAS), là những chất được tìm thấy trong lớp phủ trên đồ nấu nướng, thảm và đồ nội thất, cũng như trong sơn, các sản phẩm tẩy rửa, và hơn thế nữa.
Trẻ nhỏ nhạy cảm hơn với phơi nhiễm hóa chất
Rất nhiều dữ liệu được thu thập từ các bà mẹ liên quan đến môi trường gia đình, chế độ ăn uống, sức khỏe và hành vi của con họ, các câu hỏi về chế độ ăn uống giới hạn ở mức độ phơi nhiễm tiềm ẩn với PFAS và phthalates. Các nguồn phổ biến của chế độ ăn uống tiếp xúc với các hóa chất này bao gồm thực phẩm trong bao bì nhựa dùng một lần hoặc bao bì dùng được trong lò vi sóng, và các bữa ăn thường xuyên ở nhà hàng, vì nhiều nhà hàng phục vụ thực phẩm được bảo quản trong hộp nhựa.
Các mẫu máu và nước tiểu được phân tích để tìm 44 dấu ấn sinh học SVOC, bao gồm các chất este organophosphat, paraben, phenol, chất kháng khuẩn, hợp chất phthalate và PFAS. Các mẫu phân đã được kiểm tra để tìm ra sự hiện diện của các khuẩn lạc vi khuẩn và nấm cho thấy sức khỏe của hệ vi khuẩn đường ruột của con người.
Sau khi phân tích các mẫu, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những trẻ em có hàm lượng một số hóa chất trong máu cao hơn có số lượng khuẩn lạc vi khuẩn cụ thể thấp hơn và ít đa dạng vi khuẩn hơn trong đường tiêu hóa. Cụ thể, hàm lượng PFAS trong máu cao hơn có liên quan đến việc giảm các loại và số lượng một số chủng vi khuẩn nhất định, và tăng phthalate có liên quan đến việc giảm quần thể nấm.
Hệ vi khuẩn đường ruột bảo vệ cơ thể trước hóa chất
Các nhà nghiên cứu đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra sự hiện diện của một số loại vi khuẩn khử halogen trong ruột của những trẻ em tiếp xúc với hóa chất ở mức độ cao. Vi khuẩn khử muối là một loại vi khuẩn thường được sử dụng để xử lý các chất ô nhiễm hóa học khó phân hủy trong đất và nước ngầm. Vi khuẩn khử halogen thường không được tìm thấy trong ruột của con người.
Theo nghiên cứu, đây dường như là một nỗ lực của hệ vi sinh vật nhằm tự điều chỉnh một môi trường đang bị hóa chất tấn công. Theo Courtney Gardner, tác giả chính của nghiên cứu, “Việc tìm thấy mức độ gia tăng của các loại vi khuẩn này … có nghĩa là, có khả năng, hệ vi khuẩn đường ruột đang cố gắng tự điều chỉnh.”
Theo bà Gardner, mối tương quan giữa việc tiếp xúc với hóa chất và vi khuẩn đường ruột nghèo nàn hơn là điều rút ra được rõ ràng nhất từ nghiên cứu và nên được quan tâm. Với sự hiểu biết khoa học của chúng ta về hệ vi sinh vật vẫn còn hạn chế, những gì chúng ta không biết có thể làm tổn hại chúng ta.
“Những vi khuẩn này có lẽ không phải là động lực chính [của sức khỏe] và có thể có những vai trò tinh tế hơn trong hệ sinh học của chúng ta, nhưng có thể là một trong những vi khuẩn này có một chức năng duy nhất và việc giảm mức độ của nó có thể có những tác động đáng kể đến sức khỏe”, bà Gardner nói.
Phơi nhiễm hóa chất nhiều hơn: ít vi khuẩn khỏe mạnh hơn
Trẻ em, đặc biệt là trẻ mới biết đi, dễ ăn phải các chất độc từ môi trường hơn vì nhiều lý do, bao gồm cả việc gần thảm trải nhà, bụi bẩn và có xu hướng đưa đồ chơi và đồ gia dụng vào miệng.
Trẻ em cũng có nguy cơ cao hơn do tiếp xúc với chất độc do cơ thể nhỏ hơn, do thói quen ăn uống và không có khả năng thay đổi môi trường của chúng. Người lớn phải bảo vệ chúng, bắt đầu bằng nhận thức về nguyên nhân và ảnh hưởng của việc phơi nhiễm hóa chất.
Bà Gardner hy vọng nghiên cứu sẽ thúc đẩy nhiều nghiên cứu hơn về các công cụ chẩn đoán để phát hiện phơi nhiễm hóa chất, cũng như các biện pháp can thiệp lợi khuẩn để cải thiện kết quả sức khỏe. Bà nói: “Có được sự hiểu biết toàn diện hơn về sự tương tác giữa các chất hóa học do con người tạo ra, hệ vi khuẩn đường ruột và sức khỏe con người là một bước quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Vi khuẩn có phải là chìa khóa cho sức khỏe con người?
Hệ vi sinh vật ở người là tập hợp các vi sinh vật, bao gồm vi khuẩn, nấm, vi rút, ký sinh trùng và động vật nguyên sinh sống trong và trên cơ thể người. Người ta ước tính rằng có gấp 200 lần số gen vi sinh vật trong cơ thể người so với gen của con người. Đã từng không được khoa học thừa nhận cho đến những năm 1990, phần lớn hoạt động của hệ vi sinh vật vẫn còn cần được khám phá.
Nói một cách đơn giản, hệ vi sinh vật có nhiệm vụ duy trì cuộc sống của con người. Cho đến nay, khoa học đã ghi nhận vi khuẩn trong cơ thể chúng ta giúp tiêu hóa thức ăn, chuyển hóa vitamin và khoáng chất, điều chỉnh hệ thống miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh do vi khuẩn không lành mạnh gây ra.
Nhiều bệnh tự miễn, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp và đa xơ cứng, có liên quan đến rối loạn chức năng trong hệ vi sinh vật. Bạn thậm chí có thể là người thừa hưởng vi khuẩn tổ tiên dưới dạng di truyền hệ vi sinh vật có chức năng không khác gì việc truyền DNA từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Chế độ ăn uống cho hệ bổ sung lợi khuẩn là một trong những cách hỗ trợ tích cực cho hệ vi sinh vật của bạn. Trái cây, rau và hạt như hạt lanh và hạt chia, chứa nhiều chất xơ hòa tan, là những loại prebiotics tuyệt vời không chỉ giúp cho hệ miễn dịch mà còn cân bằng hệ vi sinh vật.
Thiên Minh biên dịch
Tham khảo bản gốc The Epoch Times