Phát minh mới: Biến tường thành pin sạc, tại sao không?
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington ở St. Louis (Hoa Kỳ) đã tìm ra cách biến gạch đỏ nung thành loại pin có thể sạc nhiều lần, cung cấp năng lượng cho đèn báo khẩn cấp và các thiết bị điện tử.
Ngày 11/8, tạp chí Nature Communications đã công bố kết quả nghiên cứu chứng minh tính khả thi của việc biến tường thành pin sạc, có thể thắp sáng đèn LED màu xanh chỉ bằng một vài viên gạch.
Là thành viên trong nhóm nghiên cứu, nhà hóa học Julio D’Arcy cho biết: “Trên thực tế, công trình đăng trên tạp chí Nature Communications của chúng tôi bắt nguồn từ những viên gạch mua tại cửa hàng Home Depot ở Brentwood, Missouri (Mỹ), mỗi viên gạch có giá 65 xu”.
Bởi các bức tường thường chiếm rất nhiều diện tích trong mỗi công trình kiến trúc nên một số kiến trúc sư đã nghĩ đến việc sử dụng gạch để giữ nhiệt và cách nhiệt. Việc sử dụng gạch tường làm pin là phát minh đầu tiên của công trình nghiên cứu này.
Ông D’arcy cho biết: “Chúng tôi đã phát minh ra lớp phủ polyme dẫn điện PEDOT, bao gồm các sợi nano, có thể xuyên qua các lỗ mạng bên trong viên gạch. Polyme hoạt động như tấm bọt biển ion trong viên gạch, có thể lưu trữ điện và dẫn điện”.
Được biết, oxit sắt đỏ trong gạch là thành phần quan trọng để thúc đẩy phản ứng hội tụ. Ước tính mỗi viên có kích thước 4x3x1 cm có thể cung cấp năng lượng cho đèn LED chiếu sáng trong khoảng 10 phút với một lần sạc.
Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, tường xây bằng gạch dự trữ năng lượng có thể cung cấp đủ điện năng cho đèn báo khẩn cấp trong vài giờ. “Chúng tôi tưởng tượng rằng nếu gạch được kết nối với pin năng lượng mặt trời thì sẽ cần khoảng 50 viên như thế để cung cấp điện cho đèn khẩn cấp trong 5 giờ”.
Một ưu điểm của gạch lưu trữ năng lượng là có thể được sạc nhiều lần, tuổi thọ tương đương 10.000 lần sạc, và chỉ cần một vài viên gạch như vậy kết nối với thiết bị vi mạch điện tử là có thể cung cấp đầy đủ điện năng.
Tác giả: Trương Ny
Biên tập: Chu Hàm Nho