Ông Tập rốt cuộc nên tìm ai để “tính sổ”?
Hôm 5/3, kỳ họp thứ tư của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc lần thứ 13 của Trung Cộng đã khai mạc. Ông Tập Cận Bình đã tham gia nghị sự cùng đoàn đại biểu Nội Mông vào cùng ngày, khi nhắc đến việc một số quan chức Nội Mông sử dụng tài nguyên quốc gia để hối lộ, nhận hối lộ, tiến hành các giao dịch quyền-tiền, ông nói: “Món nợ này luôn luôn cần tính sổ”.
Cách nói này của ông Tập không có gì là không đúng, tuy nhiên chưa nói được đến gốc rễ. Điểm mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ: Trong hơn 8 năm kể từ khi ông Tập phát động chiến dịch “đả hổ” chống tham nhũng vào tháng 1/2013, bất luận ông Tập áp dụng biện pháp chống tham nhũng gì chăng nữa thì những quan chức này vẫn tiếp tục “trước tham nhũng sau hối lộ” y như cũ, thậm chí có xu hướng “người còn sống thì còn tham ô”.
Ngày 27/2, tờ Tin tức Thanh tra và Giám sát Kỷ luật Trung Quốc (Trung Quốc Kỷ kiểm Giám sát Báo) đã đăng một bài báo dài, tiết lộ nội tình vụ tham nhũng hơn 3 tỷ NDT của Lý Kiến Bình, một quan chức cấp Cục ở Nội Mông. Đây được cho là “vụ án lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử đấu tranh chống tham nhũng của Nội Mông”.
Bài báo cho biết Lý Kiến Bình đã giữ chức Bí thư Ban Công tác Đảng của Khu Phát triển Kinh tế và Công nghệ Hồi Hột trong vòng 7 năm, từ tháng 3/2011 đến tháng 9/2018. “Lý Kiến Bình đã biến lĩnh vực được phân công quản lý thành ‘lãnh địa riêng’, lộng quyền bá đạo, hung hăng càn quấy, khiến Khu phát triển Kinh tế và Công nghệ cấp quốc gia vốn là “đầu tàu” trọng yếu cho sự phát triển của thủ phủ Khu tự trị Nội Mông bị tổn hại nghiêm trọng, đứng trước bờ vực tan hoang.”
Vụ án này có 9 đặc điểm chính:
Thứ nhất, vấn đề tham nhũng của Lý Kiến Bình phát sinh sau khi ông Tập phát động chiến dịch “đả hổ” chống tham nhũng.
Thứ hai, số tiền tham nhũng của Lý Kiến Bình vượt quá tất cả các quan chức ở Nội Mông từng bị điều tra và xử lý trước đó. Trước Lý Kiến Bình, quan chức có số tiền tham nhũng cao nhất ở Nội Mông là Dương Thừa Lâm, cựu chủ tịch Ngân hàng Nội Mông, bị kết án tử hình hoãn thi hành án với số tiền tham nhũng hơn 600 triệu NDT.
Thứ ba, Lý Kiến Bình có số tiền tham nhũng vượt quá số tiền tham nhũng được công khai của tất cả các tham quan trong suốt 71 năm cầm quyền của Trung Cộng. Quan chức có số tiền tham nhũng lớn nhất trước đó là Lại Tiểu Dân, cựu chủ tịch tập đoàn Hoa Dung, bị xử tử vào ngày 29/1, người đã nhận hối lộ 1.788 tỷ NDT và tham ô 25.13 triệu NDT.
Thứ tư, trước khi vụ án Lý Kiến Bình bị phanh phui, các cấp lãnh đạo của thành phố Hồi Hột như Bí thư Thành ủy, Thị trưởng, Bí thư Ủy ban Kỷ luật, Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, Chủ tịch Chính hiệp, và Cục trưởng Cục chống tham nhũng thuộc Viện kiểm sát,… hầu như không có bất kỳ sự giám sát nào đối với Lý Kiến Bình.
Thứ năm, trước khi vụ án Lý Kiến Bình bị phanh phui, các cấp lãnh đạo của khu tự trị Nội Mông Trung Quốc như Bí thư Đảng ủy, Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Ủy ban Kỷ luật, Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, Chủ tịch Chính hiệp, và Cục trưởng Cục chống tham nhũng thuộc Viện kiểm sát,…. hầu như không có bất kỳ sự giám sát nào đối với Lý Kiến Bình.
Thứ sáu, trước khi vụ án Lý Kiến Bình bị phanh phui, Tổng Bí thư Ủy ban Trung ương Trung Cộng, Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, Giám đốc Ủy ban Giám sát Quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc của Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc, và Cục trưởng Cục chống tham nhũng của Viện kiểm sát tối cao hầu như không có bất kỳ sự giám sát nào đối với Lý Kiến Bình.
Thứ bảy, trước khi vụ án Lý Kiến Bình bị phanh phui, tất cả các phương tiện truyền thông mang họ “Đảng” của Trung Cộng, bao gồm Nhân dân Nhật báo, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, và Đài Phát thanh Truyền hình Nhân dân Trung ương Trung Quốc,…từ Nội Mông cho đến Bắc Kinh, hầu như không có bất kỳ sự giám sát nào đối với Lý Kiến Bình.
Thứ tám, trước khi vụ án Lý Kiến Bình bị phanh phui, các “tổ chức quần chúng” hay “quần chúng nhân dân” như Đoàn Thanh niên Cộng sản, Hội liên hiệp Phụ nữ và công đoàn ở Hồi Hột và Khu tự trị Nội Mông đều hầu như không có bất kỳ sự giám sát nào đối với Lý Kiến Bình.
Thứ chín, theo tờ “Tin tức kiểm tra và giám sát kỷ luật Trung Quốc” đưa tin, ở Khu phát triển kinh tế và công nghệ Hồi Hột, Lý Kiến Bình giống như “hoàng đế một phương”. Với tư cách là Bí thư Ban Công tác Đảng của khu phát triển, là lãnh đạo cao nhất, Lý Kiến Bình chính là người thực thi “quyền lãnh đạo tuyệt đối”, các việc ra quyết sách, thực thi, giám sát nhân lực, vật lực, tài lực,…của Khu phát triển này đều do một tay Lý Kiến Bình quyết định.
Sau khi xảy vụ việc, Lưu Kỳ Phàm, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật kiêm Giám đốc Ủy ban Giám sát Khu tự trị Nội Mông, đã tóm gọn các vấn đề tồn tại trong vụ án của Lý Kiến Bình trong “thập loạn” (mười cái loạn): loạn lập công ty, loạn lập chức vụ, loạn tuyển nhân viên, loạn ký thỏa thuận, loạn vay vốn, loạn mở tài khoản, chế độ tạp loạn, quản lý hỗn loạn, thể chế rối loạn và giám sát tản loạn.
Trung Cộng tuyên bố có 91 triệu đảng viên. Các đảng viên Trung Cộng được mệnh danh là những “chiến sỹ tiên phong có giác ngộ cộng sản chủ nghĩa”. Các cán bộ lãnh đạo của Trung Cộng được gọi là “công bộc của nhân dân”. Cho dù là Khu phát triển kinh tế và công nghệ Hồi Hột, hay là khu tự trị Nội Mông cho đến thủ đô Bắc Kinh của Trung Cộng, nơi cách Hồi Hột 484km, thì những quan chức trọng yếu trong các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và tổ chức đều là đảng viên Trung Cộng. Tuy nhiên, ngay trước mắt vô số đảng viên và cán bộ lãnh đạo của Trung Cộng, Lý Kiến Bình lại có thể gây ra “thập loạn” ở Khu Phát triển Công nghệ và Kinh tế Hồi Hột. Lý do tại sao?
Ngày 29/7/2014, chính quyền ông Tập Cận Bình thông báo rằng Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Cộng kiêm Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương, đã nộp đơn yêu cầu thẩm tra lại.
Ngày 11/6/2015, Chu Vĩnh Khang bị Tòa án Trung cấp số 1 Thiên Tân kết án tù chung thân về các tội nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ, tiết lộ bí mật quốc gia. Tòa án kết luận rằng: Trong thời gian giữ các chức vụ Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên Trung Cộng, Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Cộng, Bộ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Quốc vụ viện, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Tổng cục Chính trị Trung Cộng, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương, Chu Vĩnh Khang đã nhận 130 triệu NDT hối lộ, lạm dụng chức vụ gây thiệt lại 1.486 tỷ NDT và cố tình tiết lộ thông tin quốc gia, tình tiết đặc biệt nghiêm trọng.
Chu Vĩnh Khang từng là phó tổng giám đốc của PetroChina từ năm 1988 đến năm 1996, và là Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Cộng kiêm bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương từ năm 2007 đến năm 2012. Giả sử Chu Vĩnh Khang bắt đầu tham nhũng vào năm 1996, thì thời gian tham nhũng tính đến năm 2012 đã là 16 năm. Trong 16 năm này, Chu Vĩnh Khang vừa tham nhũng vừa được đề bạt trọng dụng, từ phó tỉnh (phó bộ) lên đến cấp tỉnh (bộ), rồi lên cấp phó quốc gia, cuối cùng lên đến cấp quốc gia.
Chu Vĩnh Khang tham ô 16 năm, lại được đề bạt trọng dụng 16 năm, tại sao lại như vậy?
Ngày 14/6/2020, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương thông báo Đặng Khôi Lâm, cựu Phó thị trưởng kiêm giám đốc công an thành phố Trùng Khánh bị điều tra vì vi phạm nghiêm trọng kỷ cương pháp luật.
Dưới góc nhìn thông thường, Đặng Khôi Lâm đáng lẽ ra nên là người cuối cùng bị điều tra về tội “vi phạm nghiêm trọng kỷ cương pháp luật”. Lý do là vì:
Thứ nhất, với tư cách là một quan chức chống tham nhũng, Đặng Khôi Lâm đã tham gia điều tra xử lý hàng loạt vụ án của Chu Vĩnh Khang.
Trong nhiệm kỳ Bí thư Ủy ban Pháp luật thành phố và Giám đốc Công an ở Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, Đặng Khôi Lâm đã tham gia vào cuộc điều tra vụ án tham nhũng của vợ thứ hai của Chu Vĩnh Khang là Giả Hiểu Diệp, con trai cả Chu Bân, và bí thư Quách Vĩnh Tường. Giả Hiểu Diệp bị kết án 9 năm tù; Chu Bân bị kết án 18 năm tù với số tiền phạt 350.2 triệu NDT; Quách Vĩnh Tường bị kết án 20 năm tù.
Thứ hai, trước Đặng Khôi Lâm đã có hai bí thư Thành ủy Trùng Khánh bị kết án nặng vì tội tham nhũng nghiêm trọng.
Ngày 25/10/2013, Bạc Hy Lai, cựu Ủy viên Tổng cục Chính trị Trung Cộng kiêm Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, bị kết án tù chung thân vì nhận hối lộ 21.79 triệu NDT và tham ô 5 triệu NDT. Ngày 8/5/2018, Tôn Chính Tài, cựu Ủy viên Tổng cục Chính trị Trung Cộng kiêm Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, đã bị kết án tù chung thân vì nhận hối lộ hơn 170 triệu NDT.
Thứ ba, trước Đặng Khôi Lâm đã có ba Giám đốc Công an Trùng Khánh bị điều tra xử lý vì tội tham nhũng.
Ngày 11/11/2016, Chu Minh Quốc, người từng giữ chức Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật kiêm Giám đốc Công an Trùng Khánh, bị kết án tử hình hoãn thi hành án hai năm vì tội nhận hối lộ hơn 141 triệu NDT và sở hữu số sản khổng lồ hơn 91.04 triệu NDT không rõ nguồn gốc. Ngày 24/9/2012, Vương Lập Quân, cựu Phó thị trưởng kiêm Giám đốc Công an Trùng Khánh, bị kết án 15 năm tù cho 4 tội danh trong đó có tội phản bội. Ngày 9/10/2017, Hà Đĩnh, cựu Phó thị trưởng và Giám đốc Công an Trùng Khánh, đã bị khai trừ Đảng và khai trừ công chức do vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, bị giáng chức xuống lãnh đạo cấp phó và cho nghỉ hưu sớm.
Thứ tư, Đặng Khôi Lâm từng làm việc trong Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương trước khi đến Trùng Khánh.
Kể từ khi Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Cộng kiêm Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương, bị điều tra và truy tố vào năm 2014, Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương và Bộ Công an đã triển khai “quét sạch độc tố Chu Vĩnh Khang.” Một số quan chức chính trị và pháp luật cấp cao liên quan đến Chu Vĩnh Khang đã bị điều tra và xử lý, bao gồm Chu Bổn Thuận, cựu Tổng thư ký Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương và sau này là Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc, cùng Mạnh Hoành Vĩ, cựu Thứ trưởng Bộ Công an kiêm Chủ tịch Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol).
Tuy nhiên, Đặng Khôi Lâm không chỉ bị điều tra vì vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng mà còn có lịch sử tham nhũng lâu hơn cả Chu Vĩnh Khang.
Vào ngày 26/2, vụ án Đặng Khôi Lâm nhận hối lộ đã được Viện kiểm sát thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc đệ đơn lên Tòa án trung cấp thành phố Bảo Định. Đặng Khôi Lâm đã bị buộc tội: Lợi dụng quyền lực khi đang giữ các chức vụ Phó giám đốc Phòng Kế hoạch và Tài chính của Cục Quản lý Doanh nghiệp Thị xã Hồ Bắc; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế tỉnh Hồ Bắc; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế tỉnh Hồ Bắc, Phó thị trưởng thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật kiêm Giám đốc Công an thành phố Nghi Xương; Phó Giám đốc Công an tỉnh Hồ Bắc; Trưởng Phòng Điều phối chỉ đạo Chống ly khai Bộ Chính trị Trung ương kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương; Phó Thị trưởng kiêm Giám đốc Công an Trùng Khánh, v.v… để tạo điều kiện cho người khác trục lợi trong hoạt động kinh doanh, xử lý biển số xe đặc biệt, điều chỉnh thăng chức, v.v…, nhằm tìm kiếm lợi ích, thu nhật tiền vật phi pháp, số tiền nhận hối lộ đặc biệt lớn, đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật về tội nhận hối lộ.
Đặng Khôi Lâm giữ chức vụ Phó Phòng Kế toán và Tài chính Cục Quản lý Doanh nghiệp tỉnh Hồ Bắc vào năm 1996, thời gian tham nhũng tính đến khi bị bắt vào năm 2020 là 24 năm. Trong suốt thời gian 24 năm, Đặng Khôi Lâm một mạch tham nhũng, một mạch được đề bạt trọng dụng, từ cấp phó phòng ban đến cấp phó tỉnh (bộ).
Việc Đặng Khôi Lâm “đột nhiên nhảy dù” về Trùng Khánh công tác khẳng định đã được ông Tập Cận Bình chấp thuận.
Ngoài Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, thì Trùng Khánh là thành phố thứ tư trực thuộc Trung ương và là thành phố trọng yếu nhất của khu vực Tây Nam. Trước đó tại Trùng Khánh đã có hai bí thư Thành ủy và ba chánh văn phòng công an “ngã ngựa” do tham nhũng. Ủy viên Bộ Chính trị Trung Cộng kiêm Bí thư Thành ủy Trùng Khánh hiện nay là Trần Mẫn Nhĩ, một thân tín quan trọng của ông Tập và được cho là có khả năng sẽ kế nhiệm ông Tập. Theo tư duy logic thông thường, ông Tập không thể không “cẩn trọng trên cả cẩn trọng” trong việc lựa chọn Giám đốc công an Trùng Khánh.
Thế nhưng, ông Tập chọn tới chọn lui, cuối cùng chọn Đặng Khôi Lâm, nhân vật đã tham nhũng từ năm 1996! Vào ngày 23/2 và 1/3, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Trần Mẫn Nhĩ đã hai lần chỉ trích nghiêm khắc Đặng Khôi Lâm, gọi Đặng là nơi “tập trung thoái hóa biến chất chính trị, tham nhũng kinh tế, hủ hóa sinh hoạt, bại hoại đạo đức, đặc phong cách hống hách lạm quyền; là một tấm gương phản diện về vi phạm kỷ luật chính trị, chà đạp pháp quyền, lạm dụng quyền lực, bại hoại đạo đức”.
Tháng 1/2018, Đặng Khôi Lâm được “bầu” làm Phó Thị trưởng Trùng Khánh. Phó thị trưởng Trùng Khánh là quan chức cấp phó tỉnh (bộ). Theo thông lệ của Trung Cộng, việc đề bạt và bổ nhiệm cán bộ cấp phó tỉnh (bộ) phải được Bộ Tổ chức Trung ương và Bộ Chính trị Trung ương Trung Cộng thảo luận và thông qua. Vậy thì xin hỏi: Khi ấy Bộ Tổ chức Trung ương đã viết báo cáo khảo sát điều tra về Đặng Khôi Lâm như thế nào? Bộ Chính trị Trung Cộng thảo luận như thế nào về quyết định đề bạt và bổ nhiệm Đặng Khôi Lâm?
Ông Tập Cận Bình chọn tới chọn lui, cuối cùng chọn Đặng Khôi Lâm, một phần tử tham nhũng nghiêm trọng “ngũ độc câu toàn”. Sao lại có chuyện như thế?
Từ ba trường hợp Lý Kiến Bình, Chu Vĩnh Khang và Đặng Khôi Lâm, có thể thấy rõ rằng: Tế bào ung thư tham nhũng của Trung Cộng đã xâm nhập đến tận xương tủy và lan ra khắp cơ thể, vô phương cứu chữa, Trung Cộng đã trở thành đảng chính trị tham nhũng nhất thế giới.
Theo tờ “Nhân dân Nhật báo” đưa tin, sau khi ông Tập Cận Bình nói trước đoàn đại biểu Nội Mông rằng “món nợ này luôn luôn cần tính sổ”, thì “cả hội trường lặng ngắt như tờ”.
Điều tác giả muốn nói ở đây là: Trung Cộng đã hoàn toàn mục nát rồi, “món nợ” này thành cũng cần phải được “tính sổ”!
Do Gao Yi thực hiện
Hằng Nga biên dịch
Xem thêm: