Phim ‘Soul’ của Pixar: Chất lượng nhất quán nhưng không hoàn toàn vô hại cho trẻ em
Phim được phân loại: PG (Parental Guidance) – có thể có một số chi tiết không phù hợp với trẻ nhỏ, bố mẹ cân nhắc khi cho con xem.
Độ dài: 1h 40 phút
Thể loại: Hoạt hình, Phiêu lưu, Hài hước
Hãng phim Pixar dường như đã hạ gục các đối thủ cạnh tranh của mình trong lĩnh vực sản xuất phim hoạt hình. Thật tốt khi trong thời đại ngày nay vẫn còn có một sản phẩm không suy giảm về chất lượng mà vẫn duy trì các tiêu chuẩn của nó hoặc thậm chí còn phát triển hơn. Phim “Soul” bảo đảm sự toàn vẹn về chất lượng của Pixar, mặc dù nó thể hiện một tư tưởng cực đoan và vượt quá giới hạn trong hai phương diện.
Người ta có thể định nghĩa Pixar là thương hiệu phim hoạt hình dành cho trẻ em có khám phá triết học, thần học, bản thể học, siêu hình và tâm linh sâu sắc. Đây đều là những nội dung đáng kinh ngạc mà chỉ có Pixar mới làm được. Hãng phim mang đến cho khán giả một bàn tiệc phong phú những điều đáng suy ngẫm. Tuy nhiên, gắng sức giải thích bí ẩn của vũ trụ không phải là không có rủi ro nhất định. Lát nữa, tôi sẽ nói về điều này.
Hai phương diện
Như hầu hết người Hoa Kỳ có thể dự cảm được nội dung ngay từ tiêu đề, “Soul” (Linh hồn) là bộ phim Pixar đầu tiên có dàn diễn viên chủ yếu là người da đen, giống như thế giới của người Mexico trong phim “Coco” trước đó. Vì vậy, đây là phương diện đầu tiên.
Không phân biệt đối xử là một ý tưởng tốt. Thật thú vị khi các nền văn hóa khác nhau có thể bước lên sân khấu và kể một câu chuyện từ quan điểm độc đáo của riêng họ. Nhưng chủ đề của Pixar luôn siêu thường, và cuối cùng, đều nói về con người. Một lần nữa, Pixar không chỉ đề cập đến thế giới vật chất thực tại mà còn cả những vấn đề hết sức to lớn.
“Soul” thậm chí còn có tính triết học, thần học, bản thể học, siêu hình học và tâm linh hơn bao giờ hết, để rồi từ đó nó vượt quá giới hạn ở phương diện thứ hai.
Tuy nhiên, tôi cho rằng Pixar đã đi quá xa khỏi những cân nhắc thấu đáo vốn có về những vấn đề lớn của cuộc sống. Và có yếu tố mang tính lật đổ đang diễn ra ở đây, không biết là vô tình hay cố ý. Bộ phim “Soul” cổ xúy cho thuyết vô thần; nó khiến việc lý giải vũ trụ một cách vô thần luận trở nên dễ dàng, và tôi thấy đây là một vấn đề khi bộ phim dành cho trẻ em. Chốc nữa, tôi sẽ nói nhiều hơn về điều này.
Những gì tiếp theo
Pixar ra mắt “Soul”, bộ phim thứ 23, vào dịp Giáng Sinh năm 2020 (phát trực tuyến trên Disney+). Phim mở đầu bằng hình ảnh lâu đài Disney như thường lệ, ngoại trừ nhạc nền không phù hợp một cách buồn cười, như đang được chơi bởi một dàn nhạc học đường: nhiều tiếng sáo, tiếng kẽo kẹt đàn dây và tiếng còi kèn đồng.
Và… bức màn kéo lên, xuất hiện Joe Gardner (Jamie Foxx lồng tiếng), một giáo viên dàn nhạc trung học tốt bụng và hơi ngốc nghếch. Anh có nhiệm vụ chỉ huy các nhạc sĩ trẻ tuổi tương lai trong lớp học. Bối cảnh là một khung cảnh ấm cúng và rất chi tiết ở Manhattan.
Giảng dạy là công việc hàng ngày của Joe; anh cũng là một nghệ sĩ piano nhạc jazz đầy tham vọng và cực kỳ tài năng. Sau nhiều năm biểu diễn không thành công, cuối cùng Joe cũng có được thành quả lớn: Anh được chơi cùng diva nhạc jazz-saxophone nổi tiếng Dorothea Williams (Angela Bassett lồng tiếng) và nhóm tứ tấu của cô.
Khoảnh khắc Joe hoàn toàn đắm chìm trong âm nhạc tại buổi biểu diễn với Dorothea có lẽ là cảnh hay nhất trong cả bộ phim. Nhưng, giáo sư lơ đãng Joe đã lao về nhà một cách phấn khích như đang trên mây, đến nỗi suýt bị ô tô đâm và xe buýt chạy sượt qua. Cuối cùng, may mắn của Joe cũng hết, anh lao thẳng xuống một miệng cống mở và bị thương nặng.
Kiếp sau (The Great Beyond)
Anh thức dậy và trở thành bóng ma của chính mình. (Có một chút buồn cười là ai đó đã cho một nhân vật da đen dành phần lớn thời lượng của bộ phim trong hình hài một con ma trắng giống Casper, nhưng trong thời đại của văn hóa đổ lỗi và tẩy chay, chúng ta hãy đừng nghĩ quá sâu về điều đó, phải không nào? Chỉ cần coi đó là một sự mỉa mai thú vị.) Dù sao, con ma Joe với một nhóm linh hồn khác đang trên một băng chuyền để tới nơi gọi là… “Kiếp sau”.
Cơ thể vật chất của Joe hiện đang hôn mê trong bệnh viện, nhưng linh hồn của Joe không có bất kỳ thứ gì thuộc về Kiếp sau, vì vậy anh đã lao thẳng xuống mép của thang cuốn và đáp xuống một vùng đồi núi màu xanh lam nhạt, nhẹ nhàng, mềm mại như nhung. Đây là khu vực tiền sinh, nơi các linh hồn chuẩn bị cho lần chuyển sinh tiếp theo.
Nơi đó được gọi là “Kiếp trước” (The Great Before), trong đó xuất hiện những người lạ lùng duyên dáng trong không gian hai chiều, ồ…những vị thần ư? Có lẽ nào? Họ được gọi là Người hướng dẫn, có vẻ ngoài kỳ dị như thể được tạo ra bởi ‘Đấng sáng tạo’ Picasso. Họ giống như cố vấn trường học phụ trách việc giúp các linh hồn khám phá ra “tia sáng” (spark) của mình. Tia sáng là gì? Chính là phẩm chất sẽ khiến một tâm hồn mới biết trân trọng cuộc sống. Tôi coi đó là một “tài năng”, nhưng OK – hãy cứ gọi là “tia sáng”.
Joe khi ấy giả vờ là một nhà tâm lý học người Thụy Điển (để che giấu sự thật rằng anh không thuộc về Kiếp trước), cuối cùng trong vị trí Người hướng dẫn, anh được phụ trách linh hồn số 22 (Tina Fey). Cô ấy vẫn ở đây bởi vì không thể tìm thấy tia sáng của mình ngay cả khi đã được cố vấn bởi những người như Abraham Lincoln, Gandhi và Mẹ Teresa. Cô ấy đã làm họ thất vọng do sự bối rối, thiếu quyết đoán và khó chịu của mình.
Joe có còn sống không? Anh ta có đầu thai không? Anh ta sẽ đầu thai một cách ngẫu nhiên? Giống như rơi xuống Trái Đất cùng với [linh hồn] 22 theo kiểu cô ấy nhập vào cơ thể của Joe trong bệnh viện, và linh hồn của Joe thì nhập vào… à, tôi không thể tiết lộ chi tiết. Sẽ mất hay.
Rất nhiều yếu tố tâm linh mạnh mẽ!
Đạo lý của bộ phim là Joe quá tập trung vào sự nghiệp nhạc jazz đến mức bỏ bê học sinh, bỏ lỡ những bài học cuộc sống từ người mẹ rất hiểu lý lẽ của mình (Phylicia Rashad lồng tiếng), và khiến người thợ cắt tóc chán ngấy vì luyên thuyên không ngừng nghỉ về nhạc jazz.
Joe chỉ muốn dành thời gian dưới ánh đèn sân khấu; anh không muốn kết thúc như nhà thơ Thomas Gray đã viết: “Muôn vàn bông hoa sinh ra để bừng nở rực rỡ trong thầm lặng”. Joe rất giống với “Moonlight” Graham của Burt Lancaster trong “Cánh đồng giấc mơ” (Field of Dreams). Đó là một cầu thủ bóng chày chỉ muốn chơi những trận bóng lớn, chỉ chăm chú quan sát cầu thủ ném bóng chính của giải đấu xem liệu anh ta có thể đánh một cú xuất sắc hay không. Moonlight khát khao điều đó đến mức anh ta quay trở lại từ thế giới bên kia và đi đến Cánh đồng giấc mơ chỉ để thực hiện nó.
Và đó là lý do tại sao Joe không cam tâm về cái chết của mình. Nhưng điều này không phải cũng đúng với tất cả những người quá tài năng sao? Họ mong muốn tài năng được bộc lộ bằng mọi giá, bất chấp việc phớt lờ tất cả những thứ khác trong cuộc sống. Vì vậy, đây là sự cực đoan.
Một khía cạnh cực đoan khác đó là nhân vật [linh hồn] 22 không biết mình muốn gì. Cô ấy sẽ không chọn “tia sáng” nào để đầu thai mà cứ bay lượn như một con bướm, đậu hết chỗ này đến chỗ khác. Cô ấy cũng không hề thỏa mãn.
Cuối cùng, sự phô diễn hai thái cực này dạy cho chúng ta cách đạt được sự cân bằng và bước đi trên con đường Trung dung. Làm sao chúng ta có thể đạt được? Đó là một thông điệp Capra-esque: tập trung vào lòng dũng cảm và những tác động tích cực. Cuối cùng, chúng ta nên trân trọng từng giây phút được sống vì đây là một cuộc sống tuyệt vời. Và sau đó, không quan trọng bạn có phải là siêu tài năng hay là hiện thân của một nữ hoàng hay không, bạn có thể sống trong từng khoảnh khắc và tận hưởng cuộc sống mà không cần âu lo.
Phim có nhiều niềm vui, nhưng…
“Soul” nói về Kiếp trước (The Great Before) và Kiếp sau (The Great Beyond), vốn cuối cùng là ám chỉ về ý tưởng hạnh phúc thực sự đối với sự tồn tại của sinh mệnh chỉ được tìm thấy trên Trái Đất. Nói cách khác, đây là khái niệm thiên đường ở nhân gian. Theo quan điểm của tôi, ý tưởng này là ‘trái đắng’ được sinh ra trong thời hiện đại.
Việc xây dựng thế giới này, hoặc xây dựng các khái niệm, hoặc cố gắng giải thích một cách phiến diện những câu hỏi lớn của cuộc sống bằng sự kết hợp mơ hồ và hỗn độn những ý tưởng thu thập được từ các con đường triết học và tâm linh khác nhau sẽ gây ra một vấn đề. Đó là, chỉ người lớn mới có thể rũ bỏ được những điều không đúng này và coi nó chỉ là giải trí đơn thuần, nhưng loại hình giải trí này lại khắc sâu vào tâm hồn trẻ thơ.
“Soul” tập trung vào một số không gian khác và hiển thị một số cảnh giới khác, có một chút cảm giác kỳ diệu và thú vị, nhưng không mang lại sự linh thiêng hay thần thánh. Các “vị thần” của Picasso rất đáng yêu, nhưng điều này có thể gây hại cho trẻ em. Tôi đoán rằng đông đảo người theo Cơ Đốc Giáo sẽ cảm thấy khó chịu.
Theo tôi hiểu, mọi hình thức nghệ thuật chân chính đều khiến tâm hồn thăng hoa và mang sứ mệnh khắc họa hình ảnh thần thánh, nhằm khiến con người ngừng đắm chìm trong sự tồn tại nơi trần thế và thôi thúc họ thoát khỏi trần gian và trở về Thiên đường. Vì vậy, nhiều người sẽ bảo lưu quan điểm rằng “Soul” (một lần nữa, rất có thể là vô tình) đang gieo mầm thuyết vô thần; nó có thể khiến chủ nghĩa vô thần bén rễ trong tiềm thức của một đứa trẻ từ rất sớm. “Soul” làm cho việc giải thích về vũ trụ bằng thuyết vô thần trở nên nhẹ nhàng.
Để thực sự hữu ích cho trẻ em, “Soul” cần thêm nội dung về thiện – ác, đúng – sai; và lý do thực sự cho sự tồn tại của con người vốn dĩ không phải là tìm ra “tia sáng”. Như người xưa đã dạy, ý nghĩa cuộc sống là làm những điều đúng đắn và đối diện với những hậu quả do sai lầm của chúng ta gây ra.
Thần tính không nhất thiết đồng nghĩa với việc mang tín ngưỡng cực đoan. Mà theo tôi, sự cứu rỗi của Thượng Đế và lòng tôn kính của chúng ta là một cách tiếp cận lành mạnh và trong sáng hơn về chủ đề này cho trẻ em. Không có thiên đường trên Trái Đất, mặc dù nhiều người có thể không đồng tình. Thiên đường chỉ tồn tại ở trên Trời. Sự hưởng thụ danh lợi, tiền tài, cảm giác sung sướng khi trở thành người giỏi nhất, hoặc thậm chí cảm giác thỏa mãn khi nhận ra tài năng tiềm ẩn của mình đều không phải là mục đích của đời người. Nếu nó không được sử dụng để phục vụ cho một mục đích cao cả hơn bản thân người đó, thì nó chỉ đơn thuần khiến người ta lạc lối trong việc tìm kiếm ý nghĩa thực sự của cuộc đời.
Phim hoạt hình ‘Soul’ (Linh hồn)
Đạo diễn: Pete Docter, Kemp Powers
Diễn viên chính: Tina Fey, Jamie Foxx, Angela Bassett
Phân loại: PG
Độ dài: 1 giờ 40 phút
Ngày phát hành: 25/12/2020
Đánh giá: 4/5 sao
Mark Jackson
Ngân Hà biên dịch
Xem thêm: