Philippines mua hệ thống hỏa tiễn chống hạm của Ấn Độ
Hôm thứ Sáu (14/01), Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho biết nước này đã đồng ý mua hệ thống hỏa tiễn chống hạm BrahMos do Ấn Độ và Nga hợp tác phát triển trị giá 375 triệu USD, trong một hành động được coi là phản ứng trước các hành vi gây hấn của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông đang bị tranh chấp.
Hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana công bố một tài liệu thông báo Manila đã thông qua thỏa thuận trị giá 375 triệu USD với tập đoàn quốc phòng Ấn-Nga BrahMos Aerospace để mua một hệ thống hỏa tiễn chống hạm.
BrahMos Aerospace là liên doanh giữa Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) của Ấn Độ và NPO Mashinostroyenia của Nga, được thành lập vào năm 1998.
“Với tư cách là người đứng đầu tổ chức mua sắm (HOPE), gần đây tôi đã ký Thông báo Trúng thầu cho dự án mua lại hỏa tiễn chống hạm trên bờ của Hải quân Philippines,” ông Lorenzana cho biết trên Facebook.
Ông nói thêm: “Được đàm phán với chính phủ Ấn Độ, dự án này bao gồm việc cung cấp ba khẩu đội hỏa tiễn, đào tạo nhân lực vận hành và bảo trì cũng như gói Hỗ trợ Logistics Tích hợp (ILS) cần thiết.”
Hợp đồng hệ thống hỏa tiễn BrahMos đã được lên ý tưởng vào năm 2017, nhưng nó đã bị trì hoãn do phân bổ ngân sách và đại dịch virus corona.
Hệ thống chống hạm mới nhằm ngăn chặn các tàu ngoại quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của đất nước này.
Ông Lorenzana lưu ý: “Trung đoàn Phòng thủ Bờ biển của Thủy quân Lục chiến Philippines sẽ là chủ nhân chính của khả năng phòng thủ chiến lược hiện đại này của Lực lượng Vũ trang Philippines.”
Năm 2018, Philippines đã mua hỏa tiễn Spike ER do Israel sản xuất, hệ thống hỏa tiễn đặt trên tàu đầu tiên của nước này để răn đe trên biển, trị giá 11.6 triệu USD.
Việc mua lại hệ thống hỏa tiễn mới nhất của Manila được coi là một phương tiện củng cố khả năng bảo vệ các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Chính phủ Philippines trước đó đã ra một công hàm ngoại giao phản đối các hành động gây rối liên tục của Trung Quốc đối với các nhà chức trách Philippines đang tuần tra trên vùng biển tranh chấp này.
Tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông đang diễn ra, với việc Bắc Kinh tiếp tục theo đuổi tuyên bố chủ quyền đối với 90% vùng biển này, dựa trên cái gọi là “đường chín đoạn”.
Năm 2006, Tòa Trọng tài Thường trực tại La Hay đã bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với phần lớn Biển Đông, ủng hộ Philippines và các quốc gia khác trong khu vực. Họ phán quyết rằng các tuyên bố của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, nhưng Bắc Kinh từ chối tuân theo phán quyết này.
Trong khi đó, DRDO của Ấn Độ hôm thứ Ba thông báo rằng họ đã phóng thử thành công phiên bản tiên tiến của hỏa tiễn hành trình siêu thanh BrahMos từ khu trục hạm mang hỏa tiễn tàng hình INS Visakhapatnam mới của Ấn Độ.
“Phiên bản tiên tiến biển đối biển của hỏa tiễn hành trình siêu thanh BrahMos đã được thử nghiệm từ INS Visakhapatnam ngày hôm nay. Hỏa tiễn này đã tấn công chính xác con tàu mục tiêu được chỉ định,” họ cho biết trên Twitter.
Aldgra Fredly là một nhà văn tự do sống tại Malaysia, đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: