Phải chăng nhà điêu khắc Michelangelo đã phá hủy tác phẩm ‘Hạ xác Chúa’ của mình?
Một cuộc đại trùng tu tiết lộ thêm đôi chút về bức điêu khắc huyền thoại ‘Bandini Pietà‘ (1)
Hãy quay về quãng thời gian giữa thế kỷ 16. Đó là cảnh tượng những tia lửa bắn ra tứ phía khi nhà điêu khắc Michelangelo 75 tuổi đang dụng sức dụng tâm chạm khắc Chúa Kitô, môn đệ Nicodemus, Đức mẹ Đồng trinh và Thánh Mary Magdalene vào khối đá cẩm thạch cao hơn 2.1m.
Nhà điêu khắc Michelangelo đã tạc bức tượng Chúa Kitô vừa được hạ xuống từ thập tự giá. Người xem có thể cảm nhận được năng lượng mạnh mẽ trong tác phẩm có tiêu đề “Hạ xác Chúa”, khiến họ gần như nín thở khi ba nhân vật xung quanh đều cố gắng giữ vững cơ thể không còn sự sống của Chúa Kitô. Ngài Nicodemus đầy từ bi được thể hiện ở vị trí cao nhất trong bố cục, ông cố gắng đỡ lấy thân thể của Chúa dường như để Đức Mẹ Maria có thể từ biệt con trai mình. Cánh tay phải của Chúa choàng qua Thánh Mary Magdalene có hình dáng khá nhỏ bé.
Chúa Kitô gục đầu về phía người mẹ, hoặc có lẽ bà kéo Ngài lại gần đầu gối của mình. Người ta có thể tưởng tượng bà đang thì thầm nói từ biệt bên tai con mình.
Tác phẩm điêu khắc là một trong những tác phẩm cuối cùng của Michelangelo trong một loại tác phẩm điêu khắc từ biệt, và được dự định là một phần trong chính lăng mộ của Michelangelo. Ngài Nicodemus, người được cho là đã đưa Chúa Kitô đến lăng mộ của mình, cũng là bức chân dung tự họa của Michelangelo.
Có lẽ đây là cách Michelangelo muốn chúng ta tưởng nhớ đến ông. Nicodemus nhìn xuống Chúa Kitô dịu dàng và sùng kính như vậy, có thể phản ánh đức tin của Michelangelo với tư cách là một người Công giáo sùng đạo, và ông cũng nhận ra rằng ông sẽ sớm về với Ngài.
Nhưng Michelangelo đã không bao giờ hoàn thành tác phẩm “Hạ xác Chúa”, và tác phẩm điêu khắc này sẽ không bao giờ được đưa vào phần mộ của ông. Trong nhiều năm, nhiều chuyên gia tin rằng Michelangelo, trong cơn thịnh nộ và thất vọng, đã dùng búa phá hủy một phần tác phẩm điêu khắc; Cánh tay trái của Chúa bị gãy và thiếu mất chân trái. Việc phục chế tác phẩm điêu khắc vừa hoàn thành gần đây đã tiết lộ thêm về những gì có thể đã thực sự xảy ra.
3 tác phẩm điêu khắc Pietà của Michelangelo
Michelangelo đã chế tác ba tác phẩm điêu khắc Pietà (2) trong cuộc đời của mình. Được biết đến nhiều nhất là bức Vatican Pietà mà ông đã điêu khắc khi còn là một nghệ sĩ trẻ. Đó là tác phẩm mà nhiều người cho rằng ông đã tạc Mẹ Mary quá trẻ để có một đứa con trưởng thành. Khi nghe điều này, Ngài Michelangelo chỉ đơn giản nói rằng bà ấy trông trẻ trung bởi vì tội lỗi làm người ta già đi.
Khi lớn tuổi hơn, Michelangelo bắt đầu điêu khắc bức “Hạ xác Chúa” cùng với bức Rondanini Pietà (hiện đang được bảo tồn tại Milan). Trong thời gian đó, ông cũng là kiến trúc sư của Giáo đường Thánh Peter ở Rome, một trong những dự án thử thách nhất của ông. Ông chắc hẳn đã dành hàng giờ điêu khắc những tác phẩm này, và dành những khoảng thời gian hiếm hoi để giám sát các tác phẩm khác tại St. Peter.
Tuy nhiên, “Hạ xác Chúa” không phải là tác phẩm của riêng Michelangelo. Ông giao tác phẩm còn dang dở cho phụ tá cận của mình là Antonio da Casteldurante, người đã giao nó cho nhà điêu khắc Tiberio Calcagni để sửa chữa. Calcagni qua đời trước khi hoàn thành công việc sửa chữa. Nhà sử học nghệ thuật Giorgio Vasari và là bạn của Michelangelo, nhận xét rằng tác phẩm điêu khắc tốt hơn sau khi Calcagni qua đời vì Calcagni đã tạc Thánh Mary Magdalene khiến bà trông nhỏ hơn, sửa chữa cánh tay bị gãy của Chúa Kitô cũng như thêm những mảnh đá cẩm thạch bổ sung vào tác phẩm một cách vụng về.
Phụ tá Antonio đã bán tác phẩm cho chủ ngân hàng Francesco Bandini, vì vậy lý do bức “Hạ xác Chúa” thường được gọi là “Bandini Pietà”. Sau một số lần đổi chủ, Cosimo III de ‘Medici, Đại công tước xứ Tuscany, đã mua lại tác phẩm vào năm 1671. Tác phẩm điêu khắc được chuyển đến Florence, nơi nó đã trải qua gần 50 năm trong hầm mộ của Nhà Thờ San Lorenzo (Nhà Thờ Thánh Lawrence), và sau đó là hơn 250 năm ở Nhà Thờ Florence. Năm 1981, tác phẩm được chuyển đến Museo dell’Opera del Duomo (Bảo Tàng Tác Phẩm tại Duomo), và được lưu tại đây đến nay.
Quá trình bảo tồn tác phẩm tiết lộ những thông tin thú vị
Mặc dù đó là một trong những tác phẩm nổi tiếng của Michelangelo và ngoài những sửa chữa của Calcagni cách đây khoảng 470 năm, bức “Hạ xác Chúa” chỉ được bảo tồn định kỳ như làm sạch và các công đoạn bảo trì tổng quát.
Cuộc đại trùng tu đã tạo ra sự khác biệt lớn. Năm 2019, Tổ chức phi lợi nhuận Friends of Florence có trụ sở tại Mỹ quốc đã tài trợ cho công tác trùng tu và tổ chức Opera di Santa Maria del Fiore (Work of St. Mary of the Flower) đã ủy quyền và quản lý trực tiếp việc trùng tu.
Tất cả các dấu vết của một di tích cũ đã được xóa bỏ, nhờ những nỗ lực bảo tồn do Paola Rosa và Emanuela Peiretti dẫn đầu, cùng với các chuyên gia nội thất và ngoại thất tổ chức. Những chuyên gia bảo tồn đã sử dụng bông gòn ngâm trong nước khử ion, đôi khi được đun nóng để loại bỏ bụi bẩn. Dao được dùng cẩn thận tại những khu vực có bụi bẩn cứng chắc.
Giờ đây, tác phẩm điêu khắc đã mất đi màu hổ phách để lộ ra những viên đá cẩm thạch trắng nõn. Không còn những cặn thạch cao sót lại do việc đúc tượng diễn ra năm 1882. Không còn lớp đánh bóng mà các nhà bảo tồn đã hy vọng sẽ bảo vệ tác phẩm khỏi bị khô sau khi đúc xong. Những lớp bụi bẩn và lớp đánh bóng có tuổi đời hàng thế kỷ đã được tẩy sạch. Bụi bẩn đã làm xấu đi các chi tiết điêu khắc tinh xảo như lớp vải gấp hay những phần chạm nổi.
Là một phần của nỗ lực bảo tồn, các chuyên gia đã kiểm tra khối đá cẩm thạch và phát hiện ra rằng nó được khai thác ở Seravezza thuộc Tuscany, từ một mỏ đá từng thuộc sở hữu của gia đình Medici quyền thế. Các chuyên gia trước đây tin rằng nó được làm bằng đá cẩm thạch Carrara, mỏ đá Tuscan gắn liền với sự nôi tiếng của Michelangelo.
Michelangelo đã có chút lo ngại về chất lượng của đá cẩm thạch được khai thác tại Seravezza. Ông đã sử dụng đá cẩm thạch Seravezza cho mặt tiền của Nhà Thờ Thánh Lawrence ở Florence, theo chỉ dẫn của Giovanni di Lorenzo de ’Medici (người sau này trở thành Giáo hoàng Leo X). Người nghệ sĩ nhận thấy rằng bề mặt đá có vẻ tinh khiết nhưng dễ bị nứt và có vân mà rất khó nhận ra.
Phải chăng Michelangelo đã phá hủy tác phẩm ‘Hạ xác Chúa’ của mình?
Các nhà bảo tồn không phát hiện thấy nhát búa phá hủy nào của Michelangelo trên tác phẩm, nhưng những nhát búa đó cũng có thể đã bị ai đó xóa đi. Đó là một phần của câu chuyện không có kết luận.
Tuy nhiên, việc phân tích đá cẩm thạch của tác phẩm “Hạ xác Chúa” đã xác nhận rằng khối đá có chất lượng không tốt. Khối đá cẩm thạch này có nhiều lỗ hổng chứa Pyrit, thường được gọi là vàng giả, loại chất này tạo ra các tia lửa lớn văng ra khi chạm đục. Nhiều vết nứt nhỏ đã được tìm thấy ở mặt sau và mặt trước của phần đế của tác phẩm khiến các chuyên gia kết luận rằng đây có thể là lý do khiến Michelangelo phải ngưng làm việc trên tác phẩm “Hạ các Chúa”.
Nhà điêu khắc Michelangelo có thể đã không phá hủy tác phẩm của mình, nhưng có câu chuyện thú vị đã được kể lại.
Du khách có thể đến thăm Bảo Tàng Tác phẩm tại Duomo (Museo dell’Opera del Duomo) cho đến ngày 30/03/2022, để được thưởng lãm cận cảnh kiệt tác “Hạ xác Chúa” trong chính không gian của xưởng trùng tu tác phẩm này. Để tìm hiểu thêm, hãy truy cập Duomo.Firenze.it
Chú thích của người dịch
1) Tác phẩm điêu khắc “The deposition” còn có tên là “Bandini Pietà”, tạm dịch là “Hạ xác Chúa”
2) Pietà là một chủ đề trong nghệ thuật Kitô giáo, miêu tả Đức Mẹ Maria ôm xác Chúa Jesus sau khi hạ xác Ngài xuống khỏi cây thập giá.
Phương Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: