Phần Lan tuyên bố sẽ đăng ký gia nhập NATO, tiếp theo có thể là Thụy Điển
Chính phủ Phần Lan đã thông báo rằng họ đang có kế hoạch đăng ký gia nhập NATO theo một biến chuyển có khả năng khiến Moscow khó chịu trong bối cảnh xung đột kéo dài nhiều tháng tại Ukraine.
Trước khi có thông báo theo kế hoạch, các quan chức Nga đã đưa ra những lời đe dọa chống lại quốc gia Scandinavia có chung đường biên giới dài với Nga và từ lâu đã giữ quan điểm trung lập này. Trong Chiến Tranh Lạnh, cả Phần Lan và nước láng giềng Thụy Điển đều đứng ngoài NATO, nhưng các chính phủ của cả hai quốc gia cho biết họ đã xem xét lại lập trường của mình về liên minh quân sự này trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine.
Trong cuộc họp báo hôm 15/05 tại Helsinki, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng Nghị viện sẽ xác nhận quyết định đăng ký gia nhập NATO trong những ngày tới. Điều này sẽ dựa trên sự ủy quyền mạnh mẽ dành cho Tổng thống Cộng hòa Phần Lan. Chúng tôi đã liên hệ chặt chẽ với chính phủ các quốc gia thành viên NATO và chính NATO.”
Mặc dù Phần Lan là một đối tác thân thiết với NATO, thông báo ngày 15/05 “là một quyết định lịch sử rằng chúng tôi sẽ gia nhập NATO và hy vọng chúng ta sẽ cùng nhau đưa ra quyết định,” bà Marin nói.
Vài giờ sau, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson tuyên bố đảng của bà ủng hộ quốc gia đăng ký gia nhập NATO.
“Chúng tôi, Đảng Dân Chủ Xã Hội, cho rằng điều tốt nhất cho Thụy Điển và an ninh của người dân Thụy Điển là việc chúng ta gia nhập NATO. Đây là một quyết định mà chúng tôi đã đưa ra sau khi cân nhắc rất kỹ lưỡng,” bà nói tại một cuộc họp báo hôm 15/05. “Đối với chúng tôi, Đảng Dân Chủ Xã Hội, chính sách không liên minh quân sự đã có hiệu quả tốt cho chúng ta. Nhưng phân tích của chúng tôi cho thấy rằng chính sách này sẽ không có hiệu quả tốt cho chúng ta trong tương lai. Đây không phải là một quyết định mà chúng tôi đã xem nhẹ.”
Tuy nhiên, Phần Lan dường như đang gặp một số trở ngại trong việc gia nhập liên minh 28 thành viên này. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết quốc gia của ông có thể phản đối nỗ lực của Phần Lan và Thụy Điển, nói rằng cả hai quốc gia này đều là “nơi lưu trú cho các tổ chức khủng bố” có liên quan rõ ràng đến Đảng Lao Động Kurdistan theo chủ nghĩa Marx (PKK) và Mặt trận Giải phóng Nhân dân Cách mạng, các tổ chức vốn đã tham gia vào các chiến dịch khủng bố chống lại Thổ Nhĩ Kỳ từ những năm 1980.
“Ở đây nhất thiết cần phải có các bảo đảm an ninh. Họ cần phải ngừng hỗ trợ các tổ chức khủng bố,” Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói với các phóng viên Thổ Nhĩ Kỳ tại Berlin.
Ông lưu ý rằng lệnh cấm xuất cảng sang Thổ Nhĩ Kỳ của Thụy Điển và Phần Lan đối với một số hàng hóa thuộc lĩnh vực quốc phòng của họ phải chấm dứt.
“Lập trường của chúng tôi hoàn toàn cởi mở và rõ ràng. Đây không phải là một lời đe dọa, đây không phải là một cuộc đàm phán trong đó chúng tôi đang cố gắng tận dụng vị thế có lợi cho mình,” ông Cavusoglu nói. “Đây cũng không phải là chủ nghĩa dân túy. Rõ ràng, đây là nói về sự hỗ trợ của hai quốc gia thành viên tiềm năng đối với chủ nghĩa khủng bố và những quan sát xác đáng của chúng tôi, đây là những gì chúng tôi đã chia sẻ.”
Hôm 12/05, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng đây “chắc chắn” là một mối đe dọa đối với chủ quyền của Nga nếu Phần Lan gia nhập NATO.
Reuter dẫn lời của ông Peskov: “Như chúng tôi đã nói nhiều lần trước đây, việc mở rộng NATO không làm cho thế giới ổn định và an toàn hơn. Phần Lan đã tham gia các biện pháp không thân thiện của Liên minh Âu Châu đối với quốc gia của chúng tôi. Điều này không thể không khơi dậy sự hối tiếc của chúng tôi, và là một lý do cho những phản ứng đối xứng tương ứng từ phía chúng tôi.”
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cho biết ông tin rằng NATO đang cố gắng mở rộng biên giới để gây thêm áp lực lên Nga. Trước cuộc xâm lược Ukraine từ hôm 24/02, ông đã đề cập đến những niềm tin lâu đời đó và nói rằng Ukraine không bao giờ có thể tham gia liên minh quân sự này.
Kể từ khi thông báo của bà Marin được công bố hôm 15/05, các quan chức Nga chưa đưa ra bất kỳ bình luận công khai nào.
Hôm 12/05, ông Vladimir Chizhov, đại sứ Nga tại EU, nói với Sky News rằng nếu Phần Lan gia nhập NATO, “điều này sẽ đòi hỏi một số biện pháp quân sự-kỹ thuật như cải thiện hoặc nâng cao mức độ chuẩn bị quốc phòng dọc theo biên giới Phần Lan.” Ông không cho biết thêm chi tiết.
Ông Jack Phillips là một phóng viên thời sự của The Epoch Times tại New York.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: