Ông Tập xuôi nam đến Thâm Quyến: Việc xây dựng một khu kiểu mẫu mới của CNXH là ảo tưởng
Chủ tịch nước của Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham dự sự kiện kỷ niệm 40 thành lập Đặc khu Thâm Quyến. Đối với kế hoạch Trung Quốc muốn xây dựng Thâm Quyến thành cái gọi là “Khu kiểu mẫu mới của Chủ nghĩa Xã hội” thì giới phân tích cho rằng, đây là một ảo tưởng không thực tế, trong tình hình quốc tế hiện nay, ngay cả vấn đề cơ bản nhất là tự do ngôn luận và hệ thống pháp luật hiện hành thì Thâm Quyến đều không cách nào hội nhập cùng các nước phương Tây, như vậy các nhà tư bản quốc tế cũng sẽ không vào Thâm Quyến.
Ngày 12/10, ông Tập Cận Bình đến thành phố Triều Châu, tỉnh Quảng Đông. Theo tin tức của hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc, sáng ngày 14/10 ông Tập sẽ đến Thâm Quyến tham gia và phát biểu tại lễ chào mừng kỷ niệm 40 năm thành lập Đặc khu kinh tế này.
Vào ngày 11/10, trước khi ông Tập đi xuống phía nam, Ủy Ban Trung ương và Văn phòng Chính phủ Trung Quốc đã cao giọng đề xuất “phương án Thâm Quyến thực thi thí điểm cải cách tổng hợp xây dựng khu kiểu mẫu tiên tiến Chủ nghĩa Xã hội mang đặc sắc Trung Quốc giai đoạn 2020 – 2025”, cũng yêu cầu các ban ngành liên quan ở các nơi thực hiện, nhấn mạnh rằng đây là quyết định và quyết sách quan trọng của Tập Cận Bình đưa ra một năm trước đây nhằm hỗ trợ Thâm Quyến xây dựng cái gọi là Khu kiểu mẫu tiên tiến Chủ nghĩa Xã hội mang đặc sắc Trung Quốc.
Các phương tiện truyền thông của Trung Quốc lấy chủ đề như “Trung ương tặng một gói quà lớn siêu cấp – Thâm Quyến xôn xao”, v.v. để tiến hành tuyên truyền kế hoạch nói trên với quy mô rộng lớn. Được biết, kế hoạch cải cách xây dựng Thâm Quyến thành khu kiểu mẫu gồm có hỗ trợ Thị trường Doanh nghiệp Tăng trưởng (Growth Enterprise Market-GEM) của Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến, thử thi hành tiền kỹ thuật số, cấp tỉnh được giao nhiều quyền tự trị hơn trong quản lý và thi hành.
“Mang đến một số ảo tưởng không thực tế cho vùng Đồng bằng Châu Giang”
Đặc khu kinh tế Thâm Quyến là một trong những đặc khu đầu tiên được Trung Quốc thành lập khi mở cửa với thế giới, đồng thời vào năm 2019 Trung Quốc cũng đã ban hành kế hoạch hỗ trợ Thâm Quyến xây dựng “Khu kiểu mẫu tiên tiến của Chủ nghĩa Xã hội mang đặc sắc Trung Quốc”. Việc bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Đặc khu kinh tế Thâm Quyến lần này của Tập Cận Bình là đang muốn phát đi một thông điệp gì, đang trở thành tiêu điểm chú ý của ngoại giới.
Một vị thuộc giới trí thức thượng lưu Bắc Kinh giấu tên đã thông qua mạng xã hội nói với phóng viên The Epoch Times rằng: “Chủ tịch nam tiến, lịch cứ lùi lại mãi, cuối cùng cũng coi như đã đi một chuyến nhưng quá muộn”, mang đến một số ảo tưởng không thực tế cho phát triển kinh tế vùng đồng bằng Châu Giang vốn đang lâm vào suy thoái. Trong lúc tình hình Hồng Kông đang hỗn loạn, đội quân đi đầu trong cải cách mở cửa là Thâm Quyến muốn giương cao ngọn cờ ‘Đặc khu kiểu mẫu tiên tiến của Chủ nghĩa Xã hội’ và tiếp tục lừa gạt giới đầu tư trong và ngoài nước, như vậy hiển nhiên sẽ không đạt được mục tiêu như mong muốn.”
Vị này cho rằng: “Đơn giản là mượn cớ để mở rộng địa bàn cho Thâm Quyến, tăng thêm quyền lực và tăng quyền tăng cấp cho một số quan chức, đầu cơ giá nhà đất ở Huệ Châu và Đông Quản, kéo dài tình trạng giá cao của nhà đất ở Thâm Quyến. Nhưng hình thế quốc tế không còn như trước đây, sau khi Hồng Kông bị Trung Quốc dùng bạo lực phá hủy, [Trung Quốc] dù lần nữa sử dụng nguồn lực quốc gia để hỗ trợ Thâm Quyến thì cũng không thể khiến cho các nhà tư bản quốc tế an tâm đầu tư vào đây nữa. Cùng với kết quả của cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ, mối quan hệ Trung Quốc – Hoa Kỳ dần rõ ràng, nếu như [quan hệ hai nước] ngày càng xấu đi, phát triển kinh tế của vùng đồng bằng Châu Giang đã khó lại càng trì trệ thêm, nếu chỉ đơn thuần kích thích Thâm Quyến cũng không giải quyết được vấn đề gì.”
Vị này còn cho biết thêm, hiện nay cái gọi là Chủ nghĩa Xã hội chẳng qua là treo đầu dê, trên thực chất nó là một Chủ nghĩa Tư bản quan lại quyền quý dị dạng, chỉ có bộ phận cực nhỏ quan lại quyền quý này là hưởng lợi từ sự thịnh vượng và phát triển, còn những người phải trả giá là tuyệt đại đa số người dân.
“Nếu không có pháp trị và tự do ngôn luận thì đều là lời nói suông”
Nhà bình luận chính trị Lý Lâm gần đây đã bày tỏ với phóng viên The Epoch Times rằng, hiện giờ Tập Cận Bình muốn dùng Thâm Quyến để kéo theo sự phát triển kinh tế của toàn bộ Quảng Đông, Hồng Kông, Ma Cao. Thâm Quyến được coi như một trong những điểm dựa quan trọng nhất để kéo theo Hồng Kông, Quảng Châu, kéo theo toàn bộ Quảng Đông phát triển, biến Thâm Quyến trở thành một hình mẫu, một mô hình kiểu mẫu được xây dựng thành công dưới thể chế Chủ nghĩa Xã hội, để quốc tế nhìn nhận và thu hút các nguồn vốn từ nước ngoài không ngừng đầu tư vào Trung Quốc. Trong tương lai, ông Tập còn muốn nhân rộng mô hình này ra toàn quốc, và tin rằng làm thế thì hết thảy sẽ thành công.
Ông nói, đặc biệt là trong tình thế hiện nay, Hoa Kỳ càng ngày càng tăng cường áp chế Trung Quốc, thì mục đích chính của Tập Cận Bình chính là như vậy.
Nhưng ông cũng cho rằng, ở trong Vùng Vịnh Lớn Quảng Đông – Hồng Kông – Ma Cao, việc để Hồng Kông đóng vai trò phụ trợ và đẩy Thâm Quyến lên vai trò chủ đạo là một việc làm đảo lộn, căn bản không phải là Trung ương chỉ đưa ra chính sách cho Thâm Quyến thì liền có thể thực hiện được ngay.
Ông nói: “Bởi vì nếu muốn toàn bộ kinh tế của Thâm Quyến phát triển nhảy vọt hoàn toàn, không phải chỉ dựa vào chính sách của Trung Quốc là có thể thực hiện được, mà nền pháp trị còn phải theo kịp, nếu không một khi ở đó xảy ra tranh chấp thương mại thì nên xử lý như thế nào đây? Trung Quốc vẫn sẽ áp dụng theo luật pháp vốn có để xử lý, và ngay lập tức một gậy đập chết toàn bộ vốn đầu tư nước ngoài. Với nền pháp trị như vậy, các đối tác căn bản là không thèm quan tâm đến, không có sự lưu thông tài chính thực sự, người ta cũng không dám đầu tư vào.”
“Lại thêm ngôn luận cũng không được tự do, sau khi tôi đến với anh thì tôi bị cô lập với toàn thế giới, mạng internet này bị cấm, kênh xã hội kia cũng bị chặn, muốn tìm kiếm chút tin tức cũng tìm không được.”
Ông Lý Lâm còn cho rằng, trước hết nền pháp trị nhất định phải phù hợp với các nước châu Âu và Hoa Kỳ, ngôn luận phải được tự do, nếu như hai điều cơ bản nhất này đều không thể phù hợp với thế giới, thì đều đừng nghĩ đến chuyện mở cửa to tát gì cả, điều này là không thể thực hiện được. Trung Quốc tự cho rằng mô hình cải cách mở cửa mấy chục năm vừa rồi là rất tốt, còn có thể tiếp tục thực hiện, nhưng hiện nay toàn thế giới ngày càng thấy rõ bản chất của Trung Quốc, cho nên những kế hoạch kia căn bản là không thể thực hiện được nữa.
“Đặc khu mà chỉ có mở cửa chứ không cải cách thì chỉ là phát triển và thịnh vượng ngắn ngủi tạm thời”
Đối với việc Trung Quốc xây dựng cải cách mở của Thâm Quyến 40 năm qua mà nói, những trang mạng thông tin của Bắc Kinh cho rằng, Thâm Quyến là kết quả của cải cách mở cửa, thậm chí còn là kết quả của việc sau khi Đặng Tiểu Bình trải qua cuộc nội đấu tàn khốc, hoặc là một loại thử nghiệm sau khi chứng kiến cảnh nghèo nàn lạc hậu, điều trọng yếu hơn chính là, Trung Quốc mong muốn xây dựng một đặc khu thử nghiệm giống như Hồng Kông, nhằm mượn sự phát triển kinh tế phồn thịnh để khoe khoang với trong nước và trên trường quốc tế.
“Lúc đầu, chính quyền Trung ương đã giao cho Thâm Quyến rất nhiều quyền, trong quá trình chuyển đổi từ phương thức kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường, thì người dân Hồng Kông ở sát đó đã phát huy tác dụng rất lớn, họ dựa vào ưu thế tài chính, kỹ thuật, quản lý… đã khiến cho Thâm Quyến phát triển nhanh chóng, tiếp theo đó là dòng vốn của Đài Loan các quốc gia khác tràn vào, mô hình phát triển bất động sản của Hồng Kông đã thực hiện vô cùng thành công tại Thâm Quyến, làm cho chính quyền địa phương cùng với một số nhỏ thương nhân đã kiếm được một lượng tiền khổng lồ.” Ông Lý Lâm nói tiếp: “Đặc biệt là sự hình thành chủ nghĩa tư bản quan lại quyền quý, trong khi những nhóm lao động giá rẻ phải vất vả kiếm sống thì giới quan lại quyền quý tư bản lại trở nên rất phổ biến và công khai, thể chế chính trị lâm vào bế tắc.”
Ông còn nói: “Đặc khu mà chỉ có mở cửa mà không cải cách thì chỉ là phát triển và thịnh vượng ngắn ngủi tạm thời, nhưng cuối cùng sẽ rơi vào tình trạng khó khăn và suy thoái, thể chế chính trị cứng nhắc, ngăn cấm thông tin, cũng sẽ kìm hãm năng lực sáng tạo đổi mới. Nếu như Thâm Quyến không có sự đột phá về mặt thể chế chính trị, thì sau khi toàn cầu hóa bị ảnh hưởng nặng nề bởi ôn dịch, thì Thâm Quyến sẽ không thể có được một tương lai tốt đẹp.”