OPEC+ đồng ý tăng cường sản xuất để bù đắp sự sụt giảm sản lượng dầu của Nga
Tổ chức các quốc gia sản xuất dầu mỏ và các nước đồng mình, còn gọi là OPEC+, đã đồng ý bơm thêm dầu vào tháng Bảy và tháng Tám, đáp ứng yêu cầu trong nhiều tháng của Hoa Kỳ và các nước khác nhằm thúc đẩy sản xuất để hạ nhiệt giá dầu thô tăng cao gây ra cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt trong bối cảnh lạm phát tăng vọt.
Tổ chức này cho biết trong một tuyên bố hôm 02/06 rằng họ đã đồng ý tăng sản lượng dầu thô lên 648,000 thùng/ngày (bpd) trong tháng Bảy và một lượng tương tự vào tháng Tám. Cao hơn 216,000 thùng/ngày so với kế hoạch sản xuất ban đầu, nhằm tăng thêm 432,000 thùng/ngày vào tổng sản lượng của OPEC+ trong 3 tháng cho đến tháng Chín.
Các hành động này được đưa ra sau một chiến dịch dài hơi do Hoa Kỳ dẫn đầu nhằm thuyết phục OPEC+ bơm thêm dầu trong nỗ lực bình định giá dầu thô đang tăng cao, cũng là yếu tố đẩy lạm phát tăng lên cao chóng mặt và khiến giá xăng dầu tăng vọt.
Tòa Bạch Ốc đã ca ngợi quyết định này, lưu ý sự xuất hiện của “các điều kiện thị trường mới” đối với dầu thô, một nguyên nhân có thể là do Nga, một đồng minh của OPEC +, đã giảm sản lượng. Sản lượng dầu thô của Nga đã giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày sau các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow vì cuộc xâm lược Ukraine.
Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre cho biết trong một tuyên bố: “Hoa Kỳ hoan nghênh quyết định quan trọng hôm nay của OPEC+ là tăng nguồn cung hơn 200,000 thùng/ngày trong tháng Bảy và tháng Tám dựa trên các điều kiện thị trường mới”, trong đó có sự đồng tình với Saudi Arabia vì đã “đạt được sự đồng thuận này giữa các thành viên trong nhóm.”
Saudi Arabia, là nước chủ trì OPEC + và là nhà sản xuất dầu lớn nhất trong tổ chức này, có khả năng chiếm phần lớn trong mức tăng này. Nước này trước đó đã phát đi tín hiệu rằng họ có thể sẵn sàng bơm thêm dầu để bù đắp sự thiếu hụt sản lượng của Nga. Sản lượng dầu thô của Nga trong tháng Tư ở mức khoảng 9.3 triệu thùng/ngày, thấp hơn mục tiêu của OPEC+ là 10.44 triệu thùng/ngày.
Quyết định của tổ chức này được đưa ra vài tuần trước chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Joe Biden tới Saudi Arabia sau hai năm căng thẳng giữa Hoa Thịnh Đốn và Riyadh vì những bất đồng về cuộc chiến ở Yemen cũng như hồ sơ nhân quyền của Vương quốc này.
Tuyên bố của Tòa Bạch Ốc cũng ghi nhận “những nỗ lực và đóng góp tích cực của UAE, Kuwait và Iraq” đồng thời cam kết rằng chính phủ ông Biden sẽ “tiếp tục sử dụng toàn bộ công cụ trong tay chúng tôi để giải quyết áp lực giá năng lượng.”
Ông Biden, người đang phải đối mặt với vô số chỉ trích từ các địch thủ chính trị của mình về giá xăng dầu tăng vọt và lạm phát cao nói chung, đã tìm cách đổ lỗi cho các yếu tố như “sự tăng giá của ông Putin” và ngành công nghiệp dầu mỏ Hoa Kỳ “tăng giá cắt cổ”.
Trong khi ông Biden ra lệnh giải phóng dự trữ dầu thô từ kho dự trữ chiến lược quốc gia, điều này chỉ có ảnh hưởng tạm thời.
Một số chuyên gia và các nhân vật trong ngành đã đổ lỗi cho nghị trình khí hậu không khuyến khích đầu tư vào các dự án cung cấp dầu mới của ông Biden và vì vậy đã kìm hãm các sáng kiến có thể làm giảm giá thực sự.
Ông Dan Eberhart, Giám đốc điều hành của Canary, một trong những công ty dịch vụ mỏ dầu tư nhân lớn nhất ở Hoa Kỳ, đã viết trong một bài báo gần đây trên Forbes rằng ông Biden “đang chịu áp lực nặng nề về việc phải ‘làm điều gì đó’ để giảm giá năng lượng, nhưng phương án thì không có nhiều, còn Tòa Bạch Ốc trông có vẻ hoang mang lạc lõng khi nói đến thị trường dầu mỏ.”
Ông nói, “Trong khi đó, ông Biden tiếp tục thúc đẩy nghị trình khí hậu của mình, chặn các đường ống, buộc các công ty phải tăng cường tiết lộ lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, và trì hoãn cho thuê dầu khí mới trên các vùng đất liên bang.”
Ông nói: “Điều này gửi đi một thông điệp sai lầm đến ngành công nghiệp dầu mỏ khi nói đến các khoản đầu tư mới vào các dự án cung cấp,” ông nói, lập luận rằng chính phủ ông Biden nên chấp nhận rằng quá trình chuyển đổi năng lượng carbon thấp sẽ mất nhiều thời gian và rằng nhiên liệu hóa thạch sẽ “đóng một vai trò to lớn trong nền kinh tế của chúng ta trong nhiều thập niên tới.”
“Chúng ta sẽ phải chống chọi với giá cao, chừng nào chúng ta cùng nhau chấp nhận điều này và thúc đẩy các khoản đầu tư cao hơn, có trách nhiệm hơn vào nguồn cung cấp mới.”
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’