PHÂN TÍCH: Đằng sau cuộc biểu quyết lịch sử nhằm truất phế ông McCarthy khỏi chức Chủ tịch Hạ viện
Dân biểu Đảng Cộng Hòa đến từ California này đã thua với số phiếu sít sao sau khi không thực hiện lời hứa khôi phục ‘Trật tự Thông thường’ trong quy trình chi tiêu liên bang.
Ông Kevin McCarthy đã trở thành chủ tịch Hạ viện đầu tiên bị bãi nhiệm, sau hôm thứ Ba (03/10), tám dân biểu Đảng Cộng Hòa có lập trường bảo tồn truyền thống cứng rắn nhất ngừng đặt hy vọng vào sự lãnh đạo của dân biểu Đảng Cộng Hòa đến từ California này. Họ nói rằng ông đã không thực hiện những lời hứa mà ông đưa ra hồi tháng Một, đặc biệt là đấu tranh cho kế hoạch cắt giảm chi tiêu liên bang trở lại mức trước đại dịch COVID.
Màn thua bất ngờ của dân biểu Đảng Cộng Hòa California này có tỷ số 216 phiếu thuận và 210 phiếu chống.
Trong số các dân biểu Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện bỏ phiếu truất phế ông McCarthy thì ngoài Dân biểu Matt Gaetz (Cộng Hòa-Florida) ra, còn có bảy dân biểu khác là: Andy Biggs (Cộng Hòa-Arizona), Tim Burchett (Cộng Hòa-Tennessee), Ken Buck (Cộng Hòa-Colorado), Matt Rosendale (Cộng Hòa-Mont.), Nancy Mace (Cộng Hòa-South Carolina), Cory Mills (Cộng Hòa-Florida), và Eli Crane (Cộng Hòa-Arizona).
Ngay trước cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, 207 dân biểu Đảng Dân Chủ và 11 dân biểu Đảng Cộng Hòa đã đánh bại một đề nghị do Dân biểu Tom Cole (Cộng Hòa-Oklahoma) đưa ra nhằm bác bỏ kiến nghị của ông Gaetz về việc truất phế chủ tịch Hạ viện. Số phiếu cho kiến nghị này là 208 phiếu thuận và 218 phiếu chống. Sau đó, sau một giờ đồng hồ tranh luận sôi nổi, Hạ viện đã bỏ phiếu với tỷ lệ 216 phiếu thuận và 210 phiếu chống để truất phế ông McCarthy, với tất cả các dân biểu Đảng Dân Chủ bỏ phiếu ủng hộ cuộc nổi dậy do ông Gaetz lãnh đạo.
Theo nhiều dân biểu Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện được The Epoch Times phỏng vấn, hầu hết đều được ẩn danh, thì điểm then chốt để hiểu tại sao các sự kiện ngày hôm đó lại diễn ra như vậy nằm ở một từ, đó là “tín nhiệm.”
Bảy thành viên Đảng Cộng Hòa cùng với ông Gaetz đã bỏ phiếu cho Kiến nghị Truất phế (MTV) của ông, tạo thành nòng cốt của phe đối lập chống lại ông McCarthy, vốn bắt đầu liên kết lại hồi tháng Tư, kéo dài suốt kỳ nghỉ tháng Tám. Tám dân biểu này hiện là tâm điểm của một cuộc khủng hoảng về quyền lãnh đạo đang làm gián đoạn nghiêm trọng tiến trình lập pháp.
Hôm 02/10, ông Gaetz đã đưa ra Kiến nghị Truất phế, vốn đe dọa đến chức vụ của ông McCarthy và buộc ông phải nhờ đến sự ủng hộ — trực tiếp hoặc gián tiếp — từ các thành viên Đảng Dân Chủ hoặc bằng cách nào đó thuyết phục một số đối thủ của mình đảo ngược quan điểm vì muốn né tránh một vụ hỗn loạn rất tai hại về chính trị trong viện lập pháp này.
Thế nhưng, Lãnh đạo Thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries (Dân Chủ-New York) đã thông báo vài giờ trước cuộc biểu quyết hôm 03/10 rằng ông đang yêu cầu Đảng Dân Chủ ủng hộ Kiến nghị Truất phế nhằm bãi nhiệm ông McCarthy. Tuy nhiên, hành động của ông Jeffries không hẳn đã giúp ích cho các đối thủ của ông McCarthy, vì ngay sau thông báo của lãnh đạo thiểu số này, Dân biểu Ralph Norman (Cộng Hòa-South Carolina), một người chỉ trích mạnh mẽ chủ tịch Hạ viện, đã nói với The Epoch Times rằng “điểm mấu chốt là, chúng tôi KHÔNG THỂ ĐỂ ÔNG JEFFRIES kiểm soát ai là chủ tịch của chúng tôi!! [Tôi] sẽ bỏ phiếu chống lại Kiến nghị Truất phế.”
Một trong những đối thủ của McCarthy nói với The Epoch Times trước cuộc bỏ phiếu, “Lý do khiến chúng tôi đi đến bước này là do sự thất bại của ông Kevin McCarthy. Tất cả những gì ông ta phải làm để cản lại hành động này của chúng tôi là giữ lời hứa, làm theo cam kết và ít ra là phải chiến đấu vì điều đó, nhưng ông ấy đã không làm như vậy vào tháng Tám.”
Dân biểu này nói, “Ông ấy chần chừ, do dự, bắt đầu rồi lại thôi, và không thể quyết định. Ông ấy là một nhà lãnh đạo mềm yếu, không đưa ra tầm nhìn để thúc đẩy chúng tôi hành động, để thông qua các dự luật chi tiêu đó. Đó là điều ông lẽ ra phải làm, đó là điều ông ấy hứa nhưng lại không làm.”
Dân biểu này đang đề cập đến những lời hứa của ông McCarthy khi ông được bầu làm chủ tịch Hạ viện hồi tháng Một là cắt giảm chi tiêu liên bang về mức trước dịch COVID, để bằng mọi giá tránh phải sử dụng đến các nghị quyết tiếp tục (CR) hoặc các dự luật chi tiêu tổng hợp, mà thay vào đó, đưa Hạ viện trở lại “trật tự thông thường.”
Trật tự thông thường của lưỡng viện trong Quốc hội là soạn thảo hàng chục dự luật chi tiêu lớn tại các ủy ban trong mùa xuân, sau đó tranh luận, sửa đổi, và cuối cùng thông qua những dự luật này vào mùa hè và đầu mùa thu trước ngày 30/09, tức là ngày cuối cùng của năm tài khóa liên bang.
Nhưng theo những người phản đối, ông McCarthy đã bỏ qua những lời hứa đó khi thương lượng với Tổng thống Joe Biden hồi tháng Tư qua việc ông đồng ý với một gói tăng trần nợ vốn mặc định rằng chi tiêu liên bang sẽ tiếp tục nằm ở hoặc rất gần các mức vô cùng cao vốn bắt đầu vào năm 2020 khi Tổng thống Donald Trump đang ứng phó với đại dịch.
Sau tháng Tư, Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã tiến hành chậm chạp trong việc giải quyết 12 dự luật phân bổ ngân sách lớn, và khi kỳ nghỉ theo truyền thống vào tháng Tám đến gần, ông McCarthy đã bị nhiều đồng nghiệp có khuynh hướng bảo tồn truyền thống mạnh mẽ nhất của mình gây áp lực buộc phải tiếp tục hoạt động nhóm họp của Hạ viện để giải quyết các dự luật chi tiêu thay vì cho phép các dân biểu trở về khu vực bầu cử địa phương của họ. Nhưng ông McCarthy đã từ chối hủy bỏ kỳ nghỉ này.
Khi tuần cuối cùng trước thời hạn ngày 30/09 đến, kéo theo đó là viễn cảnh chính phủ liên bang phải đóng cửa vì thiếu ngân sách cho năm 2024. Ông McCarthy đã chọn tìm kiếm một nghị quyết chi tiêu tạm thời để cho Hạ viện có đủ thời gian hoàn thành việc thông qua các dự luật chi tiêu. Bốn trong số mười hai dự luật đã được thông qua, chiếm 74% tổng chi tiêu tùy ý của liên bang.
Hôm 29/09, chủ tịch Hạ viện đã đưa ra một nghị quyết chi tiêu tạm thời kéo dài 30 ngày, theo đó sẽ cắt giảm 8% chi tiêu tùy ý của liên bang và yêu cầu chính phủ Tổng thống Biden thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn để bảo đảm an toàn cho khu vực biên giới phía nam Hoa Kỳ giáp với Mexico. Nhưng ông Gaetz và 20 dân biểu Đảng Cộng Hòa khác đã bỏ phiếu chống, khai tử nghị quyết đó.
Hôm 30/09, chủ tịch Hạ viện đã đưa ra một nghị quyết chi tiêu tạm thời kéo dài 45 ngày để giữ mức chi tiêu hiện tại và nghị quyết này đã được thông qua nhờ sự ủng hộ của một số thành viên Đảng Dân Chủ và 91 thành viên Đảng Cộng Hòa. 91 thành viên Đảng Cộng Hòa đã phản đối nghị quyết 45 ngày này.
“Đó chính là giọt nước tràn ly,” một dân biểu khác nói với The Epoch Times, bởi vì toàn bộ việc này đều khiến những lời hứa hồi tháng Một của ông McCarthy trở nên vô nghĩa, và đẩy Hạ viện vào con đường bị Đảng Dân Chủ tại Thượng viện và tổng thống ép phải đồng ý né tránh giải quyết vấn đề này một lần nữa.
Lần cuối cùng Quốc hội thông qua tất cả 12 dự luật chi tiêu lớn theo trình tự thông thường là vào năm 1997.
Hạ viện bây giờ phải tìm ra ai đó có thể làm chủ được phiếu bầu của 218 dân biểu. Trong số các ứng cử viên được nhắc đến trong những ngày gần đây — tất cả đều công khai từ chối bất kỳ sự sẵn lòng nào trong việc đứng lên chống lại ông McCarthy — bao gồm Lãnh đạo Đa số Hạ viện Steve Scalise (Cộng Hòa-Louisiana), Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jim Jordan (Cộng Hòa-Ohio), Chủ tịch Thiểu số Hạ viện Tom Emmer (Cộng Hòa-Minnesota), Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa Dân biểu Mark Green (Cộng Hòa-Tennessee), và Dân biểu Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana).
Ông McCarthy đã cần đến 15 vòng biểu quyết kỷ lục để được bầu làm chủ tịch Hạ viện. Người kế nhiệm ông sẽ được lựa chọn tại một Hội nghị Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện vốn đang bất đồng quan điểm và phân cực hơn nhiều so với hồi tháng Một.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times