PHÂN TÍCH: Trung Quốc đang hướng tới một thập niên kinh tế đình trệ
Một nhà phân tích cho biết: “Mọi người cần biết rằng thời kỳ tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc — được thúc đẩy bằng nợ — về cơ bản đã qua rồi.”
Trung Quốc đã rơi vào tình trạng giảm phát sau nhiều tháng có số liệu xuất cảng, sản xuất, doanh số bán nhà, và việc làm của giới trẻ đáng thất vọng. Tình trạng này đã dẫn đến các yêu cầu ngày càng lớn đặt ra cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) để có các biện pháp kích thích nhằm khởi động nền kinh tế đang tăng trưởng chậm.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã phải chật vật trong nhiều tháng, không đạt được sự bùng nổ hậu đại dịch như nhiều người dự đoán. Bản công bố dữ liệu mới nhất hồi tháng Bảy cho thấy xuất cảng giảm mạnh nhất so với cùng thời kỳ năm ngoái kể từ trước đại dịch và nhập cảng giảm trong năm tháng liên tiếp. Giá xuất xưởng (factory-gate price) giảm tháng thứ mười liên tiếp, trong khi doanh số bán nhà mới đã chứng kiến mức giảm hàng tháng đáng kể nhất kể từ tháng 07/2022.
Một số nhà phân tích đã lập luận rằng nếu Bắc Kinh đang chờ đợi thời cơ tốt nhất để thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc hoặc cố gắng tránh rủi ro đạo đức bằng cách giải cứu khu vực địa ốc đang mắc nợ nặng nề và các chính quyền địa phương, thì họ không nên chờ đợi thêm nữa.
Nhưng một số người lại nói khác: ĐCSTQ làm gì có chờ đợi — họ chỉ đơn giản là không có tiền hoặc không gian tài chính để mà chờ.
Đó là quan điểm của ông William Lee, nhà kinh tế trưởng tại Viện Milken, một tổ chức tư vấn kinh tế có trụ sở tại California, và ông Christopher Balding, một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Hiệp hội Henry Jackson, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Vương quốc Anh.
Theo quan điểm của ông Balding, nền kinh tế Trung Quốc sẽ “rất, rất chậm chạp” và “biến thành một mớ hỗn độn lê lết kéo dài chừng nào Bắc Kinh còn có thể kéo dài được.”
Ông nói với The Epoch Times: “Mọi người cần biết rằng thời kỳ tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc — được thúc đẩy bằng nợ — về cơ bản đã qua. Và bây giờ họ chỉ đang cố gắng níu giữ nền kinh tế cho khỏi sụp đổ mà thôi.”
Ông Edward Yardeni, chủ tịch của Yardeni Research, một công ty tư vấn đầu tư toàn cầu ở New York, đã cung cấp những dự đoán chi tiết hơn. Ông cho biết nền kinh tế Trung Quốc sẽ rơi vào tình trạng “đình trệ kinh tế” mà “rất có thể xảy ra trong 10 đến 20 năm tới.”
“Tôi nghĩ có lẽ là với bất cứ mức nào mà [ĐCSTQ] tuyên bố là họ nghĩ rằng nền kinh tế có thể tăng trưởng, thì tôi sẽ cắt đi một nửa,” ông nói với The Epoch Times. “Vì vậy, chúng ta đang nhìn vào mức tăng trưởng từ 0 đến 2% trong vài năm tới.”
ĐCSTQ không thể chi trả cho một biện pháp kích thích lớn
Các chuyên gia nói rằng ĐCSTQ đơn giản là không thể tạo động lực lớn cho nền kinh tế Trung Quốc.
Ông Lee của Viện Milken cho biết các chính quyền địa phương từng là kênh truyền thống để thực hiện các biện pháp kích thích ở Trung Quốc. Hiện các chính quyền địa phương đang mắc nợ nặng nề và muốn có sự trợ giúp của Bắc Kinh, nhưng Bắc Kinh cũng có khoản nợ vượt mức — 26 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 3.6 ngàn tỷ USD) vào cuối năm 2022, theo số liệu chính thức của ĐCSTQ. Do đó ông nói, Bắc Kinh không thể tài trợ cho chi tiêu mới mà không tăng thuế.
Rhodium Group ước tính các biện pháp tài chính của chính quyền địa phương, mà các thành phố sử dụng để gây quỹ cho các dự án cơ sở hạ tầng và địa ốc, là 59 ngàn tỷ nhân dân tệ (hơn 8 ngàn tỷ USD) vào năm ngoái (2022), bằng khoảng một nửa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc. Cũng theo báo cáo đó, các khoản nợ địa phương bổ sung thông qua trường học, bệnh viện, và các phương tiện khác sẽ nâng tổng số nợ lên khoảng 100% GDP.
“Tái cấu trúc nợ địa phương hoặc việc ‘giải quyết’ vấn đề nợ của chính quyền địa phương sẽ làm thay đổi toàn bộ nền kinh tế của Trung Quốc,” các nhà phân tích của Rhodium đã cảnh báo về vấn đề kéo dài hàng thập niên này. “Bất kỳ giải pháp có ý nghĩa nào đối với vấn đề nợ địa phương đều có thể gây ra sự suy giảm cấu trúc đáng kể trong đầu tư, và sự suy giảm mạnh trong tăng trưởng kinh tế trong thập niên tới.”
Các chính quyền địa phương và lĩnh vực địa ốc đang cùng lúc gặp khó khăn.
Trung bình, doanh thu bán đất chiếm hơn 30% tổng doanh thu của chính quyền địa phương. Tỷ lệ này cao tới 50% ở một số tỉnh miền duyên hải có giá đất cao hơn. Khi các nhà phát triển không mua đất do nợ nần chồng chất và giá địa ốc giảm, thì các thành phố gặp khó khăn trong việc trả nợ.
Ông Balding nói rằng, ĐCSTQ không có tiền để cứu trợ các nhà phát triển và họ đang hy vọng rằng người tiêu dùng sẽ giải quyết vấn đề bằng cách mua nhiều địa ốc hơn. Nhưng người tiêu dùng đã hiểu biết nhiều hơn về những rủi ro và sẽ không thanh toán hóa đơn.
Tình hình đã phát triển thành một tình huống mà trong đó Bắc Kinh, các chính quyền địa phương, và người tiêu dùng đang chuyền đi chuyền lại quả bóng giảm phát cho nhau, ông nhận định, đồng thời lưu ý rằng người tiêu dùng không chi tiêu, và tình trạng nhu cầu thấp này sẽ không vực dậy được nền kinh tế Trung Quốc.
Ông lấy ví dụ về Evergrande, công ty phát triển địa ốc mắc nợ nhiều nhất thế giới, để minh họa quy mô của vấn đề và lý do tại sao ĐCSTQ không có tiền để giải cứu lĩnh vực địa ốc.
Theo báo cáo thường niên năm 2022, Evergrande đã có 1.7 ngàn tỷ nhân dân tệ (236 tỷ USD) nợ ngắn hạn và 13 tỷ nhân dân tệ (1.8 tỷ USD) tiền mặt trong tay.
Ông Balding đã so sánh tình huống đó với một cá nhân có 100,000 USD trong ngân hàng và bị nợ quá hạn 2 triệu USD trong thẻ tín dụng. Do đó, việc trả nợ dường như là không thể.
Để minh họa thêm cho điểm này, ông nêu lên thực tế rằng Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), ngân hàng lớn nhất thế giới tính theo tổng tài sản, đã báo cáo có cơ sở vốn là 4.3 ngàn tỷ nhân dân tệ (597 tỷ USD) hồi cuối năm 2022.
Nếu khoản nợ của Evergrande được xóa, thì khoản nợ đó sẽ nuốt chửng khoảng 40% vốn của ICBC.
Ông lưu ý rằng ví dụ trên là để giải thích quy mô của vấn đề của lĩnh vực địa ốc mà không cần xét đến tổng mức độ liên quan của ICBC với Evergrande. Theo các bản tin, ICBC hiện là một trong những chủ nợ lớn của Evergrande.
Cộng đồng quốc tế sẽ cứu trợ ĐCSTQ ư? Ông Balding nghĩ là không.
“Lý do rất đơn giản là không ai trên thế giới có được số vốn mà Bắc Kinh cần,” ông nói.
Ông cho biết, dựa trên tổng tài sản của hệ thống ngân hàng Trung Quốc vào khoảng 50 ngàn tỷ USD, thì kể cả việc tái cấp vốn 20% cũng sẽ cần 10 ngàn tỷ USD, tương đương với việc cứu 50 ngân hàng có quy mô bằng Silicon Valley Bank, ngân hàng cỡ trung đã sụp đổ hồi tháng Ba do quản lý rủi ro kém.
“IMF không có loại tiền đó,” ông nói và cho biết thêm rằng các nhà đầu tư quốc tế cũng vậy.
ĐCSTQ và khu vực tư nhân
Trong những tháng gần đây, giới chức Trung Quốc thường xuyên đưa ra các chính sách mới, không khai triển các biện pháp kích thích cụ thể.
Chỉ riêng trong tháng Bảy, các nhà chức trách Trung Quốc đã công bố nhiều chính sách trợ giúp doanh nghiệp tư nhân, khuyến khích tiêu thụ đồ điện tử và xe hơi, kéo dài thời hạn cho vay địa ốc, và cải thiện hệ thống giáo dục để giải quyết tỷ lệ thất nghiệp cao của thanh niên sau khi ngân hàng trung ương hạ lãi suất căn bản một tháng trước đó.
Ông Lee của Viện Milken nói với The Epoch Times: “Chính quyền không khai triển một loạt các biện pháp kích thích tài khóa mạnh mẽ bởi vì, thứ nhất, không gian tài khóa bị hạn chế do các chính quyền địa phương và trung ương mắc nợ cao. Vì vậy, họ không thể tài trợ cho chi tiêu tài khóa bằng cách phát hành nợ.”
“Thứ hai, mục tiêu chính của chính sách tài khóa là củng cố khu vực tư nhân. Và họ không có uy tín để thuyết phục khu vực tư nhân rằng họ sẽ không đảo ngược chính sách lần nữa vì những gì họ vừa thực hiện mới đây,” ông nói thêm, đề cập đến cuộc đàn áp mạnh tay của chính quyền Trung Quốc đối với các doanh nghiệp tư nhân trong ba năm qua.
Ông Balding gọi các chính sách mới là “các biện pháp không làm gì cả.”
Hôm 28/07, xuất phát từ một chính sách thúc đẩy tăng trưởng khu vực công, Quốc vụ viện, cơ quan hoạt động như nội các của Trung Quốc, đã thành lập một nền tảng trực tuyến nhằm thu thập các báo cáo của các doanh nghiệp tư nhân khiếu nại về việc gặp trở ngại. Đây là ví dụ ưa thích của ông Balding về việc “không làm gì cả”, vì ông tin rằng không có bất kỳ công ty tư nhân nào ở Trung Quốc sẽ nộp báo cáo.
Ông Gary Ng, chuyên gia kinh tế cao cấp về khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tại Natixis, một ngân hàng đầu tư và phục vụ khách hàng doanh nghiệp của Pháp, cho biết chính quyền Trung Quốc đã cho thấy có sự thay đổi trong định hướng chính sách, nhưng việc khai triển đang gặp trở ngại.
Ví dụ, hầu hết các khoản vay ngân hàng vẫn dành cho các “công ty an toàn” hoặc các doanh nghiệp nhà nước (SOE), ông nói. “Đối với các công ty tư nhân, tôi nghi ngờ số tiền họ có thể nhận được bởi vì nếu chúng ta nhìn vào những gì đã xảy ra ở Country Garden gần đây, thì rõ ràng là căng thẳng vẫn còn rất cao.”
Hôm 11/08/2023, Country Garden, nhà phát triển địa ốc lớn nhất Trung Quốc tính đến năm 2022, đã cảnh báo rằng họ có thể lỗ tới 7.6 tỷ USD trong nửa đầu năm nay. Công ty cũng xác nhận trước đó rằng đã không thanh toán được 22.5 triệu USD trái phiếu quốc tế. Và đó đã là sau khi công ty này nhận được khoản tín dụng trị giá 7 tỷ USD từ một ngân hàng do nhà nước hậu thuẫn hồi tháng 11/2022.
Đối với các cuộc đấu thầu đất đai, ông Ng cho biết các SOE hiện thắng thầu đến 80% so với mức 40-50% trước đây. Ông cho biết thêm rằng các chính quyền địa phương hiện đang giữ lại các khoản thanh toán trước mà được cho là sẽ được chuyển lại cho các nhà phát triển khi các mốc xây dựng được đáp ứng.
Khu vực tư nhân của Trung Quốc nhận được ít hơn 15% tổng số khoản vay kinh doanh trong quý đầu tiên. Dữ liệu tháng Bảy mới nhất cho thấy các khoản vay kinh doanh mới ở mức thấp nhất trong gần ba năm.
Ông Ng nói với The Epoch Times: “Tôi nghĩ vẫn còn một áp lực rất rõ ràng để ưu ái các công ty có độ an toàn cao hơn. Và những công ty cần thanh khoản nhất vẫn không thể có được vốn vay.”
‘Nói với một chính quyền cộng sản đừng là cộng sản nữa’
Đối với ông Balding, ĐCSTQ và khu vực tư nhân về căn bản là có xung đột.
“Khi quý vị nói rằng Bắc Kinh cần khuyến khích khu vực tư nhân, thì bằng như quý vị đang nói với một chính quyền cộng sản đừng là cộng sản nữa,” ông nói. “Quý vị đang nói với ĐCSTQ, ‘Nếu các vị không là cộng sản nữa, thì mọi thứ sẽ tốt hơn.’”
“Tôi sẽ cứ nói thẳng ra thôi,” ông chia sẻ, đồng thời nói thêm rằng, “Vào cuối ngày, thì toàn bộ hoạt động kinh tế của Trung Quốc vẫn là xoay quanh khu vực nhà nước” bởi vì Đảng kiểm soát vốn.
Ông Balding nói, ĐCSTQ đã xây dựng tính hợp pháp của mình bằng cách nói với người dân Trung Quốc rằng họ là một nhà quản lý tài chính và kinh tế tốt cho Trung Quốc. “Bắc Kinh không thể cho phép một sự kiện, kiểu như một cuộc hạ cánh cứng, một cuộc khủng hoảng, hay thứ gì đó đại loại như thế; họ chỉ đơn giản là không thể. Bởi vì nếu họ để cho một sự kiện như thế xảy ra, thì đó sẽ là dấu chấm hết cho ĐCSTQ.”
“Và họ sẽ làm mọi thứ có thể để ngăn chặn tình huống đó,” ông nói thêm. Nhưng với nguồn lực và phương tiện hạn chế, ĐCSTQ có thể sẽ kéo sự suy tàn của đất nước này được bao nhiêu hay bấy nhiêu.
Ông Yardeni cho rằng ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về những khó khăn kinh tế hiện tại của Trung Quốc vì một số tăng trưởng trong quá khứ của quốc gia này “được thực hiện nhờ đầu cơ thái quá và các chính sách yếu kém của chính quyền, đặc biệt là chính sách một con.”
Chính sách ngoại giao của ĐCSTQ cũng có tác động trực tiếp đến thị trường xuất cảng của Trung Quốc.
Ông nói thêm, “Chính sách ngoại giao của Trung Quốc rất hung hăng và thù địch với phương Tây. Và phương Tây đã phản ứng bằng cách tỉnh ra rằng các doanh nghiệp phương Tây cần bớt phụ thuộc hơn nhiều vào các nhà cung cấp Trung Quốc.”
Niềm tin là then chốt
Theo ông Lee, việc giá xuất xưởng giảm trong 10 tháng liên tiếp cho thấy môi trường giảm phát đang “ngày càng bén rễ sâu hơn.”
Ông cho biết hiệu ứng dây chuyền khiến người dân trì hoãn chi tiêu: khi doanh nghiệp làm ăn không tốt, họ có thể sa thải nhân viên. Với tỷ lệ thất nghiệp trên 20% ở thanh niên Trung Quốc, người tiêu dùng đang lo lắng về con em và công việc của chính họ. Đồng thời, giá địa ốc, nơi mà nhiều người Trung Quốc đầu tư tiền tiết kiệm vào, thì lại đang giảm.
“Khi giá trị tài sản giảm sút và thu nhập không bảo đảm, thì người dân không chi tiêu,” ông Lee nói thêm.
Ông Ng cũng đồng quan điểm. Tình hình kinh tế hiện tại đã không xảy ra một chốc qua đêm. Tuy nhiên, theo ông, trong nhiều năm qua, các gia đình và công ty vẫn tin rằng họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn trong tương lai.
“Nhưng hiện tại, mọi người đã trở nên thận trọng hơn đơn giản vì họ không quá chắc chắn về tương lai,” ông Ng nói. “Vì vậy, tôi nghĩ rằng, nói một cách dễ hiểu, niềm tin là điều quan trọng nhất cần theo dõi trong tương lai.”
Ông nói thêm rằng sự bất ổn về chính sách cũng đóng một vai trò thiết yếu trong việc niềm tin vào thị trường suy giảm. Ông Ng nói rằng chính quyền Trung Quốc không còn đặt tăng trưởng làm ưu tiên hàng đầu. Mặc dù không có nhiều sự gắn kết trong các chính sách hiện tại của Bắc Kinh, nhưng nếu phải tóm tắt một chủ đề ưu tiên mới từ các hướng dẫn mới nhất của chính phủ, thì đó sẽ là sự ổn định.
Chúng ta cần thấy những dấu hiệu nào để biết rằng niềm tin đã quay trở lại? Ông đã đề cập đến hai điều.
“Đầu tiên, chúng ta cần chứng kiến sự phục hồi rất rõ ràng trong tiêu dùng và đầu tư của doanh nghiệp.”
“Và thứ hai, chúng ta cũng sẽ cần chứng kiến sự phục hồi giá tài sản ở Trung Quốc, yếu tố mà thường liên quan nhiều hơn đến vốn chủ sở hữu, và cả địa ốc, bởi vì yếu tố này sẽ thực sự thể hiện rằng mọi người tin tưởng hơn vào việc không bỏ tiền vào tiết kiệm ngân hàng và họ sẵn sàng tiêu dùng hoặc đầu tư.”
Ông Ng cho rằng sự phục hồi về tiêu dùng và đầu tư sẽ không xảy ra cho đến ít nhất là cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Ông chỉ ra rằng năm 2024 sẽ khó khăn hơn vì không còn “yếu tố cơ sở”, ám chỉ đến những số liệu kinh tế thấp từ năm 2022, một năm đại dịch, để năm 2023 thể hiện được là có sự tăng trưởng [so với năm ngoái].
Ông nói, “Then chốt sẽ là năm tới bởi vì nếu chúng ta không chứng kiến sự phục hồi có ý nghĩa nào trong tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp, thì tôi nghĩ rằng triển vọng tăng trưởng sẽ khó khăn hơn nhiều trong năm tới.”
Theo quan điểm của ông Yardeni, tình hình của Trung Quốc tương tự như những gì đã xảy ra ở Nhật Bản vào cuối những năm 1980, đề cập đến bong bóng địa ốc và dân số già của nước này.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times