PHÂN TÍCH: Ông McCarthy mạo hiểm điều tra đàn hặc trong bối cảnh cuộc chiến ngân sách có thể khiến chính phủ đóng cửa
Chủ tịch Hạ viện phải đối mặt với những người có quan điểm cứng rắn trong nhóm họp kín tại Hạ viện của ông và một Thượng viện đồng lòng trong việc đạt được chiến thắng về phân bổ ngân sách theo phái bảo tồn truyền thống để tránh cho chính phủ bị đóng cửa.
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) đã mạo hiểm có tính toán khi mở cuộc điều tra đàn hặc Tổng thống Joe Biden giữa cuộc chiến gây tranh cãi về các khoản phân bổ ngân sách.
Thông báo hôm 12/09 đã nhận được sự lên án gay gắt từ Thượng nghị sĩ Đảng Dân Chủ Elizabeth Warren (Dân Chủ-Massachusett), người đã gọi đó là “chính trị quá khích.” Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Ian Sams cho biết cuộc điều tra thể hiện “chính trị cực đoan ở mức tồi tệ nhất.”
Tất cả những phản ứng đó là điều dễ đoán.
Ông McCarthy có thể đã không tính đến sự chia rẽ đang tiếp tục, thậm chí ngày càng sâu sắc trong nội bộ đảng của ông về các mức chi tiêu cho năm tài khóa sắp tới sau khi ông đưa ra một nhượng bộ đối với các dân biểu thiên về bảo tồn truyền thống nhiều nhất trong nhóm họp kín của ông. Nhóm này vốn dĩ từ lâu đã tranh luận để đạt được nỗ lực đàn hặc tổng thống.
Giờ đây, ông thấy mình đang rơi vào tình thế bế tắc ba bên giữa một Thượng viện đồng lòng, một tổng thống kiên quyết, và các dân biểu gây cản trở trong chính đảng của ông về các mức chi tiêu năm 2024 khi Hạ viện gấp rút thông qua 12 dự luật phân bổ ngân sách trước khi kết thúc năm tài khóa vào ngày 30/09, điều mà có thể khiến chính phủ phải đóng cửa.
Bên cạnh sự căng thẳng như vậy, bất kỳ dân biểu nào ở Hạ viện đều có thể kêu gọi tổ chức một cuộc biểu quyết để truất phế Chủ tịch Hạ viện, có thể tước bỏ vai trò lãnh đạo của ông McCarthy. Và một thành viên trong đảng của ông đã đe dọa sẽ làm như vậy nếu Chủ tịch Hạ viện không chấp nhận yêu cầu cắt giảm chi tiêu bổ sung.
Việc ông McCarthy có bình an qua được thử thách quyền lãnh đạo này hay không sẽ phụ thuộc vào khả năng của ông có thể vượt qua những dân biểu Đảng Cộng Hòa theo đường lối cứng rắn tại Hạ viện và guồng máy lưỡng đảng mạnh mẽ tại Thượng viện hay không. Để làm được điều đó, người đàn ông đến từ Bakersfield này có thể sẽ phải sử dụng đến sự kết hợp của các chiến thuật đã trở thành phong cách đặc trưng của ông trong suốt 8 tháng đầy biến động trên cương vị Chủ tịch Hạ viện: rất nhiều chiến lược, xây dựng sự đồng thuận, và sự kiên nhẫn, kèm theo một chút chính trị cứng rắn.
Sự mạo hiểm có tính toán
Một bộ phận trong Đảng Cộng Hòa đã kêu gọi đàn hặc Tổng thống Biden kể từ trước khi ông ấy được bầu vào chức vụ này. “Tôi nghĩ rằng nguy cơ đàn hặc này dù thế nào cũng đã được mở ra,” Thượng nghị sĩ Joni Ernst (Cộng Hòa-Iowa) nói vào ngày 02/02/2020, đề cập đến những sự kiện tương tự liên quan đến con trai tổng thống đang là trung tâm của cuộc điều tra hiện tại.
Hồi tháng 01/2021, hai tuần trước khi Tổng thống Biden nhậm chức, các điều khoản đàn hặc ông đã được đưa ra tại Hạ viện. Mặc dù nỗ lực đó không đạt được sự ủng hộ, nhưng vào tháng 01/2023, các dân biểu Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã tiến hành điều tra các hoạt động của con trai tổng thống, ông Hunter Biden. Hồi tháng Năm, các điều khoản đàn hặc mới đã được đệ trình.
Ông McCarthy dường như đang làm trì trệ nỗ lực này khi nói rằng bất kỳ cuộc điều tra chính thức nào cũng cần một cuộc biểu quyết của toàn thể Hạ viện. Hôm 01/09, ông McCarthy nói với Breitbart News, “Mở một cuộc điều tra đàn hặc là một vấn đề hệ trọng, và các dân biểu Đảng Cộng hòa tại Hạ viện sẽ không xem nhẹ hoặc sử dụng cuộc đàn hặc cho mục đích chính trị.”
“Người dân Mỹ xứng đáng được lắng nghe về vấn đề này thông qua các đại diện do họ bầu chọn,” ông nói. “Đó là lý do tại sao, nếu chúng tôi tiến hành một cuộc điều tra đàn hặc, thì điều đó sẽ diễn ra thông qua một cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện chứ không phải thông qua thông báo của một người.”
Các nhà quan sát cho rằng các dân biểu Đảng Cộng Hòa theo đường hướng cứng rắn đã khiến ông thay đổi quan điểm nhanh chóng như vậy. Họ là những người mà ông McCarthy sẽ cần phải lắng nghe ý kiến trong bối cảnh gần kết thúc năm tài khóa mà vẫn chưa có một dự luật phân bổ ngân sách nào được Hạ viện thông qua.
“Do những người cực hữu không tin tưởng [ông McCarthy] cho lắm … nên tôi nghĩ ông ấy cần phải nhượng bộ họ để có thể thông qua một dự luật hoặc cùng nhau tổ chức cuộc họp kín,” ông David A. Bateman, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Cornell, nói với The Epoch Times. “Tôi nghĩ đây là một sự nhượng bộ chủ yếu nhằm vào các cuộc chiến sắp tới về phân bổ ngân sách.”
Nếu đó là mục đích của ông McCarthy thì điều này này không có hiệu quả.
Ngày hôm sau, các thành viên của Nhóm họp kín Tự do (Freedom Caucus) tại Hạ viện đã mạnh mẽ kêu gọi Chủ tịch Hạ viện và các dân biểu GOP thúc đẩy việc cắt giảm sâu chi tiêu bất kể hậu quả có thể xảy ra.
“Chúng tôi ở đây để tỏ rõ lập trường mạnh mẽ và nói với nơi này, ngay tại đây, phải dừng điều đó lại ngay bây giờ,” Dân biểu Scott Perry (Cộng Hòa-Pennylsivia), chủ tịch Nhóm họp kín Tự do tại Hạ viện, cho biết trong một cuộc họp báo hôm 13/09. “Quyền lực hầu bao nằm tại cơ quan lập pháp, và cách để quý vị ngăn chặn tất cả sự điên rồ này của chính phủ Tổng thống Biden — sự chuyên chế của chính phủ Tổng thống Biden — là ngừng cung cấp tiền cho họ.”
“Ngay bây giờ, chúng tôi ở đây để trình bày những gì chúng tôi tin là hướng đi đúng đắn về sau để bảo đảm đất nước này thực sự được cứu khỏi thâm hụt, khỏi biên giới mở, khỏi một quân đội thức tỉnh và [Bộ Tư pháp] bị vũ khí hóa chống lại người Mỹ,” Dân biểu Chip Roy (Cộng Hòa-Texas) cho biết. “Và nếu các dân biểu Đảng Dân Chủ không muốn làm việc với chúng tôi về vấn đề đó, nếu một số đồng sự trong Đảng Cộng Hòa của chúng tôi không muốn làm việc với chúng tôi về vấn đề đó, thì họ phải tìm hiểu điều gì sẽ xảy ra vào ngày 01/10.”
Hồi tháng Tư, Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã thông qua Đạo luật Giới hạn, Tiết kiệm, Phát triển, vốn đã giảm chi tiêu liên bang xuống mức của năm 2022. Hồi tháng Năm, ông McCarthy đã đàm phán với Tổng thống Joe Biden để nâng mức trần nợ 31.4 ngàn tỷ USD của quốc gia để đổi lấy việc cắt giảm một số khoản chi tiêu tùy ý phi quốc phòng.
Thỏa thuận đó đưa đến Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa, được thông qua vào tháng Sáu, bao gồm những khoản cắt giảm chi tiêu ít hơn.
Giờ đây, khi thời gian không còn nhiều trước khi kết thúc năm tài khóa, những người theo đường hướng cứng rắn của Đảng Cộng Hòa đang tức giận trước điều mà họ cho là ông McCarthy đang bội ước thỏa thuận của họ.
Các dân biểu Đảng Cộng Hòa khác đe dọa sẽ đệ trình một kiến nghị bãi nhiệm chức chủ tịch nếu ông McCarthy không tuân thủ mục tiêu của họ, mà điều này sẽ dẫn đến một cuộc bỏ phiếu truất phế ông McCarthy khỏi vai trò chủ tịch.
“Việc cho phép cái gọi là một [giải pháp tiếp diễn] rõ ràng hoặc không đạt tiêu chuẩn hoặc mù quáng là hoàn toàn không thể thực hiện được,” Dân biểu Andy Clyde (Cộng Hòa-Georgia) nói rằng việc thông qua một nghị quyết tạm thời tài trợ cho chính phủ ở các mức độ hiện tại trong khi các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục sẽ “gây nguy hiểm cho quyền lãnh đạo của Chủ tịch Hạ viện McCarthy.”
Ông Gaetz nói với Newsmax hôm 13/09, “Nếu đa số Đảng Cộng Hòa chống lại một điều luật nhưng quý vị lại nhờ đến Đảng Dân Chủ để thông qua điều luật đó, thì cách làm này sẽ ngay lập tức vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận mà chúng tôi đã ký với ông McCarthy để cho phép ông ấy lên làm chủ tịch, và điều đó có thể sẽ đưa đến một đề nghị truất phế ngay lập tức.”
Ông Gaetz đang đề cập đến những nhượng bộ mà những người theo đường hướng cứng rắn của Đảng Cộng Hòa tranh cãi với ông McCarthy để đổi lấy việc ủng hộ nỗ lực giành quyền chủ tịch của ông.
Tiến thoái lưỡng nan
Đảng Cộng Hòa chỉ nắm giữ 222 ghế tại Hạ viện, trong khi cần 218 phiếu cần thiết để thông qua dự luật. Điều đó có nghĩa là chỉ cần bốn dân biểu Đảng Cộng Hòa bất kỳ cũng có thể chặn việc thông qua một dự luật. Trong tình huống này, ông McCarthy cần sự đồng thuận gần như hoàn toàn trong nhóm họp kín của mình để thông qua các dự luật phân bổ ngân sách và tránh để chính phủ đóng cửa.
Nếu ông McCarthy không thỏa thuận với những người theo đường hướng cứng rắn, thì họ có thể thực sự khiến chính phủ đóng cửa. Nhưng nếu ông nhượng bộ quá nhiều trước phe bảo tồn truyền thống cực đoan, thì những người theo trường phái ôn hòa có thể nổi dậy.
Trong khi đó, Thượng viện đã chuyển tất cả 12 dự luật phân bổ ngân sách thông qua ủy ban với mức chi tiêu cao hơn mức dự kiến tại Hạ viện, và với sự ủng hộ của lưỡng đảng.
Vì vậy, ngay cả khi ông McCarthy có thể dẫn dắt để kế hoạch chi tiêu của Đảng Cộng Hòa được Hạ viện thông qua, thì ông vẫn cần đàm phán với Thượng viện thông qua quá trình họp bàn để đi đến một thỏa hiệp.
Chỉ còn 15 ngày trên lịch và 8 ngày lập pháp trong năm tài khóa, thế nhưng, tình hình có vẻ tuyệt vọng.
Tuy nhiên, ông McCarthy đã vượt qua được một số khó khăn chính trị trong thời gian nắm giữ vị trí Chủ tịch Hạ viện ngắn ngủi của mình.
Điều đó bắt đầu với cuộc bầu cử của ông hồi tháng Một, phải trải qua 15 vòng biểu quyết gần như chưa từng có. Ông còn đàm phán một thỏa thuận mức trần nợ với Tổng thống Joe Biden dù có vẻ nắm giữ thế yếu trong Hạ viện. Ông đã dẫn dắt để các Đạo luật Giới hạn, Tiết kiệm, Phát triển, và Trách nhiệm Tài khóa được thông qua tại chính Hạ viện mà hiện đang đe dọa ngăn chặn các sáng kiến phân bổ ngân sách của ông. Và vào mùa hè này, ông đã ngăn chặn một cuộc nổi dậy của những người theo đường hướng cứng rắn, vốn tức giận trước việc ông giải quyết các cuộc đàm phán về mức trần nợ với Tổng thống Biden, khiến tất cả các cuộc biểu quyết ở Hạ viện phải ngừng lại trong vài ngày.
Phương pháp của ông McCarthy
Ông Kevin McCarthy là một chính trị gia kiểu cũ, người có tài đàm phán giỏi hơn các ông chủ, một chiến lược gia, người xây dựng mối quan hệ, người nắm bắt tình huống, và người tạo ra sự thỏa hiệp. Ông hay cười. Ông kiên nhẫn nói chuyện với các phóng viên, giải thích quan điểm của mình như thể một người cha đang giải thích với con mình rằng tại sao nó không thể ăn kem vào bữa tối.
Khi kết thúc cuộc đàm phán với Tổng thống Biden về việc nâng mức trần nợ, các nhà đàm phán của Đảng Cộng Hòa đã ca ngợi rằng ông McCarthy khéo léo trong vai trò một nhà chiến lược chính trị.
Hôm 31/05, Dân biểu Patrick McHenry (Cộng Hòa-North Carolina) nói với các phóng viên: “Nếu không có sự tập trung và nỗ lực của ông ấy, không đạt được được sự đồng thuận giữa các dân biểu Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện và có thể đưa ra dự luật nâng mức trần nợ, thì có lẽ chúng tôi vẫn còn ngồi ở bàn đàm phán.”
Dân biểu Garret Graves (Cộng Hòa-Louisiana), nhà đàm phán chính khác của ông McCarthy, đã gọi ông McCarthy là “một trong những nhà chiến lược giỏi nhất mà tôi từng gặp trong đời.”
Dân biểu Dusty Johnson (Cộng Hòa-South Dakota) nói với The Epoch Times: “Tôi nghĩ có hai điều khiến ông Kevin McCarthy trở thành nhà lãnh đạo phù hợp vào thời điểm này. Đầu tiên là ông ấy thực sự hiểu từng thành viên của mình. Ông ấy biết họ quan tâm đến điều gì. Ông ấy biết ưu tiên của họ là gì và ông ấy biết cách tốt nhất để giao tiếp với họ.”
“Thứ hai là ông ấy đã làm rất tốt khi nói chuyện thường xuyên và hầu như là hàng ngày với những người đứng đầu cái mà đôi khi được gọi là Năm Nhà, hoặc năm nhóm họp kín về tư tưởng của Hạ viện,” ông Johnson nói thêm.
Một nhân viên của Capitol Hill nói với The Epoch Times: “Tôi làm việc tại Quốc hội đã lâu lắm rồi nhưng tôi chưa bao giờ thấy một văn phòng Chủ tịch Hạ viện nào hợp tác hơn và, nói thẳng ra là một Hạ viện hợp tác hơn.”
Cách tiếp cận mềm mỏng đó đôi khi khiến các nhà quan sát đánh giá thấp khả năng lãnh đạo của ông McCarthy, hoặc có thể đánh giá quá cao sức mạnh của các đối thủ chính trị của ông. Và ông McCarthy nhận thức sâu sắc về điều này.
“Mọi câu hỏi mà các quý vị tiếp tục nêu ra,” ông nói với các phóng viên hồi tháng Tư, “quý vị đã sai. Quý vị đã đánh giá thấp chúng tôi.”
Hồi tháng Năm, khi được hỏi liệu ông có thể khiến Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa được thông qua hay không, ông McCarthy đã nêu ra một trường hợp trước đây về thành công đầy bất ngờ với một dự luật: “Quý vị đã đánh giá thấp tôi suốt thời gian qua … Chúng ta có thể đạt được sự đồng thuận không? Có. Chúng tôi đã thông qua [Đạo luật Giới hạn, Tiết kiệm, Phát triển].”
Vị chủ tịch này dường như cũng sử dụng các phương sách chính trị kém tinh tế hơn khi cần thiết.
Trong một cuộc họp kín hôm 14/09, ông Kevin McCarthy đã thách thức các đồng sự Đảng Cộng Hòa nói được thì phải làm được với việc họ đe dọa tước đi vị trí lãnh đạo của ông. Ông McCarthy được cho là đã thách các đối thủ đưa ra “kiến nghị [lời tục tĩu]” nhằm bãi nhiệm ông.
Dân biểu Brian Mast (Cộng Hòa-Florida) xác nhận với The Epoch Times rằng ông McCarthy đã trực tiếp đương đầu với mối đe dọa, nói rằng “ông Kevin không hề sợ hãi.”
Sau khi các dân biểu theo phái bảo tồn truyền thống ngăn cản một hành động đưa dự luật chi tiêu quân sự trị giá 826 tỷ USD ra sàn Hạ viện hôm 14/09, và yêu cầu nhượng bộ thêm, Chủ tịch Hạ viện dường như đã lặng lẽ xem họ như những người không ủng hộ quân đội Hoa Kỳ.
Trong một cuộc họp báo về chi tiêu quân sự hôm 15/09, Dân biểu Mike Garcia (Cộng hòa-California) đã nêu ra các điều khoản chính của dự luật, bao gồm cả việc tăng lương cho những binh sĩ cấp dưới nhập ngũ khi một số người trong số họ phải sống nhờ vào trợ giúp công cộng do lương thấp.
“Trọng tâm hiện nay là giúp Nhóm họp kín Tự do hiểu được tầm quan trọng của việc thông qua dự luật này,” ông Garcia nói. “Bất kỳ thỏa hiệp hoặc đàm phán nào sau khi thông qua dự luật này sẽ được giải quyết trong tương lai,” ông nói thêm, đồng thời kêu gọi nhanh chóng thông qua dự luật để ngăn chặn bất kỳ sự gián đoạn nào về khả năng sẵn sàng của quân đội.
Về lời đe dọa truất phế Chủ tịch Hạ viện, ông Garcia nói: “Hãy thôi nói huyên thuyên, hãy thôi khoa trương, hãy thôi đe dọa. Nếu quý vị định đưa ra kiến nghị truất phế, thì hãy làm vậy đi.”
Dân biểu Derrick Van Orden (Cộng Hòa-Wisconsin) nói rằng nếu dự luật không được thông qua, thì cá nhân các dân biểu phải chịu trách nhiệm. “Đây sẽ không phải là Đảng Cộng Hòa của Hạ viện hay Đảng Dân Chủ của Hạ viện cản trở chúng ta. Mà sẽ có một số cá nhân từ các đảng đó cản trở.”
Mặc dù một số ít dân biểu cũng có thể ngăn chặn gần như mọi hành động tại Hạ viện, nhưng ông McCarthy dường như nhận được sự ủng hộ của hầu hết các dân biểu Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện về các mức tài trợ cho năm 2024.
“Khi chúng ta đóng cửa chính phủ, Đảng Cộng Hòa sẽ thua vì đó là lỗi của chúng ta,” một phụ tá Quốc hội nói với The Epoch Times. “Vì vậy, khi các quân nhân của chúng ta không được trả lương, người ta sẽ chỉ trỏ vào một nhóm người. Và đó là lý do tại sao đại đa số Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện không muốn chính phủ đóng cửa.”
Tùy chọn nghị quyết tạm thời
Đảng Cộng Hòa cảnh giác với việc thông qua một nghị quyết tạm thời (continuing resolution, CR) thay vì thực hiện phân bổ ngân sách thông qua trật tự thông thường, đặc biệt là sau dự luật phân bổ ngân sách tổng hợp trị giá 1.7 ngàn tỷ USD đã được Hạ viện thông qua hồi tháng Mười Hai năm ngoái (2022).
Tuy nhiên, ông McCarthy cho biết ông có thể sẽ sử dụng một nghị quyết tạm thời ngắn hạn để có thêm một chút thời gian nhằm hoàn tất quá trình phân bổ ngân sách, bao gồm cả việc giải quyết những khác biệt đáng kể giữa các phiên bản dự luật giữa Hạ viện và Thượng viện.
“Tôi không muốn các nghị quyết tạm thời phải kéo dài đến mùa Giáng Sinh,” ông McCarthy nói với các phóng viên hôm 14/09, rằng điều đó gây sức phép phải bỏ phiếu quá nhanh chóng lên các nghị sĩ. “Cá nhân tôi muốn [giải quyết] trong 30 hoặc 60 ngày.”
Khi được hỏi liệu ông đã dự định một kế hoạch cụ thể nào chưa, Chủ tịch vui vẻ nói: “Tôi luôn có sẵn một kế hoạch. Nhưng như thế không có nghĩa là sẽ xảy ra như kế hoạch. Tôi đã có một kế hoạch cho tuần này, nhưng mọi chuyện không diễn ra đúng như tôi dự định.”
Bản tin có sự đóng góp của Jackson Richman và Joseph Lord
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times