Philippines điều thêm tàu hải quân tới tuần tra Biển Đông; Đài Loan sản xuất hàng loạt tên lửa tầm xa
Theo hãng tin SCMP, Quân đội Philippines hôm 25/3 cho biết, Tổng tham mưu trưởng nước này lệnh triển khai thêm các tàu hải quân để tăng cường năng lực tuần tra. Động thái trên diễn ra sau khi khoảng 220 tàu Trung Quốc neo đậu gần đảo Sinh Tồn Đông thuộc chủ quyền Việt Nam.
Manila cho hay họ muốn gia tăng hiện diện hải quân trong khu vực để “trấn an người dân về cam kết mạnh mẽ và kiên định” của lực lượng vũ trang trong việc bảo vệ họ “khỏi bị quấy rối” và đảm bảo họ có thể hưởng các quyền trong ngư trường.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines ngày 22/3 xác nhận các tàu này vẫn hiện diện tại khu vực và họ đang tiếp tục kiểm đếm số tàu Trung Quốc.
Đài Loan sản xuất hàng loạt tên lửa tầm xa
Theo Reuters, Đài Loan vừa bắt đầu sản xuất hàng loạt một loại tên lửa tầm xa và đang phát triển 3 loại mẫu khác, nhằm đối phó với áp lực ngày một gia tăng từ Bắc Kinh
Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Trung Sơn của Đài Loan cho biết một loại tên lửa phóng tầm xa phóng đã được đưa vào sản xuất hàng loạt và 3 mẫu tên lửa tầm xa khác đang trong giai đoạn phát triển. Đồng thời, Cơ quan phòng vệ Đài Loan nhấn mạnh phát triển khả năng tấn công tầm xa là ưu tiên hàng đầu của Đài Bắc.
Những tháng gần đây, Viện Khoa học và Công nghệ Trung Sơn đã thực hiện một loạt vụ thử tên lửa ngoài khơi bờ biển Đông Nam hòn đảo.
Hồng Kông yêu cầu các nước không chấp nhận ‘hộ chiếu hải ngoại Anh’
Vương quốc Anh đã khởi xướng một chương trình thị thực mới cung cấp một con đường trở thành công dân cho những người Hongkong muốn di cư khỏi đặc khu sau khi Hồng Kông thông qua luật an ninh quốc gia sâu rộng vào năm ngoái.
Trong một biện pháp đáp trả, Chính phủ Hồng Kông hôm 25/3 cho biết đã gửi thư thông báo tới 14 lãnh sự quán nước ngoài rằng họ không còn coi hộ chiếu Quốc gia Anh (BNO) là giấy thông hành hợp lệ kể từ ngày 31/1.
Hồng Kông cũng yêu cầu các nước này không chấp nhận loại hộ chiếu trên đối với các trường hợp xin visa chương trình nghỉ phép kết hợp làm việc mà thay vào đó chỉ chấp nhận hộ chiếu của Hồng Kông.
Gần 3 triệu cư dân Hồng Kông có hoặc đủ điều kiện được cấp BNO vốn được áp dụng từ trước khi Anh trao trả lại đặc khu cho Trung Quốc vào năm 1997.
Về sự việc này, một phát ngôn viên của Văn phòng Ngoại giao Anh bình luận: “Chính phủ Hồng Kông không có thẩm quyền quyết định chính phủ nước ngoài nên công nhận loại hộ chiếu nào là hợp lệ”.
Do Hoàng Kiên tổng hợp
Xem Thêm