Oracle đối đầu Google: Bảo vệ quyền cơ bản của Hiến Pháp
Trong tuần 5-11/10/2020, Tối cao Pháp viện bắt đầu lắng nghe các tranh luận về một vụ việc mà có khá ít người dân Hoa Kỳ biết hay quan tâm đến, nhưng họ nên quan tâm. Hai công ty công nghệ khổng lồ đang tranh cãi với nhau trong một vụ việc đã kéo dài một thập kỷ liên quan đến mã nguồn phần mềm bị sao chép và yêu cầu bồi thường thiệt hại lên tới 9 tỷ USD.
Đầu tiên, tôi muốn chỉ ra rằng sở hữu trí tuệ (SHTT), bao gồm bảo vệ bản quyền, được coi là quan trọng đến mức tại thời kỳ thành lập Hoa Kỳ ban đầu, những người lập quốc của Hoa Kỳ đã đưa nó vào điều I, mục 8, khoản 8: “Để thúc đẩy tiến bộ của khoa học và nghệ thuật hữu ích, các tác giả và nhà phát minh sẽ có một thời gian giới hạn trong việc sở hữu độc quyền đối với các tác phẩm và phát minh của họ.”
Trong những năm gần đây, các công ty công nghệ lớn đã phàn nàn rằng luật SHTT ngăn cản sự sáng tạo. Họ đã chi tiền hào phóng để vận động Nghị viện làm suy yếu luật SHTT nhằm “giúp đỡ những người thấp cổ bé họng”. Hoặc có thể nói theo cách khác, một số công ty lớn nhất trong lịch sử, được thành lập bởi những sinh viên Harvard bỏ học, sinh viên tốt nghiệp Stanford, một anh mọt sách, và hai anh kỹ thuật viên từ trong gara để xe. Luật SHTT dường như không ảnh hưởng đến họ khi họ mới khởi nghiệp và khi nộp các bằng sáng chế, nhưng không hiểu sao, họ thấy có vấn đề sau khi đã đạt được hàng tỷ USD doanh thu.
Trong vụ kiện ban đầu, Google cho biết rằng họ đã sao chép từ Oracle 37 cấu phần của mã nguồn phần mềm còn được gọi là giao diện chương trình ứng dụng hay “API”. Đây là các chỉ thị máy tính cho phép một chương trình giao tiếp với các chương trình khác. Nhà sản xuất của chương trình công bố các đặc tả về cách sử dụng các API, cho phép các chương trình khác giao tiếp với nó. Họ giữ bí mật mã nguồn phần mềm trừ các API mà họ phải đưa ra công khai để các lập trình viên sử dụng chúng.
Vì vậy, bản quyền là sự bảo vệ duy nhất của họ. Giống như một cuốn tiểu thuyết bí mật không bán bất kỳ bản sao nào, vì vậy các tiểu thuyết được bảo vệ bản quyền để có thể phân phối công khai nhưng vẫn được bảo vệ khỏi việc bị sao chép.
Trong các email, những quản lý cấp cao của Google cho thấy họ đã cố gắng có giấy phép sử dụng phần mềm của Oracle nhưng không đạt được thỏa thuận về giá. Vì vậy, họ đã quyết định đơn giản là sao chép phần mềm. Một quản lý cấp cao hỏi, liệu như vậy có phải là vi phạm giấy phép sử dụng phần mềm? Có lẽ vậy, một người khác đã trả lời. Nhưng họ vẫn tiếp tục thực hiện.
Đầu tiên, Google cho rằng 37 API này không áp dụng bản quyền được. Rốt cuộc, số 37 có vẻ không phải là một con số lớn. Nhưng luật quy định rõ ràng là ăn trộm một chiếc tivi và ăn trộm một dây chuyền kim cương cùng đều là hành vi ăn trộm. Hình phạt có thể khác nhau, nhưng đó là vấn đề khác. Và 37 API đó thực ra bao gồm khoảng 11,500 dòng mã máy tính đã bị sao chép.
Tại sao Google lại sao chép các API? Bởi vì Sun Microsystems (sau này được Oracle mua lại) đã tạo ra Java, ngôn ngữ lập trình máy tính phổ biến nhất trên thế giới. Google muốn tạo ra hệ điều hành Android cho điện thoại di động để cạnh tranh với điện thoại iPhone của Apple, lúc đó đã đang là một thành công lớn. Để đẩy nhanh việc phát triển, Google cần những API mà các lập trình viên đã quen để họ có thể mang những ứng dụng Java sẵn có của họ lên Android. Điều này đã cung cấp cho Google một bộ các ứng dụng có thể hoạt động ngay lập tức. Google nói rằng họ không sao chép mã máy tính của Oracle, thì giống như Google bảo, “Tôi không lấy cắp đồ của quý vị, tôi chỉ sao chép các chìa khóa của quý vị và đưa chúng cho tất cả các bạn bè của tôi. Nếu họ sao chép đồ của quý vị, đấy không phải là lỗi của tôi.”
Ban đầu, bồi thẩm đoàn kết luận Google có tội, nhưng trong một trường hợp hiếm hoi, Thẩm phán William Alsup đã bỏ qua bồi thẩm đoàn. Khi Oracle kháng cáo vụ kiện, tòa phúc thẩm đã đồng ý với kết luận của bồi thẩm đoàn.
Nhưng sau đó Google thừa nhận rằng họ đã sao chép mã nguồn, nhưng cho rằng việc đó là “sử dụng một cách hợp lý,” một thuật ngữ pháp lý để chỉ việc sao chép những tài liệu có bản quyền và không có sự đồng ý, nhưng vẫn hợp pháp. Tòa phúc thẩm sau đó đã ra lệnh xét xử mới về yêu cầu sử dụng một cách hợp lý.
Sử dụng một cách hợp lý
Có 4 tiêu chí cho việc sử dụng một cách hợp lý. Đầu tiên, sản phẩm có bản quyền đó có thay đổi sau khi bị sao chép không? Không, Google cần giữ nguyên các API không thay đổi để tương thích các phần mềm Java đã sẵn có.
Thứ hai, việc sao chép có phục vụ cho mục đích tốt? Thì có thể được coi là sử dụng một cách hợp lý. Nó được sử dụng cho các mục đích phi thương mại? Google cho là như vậy, nhưng liệu lập luận đó có thực sự phù hợp với một công ty có doanh thu 161 tỷ USD vào năm ngoái? Nó mang tính giáo dục? Google đã cố gắng tránh việc các lập trình viên phải học cách sử dụng các API mới. Nó có vì lợi ích cộng đồng? Google cho rằng họ có: Họ cung cấp các API miễn phí cho bất kỳ ai sử dụng. Lập luận đó giống như việc tôi đánh cắp tivi, nhưng tôi để giữa quảng trường để ai cũng có thể xem nó. Đó vẫn là hành vi trộm cắp.
Thứ ba, có bao nhiêu phần bị sao chép? Nếu số lượng bị sao chép là không đáng kể, đó có thể được coi là sử dụng một cách hợp lý. Google cho rằng chỉ có một số lượng nhỏ các dòng mã lệnh bị sao chép, so với tổng thể chương trình đầy đủ. Tuy nhiên, việc sao chép không được đánh giá bằng số lượng mà là bằng mức độ ảnh hưởng. Sao chép một cuốn sách từ một thư viện sách là một tỷ lệ nhỏ, nhưng vẫn là vi phạm bản quyền.
Thứ tư, tác động như thế nào đến thị trường? Nếu việc sao chép chỉ có ảnh hưởng không đáng kể đến toàn bộ thị trường, thì có thể được coi là sử dụng một cách hợp lý. Android rõ ràng đã tạo ảnh hưởng rất to lớn trên thị trường, chiếm gần 90% toàn bộ thị trường điện thoại di động toàn cầu.
Trong phiên tòa mới, bồi thẩm đoàn đã quyết định đó là sử dụng một cách hợp lý và Google đã được minh oan. Nhưng trong phiên tòa phúc thẩm, các thẩm phán thừa nhận đây là một quyết định trái pháp luật và đảo ngược nó. Google đã kháng cáo quyết định này lên Tối cao Pháp viện, nơi các tranh luận đang diễn ra trong tuần 05-11/10/2020.
Tại sao quý vị lại nên quan tâm đến vụ kiện này? Đây không phải là việc hai công ty công nghệ khổng lồ đang tranh chấp về một phần mềm nào đó? Nó có ảnh hưởng gì đến cuộc sống của quý vị? Nó có ảnh hưởng, bởi vì sở hữu trí tuệ là chìa khóa cho sự thành công của Hoa Kỳ. Những người lập quốc đã không đưa các vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ vào Hiến pháp chỉ để cho vui. Họ nhận ra rằng mỗi nhà sáng tạo cần được bảo vệ cho những sáng tạo của họ. Họ cũng nhận ra rằng những bảo vệ đó là quan trọng nhất đối với những nhà phát minh, tác giả, và nghệ sĩ để các tác phẩm của họ không bị những người có quyền lực hay giàu có chèn ép.
Khi tồn tại những rào cản đối với phụ nữ và những người thiểu số ở Hoa Kỳ, hệ thống bằng sáng chế đã được sử dụng như một công cụ để cân bằng lại. Vào năm 1809, trước khi phụ nữ có quyền bỏ phiếu, bà Mary Dixon Kies đã nhận được bằng sáng chế quan trọng cho phương thức dệt mũ mới. Vào năm 1821, trong khi người da đen vẫn là nô lệ ở phần lớn Hoa Kỳ, người Mỹ gốc Phi Thomas L. Jennings đã nhận được bằng sáng chế cho việc giặt khô và đã khởi đầu kinh doanh thành công. Ông đã sử dụng lợi nhuận để chuộc vợ và các con khỏi chế độ nô lệ và đóng góp số tiền còn lại cho các hoạt động chấm dứt chủ nghĩa nô lệ.
Trong một trường hợp hiếm, và không may chính là vụ kiện này, là ví dụ về sự hợp tác giữa hai đảng vào năm 2011, Quốc hội đã thông qua Đạo luật Phát minh của Hoa Kỳ, sau khi các công ty công nghệ lớn vận động hành lang, tước bỏ quyền của người phát minh và đưa nó cho người vi phạm bằng sáng chế. Kể từ đó, các tòa án đã liên tục giảm bớt các quyền của người phát minh. Đấy là lý do tại sao vụ kiện tuần này lại quan trọng và ảnh hướng đến những người sáng tạo cá nhân và doanh nghiệp nhỏ hơn là việc hai công ty lớn đang tranh cãi trước tòa.
Nếu chúng ta muốn duy trì lợi thế sáng tạo của mình, và hỗ trợ các nghệ sĩ, nhà phát minh, và các tác giả, chúng ta nên hy vọng rằng tòa án sẽ giữ nguyên phán quyết có lợi cho Oracle.
Công bố công khai: Tôi làm chứng cho Oracle với tư cách là chuyên gia trong lĩnh vực sử dụng một cách hợp lý. Tôi được thuê trong đó có một phần là viết các bài để bảo vệ mạnh mẽ các quyền sở hữu trí tuệ.
Bob Zeidman là một người sáng tạo trong lĩnh vực pháp lý phần mềm và là sáng lập viên của nhiều công ty công nghệ thành công ở Silicon Valley, bao gồm Zeidman Consulting và Software Analysis and Forensic Engineering. Sáng tạo mới nhất của ông là Good Beat Poker, phương thức mới để chơi và xem poker trực tuyến. Ông là tác giả của một số cuốn sách về kỹ thuật và sở hữu trí tuệ, cũng như kịch bản và tiểu thuyết. Tiểu tuyết mới nhất của ông là cuốn châm biếm chính trị “Những mục đích tốt.”
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tác giả: Bob Zeidman, THE EPOCH TIMES