Phân tích: các mục tiêu kiêu ngạo của ông Biden về khí hậu xung đột với hiện thực kinh tế, chính trị
Tổng thống (TT) Joe Biden đã vận động tranh cử với lời hứa khôi phục vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu, đồng thời đưa ra một số lượng chóng mặt các lệnh hành pháp và các mục tiêu kiêu ngạo nhằm cắt giảm lượng khí thải.
Nhưng 9 tháng sau nhiệm kỳ tổng thống của ông, những trở ngại về chính trị, luật pháp, và kinh tế đã buộc Chính phủ của ông phải thực hiện một số động thái hỗ trợ phát triển nhiên liệu hóa thạch ở trong và ngoại quốc, đồng thời đặt ra những câu hỏi về việc liệu Đảng Dân Chủ có thể đáp ứng các cam kết của mình đối với năng lượng sạch hay không.
Những thất bại bao gồm một thẩm phán đảo ngược nỗ lực của chính phủ nhằm ngăn chặn hoạt động cho thuê dầu và khí đốt mới trên các vùng đất của liên bang, buộc chính phủ phải cung cấp hàng triệu mẫu đất mới để khoan dầu, và giá khí đốt tăng cao khiến Tòa Bạch Ốc phải công khai yêu cầu liên minh dầu khí toàn cầu, OPEC thúc đẩy sản xuất.
Quan trọng nhất, sự phản đối chính trị nặng nề đã buộc chính phủ phải đưa các đề nghị khí hậu trọng tâm giúp đưa cam kết giảm một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào tháng Tư vào một dự luật quy trình điều chỉnh ngân sách có tương lai không chắc chắn trong Quốc hội Mỹ vốn chia [theo tỷ lệ] sít sao [giữa 2 đảng].
Các thành viên Đảng Dân Chủ, những người hy vọng sẽ thông qua dự luật vào cuối tháng Chín, đã nói đến việc cắt giảm các khoản đầu tư và các mục tiêu.
Rủi ro đã không thể cao hơn. Nếu Hoa Thịnh Đốn không thực hiện [chống biến đổi khí hậu] trước hội nghị thượng đỉnh về khí hậu vào tháng 11 ở Glasgow, Scotland, các cường quốc toàn cầu khác, bao gồm cả nước thải khí nhà kính hàng đầu thế giới, Trung Quốc, sẽ miễn cưỡng trong cam kết cắt giảm lượng khí thải của chính họ.
Ông Bill Hare, giám đốc điều hành của tổ chức bất vụ lợi Climate Analytics cho biết: “Nếu điều đó (luật liên quan đến khí hậu) bị thất bại trước Glasgow, thì đó sẽ là một mớ hỗn độn lớn cho ông Biden và Chính phủ của ông ấy.”
Một quan chức chính phủ của ông Biden cho biết thực tế pháp lý và kinh tế đã thúc đẩy một số động thái quản lý nhất định và tán dương những tiến triển của ông Biden cho đến nay.
Vị quan chức yêu cầu không nêu tên để có thể tự do chia sẻ, cho biết rằng, “Chúng ta có thể làm hai việc cùng một lúc: Đạt được các mục tiêu về khí hậu trong khi đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng có tính đến lợi ích của tầng lớp trung lưu, những người trực tiếp trải qua những thay đổi về giá năng lượng và đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu khi nền kinh tế phục hồi từ đại dịch.”
Nhiệm vụ của TT Biden là đặc biệt thách thức ở Hoa Kỳ, nơi một số cử tri và thậm chí một số lãnh đạo cấp cao trong Đảng Cộng Hòa đối lập nghi ngờ về [nguyên nhân] của biến đổi khí hậu là do hoạt động của con người.
Ông Sam Ricketts, đồng sáng lập của Evergreen Action, một nhóm nhằm thúc đẩy chính sách khí hậu ở cấp liên bang, cho biết: Quốc hội “là nơi diễn ra các hoạt động chính. Và đó là nơi cần định đoạt số phận của di sản khí hậu của chính phủ của ông Biden.”
Khó từ bỏ
TT Biden đã đưa Hoa Kỳ trở lại thỏa thuận quốc tế Paris về chống biến đổi khí hậu, hủy bỏ dự án đường ống dẫn dầu thô Keystone XL từ Canada, tạm dừng cho thuê dầu khí mới trên các vùng đất liên bang, và đình chỉ quyền khoan tại Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Quốc gia Bắc Cực nguyên sơ.
Chính phủ của ông Biden cũng đặt mục tiêu khử cacbon trong lĩnh vực điện vào năm 2035 – một dấu mốc quan trọng trên con đường của Hoa Kỳ đạt được mục tiêu thỏa thuận Paris về phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Ngoài ra, theo Reuters đưa tin vào đầu tuần này, Hoa Kỳ và Âu Châu đã đồng ý tự nguyện cắt giảm lớn lượng khí thải metan trong thập kỷ này.
Tuy nhiên, đồng thời, chính phủ Hoa Kỳ đã ủng hộ các dự án cơ sở hạ tầng dầu khí ít được biết đến hơn như đường ống Enbridge’s Line 3 từ Canada và đẩy nhanh quá trình cấp giấy phép khoan dầu khí. Dữ liệu của chính phủ cho thấy chính phủ đã phê duyệt hơn 2,600 giấy phép khoan cho các hợp đồng thuê trên đất liền, một tốc độ nhanh hơn so với thời chính phủ của ông Trump.
Vào tháng Tám, Tòa Bạch Ốc cũng thúc giục Tổ chức Các nước Xuất cảng Dầu mỏ nâng sản lượng để giúp nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau tác động của cuộc khủng hoảng coronavirus và giữ cho giá bán lẻ bơm xăng ở mức kiểm soát đối với những người lái xe ở Hoa Kỳ.
Sau khi một thẩm phán liên bang ở Louisiana vào tháng 6 ngăn chặn nỗ lực của ông Biden ký tạm dừng việc cho thuê mới, Bộ Nội vụ có kế hoạch mở hàng triệu mẫu để thăm dò dầu khí, bao gồm khoảng 80 triệu mẫu ở Vịnh Mexico sẽ được bán đấu giá vào cuối năm nay.
Ông Taylor McKinnon, một nhà vận động cấp cao của Trung tâm Đa dạng Sinh học, một nhóm môi trường phản đối phát triển dầu khí, cho biết: “Những gì bắt đầu như một tập hợp các lời hứa chiến dịch đầy tham vọng đang nhanh chóng biến thành một môi trường đáng thất vọng về phát triển nhiên liệu hóa thạch.”
Tất cả các con mắt đổ dồn vào Quốc hội
Ông Hare của Climate Analytics cho biết hiện giờ phụ thuộc nhiều vào luật được đưa ra thông qua Quốc hội, trong đó bao gồm các điều khoản nhằm giảm lượng khí thải carbon từ các ngành năng lượng và giao thông, các khoản tín thuế cho các công nghệ năng lượng sạch, phí giải phóng khí metan từ dầu và khí đốt, đầu tư nhiều hơn vào triển khai xe điện, và một quỹ để hỗ trợ các khoản đầu tư về khí hậu cho các cộng đồng có thu nhập thấp.
Nhiều đề nghị ban đầu nằm trong một gói cơ sở hạ tầng nhỏ hơn nhưng sau đó đã bị suy yếu hoặc bị đưa vào dự luật ngân sách trị giá 3.5 ngàn tỷ USD vốn chỉ yêu cầu tỷ lệ đa số đơn giản [bỏ phiếu thuận] tại Thượng viện gồm 100 thành viên thay vì 60 phiếu như thường lệ theo quy định của Thượng viện.
Thậm chí điều đó sẽ đòi hỏi sự ủng hộ của mọi thượng nghị sĩ Đảng Dân Chủ, một yêu cầu lớn khi cả TNS. Joe Manchin, một người ôn hòa từ West Virginia sản xuất than, và TNS. Kyrsten Sinema của Arizona đều cho biết họ sẽ không bỏ phiếu cho một dự luật có quy mô [chi tiêu] như vậy.
Cả văn phòng của TNS. Manchin và TNS. Sinema đều không phúc đáp yêu cầu bình luận.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Glasgow, giới quan sát quốc tế không mấy lạc quan về triển vọng.
Ông Li Shuo, một quan chức cấp cao về chính sách khí hậu tại tổ chức môi trường Greenpeace Đông Á, người thường xuyên liên hệ với các quan chức ở Trung Quốc, cho biết: “Không quá khó để Trung Quốc hoài nghi về hành động khí hậu của Hoa Kỳ.”
Theo ông Pete Betts, cựu đàm phán viên khí hậu của Liên minh Âu Châu và Vương quốc Anh, hiện đang làm việc tại tổ chức tư vấn Chatham House, thì ngay cả các đối tác của Hoa Kỳ cũng đang lo lắng.
Ông nói: “Cộng đồng khí hậu quốc tế đã phải trở thành chuyên gia trong nhiều năm về chính trị trong nước và các quy trình lập pháp của Hoa Kỳ, và các đồng minh và đối thủ của những nước giống như Hoa Kỳ hiểu rõ những thách thức của việc thực hiện này.”
Do Valerie Volcovici và Nichola Groom thực hiện
Thực hiện tại Reuters
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: