Phần 3: Trung Cộng từ lâu đã tuyên chiến với Hoa Kỳ
Phần 3 của loạt ba bài viết: Cuộc chiến của Trung Cộng đối với Mỹ
Thật đáng kinh ngạc khi nhiều người Mỹ và người dân nước khác vẫn tin vào lời tuyên truyền của ông Tập Cận Bình về “tương lai chung”, “nền dân chủ toàn diện”, và “lòng bao dung của Trung Quốc”.
Cho đến nay – nhờ sự phối hợp tuyên truyền không ngừng nghỉ của các nhà ngoại giao và các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc – Trung Cộng đã hoàn toàn không mất đi quyền kiểm soát đối với cách kể câu chuyện về COVID-19, bao gồm cả thành công trong việc tách biệt loại virus này ra khỏi nguồn gốc xuất xứ của nó là do con người tạo ra ở tỉnh Hồ Bắc.
Những người phương Tây cùng phe và những người khác vẫn ủng hộ giả thuyết virus lây truyền từ dơi (không phải tê tê) sang người một cách “tự nhiên”, nhưng gần đây bằng chứng khoa học và các bằng chứng khác đã chỉ ra rất nhiều lỗ hổng trong giả thuyết đó. Người Mỹ cuối cùng cũng thức tỉnh ra một chút trước sự đe dọa của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) với Đài Loan, Ấn Độ, Philippines, Nhật Bản, và các quốc gia khác.
Tuy nhiên, cần kết nối lại toàn bộ các phương diện mà Trung Quốc đang tiến hành chiến tranh, bởi Trung Cộng đã tham gia vào chín cuộc chiến tranh chống lại Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới trong nhiều năm.
Phần một và phần hai của loạt bài này đã đề cập đến sáu cuộc chiến tranh đầu tiên. Phần này kết thúc loạt bài bằng cách thảo luận về ba cuộc chiến còn lại đang được Trung Cộng thực hiện.
Chiến tranh tài chính
Chiến tranh tài chính do Trung Cộng tiến hành để chống lại phương Tây có liên quan mật thiết đến chiến tranh kinh tế. Bất chấp những ý định tốt đẹp nhất của người phương Tây, những người từng hy vọng nhiều hơn khi Trung Quốc “mở cửa” năm 1972, thì Trung Quốc vẫn theo chủ nghĩa trọng thương tột bậc, và đã thao túng tiền tệ của mình kể từ khi đất nước này được cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon và cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger “mở cửa” vào năm 1971.
Nền kinh tế Trung Quốc thiếu minh bạch, rối rắm, theo chủ nghĩa tư bản độc tài, và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc là điển hình của một đồng tiền định danh bị Trung Cộng thao túng phá giá khi họ cho là cần thiết để đạt được lợi ích kinh tế. Trung Cộng luôn tìm cách thách thức đồng dollar Mỹ với tư cách là đồng tiền quốc tế chủ chốt làm nền tảng cho hệ thống thương mại quốc tế, và cuối cùng thay thế nó bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc như một đồng tiền dự trữ chủ yếu của thế giới. Đồng nhân dân tệ đã đạt được vị trí là đồng tiền dự trữ chính thức của Quỹ tiền tệ quốc tế, dù hiện tại “tỷ trọng của đồng nhân dân tệ trong thanh toán quốc tế và dự trữ ngân hàng trung ương vẫn ở mức thấp, chỉ khoảng 2%”, theo Bloomberg.
Chìa khóa để thay thế đồng dollar là khả năng chuyển đổi của đồng nhân dân tệ. Nếu/khi đồng nhân dân tệ đạt được khả năng chuyển đổi hoàn toàn, thì các khoản đầu tư ra ngoại quốc của Trung Quốc theo Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) có thể được thực hiện một cách linh hoạt, và Trung Quốc có thể thúc đẩy các quốc gia khác rời xa đồng dollar và hướng đến sử dụng đồng nhân dân tệ. Ngoài ra, khả năng chuyển đổi của đồng nhân dân tệ cùng khả năng trao đổi thanh toán điện toán với ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ cho phép Trung Cộng mở rộng đế chế tài chính của mình trên toàn thế giới. Mục đích sẽ là tách các doanh nghiệp và ngân hàng phương Tây ra khỏi các thị trường vốn và dòng tiền toàn cầu, giúp đồng nhân dân tệ dễ dàng chiếm ưu thế trở thành đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới.
Một mục tiêu quan trọng khác của cuộc chiến tranh tài chính là lôi kéo vốn và các tổ chức tài chính của phương Tây tới Trung Quốc. Hồng Kông – từ lâu là một thủ phủ của lĩnh vực tài chính và ngân hàng trên thế giới – đã bị rơi vào tay Trung Cộng, và Trung Cộng có một mục tiêu lâu dài là đưa Thượng Hải trở thành trung tâm tài chính toàn cầu hàng đầu thế giới để phục vụ cho cả mục đích nâng cao thanh thế cũng như kiểm soát tài chính.
Cuộc chiến không gian mạng
Trung Cộng từ lâu đã dấn thân vào cuộc chiến tranh mạng chống lại Hoa Kỳ. Theo cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng thuộc Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (CISA): “Các hoạt động độc hại trên không gian mạng do chính quyền Trung Quốc nhắm mục tiêu và đang tiếp tục nhắm mục tiêu vào nhiều ngành và tổ chức ở Hoa Kỳ bao gồm chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tài chính, cơ sở công nghiệp quốc phòng, năng lượng, các cơ sở chính phủ, hóa chất, ngành sản xuất trọng yếu (bao gồm ngành sản xuất xe hơi và hàng không vũ trụ), truyền thông, Công nghệ thông tin (CNTT, bao gồm cả các nhà cung cấp dịch vụ được quản lý), thương mại quốc tế, giáo dục, trò chơi điện tử, các tổ chức dựa trên tín ngưỡng, và các công ty luật.”
Hầu hết các hoạt động trên không gian mạng của Trung Quốc, trong đó có hoạt động gián điệp kinh tế đối với ngành công nghiệp tư nhân của Hoa Kỳ vốn đã bị phát hiện, đều tập trung vào các nhà thầu quốc phòng hoặc CNTT, và các công ty truyền thông được cấp phép, có sở hữu sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ các mạng lưới của chính phủ và khu vực tư nhân trên toàn thế giới.
Các cuộc tấn công mạng của Trung Quốc đã nhắm mục tiêu vào các bí mật thương mại, dữ liệu khoa học công nghệ, và thông tin độc quyền của Hoa Kỳ, cũng như các mạng lưới cộng đồng tình báo và quân sự tuyệt mật để truy cập và/hoặc phá hoại cơ sở dữ liệu về chiến thuật, hoạt động và kỹ thuật.
Một ví dụ là, các thành viên của nhóm “Advanced Persistent Threat 10 hay APT10, một nhóm tin tặc có liên kết với chính quyền Trung Quốc”, đã bị truy tố năm 2018 vì “âm mưu xâm nhập máy tính, âm mưu lừa đảo chuyển tiền, và hành vi trộm cắp danh tính nghiêm trọng”, theo FBI.
Một ví dụ nữa là, người ta đã phát hiện ra mối liên quan giữa những kẻ tấn công mạng Trung Quốc và lỗ hổng của ứng dụng phổ biến CCleaner, vốn cho phép những kẻ này nhắm mục tiêu vào các công ty Hoa Kỳ như Google, Microsoft, Intel, và VMware. Và các cuộc tấn công mạng của Trung Quốc vẫn tiếp tục diễn ra, như một báo cáo gần đây của công ty an ninh mạng Palo Alto Networks cho biết: “Chỉ riêng tại Hoa Kỳ, hàng trăm tổ chức đã bị các tin tặc nhắm mục tiêu như là một phần của nỗ lực gián điệp diễn ra từ cuối tháng Chín đến đầu tháng Mười”.
Cuối cùng, một báo cáo hôm 22/11 từ Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội đã liệt kê một số cuộc tấn công mạng của Trung Quốc vào các tổ chức của Hoa Kỳ trong cả thập kỷ qua.
Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong cuộc chiến tranh mạng do Trung Cộng lãnh đạo đang diễn ra nhằm chống lại Hoa Kỳ.
Chiến tranh sinh học
Liệu đại dịch COVID-19 có thực sự là cuộc chiến tranh sinh học của Trung Cộng trong thực tế hay không?
PLA đã tiến hành nghiên cứu chiến tranh sinh học trong nhiều thập niên. Vì chính bản thân người Trung Quốc đã từng là nạn nhân chiến tranh sinh học của Nhật Bản trong Đệ nhị Thế chiến, nên không có gì ngạc nhiên khi họ cũng bắt đầu nghiên cứu phát triển vũ khí sinh học. Có cáo buộc rằng Phòng thí nghiệm An toàn Sinh học Quốc gia Vũ Hán chỉ là vỏ bọc cho việc nghiên cứu và phát triển vũ khí sinh học của Trung Quốc đang được thực hiện dưới sự chỉ đạo của PLA. Trong vài năm qua, đã có những dấu hiệu nguồn mở về các kết quả của nghiên cứu đó cũng như mục đích của nó.
Từ lâu, PLA đã có kế hoạch sử dụng vũ khí sinh học cho một cuộc xung đột trong tương lai, theo một báo cáo tin tức hồi tháng 05/2021: “Các nhà khoa học Trung Quốc đã chuẩn bị cho một cuộc Đệ tam Thế chiến bằng các vũ khí sinh học và vũ khí di truyền bao gồm cả virus corona từ sáu năm trước.”
Một báo cáo nghiên cứu về virus corona mới từ năm 2015 đã tuyên bố rằng: “Các nhà nghiên cứu đã cấy được một protein của một con dơi lá Roux của Trung Quốc vào một virus SARS từ năm 2002 – tạo ra một mầm bệnh mới có khả năng lây nhiễm sang các tế bào của người.”
Tạp chí Smithsonian đã xuất bản một bài báo về dịch cúm gia cầm vào năm 2017 gần như là điềm báo cho sự lan truyền của virus SARS-CoV-2. Bài báo có nhan đề, “Liệu Trung Quốc có phải là điểm khởi đầu cho một đại dịch trong tương lai?” Và đây là câu nói đáng chú ý (được nhấn mạnh thêm): “Các chuyên gia phương Tây nói rằng các quan chức Trung Quốc đã đạt được tiến bộ lớn kể từ khi họ phải vật lộn giải quyết đợt bùng phát SARS năm 2002, căn bệnh hô hấp nghiêm trọng do một loại virus corona chưa được biết đến trước đó gây ra; chính quyền Trung Quốc ban đầu đã cố gắng che đậy dịch bệnh, tạo ra một vụ bê bối trên toàn thế giới”.
Năm 2018, Đơn vị Tình báo Hoá học và Sinh học thuộc Cục Vũ khí Hủy diệt Hàng loạt (WMDD) của FBI đã tiết lộ trong một báo cáo công khai rằng các nhân viên Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ tại Sân bay Detroit Metro đã chặn một nhà sinh vật học người Trung Quốc đang mang theo các lọ chứa virus “MERS (gây Hội chứng Hô hấp Trung Đông) và các tài liệu về SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng)”.
Kể từ khi xuất hiện ở tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc hồi cuối năm 2019, đã có nhiều suy đoán trong các nguồn mở về nguồn gốc cụ thể của virus SARS-CoV-2, với hai giả thuyết chính là do lây từ động vật sang người hoặc là một loại virus biến đổi sinh học được tạo ra một cách có chủ ý trong một phòng thí nghiệm.
Hồi tháng 06/2021, tạp chí Wall Street Journal đã đưa tin cho biết trình tự acid amin CGG-CGG được tìm thấy trong virus là do con người tạo ra và chỉ có thể được cấy ghép thông qua nghiên cứu tăng khả năng của virus, vì trình tự này không được phát hiện trong tự nhiên.
Cho dù là cố ý hay vô tình khởi phát, Trung Cộng đã khai thác virus này bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi rằng các biện pháp phong tỏa hà khắc là “chính đáng”. Trung Cộng đã giấu kín các chi tiết về bộ gen của virus vốn có thể giúp đưa ra các giải pháp ứng phó tốt hơn nhiều về mặt y tế, đồng thời lợi dụng tình trạng phong tỏa trên khắp thế giới để mang lại lợi thế về kinh tế.
Khả năng, ý định, một sự che đậy quá khứ, buôn lậu bất hợp pháp các tác nhân sinh học vào Hoa Kỳ, các bằng chứng khoa học chỉ ra một virus do con người tạo ra trong một phòng thí nghiệm do PLA điều hành và sự khai thác có mục đích – tất cả những điều này đều trực tiếp cho thấy cuộc chiến tranh sinh học do Trung Cộng thực hiện nhằm chống lại Hoa Kỳ và thế giới.
Kết luận
Ông Tập Cận Bình đang lãnh đạo Trung Cộng trong chín cuộc chiến chống lại Hoa Kỳ và thế giới với một mục tiêu là đạt được ngôi bá chủ toàn cầu và lãnh đạo thế giới nhân dịp kỷ niệm một trăm năm thành lập của Đảng này vào năm 2049. Ba phần của loạt bài viết này đã tóm lược chín con đường chiến tranh mà Trung Cộng đang tiến hành. Có quá nhiều bằng chứng cho thấy rằng Trung Cộng đang giao tranh với Hoa Kỳ trên nhiều mặt trận. Liệu vận may số ba này có rơi vào ông Tập và Trung Cộng không, hay Hoa Kỳ rốt cuộc sẽ thức tỉnh trước mối đe dọa toàn diện do Trung Cộng đặt ra?
Quý vị theo dõi phần 1 và phần 2 tại đây.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Stu Cvrk đã nghỉ hưu với tư cách là một thuyền trưởng sau 30 năm phụng sự trong Hải quân Hoa Kỳ với nhiều vị trí chính quy và dự bị khác nhau, có kinh nghiệm hoạt động đáng kể ở Trung Đông và Tây Thái Bình Dương. Thông qua kiến thức và kinh nghiệm của một nhà phân tích hệ thống và nhà hải dương học, ông Cvrk tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ, nơi ông tiếp nhận một nền giáo dục tự do chính thống, đóng vai trò là nền tảng quan trọng cho bài bình luận chính trị của mình.
Thuần Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: