Petra – thành phố được chạm khắc từ vách núi sa thạch đỏ
Được chạm khắc từ những vách núi sa thạch đỏ, thành phố Petra đã mất là thủ đô của một vương quốc cổ đại nằm ở phía tây nam Jordan. Nơi đây từng là một trung tâm giao thương thịnh vượng, rồi trở nên hoang phế trong nhiều thế kỷ. Petra hiện nay đã được công nhận là một trong Bảy kỳ quan mới của thế giới. Theo tiếng Hy Lạp, Petra có nghĩa là “đá”.
Điểm du lịch rộng 264 km² này thu hút hơn một triệu du khách đến thăm (trước khi COVID bùng phát). Tuy nhiên, hầu hết khách du lịch chỉ thấy được một phần sự hùng vĩ của thành phố từng là vương quốc Nabataean cổ đại.
Nhà khảo cổ học Zeidoun Al-Muheisen thuộc Đại học Yarmouk của Jordan nói với National Geographic: “Chúng tôi mới chỉ khám phá được 15% diện tích của thành phố. Phần lớn – tức là 85% – vẫn còn nguyên vẹn dưới lòng đất.”
Du khách muốn đến Petra trước tiên phải đi men theo một hẻm núi quanh co dài khoảng một ki-lô-mét, rộng chừng hai đến bốn mét, được biết đến với tên gọi Siq (có nghĩa là mũi tên/ngọn giáo/tia chớp/đường thông), dọc đường đi đến tận trung tâm của khu kiến trúc được tô điểm bằng những hình chạm khắc các vị thần. Cuối hẻm Sid hiện ra trước mắt du khách là Al Khazneh, có nghĩa là “Kho báu” trong tiếng Ả Rập.
Al Khazneh cao 39 mét và rộng 25 mét, được tạc vào mặt sa thạch đỏ hồng đặc trưng của Petra. Những cột đá sa thạch tuyệt đẹp với phần trang trí trên đỉnh gợi du khách nhớ đến những ngôi đền La Mã cổ đại.
Việc xếp hạng công trình này là “Kho báu” là nhầm lẫn, vì trên thực tế Al Khazneh là một khu lăng mộ.
Các nhà khảo cổ học vẫn chưa tìm thấy bất kỳ đồ vật châu báu nào bên trong, nhưng nhiều người cho rằng lăng mộ này được xây dựng cho Vua Nabataean Aretas IV, người trị vì Petra trong thời kỳ hoàng kim từ năm thứ 9 trước Công Nguyên đến năm 40 sau Công Nguyên.
Những người Bedouin (những cư dân của Petra và là hậu duệ của người Nabatean) vào đầu thế kỷ 20 tin rằng trên tầng hai của Al Khazneh chứa của cải châu báu của một pharaoh Ai Cập, đó là lý do tại sao ban đầu công trình này đã được phân loại là “Kho báu”.
Người Nabataeans, một bộ tộc du mục, đã xây dựng Petra (ban đầu được gọi là Raqmu) vào thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên để phát triển mạng lưới giao thương thịnh vượng với những mặt hàng như hương liệu Ả Rập, lụa Trung Hoa và gia vị Ấn Độ. Cộng đồng gồm khoảng 30,000 cư dân này chịu ảnh hưởng của kiến trúc các nền văn hóa Địa Trung Hải và Ả Rập.
Vào năm 106 sau Công Nguyên, thành phố bị người La Mã chiếm đóng, những người này đã đồng hóa người Nabataean vào đế chế của họ và phát triển nhóm người Hy Lạp-La Mã ở đó.
Thời kỳ suy thoái của Petra bắt đầu rất nhanh chóng dưới thời kỳ cai trị của đế chế La Mã, phần lớn được cho là do việc giao thương chuyển sang sử dụng đường biển thay vì đi trên đất liền. Năm 363 sau Công nguyên, một trận động đất đã phá hủy các công trình xây dựng và hệ thống quản trị nước do người Nabatean xây dựng trong quá trình phát triển Petra. Đập nước lớn này đã nắn dòng sông Wadi Musa, ngăn không cho sông này chảy qua Siq về hướng Wadi Al Mudhlim và Wadi Al Mataha. Sau khi con đập bị phá hủy, dòng Wadi Musa lại tràn vào Siq, thiên nhiên đã chiếm lại Petra. Tuy nhiên, sự suy tàn của Petra vẫn là một điều bí ẩn.
Petra đã “biến mất” trong hàng trăm năm, chỉ còn lại những người chăn nuôi du mục, họ sử dụng các kiến trúc bỏ hoang của Petra để làm nơi trú ngụ cho mình và gia súc.
Vào năm 1812, nhà thám hiểm người Thụy Sĩ Johann Ludwig Burckhardt đã phát hiện lại Petra trong một chuyến đi đến Syria khi ông cải trang thành người Bedouin tên là Sheikh Ibrahim Ibn Abdallah. Từ đó, ông trở thành người Tây phương đầu tiên tận mắt chứng kiến thành phố huy hoàng một thời.
“Một lăng mộ được khai quật đã xuất hiện trong tầm mắt của tôi, vị trí và vẻ đẹp của nó đã được tính toán để tạo ấn tượng kỳ lạ đối với du khách,” ông Burckhardt viết trong một bài tường thuật về chuyến đi của mình.
Các nhà thám hiểm Tây phương đổ xô đến Petra để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thành phố này và cũng để nghiên cứu kết cấu kiến trúc của nó.
Vào tháng 12/1993, người ta phát hiện trong một tu viện được khai quật gần Đền thờ Sư tử có cánh ở Petra những cuộn da viết bằng chữ Hy Lạp có niên đại từ thời Byzantine. Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Đông phương của Mỹ ở Amman khảo cứu vật chứng này với hy vọng sẽ làm sáng tỏ việc thành phố bị bỏ hoang hàng thế kỷ.
Trong khi đó, sự hùng vĩ và lịch sử bí ẩn của thành phố đã khiến nơi đây trở thành một địa điểm yêu thích của giới điện ảnh. Petra đã từng được chọn để quay các bộ phim như ‘Indiana Jones and the Last Crusade’ (tạm dịch là: “Indiana Jones và cuộc thập tự chinh cuối cùng”), ‘Return of the Mummy and Aladdin’ (tạm dịch là: ‘Xác ướp trở lại và Aladdin’).
Năm 1985, thành phố được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Năm 2007 thành phố trở thành một trong Bảy kỳ quan mới của thế giới, một công trình khiến công chúng phải trầm trồ thán phục.
Thanh Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại Epoch Times Pháp ngữ