Phái đoàn Baltic gặp Tổng thống Đài Loan: ‘Chúng tôi ở đây để thể hiện tinh thần đoàn kết’
Hôm 29/11, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã tiếp kiến các thành viên của phái đoàn Baltic tại Đài Bắc, trong một dấu hiệu của sự hợp tác ngày càng sâu sắc giữa các quốc gia Liên minh Âu Châu và Đài Loan trước sự gây hấn của Bắc Kinh.
Hôm 28/11, các nhà lập pháp nước bạn từ Lithuania, Latvia, và Estonia đã hạ cánh xuống Đài Loan để tham dự một diễn đàn dân chủ. Diễn đàn sẽ được Bộ Ngoại giao Đài Loan đăng cai tổ chức trong tuần này.
Bà Thái cho biết đây là phái đoàn liên minh đầu tiên đến Đài Loan từ cả ba nước Baltic vào sáng thứ Hai (29/11) tại Văn phòng Tổng thống ở Đài Bắc, điều mà bà gọi là “một chuyến thăm ý nghĩa.”
Trong cuộc họp đó, các nhà lập pháp này đã bày tỏ sự kính trọng đối với “sự kiên định và trí tuệ” của người dân Đài Loan. Ông Matas Maldeikis, người dẫn đầu phái đoàn Lithuania và chủ tịch Nhóm hữu nghị Đài Loan của Quốc hội Lithuania, cho biết hòn đảo dân chủ này đã tự vệ bằng cách chống lại chủ nghĩa độc tài và thông tin sai lệch từ nước láng giềng lớn nhất của họ phía bên kia Eo biển.
Vị chủ tịch này nói: “Chúng tôi ở đây để thể hiện tinh thần đoàn kết của chúng tôi với Đài Loan,” và nói thêm rằng hai bên phải củng cố mối liên hệ của họ để duy trì nền tự do và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh và Vilnius tranh luận về quyết định sau cùng của Lithuania về việc cho phép Đài Loan tự trị mở đại sứ quán trên thực tế tại thủ đô của nước này, nơi sẽ được gọi là Văn phòng Đại diện Đài Loan.
Lithuania cũng đang có kế hoạch mở một văn phòng đại diện tại Đài Loan.
Bước đột phá ngoại giao này đã gạt sự phản đối kịch liệt của Bắc Kinh sang một bên vì chính quyền Trung Cộng luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình được thống nhất với Trung Quốc đại lục và đã cố gắng cô lập Đài Bắc trên trường quốc tế.
Hồi tuần trước, Trung Quốc đã hạ cấp liên hệ ngoại giao với Lithuania và tạm thời đình chỉ các dịch vụ lãnh sự nhằm thể hiện sự tức giận và trả đũa.
Bà Thái nói với các nhà lập pháp này rằng Đài Loan và các quốc gia Baltic — từng là một phần của Liên Xô — chia sẻ những kinh nghiệm giống nhau về việc thoát khỏi sự cai trị độc tài và đấu tranh cho tự do.
“Việc giành được nền dân chủ là vô cùng khó khăn,” bà Thái nói. “Đây là điều mà tất cả chúng ta đều hiểu một cách sâu sắc nhất.”
Đầu tháng này, Lithuania đã mời ông Trần Kiến Nhân (Chen Chien-jen), cựu phó tổng thống Đài Loan, tham dự một diễn đàn dân chủ trực tiếp ở Lithuania, theo bà Thái. Tháng trước (10/2021), các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Đài Loan — bao gồm Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc gia Đài Loan Cung Minh Hâm (Kung Ming-hsin) — đã đến thăm Lithuania và ký sáu bản ghi nhớ, tìm cách tăng cường hợp tác trong nghiên cứu và phát triển các lĩnh vực khác nhau như chất bán dẫn, vệ tinh, và công nghệ sinh học.
Tổng thống Đài Loan cho biết Đài Bắc hy vọng có sự hợp tác và trao đổi nhiều hơn nữa với Latvia và Estonia.
Bà Thái cũng gửi lời cảm ơn đến Lithuania vì đầu năm nay đã tặng hai lô vaccine rất cần thiết cho Đài Loan. Vào tháng Chín, các quốc gia Baltic này đã thông báo rằng họ sẽ tặng thêm hơn 230,000 liều vaccine AstraZeneca cho Đài Loan, bên cạnh 20,000 liều đầu tiên được giao từ tháng Sáu.
Lithuania là quốc gia thành viên EU đầu tiên cung cấp viện trợ đại dịch cho Đài Loan, vốn đang chiến đấu với đợt tăng [các ca nhiễm] COVID-19 mạnh mẽ vào tháng Sáu. Cả Slovakia, Cộng hòa Séc, và Ba Lan cũng tiếp nối hành động tiên phong của Lithuania với viện trợ bổ sung.
Ông Maldeikis cho biết ông hy vọng sẽ mở rộng liên kết hợp tác giữa hai nước và “đóng góp vào mối liên hệ thân thiết hơn [giữa] Đài Loan và toàn bộ khối Liên minh Âu Châu này.”
Hiện tại, không có quốc gia thành viên EU nào có liên hệ chính thức với Đài Loan.
Vào tháng Chín, các nhà lập pháp đa quốc gia đã kêu gọi tinh thần đoàn kết quốc tế với Lithuania và Đài Loan trước sự uy hiếp cưỡng bách từ Bắc Kinh.
Thượng nghị sĩ Ireland Malcolm Byrne cho biết trong một video do Liên minh Nghị viện về Trung Quốc (IPAC) phát hành: “Bằng cách bắt nạt Lithuania, Bắc Kinh hy vọng gửi đi một lời cảnh báo tới các nền dân chủ trên toàn thế giới.”
Cô Rita Li là phóng viên của The Epoch Times, chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ từ năm 2018.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: