Phim hoạt hình ‘Up We Soar’: Khi Tình yêu và Đức tin đối diện với bạo tàn
Tại sao báo Epoch Times ra đời? Nhiều nhân viên của tờ báo đã sống dưới chế độ độc tài cộng sản, họ muốn cống hiến cho nền báo chí trung thực, không thiên vị, không đảng phái, tôn vinh các giá trị truyền thống và đề cao tự do ngôn luận.
Đó là những lý do dễ thấy. Tuy nhiên, lý do căn bản là Epoch Times là tờ báo duy nhất trên thế giới dám “tuýt còi” về cuộc đàn áp vẫn đang diễn ra của Trung Cộng đối với các tù nhân lương tâm, sự tàn bạo mà không ai có thể đứng ngang hàng trong lịch sử nhân loại.
“Ồ chắc chắn rồi, tôi sẽ lên tiếng chống lại Hitler và Đức Quốc Xã nếu tôi còn sống vào thời đó.” Tất cả chúng ta đều nói điều này. Tuy nhiên, cũng như trong Thế chiến thứ II, hầu hết thế giới đều không biết đến quy mô của những tội ác chống lại loài người, và lần này là do Đảng Cộng Sản Trung Quốc (Trung Cộng) gây ra. Epoch Times biết rõ điều đó vì chúng tôi có rất nhiều nhân viên người Trung Quốc đã từng sống ở đó và chứng kiến. Và đó là những gì chúng tôi làm. Chúng tôi lên tiếng.
Dưới đây là bài đánh giá về bộ phim tài liệu hoạt hình, “Up We Soar” do hai chi nhánh của Epoch Times sản xuất: New Realm Studios và New Tang Dynasty Television. Bộ phim mô tả một câu chuyện có thật gần đây về lòng dũng cảm, tình yêu và sự kiên trì của một gia đình sống dưới cái bóng của chủ nghĩa cộng sản hiện đang đe dọa Trung Quốc và cả thế giới.
Cảnh mở màn
Bắc Kinh, Trung Quốc: Vào một đêm mùa hè ngột ngạt, dưới ánh đèn đường mờ ảo, đàn muỗi vo ve, Phù Dao, 7 tuổi, nằm trên một chiếc ghế dài, tựa đầu vào lòng mẹ và tự hỏi tương lai của mình sẽ ra sao.
Cha của em, một cựu phát thanh viên, đang thụ án lao động cưỡng bức. Phù Dao và mẹ bị quản thúc tại gia, sống trong ngôi trường mà mẹ em, cô Vương Huệ Quyên (Wang Huijuan), trước đây từng giảng dạy. Cô Huệ Quyên không được phép dạy học nữa và họ chỉ được phép tắm mỗi tháng một lần.
Tại sao ư? Cha mẹ của Phù Dao là học viên của môn tu luyện ôn hòa Pháp Luân Công, một môn khí công tu luyện thuộc trường phái Phật Gia, vốn bị cấm và phỉ báng ở Trung Quốc từ năm 1999.
Môn tập này bị cấm đoán khi Trung Cộng (ban đầu ủng hộ môn tập nhiệt tình) phát hiện ra có rất nhiều người theo học Pháp Luân Công (100 triệu người), nhiều hơn số đảng viên của Trung Cộng.
Cha mẹ của Phù Dao là nạn nhân của làn sóng đàn áp tôn giáo mới. Kinh sách bị cấm và đốt. Các bài tập luyện và thiền định của Pháp Luân Công cũng bị nghiêm cấm. Bộ máy tuyên truyền của nhà nước ma quỷ hoá hoạt động tín ngưỡng này, gắn mác nó là “tà giáo”, hàng triệu người bị cảnh sát bắt cóc và nhiều người trong số họ bị tra tấn đến chết.
Đương đầu với áp bức
Trung Quốc vốn có truyền thống hiếu nghĩa, với trẻ em, phụ mẫu như bầu trời, là cội nguồn của hạnh phúc và an yên. Vậy nên khi cha của Phù Dao bị cảnh sát bắt và còng tay bởi những “bạn bè” mà ông từng quen biết trước mắt cô bé, rồi bị làm nhục công khai trên chương trình truyền hình mà ông từng là nhân viên, thế giới nhỏ của Phù Dao đã vỡ tan thành từng mảnh.
Phù Dao từ đứa trẻ được yêu mến trở thành kẻ bị bắt nạt, bị đánh đập, trêu chọc, bị cô lập và phải mặc những bộ quần áo cũ kỹ, không vừa vặn mà mẹ em chắp vá.
Cô Huệ Quyên cuối cùng buộc phải rời khỏi Phù Dao để tránh bị giam giữ, và phải chịu đựng nhiều đau khổ trong khi chạy trốn. Cô bị bắt và bị kết án 7 năm tù vì phát tờ rơi và đĩa DVD vạch trần tuyên truyền chống Pháp Luân Công của chính quyền. Những tờ rơi này nói gì? Chỉ để nói “Pháp Luân Đại Pháp là tốt.” Bạn có thể dễ dàng chết vì điều đó ở Trung Quốc. Và giờ đây, Phù Dao chỉ có một mình.
Giữ tâm luôn kiên định
Bộ phim là minh chứng cho việc tu tâm của môn tu luyện Pháp Luân Công (hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp). Mặc dù chỉ mới 7 tuổi, Phù Dao đã hiểu được các nguyên lý tu luyện và áp dụng chúng vào thực tế với một trí huệ vượt xa tuổi của cô bé.
Em tốt bụng, không hèn nhát, dũng cảm và thận trọng. Khi bị các nam sinh trong lớp đánh đập, em không hề oán giận hay thù hằn, mà phản ứng như cách mà các tín đồ Cơ Đốc giáo được dạy, là đưa má bên kia ra [cho họ đánh tiếp]. Ngoan cường nhưng ôn hòa, em luôn cố gắng thực hành theo ba nguyên lý chính trong cuộc sống của mình, đó là Chân, Thiện và Nhẫn.
Trước cuộc đàn áp, mẹ của Phù Dao từng là giáo viên tiểu học dạy con em một số chức sắc của quận, họ rất mong muốn gửi con đến lớp của cô. Và giờ đây, cô bị đánh đập trong tù đến mức gần như mất đi hoàn toàn thính giác. Đây là hình phạt cho việc cô thay mặt những người khác phản đối hành vi tra tấn tàn bạo.
Mặc dù bị trấn áp bởi những kẻ giết người, buôn bán ma túy và cai ngục tàn bạo, những người luôn cố gắng ép buộc cô từ bỏ đức tin của mình, thì điểm yếu duy nhất của cô chính là đứa con yêu dấu. Có thời điểm cảnh sát đã đưa Phù Dao nhỏ bé đến trại giam, hy vọng em có thể thuyết phục mẹ của mình từ bỏ tu luyện, họ đã hướng dẫn cô bé chiêu trò “khóc lóc nỉ non!”
Nhưng thay vào đó, cuộc hội ngộ ngắn ngủi của họ lại củng cố quyết tâm của cả hai. Mẹ cô bé dần lấy lại ý chí, nuôi dưỡng và bảo vệ cô con gái trong những năm tháng thiếu niên đầy biến động qua những lá thư. Cô cũng cảm hóa được những người bạn tù thất học, đầy thù hằn bằng cách viết thư cho họ.
Kết phim
Sau khi ra tù, cha mẹ của Phù Dao đã không thể tiếp tục công việc trước đây của mình. Khoảng năm 2014, gia đình rời Trung Quốc trong ly biệt, và cuối cùng được đoàn tụ tại Hoa Kỳ.
Hiện nay, Phù Dao và cha cô làm việc tại một công ty truyền thông độc lập ở New York, còn mẹ của Phù Dao đang dạy tiếng Trung và văn hóa truyền thống.
Những điểm đáng chú ý
Bộ phim này sẽ nhận được sự đồng cảm của cả trẻ em và người lớn vì đã khám phá sâu sắc về con người và các mối quan hệ, đồng thời sẽ thu hút sự chú ý của nhiều người hơn đến cuộc bức hại nghiêm trọng đối với các học viên Pháp Luân Công và gia đình của họ ở Trung Quốc Đại Lục.
Lời phê bình duy nhất của tôi là bộ phim thiếu một chút kịch tính, nhưng đó là một khuyết điểm nhỏ (tương đối phổ biến) đối với những nhà làm phim mới phải tuân thủ theo các quy định sản xuất sân khấu và chương trình. Nhạc phim có lẽ hơi xúc cảm đối với thị hiếu của người dân Hoa Kỳ.
Ngoài ra, bộ phim nên giải thích một số thuật ngữ của môn tu luyện Pháp Luân Công, chẳng hạn như thuật ngữ “Pháp”, nó có nghĩa là “Phật Pháp”. Mặc dù vậy, khi nghe những đoạn thơ được học thuộc lòng gắn với môn tu luyện trong bối cảnh phim, tôi đã bị đánh động bởi sức mạnh đằng sau những gì nghe có vẻ thần bí đối với những ai chưa tu tập môn này. Trên thực tế tôi dám chắc rằng nó có sức hút mạnh mẽ với những ai đang tìm kiếm con đường tâm linh thông qua thiền định và các môn về năng lượng của Châu Á.
Điều đó nói lên rằng, với kinh phí hạn chế và chưa có kinh nghiệm làm phim hoạt hình trước đó, “Up We Soar” là một thách thức đối với nhóm sản xuất New Realm Studios. Thật ấn tượng, nó đã được đón nhận bởi giới làm phim chuyên nghiệp và được bình chọn trong một số liên hoan phim hoạt hình, bao gồm Liên Hoan Phim Hoạt Hình Sparks đầy uy tín và CINANIMA. Gần đây nhất, bộ phim đã giành được giải thưởng Phim Hay Nhất do Liên Hoan Phim Hoạt Hình Los Angeles trao tặng.
Đôi lời của đạo diễn
Yan Ma, đạo diễn cũng là nhà sản xuất của bộ phim, là một nhà làm phim tại Toronto, anh đam mê những bộ phim tài liệu nói về các vấn đề xã hội quan trọng trong thế giới ngày nay.
Như anh Ma nói, “Nhà triết học vĩ đại của Trung Hoa, Lão Tử viết: “Thượng thiện nhược thủy, thủy thiện lợi vạn vật, phù duy bất tranh, cố vô vưu” (ý nói nước là thiện nhất, là tốt nhất, nước đem lại lợi ích cho muôn vật mà lại không tranh không giành). Cuộc bức hại Pháp Luân Công có lẽ là cuộc đàn áp nhân quyền lớn nhất trong xã hội Trung Quốc đương đại dưới sự cai trị của chế độ cộng sản, ảnh hưởng đến hàng chục triệu người bị đàn áp vì đức tin ôn hòa của họ. Vô số gia đình đã tan vỡ. Nhiều em nhỏ mồ côi cha mẹ. Chúng tôi thực hiện bộ phim để thu hút sự chú ý của công chúng đến vấn đề này, đặc biệt là đối với các em nhỏ của những gia đình theo tập Pháp Luân Công nay đã trở thành trẻ mồ côi.”
“Chúng tôi cũng muốn tìm hiểu làm thế nào, dưới sự cai trị hà khắc của cộng sản, người dân có thể giữ được lương tâm và đức tin của mình bất chấp khó khăn gian khổ.”
“Khi nghiên cứu câu chuyện “Up We Soar”, trải nghiệm của hai mẹ con khiến tôi vô cùng xúc động. Cả hai phải đối mặt với sự đàn áp nghiêm trọng ở Trung Quốc, nhưng họ đã đáp trả bằng lòng tốt và sức mạnh nội tâm. Khi làm như vậy, họ đã cải biến hoàn cảnh và mang lại hy vọng cho những người xung quanh. Hai mẹ con cho thấy lòng tốt cũng như nước, mềm mại nhưng cũng rất mạnh mẽ. Từ họ, tôi không thấy sự phẫn uất. Tôi không thể nhìn thấy tổn thương. Tôi chỉ có thể cảm thấy năng lượng ấm áp như ánh nắng mặt trời”.
“Up We Soar” sẽ công chiếu vào ngày 20 tháng 12 trên trang web và các kênh YouTube của The Epoch Times và NTD.
Bộ phim: ‘Up We Soar’ (tạm dịch: Cùng Vút Bay)
- Đạo diễn: Yan Ma
- Diễn viên chính: Lý Phù Dao được lồng tiếng bởi Sofie Wen (tiếng Hoa) và Crystal Shi (tiếng Anh), Vương Huệ Quyên được lồng tiếng bởi Ma Wenjing (tiếng Hoa) và Kay Rubacek (tiếng Anh)
- Thể loại: Phim hoạt hình dành cho mọi lứa tuổi
- Thời gian: 50 phút
- Ngày phát hành: 20 tháng 12 năm 2020
- Đánh giá: 3.5/5 sao
Bài hát chủ đề của bộ phim ‘Up We Soar’:
Mark Jackson
Phương Du biên dịch
Xem thêm: