Phi cơ quân sự Mỹ cuối cùng rời khỏi Afghanistan, kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm
Với chuyến bay cuối cùng của quân đội Hoa Kỳ rời khỏi Kabul, Hoa Kỳ chính thức chấm dứt sự hiện diện quân sự của mình, kết thúc 20 năm người Mỹ tham chiến ở Afghanistan sau các vụ tấn công ngày 11/09/2001.
Người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ (CENTCOM), Tướng Frank McKenzie cho biết trong một bài diễn văn trên truyền hình rằng phi cơ quân sự C-17 cuối cùng đã rời khỏi không phận Afghanistan sau khi cất cánh vào khoảng 3:29 chiều Thứ Hai, giờ miền Đông. Phi cơ này khởi hành vài giờ trước thời hạn hôm thứ Ba (31/08) của Tổng thống Joe Biden cho chuyến không vận cuối cùng.
Ông nói vào chiều ngày thứ Hai (30/08), “Tôi ở đây để thông báo việc hoàn thành cuộc rút quân của chúng ta khỏi Afghanistan và kết thúc nhiệm vụ quân sự di tản công dân Mỹ, công dân nước thứ ba và những người Afghanistan đang gặp nguy hiểm.”
Ông McKenzie cho biết vẫn còn những người Mỹ ở Afghanistan, “khoảng dưới vài trăm người,” trong khi trả lời câu hỏi của một phóng viên, đồng thời cho biết thêm rằng quân đội và Bộ Ngoại giao sẽ làm việc để di tản những người này. Trước đó hôm thứ Hai, một phát ngôn viên của Ngũ Giác Đài cho biết khoảng 600 người vẫn còn ở bên trong đất nước này.
“Chúng tôi đã không đưa được tất cả những người mà chúng tôi muốn đưa ra ngoài,” vị tướng này nói và cho biết thêm rằng đó là một “tình cảnh khó khăn.”
Cuộc rút quân của Hoa Kỳ khỏi Afghanistan kết thúc bằng một cuộc di tản gấp rút đưa hơn 100,000 người rời đi kể từ ngày 14/08 khi Taliban chiếm Kabul sau một cuộc tấn công quân sự chớp nhoáng chỉ kéo dài vài ngày. Tuần trước (23-29/08), những tên khủng bố ISIS đã thực hiện một vụ đánh bom tại phi trường Kabul, khiến nhiều thường dân Afghanistan và 13 binh sĩ Hoa Kỳ thiệt mạng.
Tổng thống Biden hiện đang phải đối mặt với sự lên án cả ở trong và ngoài nước, không quá nhiều về việc kết thúc cuộc chiến tranh mà về cách giải quyết cuộc di tản cuối cùng đã diễn ra trong hỗn loạn và làm dấy lên nghi ngờ về độ khả tín của Hoa Kỳ. Tổng thống Biden đã nhiều lần bào chữa cách giải quyết việc di tản của chính phủ mình, mặc dù ông và các quan chức chính phủ khác đã cung cấp những thông tin mâu thuẫn về tình hình thực địa ở Kabul.
Cũng có nhiều nghi vấn được đặt ra về các tin tức tình báo được Ngũ Giác Đài và các lãnh đạo quân sự đứng đầu sử dụng liên quan đến tốc độ Taliban chiếm lĩnh đất nước và sự thất thủ của chính phủ và quân đội Afghanistan do Hoa Kỳ hậu thuẫn. Người đứng đầu Ngũ Giác Đài Lloyd Austin và các tướng lĩnh khác cho biết họ không nhận được thông tin tình báo nào cho thấy chính phủ nước này sẽ sụp đổ chỉ sau 11 ngày trước Taliban, nhóm phiến quân bị một số cơ quan liên bang nhận định là một nhóm khủng bố.
Trong khi đó, chính phủ đã hứng chịu sự chỉ trích nặng nề vì hàng tỷ dollar vũ khí, phương tiện, phi cơ và các thiết bị khác của Hoa Kỳ đã rơi vào tay Taliban.
Sự rút lui cuối cùng của Hoa Kỳ bao gồm việc rút các nhà ngoại giao, mặc dù Bộ Ngoại giao đã để ngỏ khả năng nối lại một mức độ ngoại giao [nhất định] với Taliban, tùy thuộc vào cách họ hành xử trong việc thành lập một chính phủ và tuân thủ các yêu cầu của quốc tế về bảo vệ nhân quyền.
Trước đó, chính phủ cựu Tổng thống Trump đã đàm phán với Taliban trong nhiều tháng, ấn định thời hạn rút quân vào ngày 01/05. Tổng thống Biden đã lùi ngày rút quân vào trùng với dịp lễ tưởng niệm vụ tấn công khủng bố ngày 11/09.
Một mối đe dọa mới do cuộc rút quân khỏi Afghanistan và việc Taliban giành quyền kiểm soát đặt ra là nhóm khủng bố ISIS. Khi Taliban tiếp quản, các tay súng của phiến quân này đã phóng thích nhiều thành viên ISIS khỏi các nhà tù trên khắp đất nước.
Ông McKenzie lưu ý về mối đe dọa do ISIS đặt ra, nói rằng Taliban — kẻ địch của ISIS — giờ sẽ phải đối phó với nhóm này.
Ông Jack Phillips là một phóng viên của The Epoch Times tại New York.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: