Phát hiện hành tinh khổng lồ lớn gấp 10 lần Sao Mộc
Một nhóm các nhà thiên văn học đã phát hiện một trong những hành tinh khổng lồ nhất từng được tìm thấy quay quanh một hệ sao đôi cực lớn và cực nóng, mặc dù trước đó từng cho rằng một hoàn cảnh như vậy là quá khắc nghiệt để có thể hình thành một hành tinh.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Nature hôm thứ Tư (08/12), hành tinh này đã được ông Markus Janson, một giáo sư thiên văn học tại Đại học Stockholm, cùng các đồng sự phát hiện.
Ông Janson và các đồng sự của mình đã tìm thấy hành tinh này bằng cách sử dụng một công cụ tinh vi tên là Máy Quang phổ phân cực Tìm kiếm Ngoại hành tinh Có độ tương phản cao (SPHERE) trên Kính Viễn Vọng Rất Lớn (VTL) của Đài Quan Sát Nam Âu (ESO) ở Chile.
Được đặt tên là b Centauri (AB)b hoặc b Centauri b, hành tinh khổng lồ này là một “thế giới ngoại hành tinh trải qua các điều kiện hoàn toàn khác với những gì chúng ta đối mặt ở đây trên Trái Đất, trong Hệ Mặt Trời của mình,” các nhà thiên văn học cho biết trong một bản tin.
“Hành tinh này nặng gấp 10 lần Sao Mộc, khiến nó trở thành một trong những hành tinh khổng lồ nhất từng được tìm thấy. Hơn nữa, nó quay xung quanh hệ sao đôi này ở một khoảng cách đáng kinh ngạc, lớn hơn 100 lần so với khoảng cách Sao Mộc quay quanh Mặt trời, một trong những quỹ đạo lớn nhất từng được phát hiện cho đến nay,” các nhà thiên văn học giải thích. “Việc ở xa cặp sao trung tâm có thể là chìa khóa cho sự tồn tại của hành tinh này.”
Ông Janson cho biết việc phát hiện hành tinh xung quanh hệ sao đôi này đã làm thay đổi hoàn toàn những gì mà các nhà thiên văn học trước đây từng biết về những ngôi sao lớn có các hành tinh [quay xung quanh]. Điều này cho thấy rằng trên thực tế, các hành tinh có thể hình thành bên trong những hệ sao khắc nghiệt như vậy.
Hệ sao đôi tên là b Centauri này đã 15 triệu năm tuổi và có khối lượng gấp ít nhất sáu lần Mặt Trời, khiến nó trở thành hệ sao lớn nhất mà các nhà thiên văn học đã phát hiện có một hành tinh quay xung quanh. Vì có nhiệt độ cực cao, hệ sao thuộc chòm sao Centaurus nằm cách [Trái Đất] 325 năm ánh sáng này phát ra một lượng lớn bức xạ tia UV (tia cực tím) và tia X.
Trước khi phát hiện ra b Centauri b, các nhà khoa học đã không thể phát hiện bất kỳ vật thể nào như vậy xung quanh một ngôi sao lớn gấp hơn ba lần Mặt Trời.
Hơn nữa, khối lượng và nhiệt lượng lớn tỏa ra từ hệ sao này tác động mạnh đến khí xung quanh, nên về mặt kỹ thuật, điều này lẽ ra phải gây khó khăn cho việc hình thành các hành tinh.
Ông Janson nói: “Các ngôi sao loại B thường được xem là khá hủy diệt và nguy hiểm, vì vậy người ta tin rằng rất khó để hình thành các hành tinh lớn xung quanh chúng.”
Ông Matthias Samland, khoa học gia thuộc Viện Thiên văn học Max Planck (MPIA) và là đồng tác giả cho biết: “Chúng ta luôn có quan niệm lấy hệ mặt trời làm trung tâm trong việc [phán đoán] các hệ hành tinh ‘lẽ ra nên’ trông như thế nào. Trong 10 năm qua, việc phát hiện ra nhiều hệ hành tinh với những hình dạng mới lạ và đáng ngạc nhiên đã khiến chúng ta mở rộng tầm nhìn hạn hẹp trước đây của mình. Khám phá này bổ sung thêm một chương thú vị khác cho câu chuyện này, lần này là cho các ngôi sao lớn.”
Công cụ được sử dụng để phát hiện hành tinh, SPHERE, được chế tạo và xây dựng bởi một tập hợp gồm nhiều tổ chức thiên văn học, và cho đến nay, các nhà thiên văn học trước đây đã từng sử dụng nó để chụp một số hành tinh quay quanh các ngôi sao khác ngoài Mặt Trời.
Nhờ sử dụng thiết bị này, họ đã có thể chụp được hình ảnh đầu tiên của một hành tinh sơ sinh đang ở giữa quá trình hình thành và một đĩa có khả năng hình thành mặt trăng.
Ông Janson nói thêm về hành tinh mới phát hiện, “Sẽ là một công việc thú vị để cố tìm hiểu xem làm thế nào nó lại có thể hình thành, hiện tại đây là một bí ẩn.”
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: