Phó Tổng thống Harris khiển trách Trung Quốc vì uy hiếp và đe dọa tại Biển Đông
Hôm 24/08, Phó Tổng thống Kamala Harris đã công khai chỉ trích Bắc Kinh vì phá hoại trật tự dựa trên quy tắc quốc tế ở Biển Đông trong một bài diễn văn về chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Bà đã có bài diễn văn tại Singapore, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Đông Nam Á cũng sẽ bao gồm một chuyến đi đến Việt Nam của bà. Chuyến thăm của bà diễn ra vào thời điểm Hoa Kỳ đang bị nhắm mục tiêu bởi một chiến dịch tuyên truyền do những người làm việc cho Trung Cộng tiến hành, với hy vọng thuyết phục các quốc gia nhìn nhận Hoa Kỳ là một đồng minh không đáng tin cậy dựa trên cuộc rút lui hỗn loạn của nước này khỏi Afghanistan.
Bà Harris cho hay, “Chúng tôi biết rằng Bắc Kinh đang không ngừng ép buộc, đe dọa và đưa ra các yêu sách đối với phần lớn [lãnh thổ] Biển Đông,” và nói thêm rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại các vùng biển có tranh chấp này đã bị coi là “phi pháp” trong một phán quyết quốc tế năm 2016, trong đó đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh.
Bà nói: “Các hành động của Bắc Kinh tiếp tục làm suy yếu trật tự dựa trên luật lệ và đe dọa chủ quyền của các quốc gia.”
Bà Harris đã tìm cách trấn an các quốc gia cùng chí hướng trong khu vực này, nói rằng Hoa Kỳ “sát cánh cùng các đồng minh và đối tác của chúng tôi” trong việc đối mặt với các mối đe dọa của Trung Quốc.
Trung Quốc đã cố gắng dùng vũ lực để ngăn không cho các quốc gia khác trong khu vực tiếp cận các ngư trường trù phú trong vùng biển tranh chấp này. Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam đều đang đứng trước những tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông.
Hồi tháng Bảy năm ngoái (2020), hơn một chục thuyền viên trên một tàu đánh cá của Việt Nam đã buộc phải nhảy xuống biển khi tàu của họ bị một tàu của Trung Quốc đâm vào. Hồi tháng 01/2021, một ngư dân người Philippines cho biết ông đã bị Đội Tuần duyên Trung Quốc ngăn không cho đi thuyền vào khu vực đánh bắt gần một hòn đảo do Manila quản lý.
Hồi tháng 03/2021, hơn 200 tàu Trung Quốc—bị cho là do lực lượng dân quân hàng hải của Bắc Kinh điều khiển—đã neo đậu tại khu vực Đá Ba Đầu (Whitsun Reef), là một trong những bãi đá ngầm, đảo và đảo san hô đang tranh chấp trên Biển Đông.
Bà Harris cho biết Hoa Kỳ đã cam kết giữ vững tầm nhìn và mang trở lại một “khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở,” trong đó bao gồm tự do trên biển, hoạt động thương mại không bị cản trở, và thúc đẩy nhân quyền.
Bà Harris cho biết, “Giờ đây, khi chúng ta đứng trước các mối đe dọa đối với trật tự này, thì tôi ở đây để tái khẳng định cam kết của chúng tôi đối với tầm nhìn đó.”
Bà cũng đề cập đến việc Hoa Thịnh Đốn đang tìm kiếm sự hợp tác với các quốc gia trong khu vực ra sao.
Bà giải thích: “Sự tham gia của chúng tôi ở khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không phải là để chống lại bất kỳ một quốc gia nào. Và việc này cũng không được thiết kế để khiến bất kỳ bên nào phải lựa chọn giữa các quốc gia.”
“Thay vào đó, sự tham gia của chúng tôi là nhằm thúc đẩy một tầm nhìn lạc quan mà chúng tôi có về sự tham gia và liên kết đối tác của chúng tôi tại khu vực này,” bà cho biết thêm.
Chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc, vốn bắt đầu sau khi Taliban chiếm giữ nhanh chóng thủ đô Kabul của Afghanistan, vẫn không ngừng được đẩy mạnh trong chuyến đi của bà Harris. Vào ngày 23/08, kênh CGTN do nhà nước Trung Quốc điều hành, một chi nhánh tại hải ngoại của đài truyền hình Trung Quốc CCTV, đã công bố một bài bình luận có nói: “Có vẻ như việc bị bỏ rơi là điều không thể tránh khỏi nếu các vị đặt quá nhiều sự tin tưởng vào Hoa Kỳ.”
Bài bình luận này cũng chỉ trích bà Harris, nói rằng bà ấy sẽ không thể “cứu vãn sự tín nhiệm đã hoàn toàn sụp đổ của Hoa Kỳ” bằng chuyến thăm của mình.
Tờ Thời báo Hoàn cầu, một kênh thông tấn nhà nước hiếu chiến của Trung Cộng, trong một bài báo đăng hôm 24/08, đã chế nhạo ý tưởng rằng bà Harris muốn tăng cường bang giao song phương với Việt Nam, nói rằng một mục tiêu như vậy sẽ chỉ là một “suy nghĩ viển vông.”
Bà Harris sẽ đến Việt Nam vào ngày 24/08 trong một chuyến thăm ba ngày. Trước khi sang Việt Nam, bà dự kiến tổ chức một cuộc thảo luận bàn tròn với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp.
Sau khi bà Harris có bài diễn văn tại công viên Gardens by the Bay của Singapore, ba quan chức cao cấp của Hoa Kỳ đã tham gia vào một cuộc thảo luận do bà Trần Khánh Châu (Chan Heng Chee), đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Singapore chủ trì. Bà Trần đã hỏi ba tham luận viên này rằng liệu Hoa Thịnh Đốn “có gặp khó khăn hơn trong việc thuyết phục các quốc gia làm việc” với Hoa Kỳ sau những gì đã xảy ra ở Afghanistan hay không.
Ông Phil Gordon, phó cố vấn an ninh quốc gia của bà Harris, cho biết: “Tôi không nghĩ là chính xác khi cho rằng Afghanistan bằng cách nào đó cho thấy Hoa Kỳ không phải là một đối tác đáng tin cậy,” đồng thời chỉ ra những nỗ lực của Hoa Kỳ tại quốc gia này trong 20 năm qua.
Ông Gordon nói thêm rằng Tổng thống Joe Biden đã đưa ra quyết định rút khỏi Afghanistan để Hoa Kỳ “có thể theo đuổi lợi ích của chúng tôi và tập trung vào những điều quan trọng đối với chúng tôi, và điều đó bao gồm cả khu vực này.”
Ông Kin Moy, quan chức cao cấp của Cục Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đã giải quyết câu hỏi của bà Trần bằng cách phúc đáp rằng Hoa Kỳ đã cam kết với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và điều này sẽ tiếp tục được thực hiện.
Ông Moy cho biết, “Chúng tôi cũng đang xem xét những thách thức trong tương lai, để tạo ra nhiều cơ hội hơn nữa. Và tôi nghĩ rằng các vị sẽ thấy điều đó trong tương lai.”
Ông Frank Fang là một ký giả sinh sống tại Đài Loan. Ông đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Ông có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: