PHÂN TÍCH: Bang giao Papua New Guinea-Trung Quốc chặt chẽ hơn có ý nghĩa gì đối với Úc?
Năm nay đã chứng kiến bạo loạn, cướp bóc, và bất ổn trong chính phủ ở Papua New Guinea. Bắc Kinh có thể đang lợi dụng hoàn cảnh này để tăng cường ảnh hưởng.
Tháng 01/2024 là một tháng kinh khủng đối với Papua New Guinea (PNG), với các cuộc bạo loạn đầy thương vong đe dọa quyền lực mong manh của Thủ tướng James Marape.
Hôm 10/01, bạo loạn nổ ra ở Port Moresby khi 200 cảnh sát, quân đội, và nhân viên cải huấn tiếp tục đình công để biểu tình phản đối những trục trặc về lương bổng khiến lương công chức bị giảm đáng kể lên tới 50%.
Cuộc biểu tình này đã tạo ra khoảng trống an ninh, và chứng kiến hàng trăm cư dân lợi dụng cảnh sát đang đình công, dẫn đến bạo loạn trên đường phố và cướp bóc.
Người ta ước tính sự hỗn loạn này đã khiến 22 người thiệt mạng trên khắp nước này, và hậu quả là ông Marape đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 14 ngày ở thủ đô. Các vấn đề xã hội tiềm ẩn như tỷ lệ thất nghiệp cao và nghèo đói lan rộng đã góp phần thúc đẩy những cuộc bạo loạn này.
Bắc Kinh đề xướng hiệp ước an ninh
Giữa các cuộc hỗn loạn trong tháng này, cũng có những tiết lộ rằng Bắc Kinh đã đề nghị với PNG để phát triển một hiệp ước an ninh với nước này, mặc dù PNG đã có các hiệp ước an ninh với Úc và Hoa Kỳ rồi.
Hôm 29/01, Ngoại trưởng Justin Tkachenko nói với Reuters rằng Bắc Kinh đã đề nghị với PNG một thỏa thuận về an ninh và trị an từ hồi tháng 09/2023.
Thỏa thuận này cho thấy Bắc Kinh đề nghị trợ giúp lực lượng cảnh sát của PNG đào tạo, trang bị, và giám sát, tương tự như thỏa thuận mà họ đưa ra cho Quần đảo Solomon sau những cuộc bạo loạn ở quốc gia đó hồi năm 2022.
Thủ tướng Marape nắm quyền dưới áp lực
Ông Marape hiện đang gặp phải một số thách thức. Thứ nhất, việc 12 nghị sĩ từ chính phủ của ông bỏ sang phe đối lập đã làm suy yếu vị thế của ông, dẫn đến một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm như được kỳ vọng về sự lãnh đạo của ông dự định sẽ diễn ra vào ngày 13/02/2024.
Những cuộc rời bỏ đảng này và cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm dự kiến là do những lo ngại về việc phân bổ nguồn lực, bị cáo buộc liên quan đến các khoản thanh toán gây tranh cãi, và sự không hài lòng chung về thành tích của ông.
Trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, bất kỳ thành viên nào của Quốc hội đều có thể kêu gọi bỏ phiếu để loại bỏ nhà lãnh đạo hiện tại, có thể dẫn đến sự thay đổi thủ tướng.
Ông Marape được coi là một đồng minh cứng rắn của Úc, bằng chứng là bài diễn văn lịch sử của ông trước Quốc hội Úc hôm 08/02, trong đó ông mô tả mối quan hệ giữa hai nước, “Một người mãi mãi gắn bó với gia đình … hai đất nước chúng ta gắn bó với nhau. Chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc hòa hợp.”
Nhưng với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm sắp diễn ra, ông Marape có thể sớm không còn giữ chức thủ tướng, hoặc ngay cả khi ông vẫn giữ chức vụ này, thì nền tảng quyền lực của ông sẽ bị suy yếu và sẽ mở ra cho ông những thách thức trong tương lai.
Trong bối cảnh bất ổn chính trị này, một ứng cử viên thủ tướng thân Bắc Kinh có thể xuất hiện và có thể làm suy yếu mối quan hệ bền chặt giữa Úc và PNG.
Úc có nên lo lắng?
Có và không.
PNG cách biên giới cực bắc của Úc, Đảo Saibai ở Queensland, chỉ bốn km.
Nếu PNG rơi vào tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh, thì đó có thể là một tình huống Quần đảo Solomon khác, có thể mở đường cho một sự hiện diện quân sự cộng sản khác ngay trước cửa nước Úc.
Thỏa thuận với Quần đảo Solomon cho phép Bắc Kinh đồn trú quân đội, tàu hải quân, và vũ khí trên quốc đảo này — khiến nhiều người so sánh với tình hình xung quanh Biển Đông.
Phương châm chính thức từ Ngoại trưởng của chính phủ PNG cho đến nay là: “Chúng tôi chỉ giao dịch với Trung Quốc tại giai đoạn này ở cấp độ kinh tế và thương mại. Họ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của chúng tôi, nhưng họ đã đề nghị trợ giúp lực lượng cảnh sát và an ninh của chúng tôi về mặt an ninh nội bộ.”
PNG cũng đang cân nhắc liệu lời đề nghị của Bắc Kinh có giống với sự trợ giúp về an ninh và chính sách mà Úc và Hoa Kỳ đã đang đưa ra rồi hay không.
Cũng cần lưu ý rằng chính phủ PNG gần đây đã ký một hiệp ước an ninh với Úc hồi tháng 12/2023 và duy trì một Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng với Hoa Kỳ được ký hồi tháng 05/2023.
Tuy nhiên, bất kỳ hiệp ước an ninh nào giữa PNG và Bắc Kinh đều có thể ảnh hưởng đến các hiệp ước an ninh hiện có này.
Hoa Kỳ đã kêu gọi PNG từ chối thỏa thuận an ninh của ĐCSTQ, nhấn mạnh rằng thỏa thuận này có thể đi kèm với những hậu quả và mất mát.
Về lý thuyết, các hiệp ước an ninh mà PNG hiện có với Úc và Hoa Kỳ có vẻ thiết thực.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times