Pháp có chịu trách nhiệm trong vụ hủy bỏ hợp đồng tàu ngầm hay không?
Điều gì thực sự đã xảy ra ở mũi Trafalgar [nơi diễn ra trận hải chiến lớn giữa hạm đội Pháp-Tây Ban Nha với hạm đội Anh vào ngày 21/10/1805] đối với vụ hủy hợp đồng quân sự khổng lồ giữa Pháp và Úc? Sự việc này gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn chưa từng có, trong một thế giới kín tiếng, nơi những bất đồng thường được che đậy kín đáo, giờ đây đã hé lộ kẻ mạnh-yếu trong lĩnh vực mới trên thế giới. Bị xúc phạm bởi thông báo hủy hợp đồng này, Pháp đã triệu hồi các đại sứ của họ tại Úc và Hoa Kỳ, một hành động ngoại giao đặc biệt nghiêm trọng mà nhiều người cố gắng hiểu rõ hơn.
Quan điểm của chính phủ Pháp rất đơn giản: họ đã bị Úc và Hoa Kỳ phản bội một cách phũ phàng, Úc đã tuyên bố trên truyền thông rằng người Úc sẽ trang bị tàu ngầm của Hoa Kỳ chứ không phải của Pháp. Theo số liệu từ báo cáo mới nhất trước Quốc hội về xuất cảng vũ khí, ngành công nghiệp này của Pháp đang lỗ nặng ở mức 34 tỷ euro. Sự phẫn nộ đáng nói ở đây là Hoa Kỳ, một đồng minh của Pháp đã âm thầm giành lợi thế cho ngành công nghiệp quân sự của chính mình. Để tăng sức nặng cho bài diễn văn của mình, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves le Drian đã cố ý dùng những lời lẽ nặng nề như “đâm sau lưng” và “phản bội.”
Mặc dù không thể phủ nhận mức độ khắc nghiệt của công bố này, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton tuyên bố rằng ông đã cảnh báo người đồng cấp Pháp Florence Parly từ nhiều tháng trước về những khó khăn to lớn do thỏa thuận quân sự gây ra, và thực tế là do Tập đoàn Hải quân Pháp (Naval Group) thực thi kém hiệu quả và không phù hợp với các lợi ích chiến lược của Úc. Liệu đây chỉ đơn giản là dập tắt ngọn lửa truyền thông? Bộ trưởng Úc khẳng định trước tất cả các hãng thông tấn của lục địa đảo này rằng những trao đổi đó là chính thức và được ghi chép, ông sẽ sẵn sàng mở hồ sơ nếu Pháp không thay đổi giọng điệu.
Ở bất cứ đâu, chúng ta cũng nghe họ giải thích rằng việc Tập đoàn Hải quân Pháp không có khả năng điều chỉnh động cơ nguyên tử cho các tàu ngầm của Úc, cũng như không đạt các quy định về thời hạn nêu trong hợp đồng năm 2016 đã tạo cơ sở cho quyết định hủy bỏ này. Đáng tiếc là mối nghi ngờ này lại được đã khẳng định: một báo cáo kiểm toán của Úc vào tháng 01/2020 đã đề cập đến sự chậm trễ kéo dài và chi phí tăng thêm của Tập đoàn Hải quân Pháp trong giai đoạn khởi động dự án, khi mà các mối quan hệ ở Á Châu đang căng thẳng và nhu cầu là cấp bách. Nhiều hãng truyền thông nghi ngờ về khả năng vi phạm hợp đồng và ông Hervé Guillou, giám đốc điều hành của Naval Group, sau đó đã cố gắng trấn an báo giới Pháp rằng không hề có rủi ro.
Gần đây hơn, Úc đã phàn nàn về việc chính phủ Pháp không lắng nghe và hồi đáp một cách kịp thời, cho thấy rằng tất cả các thông điệp cảnh báo đã bị phớt lờ. Những yếu tố này đã khiến Pháp phải đối mặt với phần trách nhiệm của chính họ trong thất bại này.
Tất nhiên, các đối thủ của ông Emmanuel Macron trong cuộc đua tổng thống sắp tới sẽ tận dụng vấn đề này để khởi động một phiên tòa phán xét sự kém cỏi trong ngoại giao, có thể khiến tổng thống sắp mãn nhiệm mất điểm. Do đó, sự tức giận hiển hiện của ông Macro có thể là vì hai yếu tố: sự sỉ nhục trước công chúng trong quyết định của Úc và đúng vào thời điểm rất nhạy cảm.
Nhưng có lẽ điều căn bản nhất vẫn được tiết lộ. Úc đặt hàng tàu ngầm mới phục vụ mục đích gần như duy nhất là đối phó với sự hung hăng ngày càng gia tăng của chính quyền Trung Quốc và hành vi xâm nhập cáp ngầm của chế độ này ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Do đó, trên thực tế việc loại trừ Paris khỏi liên minh nhằm chống lại Trung Cộng ở Thái Bình Dương – có lẽ chủ yếu nhất – cũng có thể là sự thiếu lòng tin đối với nước Pháp. Điều này, đằng sau tầm nhìn dài hạn đáng khen ngợi về sự độc lập chiến lược và sức mạnh [quân sự] được đổi mới, thì không còn có độ vững tin. Tuy nhiên, đối mặt với các mối đe dọa ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, các chìa khóa phòng thủ quân sự của Úc không thể được giao cho một quốc gia mà một mặt chấp nhận hoạt động gián điệp của Trung Cộng trên lãnh thổ của mình, và mặt khác, hiển lộ rõ hơn chính là thái độ thân thiện đối với Trung Cộng.
Do đó, điều mà Pháp có thể thiếu trong vấn đề này là hai mức độ tin cậy cùng lúc: độ tin cậy vào khả năng đáp ứng các cam kết về hiệu quả công nghiệp, và trên hết là độ tin cậy trong các mối quan hệ chiến lược và lựa chọn đồng minh. Một số khu vực rõ ràng không cho phép ai đó “bắt cá hai tay”.
Ngọc Quỳnh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại Epoch Times Pháp ngữ
Xem thêm: