Philippines: Giữa vùng ô nhiễm đại dương lớn, một đội ngũ đang biến rác thải nhựa thành ván
MANILA – Một nhóm các nhà tái chế ở Philippines đang cố gắng xoa dịu bớt cuộc khủng hoảng rác thải nhựa ngày càng trầm trọng của nước này bằng cách biến chai lọ, bao bì đóng gói dùng một lần, và giấy gói thực phẩm vốn đang khiến tắc nghẽn các dòng sông và bãi biển thành vật liệu xây dựng.
Như những gì người ta thường biết về họ, nhóm Chim Hồng Bạc bằng Nhựa, hay còn gọi là “The Plaf”, thu gom chất thải, cắt nhỏ và sau đó đúc thành các cột và ván được gọi là “gỗ sinh thái” có thể được sử dụng để làm hàng rào, ván sàn hoặc thậm chí để làm ra những nơi trú ẩn cứu trợ [các nạn nhân của] thiên tai.
“[Nó] là vật liệu 100% có thể tái sử dụng, 100% được làm từ vật liệu phế thải nhựa, chúng tôi cũng đưa thêm vào một số chất phụ gia và chất tạo màu và nó không bị mục, không cần bảo dưỡng, và không có mảnh vụn”, bà Erica Reyes, giám đốc điều hành của The Plaf cho biết.
Cho đến nay, đã thu gom được hơn 100 tấn rác thải nhựa, doanh nghiệp này đang nỗ lực hết sức mình để giải quyết một vấn đề cục bộ mà có tính lan tỏa toàn cầu.
Khoảng 80 phần trăm nhựa đại dương toàn cầu đến từ các con sông Á Châu và riêng Philippines đóng góp một phần ba trong tổng số đó, theo một báo cáo năm 2021 từ Ấn phẩm Our World in Data (Thế giới trong Dữ liệu của Chúng ta) của Đại học Oxford.
Philippines không có chiến lược rõ ràng để giải quyết vấn đề nhựa của nước này và bộ phận môi trường của họ cho biết họ đã liên hệ với các nhà sản xuất để xác định các cách quản lý chất thải.
Tuy nhiên, COVID-19 đã khiến cuộc chiến chống lại rác thải nhựa càng khó giành phần thắng hơn.
Theo Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, khoảng 300 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra hàng năm, một vấn đề đã trở nên trầm trọng hơn do đại dịch vốn đã gây ra một làn sóng đổ xô cho các tấm che mặt bằng nhựa, găng tay, hộp đựng thức ăn mang đi và bọc bong bóng khi hoạt động mua sắm trực tuyến tăng mạnh.
Cô Allison Tan, người cộng tác tiếp thị của The Plaf cho biết: “Người ta không biết cách giải quyết những loại nhựa này như thế nào”.
“Chúng tôi tạo ra con đường đó thay vì đưa thứ đó vào các bãi rác hoặc đại dương… quý vị đưa thứ đó cho các trung tâm tái chế như chúng tôi và chúng tôi sẽ nâng cấp chúng thành những sản phẩm tốt hơn”.
Ngoài việc giải quyết các vấn đề về rác thải, nhóm này cho biết họ đang đàm phán với các tổ chức phi chính phủ khác để giúp xây dựng lại những ngôi nhà bị bão tàn phá bằng cách sử dụng vật liệu xây dựng bền vững của họ.
Do Adrian Portugal của Reuters thực hiện
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: