Phân bổ và đa dạng hóa tài sản liệu có còn hiệu quả không?
Quý độc giả thân mến: Từ đầu tháng 3, đại dịch COVID-19 đã làm đảo chiều thị trường theo chiều giá lên (bull market), một xu hướng thị trường đã kéo dài 11 năm qua. Kể từ đó, thị trường đã hồi phục đáng kể nhưng lại đi kèm với một biên độ biến động rất cực đoan, khiến các nhà đầu tư cá nhân lo lắng và bối rối.
Mặc dù mọi nhà đầu tư đều biết rủi ro luôn song hành, nhưng những biến động bất ổn gần đây đã đủ khiến những nhà đầu tư cứng cỏi nhất cảm thấy thiếu tự tin.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi tôi nhận được rất nhiều câu hỏi về cách bảo vệ danh mục đầu tư. Mọi người muốn biết các chuẩn mực đầu tư đã thay đổi hay chưa? Tin tốt là mặc dù một số điểm mang tính thực thi đã được tinh chỉnh nhất định, nhưng các nguyên tắc cơ bản về phân bổ và đa dạng hóa tài sản vẫn là cách tốt nhất để kiểm soát rủi ro.
Phân bổ và đa dạng hóa tài sản vẫn là chiến lược đầu tư tốt nhất
Phân bổ và đa dạng hóa tài sản dường như khá giống nhau và rất nhiều người nhầm lẫn giữa hai khái niệm này, nhưng thực sự chúng khá khác nhau. Chìa khóa để xây dựng được một danh mục đầu tư hợp lý là hiểu được sự khác biệt đó và cách chúng phối hợp cùng nhau.
Phân bổ tài sản là cách quý vị phân chia tiền của mình vào các mảng đầu tư chính như cổ phiếu, trái phiếu, tiền mặt và các loại tài sản đầu tư khác, một số trong số đó có mức rủi ro cao hơn các loại khác. Do đó, việc phân chia vào các loại tài sản khác nhau phải dựa trên mức độ rủi ro mà quý vị có thể chấp nhận và thời gian mà quý vị sẽ có nhu cầu tiền mặt trong tương lai.
Trong khi cổ phiếu có tiềm năng sinh lời cao nhất, chúng cũng mang rủi ro ngắn hạn cao nhất. Ngược lại, tiền mặt có tiềm năng sinh lời thấp nhất nhưng ít rủi ro ngắn hạn nhất. Trái phiếu thì nằm đâu đó ở khoảng giữa. Bất kỳ khoản tiền nào quý vị cần trong vòng từ 3 năm đến 5 năm tới nên được giữ trong các khoản đầu tư có mức rủi ro thấp hơn.
Phân bổ tài sản lần đầu tiên được giới thiệu như một cách để quản lý rủi ro vào những năm 1950. Nghiên cứu chỉ ra rằng mức độ rủi ro và lợi nhuận kỳ vọng của một danh mục đầu tư là kết quả của việc từng khoản đầu tư trong danh mục hoạt động một cách riêng lẻ, cũng như cách chúng phản ứng tương quan với nhau. Bằng cách chọn một loạt các khoản đầu tư có phản ứng khác nhau với cùng điều kiện thị trường, hoặc những khoản đầu tư có mức tương quan thấp với nhau, nhà đầu tư có thể giảm thiểu mức rủi ro tổng thể của cả danh mục.
Đa dạng hóa đưa khái niệm này tiến thêm một bước bằng cách phân bổ tiền của quý vị giữa các khoản đầu tư khác nhau trong từng loại tài sản. Ví dụ, thay vì một cổ phiếu hoặc trái phiếu, lý tưởng là quý vị sẽ có nhiều cổ phiếu hoặc nhiều trái phiếu. Chia nhỏ hơn nữa, quý vị nên có các loại cổ phiếu khác nhau, chẳng hạn như cổ phiếu vốn hóa lớn, vốn hóa nhỏ hay cổ phiếu quốc tế.
Và trong từng phân khoản đầu tư đó, quý vị có thể đa dạng hóa hơn nữa bằng cách đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau (ví dụ như công nghệ, chăm sóc sức khỏe, viễn thông) và các ngành khác nhau trong những lĩnh vực đó. Trong trường hợp trái phiếu, quý vị có thể đa dạng hóa trong trái phiếu chính phủ, trái phiếu các cơ quan chính phủ, trái phiếu công ty, trái phiếu quốc tế và trái phiếu có lợi suất cao (trái phiếu “rác”, junk bond) với các kỳ hạn khác nhau.
Mục tiêu cuối cùng của quý vị là tìm kiếm các khoản đầu tư không có biến động đồng điệu với nhau. Bằng cách đó, khi một khoản đầu tư rơi vào giai đoạn bất lợi, một khoản đầu tư khác được kỳ vọng sẽ bù đắp lại.
Quý vị có thể cho rằng phân bổ tài sản là tạo nền móng cho danh mục đầu tư của quý vị, còn đa dạng hóa chính là việc xây dựng các tầng và phòng trên nền móng đó. Khi cả hai phối hợp cùng nhau, quý vị sẽ có cơ hội lớn hơn để các khoản đầu tư của mình đạt hiệu quả khác nhau trong các điều kiện thị trường khác nhau. Một khoản đầu tư có thể đi lên khi khoản đầu tư kia đi xuống, và do đó, giúp cân bằng rủi ro của quý vị.
Thích ứng với điều kiện thị trường thực tế đang thay đổi
Vậy nếu có yếu tố nào đó thay đổi, thì cuối cùng chuyện gì sẽ xảy ra? Điều này được thể hiện rõ nét lần đầu tiên trong cuộc Đại suy thoái năm 2008, toàn cầu hóa đã khiến cho các thị trường dễ bị ảnh hưởng hơn bởi các xáo trộn bên ngoài, gây ra những biến động lớn hơn và tạo mối tương quan chặt chẽ hơn giữa các loại tài sản. Điều này khiến các nhà đầu tư bất ngờ, vì họ kỳ vọng rằng các loại tài sản khác nhau mà họ nắm giữ sẽ có biến động trái chiều nhau. Tuy nhiên, thay vào đó, họ lại thấy rằng khi một loại tài sản biến động theo chiều này, thì những loại tài sản khác cũng biến động theo chiều đó – hoặc nếu có biến động theo chiều ngược lại thì cũng chỉ ở một biên độ nhỏ hơn nhiều so với kỳ vọng.
Tuy vậy, điều này không có nghĩa là đa dạng hóa và phân bổ tài sản không còn hiệu quả; chúng chỉ không giúp đạt đến mức độ phòng vệ mà một nhà đầu tư mong chờ mà thôi. Điều duy nhất mà trải nghiệm này cho chúng ta thấy, đó là chúng ta cần phân bổ và đa dạng hóa tài sản hơn bao giờ hết. Sự biến động của thị trường chỉ củng cố cho tầm quan trọng của chúng.
Sự xuất hiện mới đây của các loại tài sản “phi truyền thống” với chi phí thấp có thể giúp ích. Các khoản đầu tư như bất động sản (quỹ ủy thác đầu tư bất động sản, hoặc REIT), hàng hóa (năng lượng, nông sản, kim loại quý), Chứng khoán Kho bạc được Bảo hiểm Lạm phát (TIPS) và trái phiếu quốc tế thường có mối tương quan thấp với các loại tài sản truyền thống, tức là có biến động khác nhau trên các thị trường khác nhau, vì vậy việc thêm một lượng nhỏ vào danh mục đầu tư có thể giúp tăng tính đa dạng hóa, cũng như có khả năng làm giảm mức rủi ro đầu tư cho suốt vòng đời của danh mục. Số tiền chính xác mà quý vị sử dụng tùy thuộc vào tình hình và sở thích đầu tư của quý vị.
Đa dạng hóa không phải lúc nào cũng có thể bảo vệ quý vị trước sự sụt giảm thị trường trong ngắn hạn, nhưng nhìn trong quá khứ, nó là một biện pháp phòng vệ tuyệt vời giúp chống lại tình trạng hiệu quả đầu tư thấp trong các giai đoạn dài hạn, điều thường mang tính hủy hoại đối với cả danh mục đầu tư. Đa dạng hóa vẫn là một chiến lược tuyệt vời.
Làm thế nào để kiểm soát được mọi thứ
Quý vị chưa thể dừng lại ở đó được. Một khi quý vị đã xây dựng được danh mục đầu tư đa dạng của mình, quý vị cũng rất cần phải chú ý đến nó.
Nói chung, sẽ thật khôn ngoan khi rà soát danh mục đầu tư của quý vị và cân bằng lại danh mục ít nhất là hàng năm để duy trì mục tiêu đa dạng đầu tư dựa trên mức độ chấp nhận rủi ro và thời gian đầu tư của quý vị. Nhưng trong thời kỳ biến động mạnh, quý vị có thể sẽ cần phải thực hiện điều này thường xuyên hơn, có lẽ là hàng quý. Ngoài ra, quý vị có thể cân bằng lại danh mục ngay khi các khoản đầu tư của quý vị vượt ngoài 5% so với mục tiêu phân bổ của quý vị.
Và mặc dù chưa bao giờ là một ý tưởng hay khi cố gắng chọn đúng thời điểm của thị trường, nhưng việc một số nhà đầu tư thực hiện những thay đổi nhỏ trong danh mục đầu tư nhằm tận dụng các cơ hội thị trường hoặc giảm thiểu thua lỗ vẫn có thể là điều hợp lý. Điều này không có nghĩa là quý vị sẽ vào và ra khỏi thị trường hoàn toàn mà là tái cân bằng và thực hiện những thay đổi nhỏ để đáp ứng với các điều kiện thị trường thay đổi.
Đúng là có rất nhiều điều phải suy nghĩ, nhưng điểm mấu chốt là phân bổ và đa dạng hóa tài sản vẫn là những công cụ thiết yếu để bảo vệ danh mục đầu tư của quý vị. Quý vị càng đa dạng hóa trên diện rộng, thì có lẽ cùng với việc bổ sung các loại tài sản đầu tư mới, quý vị càng có thể giảm thiểu rủi ro. Nếu quý vị cần thêm trợ giúp, hãy nói chuyện với cố vấn tài chính và thảo luận về những thay đổi trước khi quý vị thực hiện bất kỳ động thái nào.
Về tác giả: Carrie Schwab-Pomerantz, chuyên gia hoạch định tài chính, là chủ tịch của Charles Schwab Foundation và là tác giả quyển sách “The Charles Schwab Guide to Finances After Fifty.”
Tác giả: carrie schwwab-pomerantz