Phát hiện loại gen gây ra bệnh Lupus tự miễn
Các nhà nghiên cứu của Đại học Quốc gia Úc (ANU) tin rằng họ đã phát hiện ra nguyên nhân tiềm tàng của bệnh lupus tự miễn.
Trong một bản tin của ANU, nhà nghiên cứu cấp cao Vicki Athanasopoulos đến từ Trường Nghiên cứu Y khoa John Curtin (JCSMR) cho biết các nhà khoa học đã phát hiện ra gen Toll-like receptor seven (TLR7) có thể gây ra bệnh tự miễn khi bị kích hoạt quá mức. Cô cũng nói thêm, từ phát hiện này, phương pháp điều trị lupus có thể cải thiện một cách đáng kể.
Cô Athanasopoulos nói rằng: “Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tìm thấy một biến thể di truyền của gen TLR7 gây ra bệnh tự miễn.”
“Điều này sẽ làm tăng cơ hội phát triển các loại thuốc mới nhắm đến TLR7, giúp cải thiện đáng kể các phương pháp điều trị lupus hiện tại.”
Trong điều kiện bình thường, gen TLR7 có vai trò giúp hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi các virus gây bệnh. Nhưng khi bị đột biến, gen TLR7 sẽ trở nên hoạt động quá mức, gây ra bệnh lupus với tình trạng hệ miễn dịch tự tấn công các tế bào khỏe mạnh của chính cơ thể.
Các phương pháp điều trị lupus hiện nay thường khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng và gây suy giảm chất lượng cuộc sống. Những khám phá trên sẽ giúp phát triển nhiều loại thuốc mới có hiệu quả hơn trong việc điều trị lupus mà không có tác dụng phụ.
Những khám phá về đột biến TLR7
Đột biến TLR7 được tìm thấy ở một cô gái trẻ đến từ Tây Ban Nha tên là Gabriela, được chẩn đoán mắc bệnh lupus khi mới 7 tuổi. Sau phát hiện này, các nhà nghiên cứu đã cố gắng xác định xem liệu việc đưa đột biến có nguồn gốc từ người vào chuột bằng công cụ chỉnh sửa gen có khiến loài gặm nhấm phát triển bệnh lupus hay không.
Nhà nghiên cứu Grant Brown đến từ JCSMR cho biết: “Những con chuột mang protein TLR7 đột biến đã xuất hiện tình trạng tương tự như bệnh tự miễn nghiêm trọng, cung cấp bằng chứng cho thấy đột biến TLR7 là nguyên nhân gây ra lupus.”
“Mô hình mới ở chuột đã cung cấp cho chúng ta một nền tảng để tiếp tục hiểu về hệ miễn dịch và cách các bệnh tự miễn phát triển ở người.”
Trong một email gửi The Epoch Times, cô Athanasopoulos cho biết gen TLR7 thường liên kết với các chuỗi RNA ngắn từ virus lây nhiễm.
Cô nói: “Nghiên cứu tìm thấy trong những đột biến của gen TLR7, có một đột biến xuất hiện ở một bệnh nhân trẻ tuổi khiến protein TLR7 tăng khả năng liên kết với RNA. Và chính điều này đã làm gia tăng hoạt hóa con đường sinh hóa của TLR7.”
“Chúng tôi cũng đang sử dụng mô hình cấu trúc protein TLR7, và phát hiện rằng loại đột biến trên đã làm thay đổi một vùng bên trong protein có chức năng liên kết với các phân tử RNA.”
Vấn đề gặp phải với các phương pháp điều trị Lupus hiện tại
Tác giả chính của nghiên cứu, Giáo sư Carola Vinuesa đến từ Trung tâm Miễn dịch học Cá nhân hóa ANU và Viện Francis Crick ở Vương quốc Anh, nói rằng việc tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh lupus là điều không hề dễ dàng. Bà Vinuesa cho biết, các phương pháp điều trị lupus hiện nay chủ yếu sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch để giảm thiểu triệu chứng.
Cô Athanasopoulos nói: “Một số liệu pháp điều trị lupus hiện nay với tác dụng phụ có hại có thể gây độc cho cơ thể, hoặc đơn giản là không hiệu quả ở một số bệnh nhân phức tạp.”
“Hầu hết các liệu pháp điều trị đều có thể gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống, và phụ thuộc đáng kể vào mức độ điều trị.”
“Các phương pháp điều trị hàng đầu mức độ nhẹ như hydroxychloroquine có thể cải thiện QOL (Quality of life – Chất lượng cuộc sống) bằng cách giảm dần tần suất và mức độ nặng của các đợt bùng phát bệnh.”
Tuy nhiên, cô nói rằng những đợt bùng phát nghiêm trọng đòi hỏi cần có thuốc “ức chế miễn dịch mạnh”, thường ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Ví dụ, corticosteroid được sử dụng để ức chế miễn dịch nhưng có nhiều tác dụng phụ như: tăng cân, rối loạn tâm trạng, giảm khả năng chống nhiễm trùng và loãng xương.
“Ở các cấp độ trị liệu chuyên sâu nhất, những thuốc như cyclophosphamide có thể gây suy tủy xương và vô sinh, mang lại những ảnh hưởng to lớn cho cuộc sống sau này.”
Cô cho biết, mặc dù chỉ một số người mắc bệnh lupus có biến thể TLR7 đột biến, nhưng việc xác định biến thể TLR7 tăng chức năng là nguyên nhân chính gây ra lupus đã giúp các nhà khoa học có thể bắt đầu thử nghiệm các phương pháp điều trị mới.
Phát triển các phương pháp điều trị mới với biến thể TLR7
Lupus ảnh hưởng đến nữ giới nhiều hơn gấp 9 lần so với nam giới, và hiện không có cách chữa trị. Các triệu chứng có thể bao gồm: tình trạng viêm nhiễm cơ quan và khớp, hạn chế cử động, phát ban trên da và mệt mỏi. Các triệu chứng có thể biểu hiện khác nhau từ nhẹ đến nặng, nhưng trong trường hợp nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong.
Các nhà nghiên cứu cho biết họ sẽ sử dụng mô hình trên chuột để thử nghiệm các loại thuốc mới về khả năng ức chế gen TLR7.
Cô Athanasopoulos nói: “Chúng tôi hy vọng điều này có thể giúp phát triển các loại thuốc mới để điều trị hoặc ngăn ngừa bùng phát căn bệnh.”
Cô nói rằng nhóm của mình đã thiết lập một mô hình động vật có đột biến TLR7 gây ra “bệnh giống lupus” tương tự như biến thể được tìm thấy ở Gabriela.
“Chúng tôi sẽ thử nghiệm các chất ức chế protein TLR7 mới và các protein hoạt động theo con đường sinh hóa tương tự như TLR7, và xác định xem liệu điều này có thể ngăn ngừa hoặc cải thiện bệnh tật trên mô hình động vật hay không.”
“Điều này sẽ tạo cơ sở cho các thử nghiệm lâm sàng tiếp theo trên người.”
“Mô hình động vật của chúng tôi, cùng với đột biến TLR7 ở người, sẽ mở đường cho việc thiết kế và thử nghiệm các liệu pháp điều trị mới, nhằm mục tiêu giúp các bệnh nhân mắc thể bệnh lupus qua trung gian TLR7 tương tự,” cô cho biết trong bản phát hành.
Những khám phá giúp hiểu rõ hơn căn bệnh Lupus
Tiến sĩ Brown cho biết: “Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục đích khơi gợi sự hiểu biết sâu sắc hơn về những căn bệnh phức tạp mà chúng ta vốn biết rất ít.”
“Các bệnh tự miễn dịch như lupus, với nhiều yếu tố nguy cơ từ di truyền cho đến ảnh hưởng môi trường, gây ra khó khăn cho việc nghiên cứu.”
“Do đó, khi hiểu rõ hơn về cách căn bệnh phát triển, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội hơn để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp với ít tác dụng phụ hơn cho bệnh nhân.”
Hiện tại, các nhà nghiên cứu đang làm việc cùng các công ty dược phẩm để phát triển các loại thuốc mới nhắm mục tiêu cụ thể vào gen TLR7 và các protein khác hoạt động trong con đường sinh hóa protein TLR7. Để đạt được điều này, họ đang đồng thời tạo ra thuốc mới và điều chỉnh các loại thuốc cũ.
Bà Vinuesa cho biết: “Có những căn bệnh tự miễn hệ thống khác, như viêm khớp dạng thấp và viêm da cơ, thuộc cùng một họ với bệnh lupus. TLR7 cũng có thể đóng vai trò trong những bệnh này.”
Phát hiện của nghiên cứu trên cũng giải thích tại sao bệnh lupus phổ biến hơn ở nữ giới so với nam giới, vì gen TLR7 hiện diện trong nhiễm sắc thể X. Phụ nữ có hai nhiễm sắc thể X và do đó có hai bản sao của gen TLR7, trong khi nam giới chỉ có một.
Thiên Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times