Phó chủ tịch Samsung Lee Jae-yong thăm Hoa Kỳ cho dự án nhà máy vi mạch
Chuyến đi gần đây của Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong đến Bắc Mỹ có khả năng nhằm hoàn thiện việc lựa chọn địa điểm cho nhà máy đúc vi mạch mới trị giá 17 tỷ USD của Samsung. Chuyên gia tài chính Hồng Kông Liêu Sĩ Minh (Liao Shiming) tin rằng Hoa Kỳ đang hợp tác với Samsung để tái cấu trúc chuỗi cung ứng công nghệ cao của họ.
Ông Lee xuất hiện tại một sân bay thương mại ở Seoul vào sáng sớm hôm 14/11. Ông nói chuyện ngắn với báo chí trước khi lên chuyến bay thuê bao đến Canada.
Khi được hỏi liệu ông có hoàn tất kế hoạch đầu tư xưởng đúc vi mạch ở Hoa Kỳ hay không, ông Lee trả lời: “Tôi sẽ gặp nhiều đối tác [bán dẫn].”
Đây là chuyến đi ngoại quốc đầu tiên của ông Lee kể từ khi được tạm tha vào tháng Tám. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của ông đến Hoa Kỳ sau hơn 5 năm. Ông Lee đã bị kết án hai năm rưỡi tù giam vì nghi ngờ hối lộ vào tháng Giêng năm nay. Trừ đi thời gian ông bị giam giữ trước đó, ban đầu án của ông dự kiến kết thúc vào năm sau.
Trong chuyến đi của mình, ông Lee dự kiến sẽ đến thăm phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo của Samsung ở Toronto, Canada, sau đó sẽ đến Hoa Kỳ để tiến hành các cuộc tham vấn cuối cùng về việc lựa chọn địa điểm cho nhà máy đúc đầu tiên của Samsung tại Hoa Kỳ. Ông cũng sẽ đến Boston để gặp gỡ với công ty dược phẩm Moderna của Hoa Kỳ, nhằm giúp lấy vaccine COVID-19 cho những người đồng hương của mình.
Chuyên gia tài chính: Nam Hàn điều chỉnh lại mối quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ
Ông Liêu Sĩ Minh, một tác giả chuyên mục tài chính và kinh tế Hồng Kông, nói với The Epoch Times hôm 16/11 rằng chuyến đi Hoa Kỳ của ông Lee rõ ràng là để thực hiện các ý định của riêng ông.
Ông Liêu nói, trong hai năm qua, sự phân tách kinh tế giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã trở thành một cuộc thảo luận sôi nổi, sau đó đã phát triển thành “phân tách chính xác”, tập trung vào tách rời về công nghệ.
Ông cũng chỉ ra rằng xu hướng sẽ không thay đổi với sự chuyển giao quyền lực từ Tổng thống Donald Trump sang Tổng thống Joe Biden, vì xu hướng này đã trở thành sự đồng thuận của lưỡng đảng.
Ông Liêu tin rằng Hoa Kỳ muốn tách khỏi Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, vũ trụ, hóa sinh và các lĩnh vực khác. Khi làm như vậy, Hoa Kỳ có kế hoạch tái cấu trúc chuỗi cung ứng của mình — chuỗi cung ứng toàn cầu của họ sẽ được chia thành hai phân nhóm, sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm thông thường.
Vào đầu năm nay, khi Hoa Kỳ đưa ra các chính sách mới liên quan đến chuỗi cung ứng, Nam Hàn đã sửng sốt nhận ra rằng họ đã bị loại khỏi tất cả các chuỗi cung ứng công nghệ cao của Hoa Kỳ. Ông Liêu nói, điều này có nghĩa là, nếu Hoa Kỳ phát triển bất kỳ công nghệ hiện đại nào, Nam Hàn sẽ bị hạn chế nhận chuyển giao công nghệ hoặc đầu ra thiết bị.
Ông Liêu giải thích: “Điều này khiến Nam Hàn rất lo lắng. Vậy tại sao Hoa Kỳ lại loại Nam Hàn khỏi chuỗi cung ứng công nghệ cao của mình? Tất nhiên là do Nam Hàn ở quá gần Trung Quốc.”
Bây giờ chính phủ đã trả tự do cho ông Lee khỏi nhà tù để ông có thể gặp gỡ các đối tác của mình tại Hoa Kỳ. Ông Liêu tin rằng đó là một dấu hiệu cho thấy người Nam Hàn muốn khôi phục mối quan hệ của họ với Hoa Kỳ, bởi vì chính người trong ngành công nghiệp Nam Hàn có mối quan hệ tốt nhất với người Mỹ là ông Lee Jae-yong.
Ngay sau khi ông Lee được trả tự do, Samsung và Hoa Kỳ đã đàm phán một thỏa thuận để chuyển hoạt động sản xuất vi mạch sang Hoa Kỳ.
Ông Liêu giải thích rằng từ quan điểm của Hoa Kỳ, họ tham gia thỏa thuận vì lo ngại về an ninh. Ông nói, “Nếu Bắc Hàn bắn tên lửa vào Nam Hàn, Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu vi mạch. Do đó, việc sản xuất vi mạch bán dẫn có trụ sở tại Mỹ có tầm quan trọng sống còn.”
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ thăm Nam Hàn
Đại diện thương mại Hoa Kỳ Katherine Chi Tai đã đến Seoul hôm 18/11, lần đầu tiên sau 10 năm trưởng đoàn đàm phán thương mại Hoa Kỳ thăm Nam Hàn kể từ cuộc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do song phương năm 2011.
Chuyến đi Á Châu của bà Tai bao gồm Nhật Bản hôm 15/11, Nam Hàn hôm 18/11 và Ấn Độ hôm 22/11.
Theo Korean Herald, bà dự kiến sẽ thảo luận một số vấn đề kinh tế và thương mại với các quan chức Nam Hàn, bao gồm chuỗi cung ứng chất bán dẫn, thỏa thuận thương mại kỹ thuật số, các công ty Nam Hàn đầu tư vào Hoa Kỳ và hợp tác biến đổi khí hậu.
Cơ quan này cũng tiết lộ rằng trước chuyến thăm của bà Tai, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã yêu cầu các nhà sản xuất vi mạch của Nam Hàn như Samsung và SK hynix trả lời một danh sách các câu hỏi. Bảng câu hỏi liên quan đến thông tin kinh doanh nhạy cảm như các loại nút công nghệ, vật liệu bán dẫn, và các thiết bị khác. Các công ty này cũng được yêu cầu tiết lộ các đơn đặt hàng tồn đọng và các khách hàng lớn, cũng như một số chi tiết nhất định về tình trạng hàng tồn kho của họ.
Ông Liêu phân tích rằng đây là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy Hoa Kỳ đang lôi kéo Nam Hàn để chống lại Trung Cộng.
Ông nói: “Hoa Kỳ chắc chắn sẽ tuân thủ đường lối của mình trong các vấn đề chuỗi cung ứng và Chiến tranh Thương mại Trung-Mỹ, vì đây là sự đồng thuận của lưỡng đảng. Chuyến thăm của bà Tai tới ba nước Á Châu nhằm nắm quyền kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng công nghệ cao, là một phần của nỗ lực tái cơ cấu.”
Cô Jessica Mao là một tác giả của The Epoch Times, chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times từ năm 2009.
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: