Philadelphia: Biểu tình vạch trần sự tàn bạo của chủ nghĩa cộng sản và kêu gọi giải thể Trung Cộng
Hàng chục người đã tập trung tại Khu phố Tàu của Philadelphia hôm 08/08, với chủ đề vạch trần sự tàn bạo của Trung Cộng và nâng cao nhận thức về những mối nguy hiểm của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
Cuộc tập hợp này nhằm ủng hộ 380 triệu người Trung Quốc đã thoái xuất khỏi Trung Cộng và các tổ chức liên đới của nó trong 16 năm qua. Theo ông Alex Luchansky, nhà tổ chức sự kiện kiêm quản lý kỹ thuật phần mềm tại một công ty tài chính, hoạt động này cũng nhằm khuyến khích người dân Trung Quốc thoái xuất khỏi Trung Cộng và giải thể nó.
Cuộc biểu tình này đã thu hút rất nhiều sự chú ý của người dân và khách du lịch bằng các bài diễn văn trước công chúng, biểu ngữ và tờ rơi. Một số người đã dừng lại để chia sẻ những kinh nghiệm đau khổ mà họ và gia đình họ phải chịu đựng dưới các chế độ cộng sản.
Ông Luchansky, người từng lớn lên tại một quốc gia cộng sản ở Đông Âu cho biết, “Chúng tôi tổ chức sự kiện này để lên tiếng chống lại Trung Cộng, để kêu gọi ngăn chặn mọi hành động tàn bạo đang xảy ra ở Trung Quốc và sự xâm nhập của hệ tư tưởng ‘đỏ’ trên toàn thế giới.”
Bi kịch của một gia đình Trung Quốc
Bà Tuệ Trân (Hui Zhen), cựu hiệu trưởng một trường trung học cơ sở, đã chia sẻ câu chuyện của mình về sự sỉ nhục và đàn áp dưới chế độ cộng sản Trung Quốc.
Ông bà của bà đã tham gia Cách mạng Tân Hợi năm 1911 để chấm dứt triều đại hoàng tộc cuối cùng của Trung Quốc, triều đại nhà Thanh của người Mãn Châu, và dẫn đến sự thành lập của Trung Hoa Dân quốc vào ngày 01/01/1912. Tuy nhiên, do bị lôi kéo bởi những lời dối trá của Đảng Cộng sản là để bảo vệ và trợ giúp người dân Trung Quốc, ông bà của bà Tuệ đã chọn ở lại đại lục khi Trung Cộng chiếm đoạt quyền lực của Chính phủ Quốc Dân Đảng (KMT) vào năm 1949. Sau đó, trong cuộc Cách mạng Văn hóa, cha của bà đã bị bắt phải đội một chiếc mũ hề và bị cạo trọc đầu như một hình thức sỉ nhục. Ông bị lên án mạnh mẽ trong các cuộc tụ họp công khai và bị giam giữ, còn nhà của ông thì bị lục soát nhiều lần.
Một người anh em của ông bà bà Tuệ có một người con trai bị giam cầm trong hơn 20 năm và bị tra tấn đến chết. Con gái của người họ hàng này, từng là một giáo sư đồng thời là trưởng khoa ngoại ngữ tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quân sự của Quân đội Giải phóng Nhân dân Cáp Nhĩ Tân, đã bị liệt vào loại “phản cách mạng” và bị bức hại. Một người con gái khác, một giáo sư tại Đại học Nam Kinh, đã tự tử vì không thể chịu đựng nổi bi kịch này của gia đình.
Trong phong trào “Đại Nhảy Vọt” vào năm 1958, bà Tuệ bị kết tội là thốt ra những lời phản quốc và bị phê bình gay gắt trên “Đại Tự Báo” (bích chương khổ chữ lớn), một hình thức tuyên truyền và sỉ nhục chính mà Trung Cộng sử dụng để thể hiện lòng trung thành và vạch trần sự phản bội của công dân Trung Quốc.
Năm 1960, khi bà Tuệ bị lưu đày đến vùng nông thôn, bà đã viết một lá thư xin được chấp thuận cho tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học nhưng lại bị phê bình vì “muốn rời khỏi vùng nông thôn và do đó không phù hợp với những người thuộc giai cấp công nhân. Nếu còn tiếp tục như vậy sẽ bị coi là theo chủ nghĩa đế quốc.” Bà đã tỏ ý hoài nghi. “Tôi từng là một nhà giáo xuất sắc vào tháng Năm, thế nhưng tôi sẽ bị coi là một kẻ theo chủ nghĩa đế quốc vào tháng Sáu sao?”
Trong cuộc Cách mạng Văn hóa, bà Tuệ đã chứng kiến các giáo sư bị chỉ trích, và đầu của họ bị đánh bằng dây thắt lưng cho đến khi chảy máu.
Bà Tuệ nói rằng quá khứ bi thảm của bà đã cho bà hiểu sâu sắc về sự xấu xa của Trung Cộng và kêu gọi mọi người hãy nhận ra bản chất xấu xa của chính quyền độc tài toàn trị này.
Trong rủi có may dưới chế độ của Stalin
Ông Luchansky kể câu chuyện về ông nội của mình, ông Leonid Luchansky, một người sống sót sau thảm họa Holocaust từ thời Liên Xô cũ.
Ông Leonid bị Đức Quốc Xã bắt khi đang chiến đấu cho người Nga ở Ba Lan trong Đệ nhị Thế chiến và bị giam trong một trại tập trung vì ông là người Do Thái, nhưng kỳ diệu thay, ông Leonid đã tìm cách thoát ra được chỉ một ngày trước khi bị chuyển đến một trại tử thần.
Ông đã cố gắng quay trở lại để cùng với người Nga tham gia cuộc chiến chống lại Đức Quốc Xã sau khi trốn thoát. Nhưng theo lệnh của Stalin, bất cứ ai đã bị Đức Quốc Xã bắt đều phải bị xử bắn, bất kể người đó bị bắt hay lựa chọn phản bội chính quyền cộng sản Nga. Do đó, một người lính Nga đã được lệnh đưa ông Leonid ra sau một bụi cây để bắn ông.
Người lính đưa ông ra sau bụi cây nhưng sau đó nói: “Tôi sẽ không giết ông vì tôi hiểu rằng chế độ cộng sản này là tà ác. Nhưng tôi không thể không tuân lệnh. Ông nên chạy đi, và tôi sẽ bắn vào không trung.”
Ông Leonid đã may mắn thoát chết. Tuy nhiên, khổ nạn của ông vẫn chưa kết thúc. Cuối cùng, ông bị các quan chức KGB bắt giữ, những người này đã tra tấn ông, thẩm vấn ông và sau đó sắp xếp hành quyết ông vì tội phản quốc. Nhưng ông lại gặp may vì lúc đó Đức đã đầu hàng, chiến tranh kết thúc. Lệnh ân xá cuối cùng cũng tới.
Sau khi ông được trả tự do, các quan chức Nga đã chuyển ông Leonid đến một nơi rất xa vì họ không muốn có quá nhiều người Do Thái trong khu vực đó. Cuối cùng ông đến Lviv, Ukraine, nơi ông làm việc trong một nhà xưởng nhỏ với tấm bằng về hóa học.
Ông Luchansky nói với The Epoch Times rằng: “Ở bất cứ nơi đâu mà một chính phủ cộng sản được thành lập, người dân thường phải chịu thống khổ. Là con người, chúng ta có nghĩa vụ tố cáo những tội ác chống lại nhân loại. Vì vậy, lời kêu gọi của tôi đối với tất cả mọi người trên toàn thế giới là hãy lên tiếng, từ chối bất kỳ đảng cộng sản nào và bảo đảm rằng chúng ta làm mọi cách để vạch trần tội ác của họ.”
Trải nghiệm tự thân ở cựu Đông Đức
Thông điệp của cuộc biểu tình trên đã đến tai của ông Douglas Moyer, một giáo viên từng sống ở cựu Đông Đức. Ông đã kể với The Epoch Times về trải nghiệm của bản thân khi sống dưới sự cai trị của chế độ cộng sản.
Đảng Chủ nghĩa Xã hội Dân chủ (PDS), vốn cai trị Đông Đức cho đến năm 1990, đã chứng tỏ sự cứng rắn với bất kỳ công dân nào tỏ ra không tuân theo các chỉ thị của họ. PDS đã sử dụng cảnh sát mật Stasi để bắt giữ, thẩm vấn và bỏ tù bất kỳ công dân Đông Đức nào không vâng lời. Người ta ước tính rằng vào thời kỳ đỉnh cao của họ trong những năm 1980, PDS đã giam giữ khoảng 200,000 tù nhân chính trị.
Theo ông Moyer, Trung Quốc cộng sản và PDS, cả hai đều là những thử nghiệm thất bại trong một chế độ độc tài bởi vì “cả hai chế độ này đều phải dựa vào việc trừng trị những công dân của họ, những người không phù hợp về mặt chính trị với hệ tư tưởng chính trị Marxist lệch lạc của họ.”
Ông Moyer chia sẻ “một sự kiện thay đổi cuộc đời” mà ông đã trải qua vào ngày 07/05/1989, tại thị trấn Weimar của cựu Đông Đức, nơi mà ông đã tham gia chuyến đi bộ của sinh viên Viện Goethe tập trung vào việc truyền bá cho giới trẻ về các ưu điểm của Chủ nghĩa Xã hội Dân chủ.
Trong giờ nghỉ trưa hôm đó, ông Moyer rời nhóm sinh viên và một mình khám phá thị trấn Weimar. Trong khi đi bộ trên một con đường mòn tự nhiên dẫn vào rừng, ông bắt gặp một doanh trại quân sự bí mật của Nga với xe tăng, súng máy và súng bắn tỉa của Nga, những người có thể đè bẹp bất kỳ cuộc biểu tình hoặc cuộc nổi dậy chính trị nào trong vòng vài phút. Khi ông đến gần doanh trại này của quân đội Nga, cánh cổng mở ra, và một người lính Nga trẻ với đầy đủ đạn dược tiến đến ông trên một chiếc xe jeep quân sự to khủng lồ.
“Tôi lo sợ cho tính mạng của mình cũng giống như những người dân Đông Đức hàng ngày lo sợ cho tính mạng của bản thân trong 40 năm [sống] dưới Chủ nghĩa Xã hội Dân chủ nếu họ không vâng lời,” ông Moyer nhớ lại cảm giác khủng khiếp của mình vào thời điểm đó.
Ông Moyer nói: “Thật nhục nhã khi nhận thấy kiểu cảm giác của người dân giống như những tù nhân ở quốc gia của họ. Tôi tin rằng chúng ta có quyền do Chúa ban để theo đuổi hạnh phúc và có quyền tự do để làm như vậy.”
Ông bày tỏ: “Đáng buồn thay, ngày nay nhiều người Mỹ không hiểu biết, những người này chưa từng sống ở một quốc gia xã hội chủ nghĩa hoặc cộng sản đã trở nên mê đắm với lý thuyết về chủ nghĩa xã hội, bởi vì họ đã bị tẩy não bằng tuyên truyền ‘công bằng xã hội’ của chủ nghĩa xã hội trong các trường học công lập, đại học, nhà thờ và các phương tiện truyền thông thiên tả của chúng ta.”
Ông Moyer khuyến khích các sinh viên của mình trở thành những nhà tư tưởng phản biện và học hỏi từ lịch sử bởi vì “nếu chúng ta dành thời gian để hiểu về sự nguy hiểm của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản ở Cuba, Liên Xô, Bắc Hàn, Venezuela, Đông Đức và Trung Quốc, chúng ta có thể tránh mắc phải những sai lầm tương tự ở quốc gia chúng ta. Lịch sử dạy chúng ta [một bài học] rằng rất dễ để trở thành một người theo chủ nghĩa xã hội dân chủ và nhà cộng sản ở một quốc gia tự do, nhưng gần như không thể được tự do ở một quốc gia xã hội chủ nghĩa cộng sản và dân chủ.”
Ông Moyer rất ấn tượng với sự can đảm của người dân khi công khai chỉ trích Trung Cộng tại cuộc biểu tình nói trên. Ông nói “Người dân Trung Quốc là những người tuyệt vời; hệ thống chính trị thực sự không tốt. Tôi cảm thấy được khích lệ rất nhiều khi hôm nay được chứng kiến những người dân dũng cảm này, chứng kiến tiếng nói và sự ủng hộ tự do cho người dân Trung Quốc của họ… Tôi tin rằng những ngày tươi đẹp nhất của Trung Quốc đang ở phía trước họ.”
Do William Huang và Frank Liang thực hiện
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: