Pháp chứng kiến dịch cúm gia cầm bùng phát do virus lây lan trở lại ở Âu Châu
PARIS – Pháp đã nâng mức cảnh báo dịch cúm gia cầm sau khi một dạng virus nghiêm trọng được phát hiện trong số gia cầm thả vườn ở phía đông bắc, cùng với các trường hợp ở các nước láng giềng Bỉ và Luxembourg, bộ nông nghiệp nước này cho biết hôm thứ Sáu (10/09).
Bộ cho biết trong một tuyên bố, chủng cúm gia cầm H5N8 rất dễ lây lan đã được phát hiện trong tuần này ở vịt, gà mái, gà tây và chim bồ câu thuộc một hộ gia đình ở vùng Ardennes, trong đó tất cả các con vật này đều đã bị tiêu hủy để phòng ngừa.
“Tình trạng y tế liên quan đến dịch cúm gia cầm có khả năng gây bệnh cao là đáng lo ngại. Kể từ ngày 01/08, 25 trường hợp đã được phát hiện tại Âu Châu trong số các loài chim hoang dã và bị nuôi nhốt,” Bộ này cho hay.
Tuần trước, hai trường hợp nhiễm H5N8 đã được báo cáo ở Bỉ – một tại nơi của một người buôn bán chim và một tại nhà riêng – và một trường hợp khác tại một ngôi nhà ở Luxembourg có liên quan đến thương nhân ở Bỉ, Bộ [Nông nghiệp] Pháp cho biết thêm.
Các trường hợp mới nhất liên quan đến chủng cúm gia cầm H5N8 đã khiến Pháp phải tăng mức đánh giá rủi ro từ “không đáng kể” lên mức “vừa phải,” điều này sẽ dẫn đến việc gia cầm bị nhốt lại trong chuồng trại ở một số khu vực.
Bộ cho biết thêm, đợt bùng phát ở Pháp sẽ không làm ảnh hưởng đến trạng thái không có dịch cúm gia cầm mà nước này vừa đạt được sau một đợt dịch cúm gia cầm H5N8 trước đó.
Dịch cúm gia cầm bùng phát có thể khiến các quốc gia nhập cảng, đặc biệt là ở Á Châu, áp đặt các hạn chế thương mại đối với các sản phẩm gia cầm.
Pháp đã tiêu hủy khoảng 3 triệu con gia cầm vào mùa đông năm ngoái tại vùng chăn nuôi vịt tây nam của nước này khi nước này phải vật lộn với sự lây lan của virus từ chim hoang dã sang đàn gia cầm.
Sự bùng phát quy mô lớn đã khiến chính phủ nước này tán thành với các biện pháp an toàn sinh học mới với ngành chăn nuôi gia cầm.
Những biện pháp này bao gồm cả việc yêu cầu nhốt các đàn gia cầm trong thời gian rủi ro và cam kết giảm mật độ đàn ở phía tây nam, vốn là quê hương của ngành công nghiệp pate gan ngỗng chế biến từ vịt của nước này.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: