Phim tài liệu đạt giải thưởng ‘Trường Xuân’ kết thúc đợt công chiếu tại thành phố New York
Bộ phim tài liệu từng đạt giải thưởng “Eternal Spring” (Trường Xuân) đã có hai suất chiếu cháy vé tại New York trong tuần này. Phim sẽ được trình chiếu ở Ba Lan vào cuối tháng Năm và sẽ trở lại Hoa Kỳ vào tháng Sáu ở New Jersey và Los Angeles, California.
Phim “Trường Xuân” đã được trình chiếu tại Liên hoan phim 2022 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ở New York vào hôm thứ Hai (23/05) và thứ Ba (24/05).
Bộ phim tài liệu Canada này sử dụng sự kết hợp giữa hoạt hình và phỏng vấn người thật để tái hiện sự kiện chèn sóng vào truyền hình của chế độ cộng sản Trung Quốc ở thành phố Trường Xuân ở vùng đông bắc Trung Quốc 20 năm trước. Nghĩa đen của tên thành phố này là “mùa xuân vĩnh hằng”, cũng là tên tiếng Anh của bộ phim, “Eternal Spring”.
Các phương tiện truyền thông ở Trung Quốc, tất cả đều do nhà nước kiểm soát, đã phát sóng tuyên truyền thù hận chống lại Pháp Luân Công kể từ khi nhà cầm quyền bắt đầu đàn áp tín ngưỡng này vào năm 1999. Pháp Luân Công là một môn tu luyện tinh thần ôn hòa dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn.
Vào ngày 05/03/2002, một nhóm học viên Pháp Luân Công đã liều mình truy cập vào hệ thống phát thanh truyền hình ở Trường Xuân để phát đi sự thật về môn tu luyện này và cuộc bức hại. Hầu hết họ sau đó đã bị nhà cầm quyền bắt giữ, tra tấn, và sát hại.
Những người bạn của họ từ Trường Xuân đã tham dự buổi ra mắt bộ phim này tại Trung tâm Điện ảnh Elinor Bunin Munroe ở Trung tâm Lincoln ở New York hôm 24/05.
Ông Ngụy Lợi Sinh (Wei Lisheng), người từng quen biết nhiều người tham gia sự kiện Trường Xuân, nói với The Epoch Times, “Anh Lôi Minh (Lei Ming), anh Lưu Thành Quân (Liu Chengjun), anh Lương Chấn Hưng (Liang Zhenxing), anh Lưu Hải Ba (Liu Haibo), họ đều đã qua đời. Giờ tôi sẽ lên tiếng thay cho họ.” Anh Ngụy Lợi Sinh cho biết, “Tôi muốn nói cho mọi người trên thế giới về những hành động anh hùng của họ, và cho mọi người biết sự thật về cuộc bức hại Pháp Luân Công.”
Ông Jason Loftus, đạo diễn của phim “Trường Xuân” kiêm người đạt Giải thưởng Peabody và Giải thưởng Màn ảnh Canada, và nghệ sĩ hoạt hình chính Quách Cạnh Hùng (Guo Jingxiong) đều đã đến buổi công chiếu để giao lưu với khán giả sau buổi chiếu phim.
Ông Quách Cạnh Hùng nói với The Epoch Times: “Con đường thiên đàng nằm phía trên con đường nhân thế. Nếu mục đích của việc nói lên sự thật là để cứu người, thì điều đó có nghĩa là chúng ta nên có lòng can đảm để chiến đấu chống lại thế lực tà ác. Đây là điều làm nên sự vĩ đại của các học viên Pháp Luân Công trong sự kiện ở Trường Xuân. Tôi muốn kể câu chuyện của họ cho nhiều người hơn trên khắp thế giới.”
Hai bộ phim khác về nhân quyền Trung Quốc của ông Loftus đã bị chính quyền Trung Quốc đàn áp trong quá trình làm bộ phim tài liệu này. Các hợp đồng của ông với Trung Quốc đại lục đã bị hủy bỏ. Gia đình của vợ ông đã bị nhà cầm quyền này sách nhiễu. Tuy nhiên, được truyền cảm hứng từ các học viên Pháp Luân Công Trung Quốc đang chống lại cuộc bức hại, ông đã không từ bỏ việc thực hiện bộ phim tài liệu này.
Ông nói, “Những gì tôi đã chứng kiến là có những người sẵn sàng hy sinh nhiều hơn rất nhiều so với những gì tôi đang đối mặt để có thể nói lên sự thật khi đối diện với sự bất công. Và tôi chỉ nghĩ rằng với sự tự do mà chúng ta có ở đây, nếu chúng ta không làm điều tương tự thì chúng ta có thể sẽ phải hối tiếc sau này. Vì vậy, tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta phải sử dụng quyền tự do mà chúng ta có để lên tiếng.”
Luật sư nhân quyền Trung Quốc Đằng Bưu (Teng Biao) đã xem bộ phim “Trường Xuân” lần thứ hai. Ông nói với The Epoch Times rằng “việc nói lên chân tướng là rất quan trọng. Và như chúng ta thấy trong bộ phim này, rất nhiều học viên Pháp Luân Công và những người bảo vệ nhân quyền dũng cảm đã hy sinh sự tự do, thậm chí cả mạng sống của họ để nói lên sự thật.”
Ông cho biết thêm, “Tôi là một luật sư nhân quyền và tôi đã từng bị bắt cóc, giam giữ và tra tấn một vài lần. Nhưng rất nhiều người bạn của tôi vẫn còn đang trong tù. Vì vậy, chúng ta không thể coi sự tự do là điều hiển nhiên. Nói lên sự thật và nhớ hãy kháng cự, … điều đó có sức mạnh.”
Nhà văn Steve Mackes ở New York nói với The Epoch Times: “Tôi thực sự thích cách bộ phim này được tạo ra bằng hoạt hình. Có rất nhiều điều đang xảy ra ở Trung Quốc, vốn thuần túy là đàn áp. Mọi người đã bị trừng phạt chỉ vì cố gắng sống tốt. Nhưng mặc dù vậy họ vẫn đang cố gắng nói lên sự thật. Điều này là rất cần thiết. Bộ phim này rất cảm động. Vâng, tôi nghĩ là nó rất hay.”
Cho đến nay, bộ phim “Trường Xuân” đã giành được nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim trên thế giới, chẳng hạn như Movies That Matter tại Hà Lan, Liên hoan Phim Quốc tế Thessaloniki ở Hy Lạp, và Liên hoan Phim Hot Docs ở Toronto.
Ông Alex Wu là một tác giả của The Epoch Times tại Hoa Kỳ, chuyên về xã hội Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc, nhân quyền, và các mối quan hệ quốc tế.