Pakistan sẽ nhập cảng lúa mì, khí đốt từ Nga
ISLAMABAD – Hôm thứ Hai (28/02), Thủ tướng Pakistan Imran Khan thông báo nước ông sẽ nhập cảng khoảng 2 triệu tấn lúa mì từ Nga và mua khí đốt tự nhiên cũng như tuân theo các thỏa thuận song phương mà hai bên đã ký hồi tuần trước trong chuyến công du chính thức của ông tới Moscow.
Ông Khan đã tiếp tục chuyến thăm hai ngày và gặp Tổng thống Vladimir Putin tại Điện Kremlin vào thứ Năm (24/02), vài giờ sau khi các lực lượng Nga xâm lược Ukraine, trong khi các nước phương Tây đang thúc đẩy cô lập nhà lãnh đạo Nga này vì các hành động của ông ấy.
Hôm thứ Hai, thủ tướng Pakistan đã bảo vệ chuyến đi của mình và đáp lại những người chỉ trích trong một bài diễn văn trên truyền hình trước toàn quốc, nói rằng các lợi ích kinh tế của Pakistan đòi hỏi ông phải làm như vậy.
“Chúng tôi đến đó vì chúng ta phải nhập khẩu 2 triệu tấn lúa mì từ Nga. Thứ hai, chúng tôi đã ký các thỏa thuận với họ để nhập cảng khí đốt tự nhiên vì trữ lượng khí đốt của bản thân Pakistan đang cạn kiệt,” ông Khan nói.
“Inshallah (Lạy Chúa lòng lành), thời gian sẽ cho thấy chúng ta đã có những cuộc thảo luận tuyệt vời,” nhà lãnh đạo Pakistan này nói, đề cập đến cuộc gặp kéo dài 3 giờ của ông với ông Putin. Ông đã không chia sẻ thêm chi tiết.
Tuy nhiên, các nhà phê bình tỏ ra nghi ngờ về sự hợp tác kinh tế Moscow-Islamabad, với lý do các biện pháp trừng phạt quốc tế cứng rắn hơn nhằm vào Nga sau cuộc xâm lược Ukraine.
Hôm thứ Năm, ông Putin đã tiếp ông Khan tại Điện Kremlin trước ống kính máy quay một cách nồng nhiệt, bắt tay và ngồi ngay cạnh vị khách này vì những gì các quan chức Pakistan nói là những thảo luận trên phạm vi rộng về các vấn đề song phương, khu vực và quốc tế.
“Thủ tướng lấy làm tiếc về tình hình mới nhất giữa Nga và Ukraine và nói rằng Pakistan đã hy vọng ngoại giao có thể ngăn được cuộc xung đột quân sự,” một tuyên bố sau cuộc gặp dẫn lời ông Khan nói với ông Putin.
Các quan chức Pakistan và bản thân ông Khan khẳng định rằng chuyến thăm Moscow đã được lên kế hoạch từ lâu trước khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra và chỉ nhằm mục đích xem xét lại các mối quan hệ thương mại song phương, bao gồm cả hợp tác năng lượng.
Các nhà phân tích cho rằng mối quan hệ lạnh nhạt của Pakistan với Hoa Kỳ đã đẩy quốc gia Nam Á này xích lại gần các nước láng giềng lớn là Trung Quốc và Nga hơn trong những năm gần đây.
Sau khi phái đoàn [của ông Khan] trở về Pakistan, Ngoại trưởng Shah Mehmood Qureshi, người tháp tùng ông Khan trong chuyến thăm này, cho biết Hoa Thịnh Đốn đã liên lạc với Islamabad trước chuyến công du Moscow này.
“[Các quan chức Hoa Kỳ] đã trình bày quan điểm của họ và chúng tôi giải thích cho họ mục đích của chuyến đi và tiếp tục tiến hành nó,” ông Qureshi nói với các phóng viên khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có phản đối chuyến thăm. “Tôi bị thuyết phục sau chuyến thăm này rằng chúng tôi đã làm đúng.”
Nói về chuyến đi của ông Khan đến Nga, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, khi được hỏi về việc này, đã cho biết Hoa Thịnh Đốn tin rằng Pakistan, giống như “mọi quốc gia có trách nhiệm”, sẽ lên tiếng phản đối các hành động của ông Putin.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Pakistan đã tránh chỉ trích sự can thiệp quân sự của Nga vào Ukraine và nhấn mạnh cần thiết phải tìm kiếm một giải pháp điều đình cho cuộc khủng hoảng này.
Islamabad cũng đã phát triển quan hệ kinh tế và quân sự chặt chẽ với Ukraine trong những năm gần đây, với việc Pakistan là một nước nhập cảng lúa mì chính của Ukraine.
Ông Qureshi đã nói chuyện với Ngoại trưởng Dmytro Kuleba của Ukraine hôm Chủ Nhật (27/02) và nhắc lại việc Islamabad “rất quan tâm đến tình hình, nêu bật tầm quan trọng của việc giảm leo thang, và nhấn mạnh không thể bỏ qua ngoại giao.”
Pakistan đã đứng về phía Hoa Kỳ trong Chiến Tranh Lạnh và đóng một vai trò quan trọng trong việc trang bị vũ khí cũng như huấn luyện khả năng kháng cự do Hoa Thịnh Đốn tài trợ để chống lại sự chiếm đóng hàng thập niên của Liên Xô ở nước láng giềng Afghanistan trong những năm 1980.
Mặc dù các mối quan hệ thường không mấy dễ chịu của Islamabad với Hoa Thịnh Đốn gần đây trở nên căng thẳng do nước này đang hậu thuẫn cho lực lượng Hồi giáo Taliban ở Afghanistan, nhưng quan hệ giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ đã củng cố vững chắc trong những năm gần đây do có những lo ngại chung xuất phát từ ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Ấn Độ, địch thủ của Islamabad, đã có quan hệ chặt chẽ với Nga trong Chiến Tranh Lạnh, vì Moscow là nước xuất cảng vũ khí lớn cho New Delhi.
Tuy nhiên, Moscow đã khôi phục quan hệ với Islamabad trong những năm gần đây. Hai nước này thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung và đang nỗ lực làm sâu sắc hơn hợp tác năng lượng để giúp Pakistan khắc phục tình trạng thiếu hụt.
Trong bài diễn văn hôm thứ Hai, ông Khan nhắc lại rằng quyết định của Pakistan tham gia cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu ở Afghanistan là kết quả của “chính sách ngoại giao sai lầm” của những người tiền nhiệm.
“Tôi đã khẳng định ngay từ ngày đầu rằng lẽ ra chúng ta không nên tham gia [vào cuộc chiến do Hoa Kỳ lãnh đạo],” ông nói, và nói thêm rằng Pakistan đã phải gánh chịu 80,000 thương vong vì một cuộc trả đũa của lực lượng Hồi giáo và bị thiệt hại kinh tế hàng tỷ USD.
“Phần đáng xấu hổ nhất là việc một quốc gia đang chiến đấu để ủng hộ một quốc gia đang đánh bom mình,” ông Khan nói, ý nói đến các cuộc tấn công bằng phi cơ không người lái của Hoa Kỳ nhằm vào những nơi ẩn náu được nghi là của phiến quân ở các khu vực của Pakistan gần biên giới Afghanistan.
Ông Khan cũng tuyên bố cắt giảm giá nhiên liệu và giá điện để giúp bù đắp cho việc giá tăng quá cao trên thị trường dầu mỏ toàn cầu do xung đột Nga-Ukraine.
Ông hứa sẽ giữ ổn định mức giá mới này cho đến khi có ngân sách tiếp theo vào tháng Sáu. Các nhà phê bình cho rằng biện pháp này có thể xuất phát từ các cuộc biểu tình phản đối của phe đối lập về việc lạm phát gia tăng được các quan chức đổ lỗi cho sự bùng phát virus corona và những cải cách kinh tế mạnh mẽ mà chính phủ đang thực hiện với gói cứu trợ 6 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Do Ayaz Gul của Voice of America thực hiện
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: