Phân tích: Ngoài đàn áp về an ninh, Bắc Kinh còn khai triển thị trường dữ liệu do nhà nước kiểm soát
Hành động pháp lý sâu rộng của Trung Quốc chống lại những đại công ty internet như hãng gọi xe Didi Global Inc, đã gây rùng mình trong ngành này, là một phần của một dự án quốc gia rộng lớn hơn nhằm tạo ra một thị trường nội địa cho lượng dữ liệu lớn khổng lồ của đất nước này.
Các tài liệu chính sách cho thấy, kế hoạch này đã được vận động trong nhiều năm nhưng đang nhanh chóng gặp đà phát triển, được thiết kế để hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc trong những thập kỷ tới và bao gồm các dự án thí điểm cho thị trường giao dịch dữ liệu do nhà nước giám sát.
Hành động này cũng đe dọa cô lập thêm ngành công nghiệp internet của Trung Quốc trên toàn cầu, và làm gia tăng căng thẳng với Hoa Thịnh Đốn.
Dữ liệu đang trở thành một chiến trường quan trọng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, do cả hai bên lo ngại rằng việc thu thập không được kiểm soát của các công ty tư nhân có thể cho phép các tác nhân của chính phủ vũ khí hóa thông tin về cơ sở hạ tầng và các lợi ích quốc gia khác.
Tháng 9 này, Trung Quốc sẽ thực hiện Luật Bảo mật Dữ liệu, trong đó yêu cầu các công ty có “dữ liệu quan trọng” phải thực hiện đánh giá rủi ro và gửi báo cáo. Các tổ chức có dữ liệu ảnh hưởng đến an ninh quốc gia phải gửi đánh giá hàng năm.
Đầu tháng này, các nhà quản lý Trung Quốc đã rút Didi khỏi các cửa hàng ứng dụng của nước này, vài ngày sau khi công ty phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại Hoa Kỳ, với lý do lo ngại về an ninh, khiến cổ phiếu của công ty này giảm mạnh.
Kế hoạch chiến lược rộng hơn
Nhưng các chuyên gia cho biết nỗ lực của Trung Quốc nhằm giành quyền kiểm soát dữ liệu vì những lý do an ninh quốc gia chỉ là một khía cạnh của mục tiêu chiến lược nhằm tạo ra một thị trường có sự giám sát của nhà nước đối với những thông tin đó, bao gồm dữ liệu của chính phủ cũng như dữ liệu do các công ty tư nhân thu thập, và giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đang chậm lại.
Thông tin như vậy có thể bao gồm bất kỳ loại dữ liệu nào — từ hồ sơ sức khỏe và hồ sơ của tòa án đến các bản đồ và các lịch sử mua sắm.
Ông Kendra Schaefer, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chính sách công nghệ tại công ty tư vấn Trivium China có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết: “Các cuộc kiểm toán IPO ở ngoại quốc, chuyển nhượng xuyên biên giới và truy cập mở vào một số loại dữ liệu nhất định cản trở mục tiêu của Bắc Kinh là không chỉ tiếp quản quyền giám sát các tài sản dữ liệu khổng lồ của đất nước mà còn để biến chúng thành hàng hóa.”
Các tài liệu chính sách cho thấy, những kế hoạch này đòi hỏi một nỗ lực hành chính lớn để phân loại, chuẩn hóa và đánh giá giá trị dữ liệu, tạo cơ sở cho dữ liệu được giao dịch trong nước đồng thời ngăn chặn ngoại quốc tiếp cận với những thông tin nhạy cảm nhất.
Trung tâm Thông tin Internet Trung Quốc của nhà nước cho biết trong tháng này rằng, “Dữ liệu người dùng thu được bởi một số lượng lớn các nền tảng dịch vụ Internet … là tài nguyên công cộng và cần được đưa vào hệ thống giám sát phân cấp và hợp nhất của quốc gia.”
Yếu tố thứ năm
Các kế hoạch cho một thị trường dữ liệu do nhà nước kiểm soát đã được khai triển trong nhiều năm.
Trong một cuộc họp kín năm 2017, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi các nhà hoạch định chính sách nghiên cứu quản trị dữ liệu toàn cầu và “đề nghị một kế hoạch của Trung Quốc” để “mở, giao dịch, và xác nhận quyền sở hữu và quyền bảo vệ tài sản đối với dữ liệu.”
Dự án này đã được đẩy mạnh vào tháng 04/2020, khi một tài liệu của Quốc vụ Viện tuyên bố dữ liệu sẽ là “yếu tố sản xuất” thứ năm — ngang bằng với lao động, công nghệ, đất đai và vốn xét về nguồn lực kinh tế quốc gia.
Dự thảo Luật Bảo mật Dữ liệu nhanh chóng được đưa ra sau đó, quy định việc kiểm toán hàng loạt dữ liệu lớn.
Ông Samm Sacks, một thành viên chính sách mạng tại tổ chức nghiên cứu chính sách New America, cho biết, “Họ đang chơi cờ bốn chiều ở đây.”
“Dự luật này không chỉ là một chính sách an ninh quốc gia, mà còn là một kế hoạch có chủ ý hơn nhiều khi đặt câu hỏi ‘làm thế nào để chúng ta thực sự khai thác giá trị chảy ra từ dữ liệu từ quan điểm kinh tế?’”
Một kế hoạch phát triển nền kinh tế kỹ thuật số do Quốc vụ Viện công bố hồi tháng 03/2021 đưa ra kế hoạch gồm 5 phần cho “thị trường dữ liệu giai đoạn thử nghiệm” và kêu gọi các cơ quan chức năng “thực hiện và tăng cường giám sát kinh tế” đối với các nền tảng internet.
Cuối tuần lễ kết thúc vào ngày 18/07, tỉnh Quảng Đông cường thịnh đã công bố các kế hoạch khởi động một nền tảng như vậy vào cuối năm 2021 để giao dịch và giám sát việc di chuyển dữ liệu, bao gồm cả một trung tâm hải quan về chuyển giao quốc tế.
Tăng trưởng ‘chóng mặt’
Trên toàn cầu, các chính phủ đang vật lộn về cách quản lý các nền tảng internet và sức mạnh to lớn của chúng, dựa trên bộ sưu tập dữ liệu người dùng phong phú của các nền tảng này.
Về nguyên tắc, ở Trung Quốc, quốc gia kiểm soát chặt chẽ các công ty tư nhân, những nỗ lực như vậy còn thẳng thừng hơn.
Ông Sacks nói, “Chính phủ từ lâu đã muốn giành lại quyền kiểm soát đối với dữ liệu do các nền tảng tư nhân này nắm giữ như một tài sản chiến lược, và sau đó Didi đã cho họ cơ hội hoàn hảo vì công ty này đã chế giễu các bên liên quan quan trọng mà chưa sẵn sàng cho việc IPO.”
Tuy nhiên, ông Sacks cho biết các nỗ lực của Trung Quốc mang theo nhiều rủi ro.
Định nghĩa rộng của luật dữ liệu về những gì có thể được coi là “dữ liệu trọng điểm quốc gia” là mơ hồ, làm tăng thêm sự hoang mang cho các công ty, khách hàng và những nhà đầu tư của họ.
Một chỉ số chứng khoán công nghệ của Trung Quốc đã giảm 40% so với mức cao vào đầu năm nay do một cuộc đàn áp thông qua quy định ngày càng mở rộng, từ các hành vi chống cạnh tranh đến bảo mật dữ liệu.
Ông Sacks nói, “Họ đang làm xói mòn sự tín nhiệm của những khách hàng cảnh giác với việc Bắc Kinh có dữ liệu đó. Cuối cùng điều đó sẽ khiến các công ty này khó khăn hơn để trở thành các công ty toàn cầu và thành công bên ngoài hệ thống khép kín của Trung Quốc.”
Các công ty ngoại quốc thu thập dữ liệu bên trong Trung Quốc được yêu cầu phải trải qua các cuộc đánh giá bảo mật tương tự khi chuyển dữ liệu ra khỏi quốc gia này.
Trong một bài xã luận gần đây trên tờ Global Times của nhà nước, ông Fang Xingdong, một học giả của Đại học Chiết Giang cho biết, “Các công ty Internet Trung Quốc phải bước ra khỏi vùng an toàn của sự tăng trưởng chóng mặt trong quá khứ và thích nghi với môi trường thể chế mới của Trung Quốc.”
Do Cate Cadell thực hiện tại Reuters
Kim Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: