Phe Phúc Đán giật dây, ông Tập Cận Bình lâm vào thế khó trăm năm
Trong bài phát biểu vào ngày 1/7 nhân dịp đảng cộng sản Trung Quốc được 100 năm, ông Tập Cận Bình đột nhiên có suy nghĩ bất thường, nói rằng các thế lực nước ngoài vọng tưởng bắt nạt, đàn áp và nô dịch chúng ta, họ chắc chắn sẽ nhận phải kết cục đầu rơi máu chảy. Mũi tên này thực ra là ám chỉ Hoa Kỳ. Trung Cộng những năm qua áp dụng chiến lược ngoại giao sói chiến. Chiến lược này liên quan nhiều đến phe Phúc Đán do ông Vương Hộ Ninh đứng đầu.
Phe Phúc Đán kích động chủ nghĩa dân tộc, ngoài mặt ca ngợi ông Tập Cận Bình, nhưng thực chất lại đẩy ông ta vào tình thế khó chưa từng thấy trong 100 năm qua. Lịch sử 100 năm của Trung Cộng chứng minh rằng, nếu bạn mất đi sự ủng hộ của Hoa Kỳ, bạn sẽ rơi vào khốn cảnh. Tập Cận Bình hiện đang mất đi sự hỗ trợ từ Hoa Kỳ, ông ta sẽ phải đối mặt với điều gì? Các thành viên của Nhóm Phúc Đán là ai? Họ đã làm những gì?
Nguyên văn của ông Tập Cận Bình ngày 1/7 nói: Người dân Trung Quốc “sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ thế lực nước ngoài nào bắt nạt, đàn áp hoặc nô dịch chúng ta. Họ chắc chắn sẽ chịu cảnh đầu rơi máu chảy trước bức Vạn Lý Trường Thành bằng thép được xây dựng bởi hơn 1.4 tỷ người Trung Quốc”.
Đây là một lời đe dọa đẫm máu, trói buộc 1.4 tỷ người Trung Quốc, dùng máu thịt của họ để xây nên Vạn Lý Trường Thành, tư tưởng coi mạng người như cỏ rác ấy thật khiến người ta cảm thấy thật ghê sợ.
Cái gọi là thế lực nước ngoài (ngoại lai), trùng hợp lại là Trung Cộng. Trung Cộng lớn lên nhờ Liên Xô, nó đầu tiên được gọi là Đảng Rúp vì phải sống nhờ vào đồng Rúp của Liên Xô. Tư tưởng chỉ đạo của nó cũng là chủ nghĩa Mác-Lênin, vốn là tư tưởng ngoại lai không phải của Trung Quốc. Toàn bộ Trung Quốc hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của thế lực ngoại lai Trung Cộng. Nó kiểm soát rất chặt chẽ và không cho phép bất cứ thế lực nào khác can dự vào. Ai muốn vào Trung Quốc kinh doanh phát triển đều phải do Trung Cộng lựa chọn một cách nghiêm ngặt.
Những lời đe dọa như vậy của Tập Cận Bình cho thấy chế độ của ông đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có. Và chính sách ngoại giao sói chiến ngang ngược đã khiến người dân trên toàn thế giới trở nên ác cảm với Trung Cộng.
Trung Cộng rơi vào thế cô lập
Một cuộc khảo sát mới của Trung tâm Nghiên cứu Pew của Hoa Kỳ công bố ngày 30/6 cho thấy, mức độ ác cảm với Trung Cộng ở các nước phát triển gần với mức cao nhất trong lịch sử. Cư dân của 17 quốc gia phát triển nói rằng “hảo cảm” của họ đối với Trung Quốc (Trung Cộng) là rất kém và lòng tin của họ đối với nhà lãnh đạo Tập Cận Bình thấp gần bằng mức thấp nhất trong lịch sử. Xã hội phương Tây rất xem trọng các cuộc thăm dò ý kiến. Đa số quan chức là là do dân bầu, nên họ phải theo ý dân hành động, nếu không sẽ bị cách chức. Vì vậy, người ta có thể thấy, trong các cuộc thăm dò ý kiến thì cảm nhận về Trung Cộng mỗi lúc một tệ hơn. Ngoài ra, các chính trị gia trong xã hội phương Tây cũng ngày càng trở nên cứng rắn hơn đối với Trung Cộng.
Điều này được chứng minh trong ba hội nghị thượng đỉnh lớn mới tổ chức cách đây không lâu. Đó là Hội nghị thượng đỉnh G7, Hội nghị thượng đỉnh NATO, Hội nghị thượng đỉnh giữa ông Biden và các nhà lãnh đạo EU. Cả ba hội nghị đều nêu tên Trung Cộng trong thông báo chung và có lập trường cứng rắn để ngăn chặn mối đe dọa từ Trung Cộng.
Trung Cộng là một đảng khác biệt, lấy việc đấu với trời, đấu với đất, đấu với người làm vui. Vì vậy nó chính là lực lượng phản thiên, phản địa, phản nhân loại. Nó cũng không hề tin vào quỷ thần, nên cũng là lực lượng phản quỷ, phản thần, phản vũ trụ. Vì vậy, Trung Cộng vừa mới sinh ra đã mang theo đầy rẫy những nguy hiểm. Một tổ chức đen tối như thế tất nhiên phải dựa vào thế lực ngoại lai để sinh tồn. Nó ăn bám Liên Xô để tồn tại và phát triển, cuối cùng là cướp đoạt quyền lực ở Trung Quốc. Sau Liên Xô, nó lại ăn bám Lão đại của thế giới là Hoa Kỳ. Trên thực tế, khi cạnh tranh với Trung Hoa Dân Quốc, Trung Cộng nhờ vào hỗ trợ từ cả Liên Xô và Hoa Kỳ thì mới cướp được chính quyền từ trong tay Tưởng Giới Thạch.
Trong suốt 40 năm giao hảo với Hoa Kỳ, Trung Cộng đã như hổ mọc thêm cánh, nhanh chóng trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Nhưng cáo không giấu được đuôi, sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông ta đã thay đổi chiến lược của Đặng Tiểu Bình là khiêm tốn giấu mình, thay vào đó là chính sách “sói chiến” gây hấn khắp nơi, làm thức tỉnh các nước phát triển. Ngoài ra, đòn phản công của TT Trump chống lại Trung Cộng đã khiến Trung Cộng lộ nguyên hình. Nhờ đó, Hoa Kỳ và các nước phương Tây đều nhận ra mưu đồ và bộ mặt thật của Trung Cộng, dần dần xem Trung Cộng là thách thức và đối thủ cạnh tranh lớn nhất của nước mình.
Trung Cộng thực chất đã bị cộng đồng quốc tế cô lập kể từ thảm sát Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, nhưng lần khủng hoảng mới này thực sự là chưa từng có. Tại sao lại như thế? Hồi đó, ông Đặng Tiểu Bình đã áp dụng các phương pháp như khiêm tốn giấu mình để giải quyết cuộc khủng hoảng và lừa dối xã hội phương Tây. Bây giờ, sau 100 năm bị lừa dối, xã hội phương Tây đã tỉnh ngộ và không dễ bị mắc lừa nữa. Mặt khác, chính sách ngoại giao sói chiến mạnh mẽ của ông Tập Cận Bình cũng là nguyên nhân chủ quan và khách quan khiến Trung Cộng không thể quay đầu. Trung Cộng không thể quay đầu, vì nó đã phát động chủ nghĩa dân tộc khắp cả nước. Nếu nó muốn quay đầu, nó sẽ mất đi quyền lực và đối mặt với sự sụp đổ.
Vì vậy, việc xé bỏ lớp mặt nạ giấu mình, thực hiện chính sách ngoại giao sói chiến đã đẩy Tập Cận Bình vào ngõ cụt và rơi vào tình trạng khó khăn chưa từng có trong suốt 100 năm qua.
Phe Phúc Đán lộng hành, chủ nghĩa dân tộc đang lên cao
Nói đến ngoại giao sói chiến phải kể đến ông Vương Hộ Ninh, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị phụ trách tuyên truyền đối ngoại. Trong 30 năm qua, Vương Hộ Ninh đã đúc kết ra thuyết “ba đại diện” của Giang Trạch Dân, khái niệm phát triển khoa học của ông Hồ Cẩm Đào và đến nay là tư tưởng Tập Cận Bình. Không còn nghi ngờ gì nữa, ông Vương Hộ Ninh đứng sau tư duy và chính sách ngoại giao của ông Tập Cận Bình, bao gồm cả việc thay đổi phương thức che giấu quyền lực của ông Đặng Tiểu Bình.
Tại Hội nghị công tác thường niên của phái viên ngoại giao ở nước ngoài tổ chức ngày 17/7/2019, ông Vương Hộ Ninh hiếm khi tháp tùng ông Tập Cận Bình đi tiếp phái viên. Đây là một minh chứng quan trọng thể hiện tầm ảnh hưởng của ông Vương Hộ Ninh trong các chính sách đối ngoại của ông Tập Cận Bình.
Ông Vương Hộ Ninh xuất thân từ Đại học Phúc Đán, sau khi học tập ở đây, ông tiếp tục đảm nhận vai trò giảng dạy tại trường, trở thành trưởng khoa Chính trị Quốc tế và trưởng khoa Luật. Những năm gần đây, nhờ việc luôn sát cánh bên ông Tập Cận Bình, Vương Hộ Ninh trở nên nổi tiếng. Những phe cánh của ông ở trường Phúc Đán cũng lần lượt thăng quan tiến chức. Trong lĩnh vực tư tưởng ngoại giao, Phe Phúc Đán nắm toàn quyền.
Ví dụ, vào ngày 31/5, ông Trương Duy Vy, Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc của Đại học Phúc Đán, đã được mời đến Trung Nam Hải để thuyết trình cho các thành viên Ủy ban Thường vụ về việc tăng cường khả năng giao tiếp quốc tế. Phục vụ cho yêu cầu của ông Tập Cận Bình là tạo ra hình ảnh một Trung Quốc đáng yêu, đáng kính và đáng tin cậy. Ngày 1/6, báo Nhân dân đã phát sóng trực tiếp video phỏng vấn ông Trương Duy Vy. Lúc đó ông Trương Duy Vy nhấn mạnh rằng, … cần ra tay thì cứ ra tay, cần nhạo báng thì cứ nhạo báng, cần đánh đòn cảnh tỉnh thì cứ đánh đòn cảnh tỉnh. Đây cũng là một chiến lược ngoại giao sói chiến điển hình.
Ông Trịnh Nhược Lân là nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Trung Quốc của Đại học Phúc Đán. Sau khi ông Trương Duy Vy thuyết trình trước các thành viên Ủy ban Thường vụ, ông Trịnh Nhược Lân đã phỏng vấn chiến lang Lư Sa Dã, Đại sứ tại Pháp, ca ngợi cách nói của ông Lư Sa Dã rằng những “con chó điên” phương Tây “quá nhiều, quá hung hăng”.
Trước khi ông Trương Duy Vy được mời đến Trung Nam Hải, ông Trịnh Nhược Lân đã chủ trương: Các nhà ngoại giao không nên chiến đấu một mình, các phương tiện truyền thông và học giả nên tham gia. Sau khi ông Trịnh Nhược Lân lên tiếng, Trung Cộng thực sự đã tăng cường các đóng góp và phát biểu của các học giả ở nước ngoài. Phe Phúc Đán thực sự rất có tầm ảnh hưởng.
Ông Trầm Dật, một giáo sư nổi tiếng có ảnh hưởng trên internet Đại học Phúc Đán càng khỏi phải nói, ông ta là một người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Ông dám công khai tiến hành “bạo lực mạng” đối với ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập của Global Times, cáo buộc ông Hồ Tích Tiến không đủ cứng rắn, thuộc phái vẫy cờ đầu hàng. Vào ngày 28/6, ông đã xuất bản một bài báo với tiêu đề “Không khiêu (chiến) với Hoa Kỳ, cũng đừng để nó nổi điên” (Chơi chữ: Không khiêu (chiến) với Hoa Kỳ, cũng đừng như Hồ (Tích Tiến)).
Phe Phúc Đán này đều chủ trương rằng Trung Cộng nên cứng rắn với Hoa Kỳ, trên thực tế, họ đã lợi dụng tư tưởng chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc để củng cố sự cai trị của Trung Cộng.
Tờ Wall Street Journal ngày 29/6 dẫn lời một nguồn tin cho biết giới lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng điều chỉnh phương thức ngoại giao theo kiểu sói chiến, lo ngại rằng nó đã bắt đầu gây tổn hại đến lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, các nhà chức trách lo ngại rằng quy định rõ ràng có thể gây ra sự tức giận của vô số cư dân mạng theo chủ nghĩa dân tộc. Theo các nguồn tin, điều này thực sự đã trở thành một áp lực mạnh mẽ đối với sự cai trị của Trung Quốc.
Vì vậy, đầu tiên Phe Phúc Đán do ông Vương Hộ Ninh đứng đầu kê cho ông Tập Cận Bình đơn thuốc là gây hấn, kích động chủ nghĩa dân tộc, nào ngờ đâu chủ nghĩa dân tộc là con dao hai lưỡi. Bởi kích động cảm xúc của dân chúng chống lại Hoa Kỳ thì người chịu thiệt chỉ có thể là tự bản thân. Tại sao lại nói vậy?
Mất hỗ trợ của Hoa Kỳ sẽ có hậu quả nghiêm trọng
Bắt đầu từ thời Đặng Tiểu Bình, tất cả các nhà lãnh đạo của Trung Cộng đều cần thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với Hoa Kỳ. Bởi vì Hoa Kỳ là cường quốc lớn nhất thế giới, trật tự kinh tế, trật tự chính trị và trật tự quân sự trên thế giới ngày nay phần lớn do Hoa Kỳ duy trì. Chỉ với sự công nhận của Hoa Kỳ, quyền lực mới có thể được củng cố. Cũng giống như Trung Quốc cổ đại, Trung Quốc là quốc gia lớn nhất thế giới, khiến vạn bang phải cúi đầu, hoàng đế của Trung Quốc có thể điều hoà sự vụ của vạn bang. Hoàng đế Thái Tông của nhà Đường được tôn là Thiên Khả Hãn. Hốt Tất Liệt được gọi là hoàng đế của thế giới. Tổng thống Hoa Kỳ hiện tại cũng đại khái như vậy.
Vì vậy, sau khi các nhà lãnh đạo Trung Cộng liên tiếp đến thăm Hoa Kỳ và được tiếp đón long trọng, họ trở về Trung Quốc thậm chí còn ngạo mạn hơn vì đã được Hoa Kỳ công nhận.
Năm 1979, khi Đặng Tiểu Bình đến thăm Hoa Kỳ, ông đã nói một câu kinh điển: “Sau chiến tranh thế giới thứ hai, cứ theo Hoa Kỳ đều trở nên giàu có. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, chống Hoa Kỳ đều vẫn rất nghèo đói.”
Hiện nay ông Tập Cận Bình đã mất đi sự ủng hộ của Hoa Kỳ, ông ta trải qua những ngày tháng thật không dễ dàng gì, quyền lực của ông ta cũng có dấu hiệu bất ổn. Điều đó được biểu hiện ở một vài điều như:
Vào ngày 18/6, ông Tập Cận Bình dẫn đầu một nhóm quan chức cấp cao của Trung Cộng đến thăm Phòng trưng bày lịch sử Trung Cộng và dẫn đầu tập thể các quan chức cấp cao hâm nóng lại lời thề gia nhập Đảng “Không bao giờ phản Đảng”.
Vào ngày 19/6, trên trang web của Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương đã đăng một bài báo với tiêu đề “Không bao giờ phản bội Đảng không chỉ là lời thề”. Bài viết trích dẫn thảm kịch đẫm máu về cách Chu Ân Lai thảm sát cả nhà phản tướng Cố Thuận Chương trong những năm 1930. Vào thời điểm đó, ở nước ngoài có tin đồn lan rộng rằng các quan chức cấp cao của Trung Cộng đã bỏ trốn.
Vào ngày 24/6, trang web của Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương đã công bố “Nguồn gốc của Bốn phục tùng” trực tiếp nêu tên các nhà lãnh đạo thời kỳ đầu của Trung Cộng là Vương Minh và Trương Quốc Đào. Bài viết chỉ trích chủ nghĩa đầu hàng bảo thủ của Vương Minh trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Nhật Bản và giành độc lập.
Vào ngày 25/6, báo Quân đội giải phóng nhân dân đã đăng một bài “Quân kỳ sẽ luôn đi theo cờ đảng”, lấy Trương Quốc Đào làm gương tiêu cực, chỉ trích ông ta ngang nhiên tranh giành quyền lực với Đảng và âm mưu thành lập “trung ương” riêng. Trương Quốc Đào là một nhân vật quan trọng trong Trung Cộng và sau đó chuyển sang Quốc dân đảng.
Có thể nói, những tin đồn như có người muốn đào tẩu, có người muốn cướp chính quyền từ tay Tập Cận Bình không hẳn là không có căn cứ.
Do đó, dưới sự lừa bịp vô tội vạ của Phe Phúc Đán do Vương Hộ Ninh cầm đầu, ông Tập Cận Bình đã làm xáo trộn quan hệ Trung – Mỹ, gặp khó khăn trong cả đối nội và đối ngoại, rơi vào cục diện khó khăn chưa từng thấy trong suốt 100 năm qua.
Do Đường Thanh, Tôn Vân thực hiện
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: