Ông Trump cân nhắc cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu để phục hồi kinh tế
Tổng thống Donald Trump cho biết ông đang xem xét cắt giảm thuế lợi vốn và thuế thu nhập cho “tầng lớp trung lưu” để vực dậy nền kinh tế đang bị sụt giảm do đại dịch.
Hôm 10/8, ông Trump phát biểu tại Tòa Bạch Ốc rằng: “Chúng tôi cũng đang xem xét việc cắt giảm thuế lợi vốn, điều này sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn”.
Phát biểu của tổng thống được đưa ra vài ngày sau khi ông ký một loạt sắc lệnh hành pháp để gia hạn gói trợ cấp thất nghiệp bổ sung, hoãn thuế trả lương và các khoản vay học phí đại học liên bang, đồng thời kéo dài thời gian tạm hoãn trục xuất, sau khi các cuộc đàm phán về gói trợ cấp COVID-19 bổ sung giữa quốc hội và chính phủ bị dừng lại.
Ông Trump phát biểu: “Sẽ xem xét rất nghiêm túc về việc cắt giảm thuế lợi vốn và thuế thu nhập cho các gia đình tầng lớp trung lưu”, và sau đó bổ sung: “Tôi nghĩ việc này sẽ rất tốt. Phần tiết kiệm của thuế lợi vốn sẽ được nhiều người tận dụng, và thuế lợi vốn và thuế thu nhập cho tầng lớp trung lưu cũng sẽ được cắt giảm”.
Các nhà kinh tế học vẫn còn đang tranh luận về tác động đối với nền kinh tế của việc cắt giảm thuế lợi vốn, hiện là 20% ở Hoa Kỳ. Các mô hình kinh tế truyền thống dự đoán việc này sẽ dẫn đến tăng nguồn vốn đầu tư và việc làm.
Những người phản đối cho rằng việc này có tác động không đáng kể tới giới nhà giàu, làm giảm nguồn thu ngân sách và có ít hiệu quả ghi nhận được đối với nguồn vốn đầu tư và tạo ra việc làm. Những người ủng hộ nói rằng điểm lợi từ chính sách này là thuế lợi vốn đã phổ biến rộng rãi khi nhiều người dân Hoa Kỳ đầu tư vào thị trường chứng khoán. Họ cũng chỉ ra bằng chứng cho thấy khi thuế thu lợi vốn được cắt giảm từ 28% xuống 20% vào năm 1997, dòng vốn ngân sách đã tăng từ 62 tỷ USD năm 1996 lên 79 tỷ USD năm 1997, lên 89 tỷ USD năm 1998, và 109 tỷ USD năm 1999. Về việc thúc đẩy đầu tư, một nghiên cứu gần đây của Đại học Princeton đã kết luận: “Tổng hợp lại, các kết quả thu được nhất quán với các mô hình ‘kinh tế truyền thống’ trong việc dự đoán rằng thuế lợi vốn thấp sẽ làm tăng tỷ suất lợi nhuận đầu tư và thúc đẩy việc đầu tư vào vốn chủ sở hữu”.
Ông Trump đã ký sắc lệnh hành pháp về thuế lương bổng vào ngày 8/8, theo đó phần thuế này sẽ được hoãn từ ngày 1/8 đến hết năm. Các nghĩa vụ thuế vẫn cần được thanh toán sau kỳ hạn trên, việc này tương đương với một khoản vay không lãi suất, vẫn cần phải trả sau đó. Tuy nhiên, ông Trump nói rằng ông sẽ yêu cầu Quốc hội gia hạn hoặc xóa những khoản nợ thuế đó.
Việc hoãn thuế lương bổng 6.2% đối với nhân viên trong ba tháng cuối năm nay có nghĩa là khoản thanh toán lên tới 100 tỷ đô la cho Quỹ Ủy thác An sinh Xã hội có thể sẽ bị trì hoãn, theo ước tính của Committee For A Responsible Federal Budget, một tổ chức nghiên cứu chính sách công độc lập vốn ủng hộ việc giảm thâm hụt của chính phủ.
Những người chỉ trích, bao gồm Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ và Hạ nghị sĩ John Larson (Dân chủ-Connecticut), chủ tịch tiểu ban Tài chính và Thuế vụ giám sát chương trình hưu trí, cho rằng với việc hoãn thuế trả lương, ông Trump đang phá hoại An sinh xã hội.
“Những gì việc đó làm là cắt giảm An sinh xã hội”, ông Larson phát biểu và nói thêm rằng tổng thống “đang phá hoại An sinh xã hội và phá vỡ lời hứa của ông ấy. … Ông ta sẽ nói, ‘Tôi không làm bất cứ điều gì liên quan đến An sinh xã hội, tôi chỉ hoãn việc này,’ nhưng việc đó rõ ràng như lòng bàn tay của tôi”.
Tòa Bạch Ốc cho biết Bộ Tài chính sẽ đảm bảo Quỹ Ủy thác An sinh Xã hội được an toàn, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Judd Deere đã phản bác lại những lời chỉ trích, và nói: “Việc hoãn thuế lương bổng không gây rủi ro cho Quỹ Ủy thác An sinh Xã hội và đưa thêm tiền vào túi của những người dân Hoa Kỳ chăm chỉ, trong khi chúng ta chiến đấu để chấm dứt đại dịch từ Trung Quốc này, và xây dựng lại nền kinh tế một cách vững chắc”.
Ông Trump nói với các phóng viên hôm 10/8 rằng việc trì hoãn hoặc cắt giảm vĩnh viễn thuế lương bổng sẽ không ảnh hưởng đến An sinh xã hội.
Theo lời ông Trump thì “những gì chúng tôi đang làm là chúng tôi hoàn trả thông qua quỹ chung, chứ không phải thông qua An sinh xã hội. Việc này sẽ không ảnh hưởng đến An sinh xã hội”.
Tác giả: Tom Ozimek