Pháp phô diễn sức mạnh không quân ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Pháp đã tái khẳng định vai trò của mình như một cường quốc ở Thái Bình Dương sau khi các lực lượng vũ trang Pháp hoàn thành cuộc phô diễn sức mạnh không quân đường dài.
Cuộc phô diễn lực lượng này, có mật danh Sứ mệnh Pégase 22, cho thấy một phi đoàn của Không quân Pháp bay từ Paris đến New Caledonia chỉ trong 72 giờ trên đường bay dài 16,600 km (10,315 dặm), chứng tỏ khả năng của Pháp trong việc tham chiến khi có xung đột xảy ra ở Thái Bình Dương.
Phi đoàn này gồm ba phi cơ phản lực Rafale và phi cơ yểm trợ.
Hãng thông tấn Nikkei Asia đã dẫn lời Thiếu tướng Stephane Groen — tham mưu trưởng của Không quân Pháp và Bộ Chỉ huy Các chiến dịch Trên không của Lực lượng Không quân Vũ trụ Pháp đồng thời là người chỉ huy cuộc tập trận này — cho biết, “Thực tế rằng chúng tôi đang cố gắng thể hiện sức mạnh không quân với mức độ như thế này ở khu vực Thái Bình Dương là một minh chứng cụ thể.”
“Chúng tôi là một quốc gia thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nếu quý vị lấy số lượng công dân mà chúng tôi có ở khu vực Thái Bình Dương và Tây Nam Á, thì chúng tôi có hơn hai triệu người, và Vùng Đặc quyền Kinh tế của chúng tôi là khoảng 9 triệu km vuông,” ông nói.
Pháp thắt chặt mối bang giao với Ấn Độ
Sứ mệnh này cũng báo hiệu một kỷ nguyên mới về khả năng tương tác lẫn nhau ở cấp độ cao giữa Pháp và Ấn Độ. Hai nước vốn đều sử dụng phi cơ phản lực Rafale sau khi ký kết một thỏa thuận hỗ trợ hậu cần lẫn nhau vào năm 2018.
Đại sứ Pháp tại Ấn Độ Emmanuel Lenain đã tán dương cuộc tập trận này và nói rằng hoạt động này thể hiện cam kết của Pháp đối với các vùng lãnh thổ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
“Pháp là một cường quốc thành viên thuộc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và cuộc phô diễn sức mạnh không quân đường dài đầy tham vọng này thể hiện cam kết của chúng tôi đối với khu vực này và các đối tác của chúng tôi. Lẽ dĩ nhiên, để thực hiện sứ mệnh này, chúng tôi dựa vào Ấn Độ, đối tác chiến lược hàng đầu của chúng tôi ở Á Châu,” ông Lenain nói. “Tôi chân thành cảm ơn Không quân Ấn Độ đã chào đón phi đoàn của Pháp.”
Trong một tuyên bố trên truyền thông, Đại sứ quán Pháp tại Ấn Độ nói rằng Sứ mệnh Pégase 22 là một “minh chứng hùng hồn về năng lực khai triển nhanh chóng của Pháp tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Họ nói: “Sứ mệnh này còn là bằng chứng cho thấy tình hình an ninh ở Âu Châu không làm suy giảm cam kết của Pháp và Âu Châu ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Cuộc phô diễn lực lượng của Pháp diễn ra trong bối cảnh những lo ngại nảy sinh khi Bắc Kinh thúc đẩy ảnh hưởng của họ trong khu vực.
Âu Châu tăng cường sự hiện diện ở Thái Bình Dương
Trong vài tháng qua, Đức cũng đã tham gia các cuộc tập trận chung ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với Singapore. Đồng thời, cuộc tập trận không quân quân sự Pitch Black của Úc còn có sự tham gia của một số quốc gia như Ấn Độ, Pháp, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức, Indonesia, Singapore, Vương quốc Anh, và Nam Hàn.
Sự kiện này diễn ra sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố rằng tổ chức này sẽ tăng cường sự hiện diện trong khu vực để chống lại hành động gây hấn và quân sự hóa đang tiếp diễn từ phía Bắc Kinh.
“Chúng ta đã nhận thấy rằng Trung Quốc không sẵn sàng lên án hành động xâm lược của Nga. Và Bắc Kinh đã tham gia cùng Moscow để thách thức quyền của các quốc gia trong việc lựa chọn con đường riêng của họ,” ông Stoltenberg nói. “Đây là một thách thức nghiêm trọng đối với tất cả chúng ta. Và điều này càng nâng tầm quan trọng của việc chúng ta sát cánh cùng nhau để bảo vệ các giá trị của mình.”
Ông Michito Tsuruoka, giáo sư phụ tá chuyên về an ninh quốc tế và chính trị Âu Châu thuộc Đại học Keio của Nhật Bản, cho biết việc tái can dự vào khu vực này là một chiến lược tốt cho các cường quốc Âu Châu.
Trong một bài báo viết cho tạp chí The Diplomat vào năm 2021, ông lập luận rằng nếu các đồng minh khác tập trung vào các mối đe dọa và thách thức khác nhau trong các khu vực xung đột khác nhau, thì sẽ có nguy cơ lớn hơn trong việc dẫn đến “khoảng cách nhận thức lớn hơn” gây khó khăn cho việc “hợp tác cùng nhau về các vấn đề rộng lớn hơn như Trung Quốc hoặc Nga.”
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times