Philippines gắn cờ cảnh báo ‘xâm nhập’ cho gần 300 tàu dân quân Trung Quốc
Hôm thứ Tư (12/05), Philippines đã báo cáo những gì họ gọi là các cuộc xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của 287 tàu dân quân hàng hải từ Trung Quốc, một dấu hiệu nữa cho thấy những rạn nứt lại xuất hiện trong mối quan hệ sau khoảng thời gian hàn gắn.
“Vụ việc này cùng với việc liên tục xâm nhập trái phép của các tàu ngoại quốc ở gần các đảo do Philippines quản lý đã được đệ trình lên các cơ quan liên quan để tiến hành các hành động ngoại giao hợp lý,” lực lượng đặc nhiệm trên Biển Đông cho biết trong một tuyên bố.
Trong những tuần gần đây, Bộ Ngoại giao Philippines đã liên tục phàn nàn với phía Trung Quốc về “sự hiện diện tràn ngập và mang tính đe dọa” của các tàu Trung Quốc trong vùng EEZ của nước này và đã yêu cầu họ rút lui.
Philippines gần đây đã tăng cường sự hiện diện của mình trên Biển Đông thông qua “các cuộc tuần tra chủ quyền,” nhằm thể hiện thái độ thách thức mà các nhà phê bình cho là đã đang thiếu vắng dưới thời tổng thống thân Trung Quốc, Rodrigo Duterte, người đã hứng nhiều chỉ trích ở trong nước vì không chịu đứng lên chống lại Bắc Kinh.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã không lập tức phúc đáp các yêu cầu bình luận về sự kiện trên.
Các chuyên gia cho rằng đội tàu đánh cá và tuần duyên của Trung Quốc là trọng tâm trong các tham vọng chiến lược của nước này tại Biển Đông, đang duy trì sự hiện diện thường xuyên gây phức tạp cho các hoạt động đánh bắt và các hoạt động năng lượng ngoài khơi của các quốc gia ven biển khác.
Trước đó, các quan chức Trung Quốc đã phủ nhận việc có lực lượng dân quân trên các tàu đánh cá của họ.
Tuần trước, ông Duterte đã gây xôn xao khi nói rằng phán quyết mang tính bước ngoặt năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực có lợi cho Philippines trong một tranh chấp với Trung Quốc chỉ là một “mảnh giấy” mà ông có thể ném vào thùng rác.
Tòa án này cũng đã ra phán quyết rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông, nơi có trị giá khoảng 3 nghìn tỷ USD hoạt động thương mại trên tàu thuyền mỗi năm, là không có cơ sở pháp lý.
Nhà phân tích quốc phòng và an ninh Jose Antonio Custodio cho biết những bình luận của ông Duterte “triệt tiêu” giọng điệu cứng rắn hơn mà các nhà ngoại giao hàng đầu và người đứng đầu quốc phòng của ông này đang đưa ra với Trung Quốc.
Ông Custodio nói, “Chúng tôi không có sự thống nhất trong việc đưa ra thông điệp. Điều đó đang khuyến khích các hành động của Trung Quốc.”
Do Karen Lema (Reuters) thực hiện
Hạo Văn biên dịch
Xem thêm: