Philippines ra công hàm phản đối các cuộc xâm phạm ‘bất hợp pháp’ của Bắc Kinh ở Biển Đông
Chính phủ Philippines đã ra một công hàm ngoại giao phản đối các hành động gây rối thường xuyên của các tàu bè Trung Quốc thách thức các tàu thuyền đang tuần tra trên Biển Đông của nước này.
Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) cho biết, công hàm kháng nghị này nhằm phản đối “việc các tàu của chính quyền Trung Quốc phát hơn 200 lời khiêu khích qua radio, bật loa phóng thanh, và hú còi một cách bất hợp pháp”.
Được Bộ công bố vào hôm 20/10, những hành động khiêu khích này được tiến hành nhằm vào giới chức Philippines vốn đang thực hiện các cuộc tuần tra thường kỳ của họ trong khu vực. Thời gian không được nêu cụ thể.
Các cuộc xung đột ở Biển Đông đã xảy ra trong nhiều năm giữa Manila và Bắc Kinh, cùng với các quốc gia láng giềng vốn tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và vùng biển [nơi đây]. Theo Bộ Ngoại giao Philippines, các cuộc tuần tra [của nước này] là “hợp pháp, theo thông lệ, và thường kỳ”, đồng thời các hành động của Bắc Kinh đã đe dọa phá hoại trật tự hiện có trong khu vực.
Căn cứ trên cái gọi là “đường chín đoạn” của Trung Quốc, nhà cầm quyền cộng sản này tuyên bố chủ quyền của cả vùng Biển Đông rộng lớn, bao gồm cả các quần đảo. Nhưng điều này bị phản đối bởi hầu hết các quốc gia có chung đường bờ biển xung quanh, bao gồm Malaysia, Brunei, Philippines, Việt Nam, và Đài Loan.
Theo dữ liệu theo dõi do Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Á Châu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (AMTI CSIS) có trụ sở tại Hoa Kỳ thực hiện, Philippines đã tăng tần suất tuần tra hàng hải ở Biển Đông trong những tháng gần đây. Nhưng có một số lượng nhiều hơn đáng kể các tàu Trung Quốc di chuyển qua và khảo sát khu vực này.
Bên cạnh vụ xâm nhập mới đây nhất này, đã có 78 công hàm phản đối được đệ trình dưới thời chính phủ Tổng thống Rodrigo Duterte tính đến tháng 04/2021. Các công hàm này chủ yếu được đệ lên do các hành vi vi phạm ở Biển Tây Philippines, tên chính thức mà chính phủ Philippines đặt cho các vùng phía đông Biển Đông nằm trong vùng kinh tế của quốc gia này.
Ông Duterte bị các nhà phê bình chỉ trích vì không kiên quyết chống lại Trung Quốc và ủng hộ mối bang giao nồng ấm hơn với Bắc Kinh.
Tháng trước (09/2021), trong một loạt các tweet, Bộ trưởng Ngoại giao Teodoro Locsin Jr. đã lệnh cho Bộ Ngoại giao đệ trình các công hàm kháng nghị phản đối “những lời khiêu khích được phát một cách bất hợp pháp qua radio chống lại các cuộc tuần tra trên biển của Philippines từ phía Trung Quốc”, “Trung Quốc hạn chế ngư dân Philippines một cách không ngừng và trái phép trong việc tiến hành các hoạt động đánh bắt hợp pháp ở Bãi cạn Scarborough”, và “sự hiện diện liên tục của các tàu cá Trung Quốc trong khu vực lân cận Đá Khúc Giác (Iroquois Reef)”.
Hồi tháng Ba, Lực lượng Tuần Duyên Philippines (PCG) cho biết có hơn 200 tàu dân quân Trung Quốc ở khu vực lân cận Đá Ba Đầu (Whitsun Reef), nằm ở phía đông bắc của Cụm đảo Sinh Tồn (Union Banks) thuộc Quần đảo đang bị tranh chấp gắt gao Trường Sa. Điều này đã khiến Bộ Ngoại giao ra các công hàm kháng nghị hàng ngày cho đến khi các tàu Trung Quốc rời khỏi khu vực.
“DFA Phản Đối Sự Hiện Diện Bất Hợp Pháp Mới của Tàu Thuyền Trung Quốc ở Vùng Biển Philippines” là nhan đề của một công hàm ngoại giao kháng nghị được ban hành hồi tháng 04/2021, về “sự hiện diện và các hoạt động trái phép tiếp diễn của tổng cộng một trăm sáu mươi (160) Tàu Đánh Cá Trung Quốc và Tàu Dân Quân Hàng Hải Trung Quốc trong vùng biển Philippines”.
“Các nỗ lực tăng cường tuần tra của Philippines gửi đi một thông điệp rằng Manila quyết tâm khẳng định các quyền của mình. Nhưng các nỗ lực đó là nhạt nhòa so với sự hiện diện của lực lượng tuần duyên và dân quân gần như thường trực của Trung Quốc trên khắp Biển Đông”, AMTI CSIS cho biết trong một báo cáo.
Các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông đã bị áp đảo vào năm 2016 khi Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye bác bỏ “các quyền lịch sử trong phạm vi đường chín đoạn” của Trung Quốc là vô hiệu lực.
Hội đồng xét xử này đã xác nhận vùng đặc quyền kinh tế 200-hải-lý của Philippines, và kết luận rằng các hoạt động của Bắc Kinh như “đánh bắt cá và xây dựng đảo nhân tạo hủy hoại môi trường bất hợp pháp, đã vi phạm chủ quyền của Manila”.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: