Phiên tòa xét xử tỷ phú Canada gốc Hoa cho thấy cuộc tranh đấu trong nội bộ ĐCSTQ
Một nhà tài phiệt người Canada gốc Hoa được cho là có liên hệ với giới tinh hoa của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gần đây đã được đưa ra xét xử ở Thượng Hải sau năm năm bị cưỡng bức mất tích. Các nhà quan sát Trung Quốc cho rằng tình hình này cho thấy một cuộc tranh giành quyền lực giữa các đối thủ chính trị trong nội bộ ĐCSTQ.
Ông Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua), 55 tuổi, xuất hiện tại tòa án Thượng Hải hôm 04/07. Theo luật pháp và quy định của Trung Quốc, vị tỷ phú người Canada này phải đối mặt với mức án lên đến mười năm tù vì gây quỹ bất hợp pháp và một khoản tiền phạt.
Tuy nhiên, các hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc không nêu rõ địa điểm xét xử cũng như danh tính của vị các luật sư bào chữa cho ông ta. Theo một tuyên bố của chính phủ Canada, các nhà ngoại giao Canada cũng không được phép dự phiên tòa dù họ đã nhiều lần yêu cầu.
Ông Tiêu, người sáng lập tập đoàn tài chính Tomorrow Group ở Trung Quốc, đã mở rộng hoạt động kinh doanh của mình sang lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và các lĩnh vực khác trước khi ông biến mất một cách bí ẩn. Ông được nhìn thấy lần cuối tại một khách sạn ở Hồng Kông hồi tháng 01/2017 và được cho là bị một nhóm mật vụ Trung Quốc đưa về đại lục, theo cảnh sát Hồng Kông. Ấn bản Minh Báo Hoa ngữ đưa tin ông Tiêu phủ nhận việc ông bị đưa đi là trái với nguyện ý của mình.
Tại thời điểm mất tích, ông Tiêu sở hữu khối tài sản trị giá gần 6 tỷ dollar, khiến ông trở thành người giàu có thứ 32 của Trung Quốc, theo Báo cáo của Hồ Nhuận (Hurun Report), chuyên theo dõi những cá nhân giàu có nhất của đất nước.
Thời gian đó lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đang tiến hành chiến dịch chống tham nhũng, và Tomorrow Group có dính líu đến các vụ truy tố chống tham nhũng và tịch thu công ty tài chính của cơ quan chủ quản. Ông Tiêu đã biến mất giữa một loạt các vụ truy tố doanh nhân Trung Quốc bị buộc tội có hành vi sai trái.
Điều đó làm dấy lên lo ngại rằng ĐCSTQ có thể bắt cóc những người bên ngoài đại lục. Vào thời điểm đó, Hồng Kông đã cấm cảnh sát Trung Quốc hoạt động ở thuộc địa cũ của Anh, nơi có một hệ thống luật pháp riêng biệt.
Kể từ đó, Bắc Kinh đã thắt chặt kiểm soát đối với Hồng Kông, gây ra những lời phàn nàn rằng họ đang vi phạm quyền tự trị mà [ĐCSTQ] đã hứa khi chủ quyền thành phố được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997. ĐCSTQ đã áp đặt một luật an ninh quốc gia vào năm 2020 và đã bỏ tù các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ.
Lời cảnh cáo cho các địch thủ của ông Tập
Chuyên gia về Trung Quốc sống tại Úc, ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), nói với The Epoch Times hôm 05/07 rằng việc xét xử vụ án vào thời điểm trước khi diễn Đại hội Đại biểu Nhân dân lần thứ 20 của ĐCSTQ, là lời cảnh báo đối với các quan chức cao cấp của Trung Quốc cản đường ông Tập có được nhiệm kỳ thứ ba.
Ông Viên tin rằng phe chính trị của ông Tập đứng sau vụ thanh trừng ông Tiêu. Cuộc điều tra tham nhũng này sẽ cho phép ông Tập nắm được bằng chứng về các giao dịch mờ ám giữa ông Tiêu và các quan chức hàng đầu. Sau đó, ông Tập có thể sử dụng bằng chứng này để hạ gục các đối thủ của mình.
Vị chuyên gia về Trung Quốc này cho biết, ông Tiêu từng được các thành viên trong tầng lớp quyền quý tinh anh sử dụng như một chiếc ‘găng tay trắng’ đứng sau hậu trường trong lĩnh vực tài chính (để giúp họ rửa tiền).
Ông lưu ý: “Phạm vi rửa tiền của Tiêu Kiến Hoa bao trùm rất nhiều gia tộc [quyền lực] của ĐCSTQ.”
Theo chuyên gia, ông Tiêu có quan hệ với các gia tộc của cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân, và người cùng phe Tăng Khánh Hồng (Zeng Qinghong), cùng nhiều người khác.
Ông Viên cho biết lần đầu tiên ông gặp Tiêu Kiến Hoa tại Đại học Bắc Kinh vào những năm 1980. Ông Viên từng là giáo viên và cố vấn cho các sinh viên năm nhất được nhận vào năm 1986, trong đó có cả ông Tiêu, người sau này trở thành chủ tịch hội sinh viên. Ông Tiêu đã kết nối với những học sinh có gia đình thuộc tầng lớp quyền quý.
Nhà bình luận Thịnh Tuyết (Sheng Xue) sống tại Canada coi phiên tòa xét xử ông Tiêu là một dấu hiệu cho thấy cuộc tranh giành quyền lực căng thẳng giữa các quan chức cao cấp trước thềm Đại hội Đảng sắp diễn ra vào tháng Mười tới. Bà cho rằng ông Tiêu sẽ trở thành vật tế thần mới cho giới tinh hoa của ĐCSTQ.
Bà Thịnh nhấn mạnh rằng cơ hội chuyển đổi [từ độc tài] sang dân chủ của Trung Quốc bị cuộc đấu tranh nội bộ của ĐCSTQ hủy hoại, vốn là điều diễn ra liên tục trong nhiều thập niên kể từ khi Đảng này nắm quyền kiểm soát Trung Quốc vào năm 1949 dưới thời Mao Trạch Đông.
Ông Frank Yue là một ký giả tại Canada của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề Trung Quốc. Ông cũng có bằng Thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn học Anh tại Đại học Ngoại Ngữ Thiên Tân, Trung Quốc.