PHÂN TÍCH: Đại sứ Trung Quốc cho thấy ĐCSTQ rất sợ một ngày nào đó sẽ sụp đổ giống như Liên Xô
Trung Quốc cộng sản đang cố gắng học tập ‘những bài giáo huấn sâu sắc’ từ sự sụp đổ của Liên Xô
Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lô Sa Dã (Lu Shaye) đã khiến nhiều nước tức giận với những nhận xét trên truyền hình của ông rằng các nước thuộc Liên Xô cũ không có quy chế chủ quyền. Tuy nhiên, lời nhận xét dường như vô tình này cho thấy một nỗi sợ hãi nằm sâu bên trong mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ôm giữ trong ba thập niên qua — rằng sự sụp đổ đột ngột của Liên Xô và sự tan rã của Đảng Xô Viết sẽ lại xảy ra ở Trung Quốc, các chuyên gia cho biết.
Trong một cuộc phỏng vấn với mạng lưới truyền hình LCI của Pháp hôm 21/04, ông Lô tuyên bố rằng các quốc gia thuộc Liên Xô cũ không có “quy chế thực sự” theo luật pháp quốc tế.
Khi được hỏi liệu Crimea có thuộc Ukraine hay không, ông Lô trả lời: “Theo luật pháp quốc tế, ngay cả những quốc gia thuộc Liên Xô cũ này cũng không có quy chế, [quy chế] thực sự theo luật quốc tế, bởi vì không có thỏa thuận quốc tế nào để cụ thể hóa quy chế chủ quyền cho quốc gia của họ.”
Tuyên bố này đã gây ra sự phẫn nộ ở các nước thuộc Liên Xô cũ là Estonia, Lithuania, và Latvia cũng như gây chấn động thế giới. Để xoa dịu công chúng, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng tuyên bố của ông Lô về Ukraine không phải là một thông báo chính sách mà là một quan điểm cá nhân.
Tuy nhiên, ông Ngô Quốc Quang (Wu Guoguang), một nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Thể chế Trung Quốc thuộc Đại học Stanford và là cựu thành viên nhóm chuyên gia cố vấn của Tổng Bí thư ĐCSTQ Triệu Tử Dương, tin rằng ngôn từ của ông Lô phản ánh những suy nghĩ trong thâm tâm sâu thẳm của giới lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ.
“Ai dám nói rằng những gì Đại sứ Lô, người từng là Giám đốc Vụ Nghiên cứu Chính sách của Văn phòng Ngoại vụ Trung ương, nói là không phù hợp với chính sách ngoại giao của Đảng Cộng sản Trung Quốc?” ông Ngô viết trong một bài báo do VOA đăng hôm 27/04.
Ông Lô có lẽ là một trong những người am tường nhất về các ý định ngoại giao của cấp lãnh đạo trong số các phái viên ở ngoại quốc của ĐCSTQ. Ông Lô đã làm việc bên cạnh ông Tập Cận Bình và là Cục trưởng Cục Nghiên cứu Chính sách của Tiểu tổ Lãnh đạo Công tác Ngoại sự Trung ương (nay là Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương) từ năm 2015 đến 2016. Theo ông Ngô, chủ nhiệm của ủy ban này là ông Tập.
Tại sao tầng lớp lãnh đạo cao hơn của ĐCSTQ lại xem thường các quốc gia thuộc Liên Xô cũ?
Hôm 22/04, một dòng tweet của ông François Godement, giám đốc chương trình Á Châu và Trung Quốc của Hội đồng Ngoại giao Âu Châu, đã tiết lộ nghị trình được che đậy của ĐCSTQ.
“Thật vậy, mặc dù về hình thức ông Lô Sa Dã có thể là một người ngoài cuộc, nhưng ông ấy cũng có thể đang nói thẳng quan điểm ngầm của Trung Quốc là gì. Rốt cuộc thì, hãy đọc những bình luận năm 2012 của ông Tập về việc ông Gorbachev đã phá hủy Liên Xô như thế nào.”
‘Những bài giáo huấn sâu sắc’ từ sự sụp đổ của Liên Xô
Ông Anders Corr, người sáng lập Corr Analytics và là chủ bút của Tạp chí Rủi ro Chính trị, nói với The Epoch Times hôm 11/05 rằng các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ lo ngại rằng sự tan rã bao trùm Liên Xô cũng có thể xảy ra ở Trung Quốc.
Ông nói, “Về mặt kinh tế và quân sự, Liên Xô [Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết] không thể đuổi kịp phương Tây, những nước đã trừng phạt nặng nề nước này. Điều tương tự có thể xảy ra với Trung Quốc.”
Tháng 12/2012, trong một chuyến thăm tỉnh Quảng Đông, ông Tập, người vừa mới bước lên vị trí lãnh đạo ĐCSTQ, đã nói với những người trong đảng rằng ĐCSTQ phải học tập “những bài giáo huấn sâu sắc” của Liên Xô, nơi mà tham nhũng chính trị, hệ tư tưởng đối nghịch, và sự bội phản của quân đội đã dẫn đến sự sụp đổ của Đảng Cộng sản cầm quyền.
“Tại sao Liên Xô sụp đổ? Tại sao Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ? Một lý do chính là các lý tưởng của đảng này đã bị lung lay,” ông Tập cho biết, nói thêm rằng “cuối cùng, ông Mikhail Gorbachev — nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô — đã tuyên bố giải thể Đảng Cộng sản Liên Xô chỉ bằng một lời nói, và Đảng lớn này đã biến mất.”
Ông Tập cũng nhắc lại “những bài giáo huấn sâu sắc” này trong một bài diễn thuyết nội bộ hồi đầu năm 2013.
Năm 2013, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), và đơn vị trực thuộc của CASS, Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Chủ nghĩa Thế giới, đã cùng nhau sản xuất một bộ phim tài liệu DVD gồm bốn phần có tiêu đề “20 năm kể từ ngày Liên Xô diệt vong,” nói rằng sự sụp đổ của chế độ cộng sản đã làm cho Liên Xô một thời hùng mạnh rớt xuống thành quốc gia hạng hai hoặc hạng ba.
Bộ phim tài liệu này cho rằng sự sụp đổ của Liên Xô và sự tan rã của Đảng Cộng sản Liên Xô là do hai nguyên nhân chính: một là, ông Gorbachev thực hiện các cải cách dân chủ phương Tây nhằm nới lỏng sự kiểm soát hệ tư tưởng chặt chẽ của đảng; hai là nỗ lực mạnh mẽ của ông Boris Yeltsin nhằm tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Các quan chức Trung Quốc ở tất cả các cấp, từ các lãnh đạo ban ngành trung ương đến các đảng ủy cơ sở, đều được yêu cầu xem DVD này.
ĐCSTQ ‘lãnh đạo tất cả’
ĐCSTQ đã củng cố sự kiểm soát của mình đối với tất cả các lĩnh vực của xã hội vì lo sợ rằng chế độ này sẽ đi theo con đường giống như Đảng Cộng sản Liên Xô.
Năm 2017, ĐCSTQ sửa đổi điều lệ đảng, thêm vào một đoạn văn đặc biệt: “Đảng là lãnh đạo của tất cả: Đảng – Chính (quyền) – Quân (đội) – Nhân dân – Học (viện), Đông – Tây – Nam – Bắc – Trung.”
Tháng 12/2014, ông Tập tuyên bố tại một hội nghị về công tác của các trường cao đẳng và đại học rằng đảng cần phải thao khống ban lãnh đạo của các trường cao đẳng và đại học. Trong bầu không khí này, các khuôn viên trường đại học Trung Quốc đã chứng kiến sự việc các phóng viên của đảng theo dõi tiết học của các giáo sư, sinh viên báo cáo việc giáo sư không tuân theo đường lối của đảng, và hệ thống camera được lắp đặt trong các giảng đường đại học.
ĐCSTQ cũng đã thành lập các chi bộ đảng trong các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.
Cuối năm 2008, Tập đoàn Alibaba có ba đảng bộ cấp hai — một chi bộ đảng, và hai chi bộ trực tiếp — với tổng số 2,094 đảng viên; Baidu và Tencent đều thành lập đảng bộ vào năm 2011, với số đảng viên lần lượt là 2,500 và 3,386; và Kinh Đông (Jingdong) đã thành lập 154 chi bộ đảng trên toàn quốc, với 10,730 đảng viên, theo một báo cáo của cổng thông tin Trung Quốc Sina vào ngày 01/07/2017.
ĐCSTQ cũng đã thành lập các chi bộ đảng tại các công ty ngoại quốc, chẳng hạn như chi nhánh Trung Quốc của công ty mỹ phẩm Pháp L’Oréal SA và liên doanh Trung Quốc của nhà sản xuất xe hơi Pháp Renault SA, theo ấn bản Hoa ngữ của tờ The Wall Street Journal.
Tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết vào năm 2016, khoảng 75,000 công ty ngoại quốc đã thành lập chi bộ đảng, chiếm 70.8% tổng số công ty ngoại quốc tại Trung Quốc.
Chế độ độc đảng toàn trị của ĐCSTQ đã thu hút sự bất bình ngày càng tăng của công chúng. Tháng Mười Một năm ngoái, một vụ hỏa hoạn ở Ô Lỗ Mộc Tề (Urumqi), Tân Cương, đã kích hoạt phong trào giấy trắng tại Học viện Truyền thông Nam Kinh rồi nhanh chóng lan rộng thành làn sóng biểu tình trên toàn quốc, với sự hưởng ứng của người dân ở 21 tỉnh và sinh viên ở 207 trường cao đẳng và đại học. Hàng trăm người ở Thượng Hải đã hô vang: “Đả đảo ĐCSTQ.”
Đàn áp doanh nghiệp tư nhân
Như bộ phim tài liệu được đề cập bên trên đã nói, sự sụp đổ của Liên Xô có thể một phần là do cho quá trình tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước. Do đó, ĐCSTQ đã phát động một cuộc đàn áp các doanh nghiệp tư nhân và mở rộng các doanh nghiệp nhà nước.
Tháng 11/2020, đợt IPO của Tập đoàn Dịch vụ Tài chính Ant Financial – một công ty liên kết của Tập đoàn Alibaba – đã bị các cơ quan quản lý của ĐCSTQ chặn lại vào phút cuối. Đây là sự khởi đầu của cuộc đàn áp toàn diện của Đảng Cộng sản đối với các công ty tư nhân, đánh vào các công ty tư nhân trong các lĩnh vực công nghệ, tài chính, trò chơi, giáo dục, và địa ốc. Chiến dịch này đã loại bỏ hơn 1 ngàn tỷ USD giá trị thị trường của các công ty Trung Quốc trên toàn thế giới.
Ông Diêu Dương (Yao Yang), giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Quốc gia của Đại học Bắc Kinh, nói trong một diễn đàn hồi cuối tháng Hai rằng một nghiên cứu về dữ liệu mua sắm của chính quyền cho thấy nhiều doanh nghiệp tư nhân không thể nhận được đơn mua hàng từ các cơ quan công quyền, phương tiện truyền thông tài chính Tài Tân (Caixin) của Trung Quốc đưa tin hôm 01/03.
Ngày càng có nhiều công ty đang bị buộc phải quốc hữu hóa. Chỉ tính riêng trong ba năm từ 2018 đến 2021, 90 công ty cổ phần được niêm yết loại A đã chuyển đổi từ doanh nghiệp tư nhân sang doanh nghiệp nhà nước, và hơn 400 công ty đã thay đổi ban lãnh đạo, trung bình cứ ba ngày lại có một công ty niêm yết thay đổi CEO.
Đối với những doanh nghiệp thống trị trong khu vực tư nhân, ĐCSTQ cũng đã áp dụng phương thức mua lại “cổ phần vàng” để kiểm soát họ. Hôm 04/01, một quỹ đầu tư nhà nước do Văn phòng Thông tin Internet Nhà nước thành lập đã mua lại 1% công ty con của Alibaba, Công ty Công nghệ Thông tin Giáo dục Xanh Quảng Châu. Theo The Financial Times, kế hoạch của chính quyền trong việc mua lại cổ phần vàng của Tencent cũng đang được thảo luận.
Suy thoái kinh tế
Tuy nhiên, việc ĐCSTQ ra lệnh đàn áp các doanh nghiệp tư nhân để tránh sự sụp đổ của Đảng đã đẩy nền kinh tế Trung Quốc vào suy thoái.
Trong 11 tháng đầu năm 2021, khoảng 4.37 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc đã đóng cửa vĩnh viễn, gấp hơn ba lần số doanh nghiệp thành lập mới trong cùng thời kỳ đó. Khu vực tư nhân, xương sống của nền kinh tế và việc làm của Trung Quốc, đang suy giảm, và đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đang biến mất với tốc độ nhanh chóng, theo bản tin ngày 30/12/2021 của tờ Nam Hoa Tảo báo.
Năm 2022, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chỉ 3%, là năm tăng trưởng GDP chậm nhất kể từ khi kết thúc Cách mạng Văn hóa năm 1976. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tăng vọt lên mức cao kỷ lục. Theo báo cáo hôm 19/04 của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc (16 đến 24 tuổi) đạt mức 19.6% trong tháng Ba.
Vì dữ liệu chính thức bị làm cho sai lệch, nên suy thoái tăng trưởng kinh tế thực tế của Trung Quốc có thể nghiêm trọng hơn nhiều.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times